Huế, Nhà Thờ Phủ Cam

Bài CHU

Chợ chiều Bến Ngự chưa tan
Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình.

Đây là hai câu cuối trong bài thơ Gửi Huế – Nhớ Bạn của thi sĩ Nguyễn Duy, có thể được xem là cặp lục bát nói về địa danh Phủ Cam (được gọi là Phú Cam trước đây) ấn tượng nhất. Nó khiến người ta hình dung đến một ngày mưa, mưa Huế tím ngan ngát, lây rây, có lúc nhạt nhòa, ai đó đi trong hiu quạnh, cô đơn, ngược về phía đồi Phủ Cam, nơi có một ngôi thánh đường và dường như con đường trở nên lạnh, hàng cây trở nên lạnh vì thiếu vắng người quen…

Dốc Phủ Cam, Nhà Thờ Phủ Cam và quan cảnh ở dốc Phủ Cam, không hiểu sao gần cả nửa thế kỉ sau, kể từ lúc thi sĩ đi qua con đường này, mà cái phong khí buồn buồn, một thứ gì đó sâu hun hút nhưng hiện hữu trong mỗi bước chân vẫn đâu đó, quanh quất. Một con đường rợp cây xanh, con đường băng qua một barie chắn của đường tàu hỏa, thi thoảng, người ta phải dừng lại chờ tàu đi qua, những con tàu cũ kĩ của thế kỉ trước vừa chạy vừa thở phì phò qua thành phố cổ. Nhưng cũng có thể chỉ còn chưa đầy hai cây số nữa là tiến vào ga Huế, nên tàu phải chạy chậm.

Một con đường tưởng chừng như vô cùng lạ lẫm ở xứ Huế, vừa lạ vừa thân quen, lạ bởi có những góc khuất trên đường mà nhìn vào, bạn không thể nào tin rằng mình đang đứng trong một thành phố du lịch, một cố đô hay một danh thắng đã thuộc vào hàng di sản thế giới. Những góc nhà lụp xụp, nằm nghiêng nghiêng bên dốc cao, có vài tiệm hớt tóc, có vài quán bán thuốc lá và có thêm vài cái bàn để bán bia tươi, đậu phụng rang. Chiều đến, có thêm món thịt nướng lu. Bạn thử tưởng tượng có một buổi chiều, không buồn không vui, mọi sự yên tĩnh, lặng lẽ, bạn đi đâu đó về, ngồi trong một quán cà phê, nhìn sang nhà thờ trên một ngọn đồi cao, nhìn về phía dốc trước mặt nhà thờ, có một cái quán nhỏ, khói bay liu phiu, xa xa là một đoàn tàu cũ kĩ đang lê mình qua phố…

Cũng ngay tại dốc Phủ Cam này, dường như thượng vàng hạ cám đều có. Khách sạn đẹp, nhà trọ bình dân, quán ăn bình dân, nhà hàng hạng sang đều có. Nhưng, điểm thú vị ở nơi đây là giữa quán ăn bình dân và nhà hàng sang trọng có mức giá khá là tương đương với nhau. Ví dụ bạn chuẩn bị hai trăm ngàn đồng cho một bữa ăn tối cho hai người chẳng hạn, bạn vào quán bánh canh cua bình dân hay bún bò Huế bên đường, chừng đó tiền cũng vừa đủ để bạn ăn món chính và gọi thêm vài món phụ. Thế nhưng cũng chừng đó tiền, bạn vào nhà hàng Phủ Cam, bên cạnh khách sạn Phủ Cam, bạn vẫn có thể ăn no cho hai người với món cá nhét um chuối và bún gạo, uống vài chai bia Huda. Cái hay của con đường này là vậy, một con đường có rất nhiều quán ăn bên dưới hàng cây nhưng không cho cảm giác phố xá xô bồ, một con đường mà cái hiện đại hòa lẫn trong nét cổ điển và cả những nét xã hội chủ nghĩa đặc trưng thời kinh tế tập trung bao cấp.

