Bài CHU
Quảng Nam còn rất nhiều điểm đến, nhưng nói thật, đi du lịch mà ở miết một chỗ để khám phá hết điểm này đến điểm khác thì vui hay sâu đâu không thấy mà sẽ thấy chán, bởi người nào chọn xê dịch thì chắc chắn có thêm tính mau chán những gì cứ thấy mãi hằng ngày, gặp đi gặp lại mỗi ngày. Ví dụ như các đặc sản xứ Quảng, nếu ăn đôi lần thì thấy ngon chứ chừng hai ngày liên tục thì ôi thôi… Đi thăm Huế vậy, đi Huế bây giờ thoải mái và dễ đi hơn thời xưa nhiều!
Nói giờ dễ đi hơn xưa nhiều, chữ xưa ở đây có lẽ kéo dài đến tận những năm 1960 kia chứ không riêng gì những năm sau 1975. Bởi những năm trước 1975, đèo Hải Vân được xem là con đèo ngoạn mục và nguy hiểm bậc nhất thời Việt Nam Cộng Hòa, rồi tới đèo Cả, tức đèo Cổ Mã, rồi Cù Mông, An Khê… Tức lúc đó, người ta chưa bao giờ nghe tới Mã Pí Lèng hay đèo Pha Đin, đèo Ô Quy Hồ như bây giờ, bởi bên kia vĩ tuyến 17 là thuộc về phía Bắc Việt Cộng Sản.
Thời trước 1975, qua đèo Hải Vân chẳng mấy ai dại mà chọn đi đêm, bởi rất có thể giữa lưng chừng đèo, các ông đội nón cối xông ra, coi như hết đường lui, hoặc giả đường quá vắng, người ta không chọn qua đèo ban đêm… Sau 1975, đèo Hải Vân cũng vẫn là một con đèo ngoạn mục và nguy hiểm bậc nhất, mãi đến những năm 1990, người Việt ở hải ngoại về thăm quê, có vị mới bỏ tiền san ủi những hầm tránh nạn, sau đó tặng những chiếc kính lồi đặt ở các khúc cua hiểm yếu, tai nạn giảm hẳn.

Mãi đến những năm 2000, hầm Hải Vân mới bắt đầu được xây dựng, 5 năm sau tức năm 2005, việc đi qua hầm chỉ còn tốn một phần ba thời gian so với qua đèo, đoạn đường rút ngắn còn một nửa và tốc độ trung bình xe chạy từ 50km/h đến 60km/h, khác xa so với việc rồ ga chạy rù rì lên đèo và khi đổ dốc thì dẫm phanh đến khét cả bố thắng. Nhưng, cũng từ khi hầm Hải Vân đi vào hoạt động thì đèo Hải Vân trở thành thắng cảnh du lịch thơ mộng, người ta rủ nhau lên đèo chơi, thăm thú, chụp ảnh với chòi canh.
Nói tới chòi canh đèo Hải Vân, tức Hải Vân Quan, được xây dựng từ thời Minh Mạng, bên trên đồn trú có mấy chữ “đệ nhất hùng quan,” tức “cửa ngõ hùng vĩ bậc nhất,” có lẽ người ta phải nhắc thêm đến Hải Vân Sơn Tự, đây là ngôi chùa đã hoàn toàn mất dấu những năm cuối thập niên 1990 thế kỉ trước. Rất may cho người viết bài này, những năm 1990, tôi từng nhảy tàu chợ Đà Nẵng – Huế để xuống thăm chùa và ở lại đó học đạo một thời gian, cứ đến đầu mùa hè là tôi bắt xe buýt ra Đà Nẵng, vào ga Đà Nẵng mua một vé tàu chợ để rồi đến hầm số 4, nhân lúc tàu chạy chậm, lại nhảy tàu, đi băng xuống thung lũng, đến chùa, ở lại, học đạo…

Đến năm 1995 thì nhà nước chính thức phá bỏ chùa để lấy đất, bởi đây là khu dự trữ sinh quyển quốc gia, rồi đất quân đội gì đó. Thế nhưng rồi sau đó hai mươi năm, ở các vị trí gần ngôi chùa đã mất lại mọc lên những ngôi chùa mới, bề thế và to lớn hơn Hải Vân Sơn Tự rất nhiều. Mỗi khi nhắc chuyện này, tôi lại thấy bùi ngùi tiếc.
Tiếc bởi Hải Vân Sơn Tự là một ngôi chùa mới mọc lên những năm sau 1975 nhưng lại là di tích lịch sử quý giá. Trước mặt chùa là con suối chảy men theo dãy Bạch Mã, ra tận Huế. Bên bờ suối có một con đường lót bằng đá ong đẽo lục giác, các sư nói với tôi rằng Trụ trì từng thử khám phá men theo con đường đá ong và đi mãi vẫn không hết đường, sau này ngài mới mở thư tịch cũ, mới hiểu rằng con đường này dẫn từ Huế vào, nó là con đường dành riêng cho lính thú biên phòng, và chánh điện của chùa từng là ngôi nhà bỏ hoang, lợp ngói âm dương, tường gạch thành tỉnh dày cả mét và xây rất ư kiên cố này vốn là đồn trú của lính.
Từ chỗ đồn trú này có con đường bộ dẫn lên đỉnh núi, ngay khu vực Hải Vân Quan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tổ chức một trại lính dưới thung lũng để lính thú có thể chia phiên, thay nhau lên trực trên Hải Vân Quan. Chỉ nghĩ đến cảnh đìu hiu của núi thời xa xưa, rồi những người lính thú chịu cái lạnh cắt da cắt thịt dưới thung lũng (lạnh cả ngày lẫn đêm, có lẽ vì vậy mà tường trại xây rất dày, cả mét để chống với cái lạnh) cũng đủ thấy thương và biết ơn ông cha ngày trước.
Thế nhưng chẳng may, mọi thứ tan hoang, rồi những thứ mới mẽ mọc lên để “đón du lịch,” may sao vẫn còn con đường đèo thơ mộng và Ải Vân Quan vẫn chưa bị lấy gạch xây nhà kho!

Từ Đà Nẵng ra Huế, nếu đi bằng xe máy, bạn nên chọn tuyến đèo Hải Vân mà đi, bởi hai bên đường từ ngã ba Huế, qua khỏi cầu vượt ngã ba Huế bạn đã bắt gặp rất nhiều điểm mà nếu thấy mệt, bạn ghé vào thăm thú, nghỉ ngơi để lấy năng lượng đi tiếp, những ngôi chùa cổ, khu du lịch sinh thái, làng cổ Nam Ô, bãi biển Nam Ô với một lớp rêu xanh phủ dày trên các tảng đá đẹp như giấc mộng… Qua khỏi cầu Nam Ô, thay vì rẽ vào đường hầm Hải Vân, bạn đi tiếp lên đèo, đường đèo đã tái thiết phục vụ du lịch nên bạn cứ tự tin mà chạy xe, đường êm, lên lưng chừng đèo là bạn có thể dừng xe để chụp ảnh biển Đà Nẵng, thành phố và bán đảo Sơn Trà.
Sau đó bạn tiếp tục chạy xe lên đỉnh đèo, Hải Vân Quan bây giờ là một quần thể di tích, du lịch sinh thái, ở đó bạn có thể nghỉ trưa, ăn uống, vào khu nghỉ dưỡng của một thi sĩ miệt vườn Lại Thanh Hà (nhưng ông luôn tự gọi mình là Lại Phiền Hà), bạn nhớ chịu khó đọc thơ nếu tác giả đến đọc thơ, làm quen nhé, vì ông này sống rất thơ, miễn bạn biết đọc thơ và chịu nghe thơ, trả tiền nước thì tùy tâm, còn chỗ ngồi nghỉ ngơi, phòng ngủ trưa, ông không cần bạn trả nếu như bạn là người am hiểu thơ).
Tại Hải Vân Quan, bạn có thể nghỉ qua đêm để dành năng lượng cho một ngày mai chạy xe ra Huế, cũng theo đường đèo thơ mộng, chỉ thấy toàn mây với biển này!