Đó là chưa muốn nói thêm về một con đường mà ở đó, bạn luôn có cảm giác mình đang cố gắng đi lên một dốc cao nhưng sự cố gắng ấy không làm đổ mồ hôi bởi bóng mát cây xanh cũng như những nụ cười mời chào của người bán hàng hai bên đường. Họ chỉ cười, gật đầu chào thôi, không chèo kéo, tôi đã thử đi nhiều lần và điều này không hề thay đổi. Và một con đường mà càng về phía dốc cao, bạn càng giảm dần cảm giác tục lụy, bởi ở cuối con dốc kia là ngôi thánh đường uy nghi và cổ độ, nhà thờ Phủ Cam.

Theo Wikipedia tiếng Việt, Nhà Thờ Phủ Cam: “Vào thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, “Phủ Cam” (府柑) vốn là một phủ, là chỗ ở của các hoàng tử.[1]

“Thời gian đó, đa số các nhà thờ Công giáo ở Huế chỉ là những nhà nguyện đơn giản với sườn gỗ, mái tranh. Khi các vua chúa Việt Nam hạ lệnh cấm đạo gay gắt thì bị triệt hạ đi. Dưới thời Pháp thuộc, các nhà thờ được xây dựng trở lại và dần được nâng cấp thêm khang trang, bề thế. Nhà thờ Phủ Cam là một trường hợp như vậy.

“Năm 1682, linh mục Langlois cho xây dựng nhà nguyện Phủ Cam bằng tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu.

“Hai năm sau, linh mục đã cho triệt giải nhà nguyện này và mua đất trên đồi Phước Quả để xây dựng một nhà thờ to lớn hơn và kiên cố bằng đá, lúc đó nhà thờ quay về hướng Tây. Đó là một công trình to lớn, chắc chắn và được chúa Nguyễn Phủc Tần thán phục. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1698, ngôi nhà thờ ấy bị triệt giải hoàn toàn.

“Sau đó hai thế kỷ, vào năm 1898, Giám Mục Eugène Marie Allys (Giám Mục Lý) đã cho xây mới Nhà Thờ Phủ Cam bằng gạch, mái lợp ngói khá đồ sộ ở vị trí cũ nhưng mặt quay về hướng Bắc. Công trình này do chính Giám mục thiết kế và giám sát thi công đã hoàn thành vào năm 1902.

“Năm 1960, sau khi Giáo Phận Huế được nâng lên hàng Tổng Giáo Phận và Tổng Giám Mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long về nhận chức Tổng Giám Mục Huế, ông đã cho phá hủy toàn bộ nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây cất Nhà Thờ Chính Tòa mới với đồ án do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện.

“Đầu năm 1963, nhà thờ bắt đầu được khởi công xây dựng. Trong khi việc xây dựng đang tiến hành thì xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại và Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục lúc đó đang đi họp Công Đồng Vatican II bên Roma, vì hoàn cảnh chính trị không trở về Việt Nam, việc xây dựng cũng bị chững lại.

“Trong sự kiện Tết Mậu Thân (1968), chiến tranh đã làm hư hại phần lớn công trình kiến thiết nhà thờ và việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại mãi cho đến trước 1975 vẫn chưa hoàn thành.

“Sau 1975, do hoàn cảnh, mọi công tác xây dựng đều tiến hành chậm chạp, và đến năm 1995, phần thân nhà thờ về cơ bản được hoàn thành.

“Năm 1999, để chuẩn bị cho hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 2000, là ngày Tổng Giáo phận Huế cung hiến Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo Phận Huế (kể từ khi tách rời khỏi Giáo Phận Đàng Trong), Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Văn Thể hạ quyết tâm bằng đủ mọi cách phải hoàn thành các trang trí bên trong nhà thờ và hai tháp chuông trước tiền đường. Công trình xây cất đã hoàn tất vào tháng 5 năm 2000.

“Phía trước Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam có hai tượng đúc: bên phải là thánh Phêrô, bên trái thánh Phaolô cũng là những bổn mạng của giáo xứ Phủ Cam.”

Những gì cần tìm hiểu, khám phá thêm, có lẽ bạn nên đến nơi này một lần. Thú vị và sâu lắng, chỉ có thể nói vậy! Và bạn sẽ trả lời được thắc mắc rằng sao trước đây gọi nhà thờ Phú Cam, bây giờ, nhiều người gọi Phủ Cam, dốc Phủ Cam, vậy đâu là tên đúng, có ý nghĩa?! Cũng có thể Phủ có nghĩa gần với một bài thơ, một bài thơ đi lên ngọn đồi.

Leave a Reply