Kinh tế khủng hoảng, mẹ hãy cứ bình tâm

(Uyển Nhi/ Viễn Đông)

Bài UYỂN NHI

Tôi gặp nhiều trường hợp như vậy, các mẹ than phiền tình hình kinh tế gia đình ngày càng khó khăn, mọi khoản thu nhập bắt đầu eo hẹp đủ các hướng nhưng vật giá leo thang không ngừng, bên cạnh đó, giá điện, nước cũng tăng, vật giá liên tục tăng, điều này gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến tâm lý các mẹ, trong trường hợp mẹ có con lớn đang đến trường, lại sinh thêm em bé, dường như mọi sự bế tắc.

Tôi có người quen, chồng làm nghề thợ hồ, bản thân chị đi buôn bán trái cây, anh chị đã có ba người con, vỡ kế hoạch, sinh đứa con thứ tư, gia cảnh khó khăn nhưng vì thương con, anh chị nhất quyết không nghe theo lời khuyên của ban kế hoạch hóa gia đình mà quyết tâm chịu đựng mọi khó khăn để sinh em bé.

Thử tưởng tượng chị ấy mang bầu em bé ngay trong mùa dịch, ngăn sông cấm chợ, chồng thất nghiệp, vợ cũng tìm cách ship trái cây cho khách nhưng cái thời đi đâu cũng bị hỏi han, cấm kị như vậy mà một người phụ nữ bụng mang dạ chửa phải chạy vạy, tìm đường luồn lách, tránh né để giao trái ca6y cho khách là cực khổ cỡ nào rồi.

May cho chị là khi chị sinh cháu, dịch cũng vừa vãn và chuyện ngăn sông cấm chợ cũng không còn, việc đi lại để chăm chị có phần dễ hơn. Thế nhưng bù vào đó, còn bao nhiêu đồng dự trữ chị đã dùng để mua thức ăn, mua sách vở, áo quần cho con đi học và mua sữa cho bà bầu, mua thuốc dưỡng thai… Mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn với chị.

Điều đáng nói ở đây là hầu như anh chị gồng lưng chịu đựng mọi khổ sở và khó khăn, không hề nhận sự trợ giúp từ bất kì ai và cũng không than vãn hay xin nhà trường giảm học phí cho các con đang đi học.

Những tháng đầu tiên cháu bé ra đời thật là khổ sở với chị, ngay cả gạo cũng phải mua nợ, anh đi làm, có thể nói là cày đến đầu tắt mặt tối mới đủ tiền cơm nước cho gia đình. Những đứa con lớn phải làm những công việc khó ngoài sức tưởng tượng như giúp mẹ giặt áo quần em bé, giúp mẹ xông hơ, tắm táp cho em bé… Và kì diệu ở chỗ những đứa bé lớn tuy còn rất nhỏ nhưng đã làm công việc này hết sức chu toàn và chúng thấy hạnh phúc khi có em bé ra đời.

Hiện tại, bé út của anh chị đã hơn tuổi rưỡi và mọi thứ vẫn chưa có dấu hiệu vãn hồi, bởi anh vẫn cứ phải cày hết tốc lực để mua gạo, thức ăn, còn chị lại vừa tranh thủ buôn trái cây, vừa chăm con. Nhưng khi trò chuyện về tương lai của các cháu, tôi mới thực sự ngỡ ngàng và hiểu ra được vì sao họ đủ bản lĩnh để bảo toàn hạnh phúc khi điều kiện kinh tế eo hẹp đến như vậy.

Chị cho rằng con cái không phải do mình sinh ra mà do Thượng Đế đã ban tặng cho con người, khi Ngài ban tặng con cái cho chúng ta thì chúng ta không được quyền từ chối, và khi Ngài ban tặng con cái, chắc chắn Ngài cũng ban tặng thức ăn và tương lai cho con cái chúng ta nhưng do chúng ta không biết tìm đến để nhận về hoặc quá phân tâm trong lúc đi đến nơi nhận nên chúng ta luôn nghèo khổ, không thể giúp con mình được nhiều. Ngược lại, nếu chúng ta yêu con cái mình hết lòng và cám ơn Thượng Đế đã ban tặng, mở rộng cõi lòng để nghe tiếng cười của con, mở rộng tâm hồn để đón ngọn gió của sức mạnh yêu thương mà mạnh chân đi đến nơi Thượng Đế đang bày biện thức ăn cho các con chúng ta thì nhất định chúng ta sẽ gặp chân hạnh phúc.

Việc đi đến bữa ăn Thượng Đế ban cho không có gì ngoài khác việc kiếm tiền, siêng năng và tự tin vào tương lai. Thay vì nhìn vào ánh mắt mệt mỏi sau một ngày làm việc cực nhọc của mình, hãy nhìn vào đôi mắt hồn nhiên, tươi sáng và đong đầy yêu thương của con trẻ, đó là ánh sáng, là sức mạnh mà Thượng Đế ban cho cha mẹ để đi đến nơi chốn phồn thịnh, sầm uất của đời sống, của số phận…

Có lẽ nhờ nhìn vào ánh mắt của con trong lúc mệt mỏi nhất mà anh chị luôn vượt thắng mọi gian nan và các con vẫn ngày ngày đến lớp, việc học hành vẫn tốt đẹp, cháu bé vẫn được chăm chuốt từng li từng tí, dường như chẳng nhìn thấy nỗi khốn khó của họ mặc dù họ đang thực sự khốn khó.

Nhiều lần tôi hỏi chị về việc chị quá dũng cảm bán toàn bộ số vàng dự trữ (sáu chỉ vàng) để mua thức ăn và bồi bổ cho thai nhi bằng các loại thuốc hỗ trợ mà không lo lắng đến ngày mai… Chị mỉm cười, chia sẻ với tôi rằng điều quan trọng nhất vẫn là con cái, việc dành dụm, tiết kiệm là “tích cốc phòng cơ”, bây giờ cơ đã đến, tức thời cơ khó khăn đến bên chân, nếu không “giải cốc” mà khư khư ôm cục tiền dự trữ thì việc dự trữ ấy có ý nghĩa gì, lỡ đau ốm thì sao… Và kết quả là cháu bé ra đời khỏe mạnh, anh chị ít phải lo lắng về sức khỏe cho các con của mình.

Vậy mới thấy rằng câu nói của ông bà xưa “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay. Giàu hay nghèo không quan trọng lắm đối với một đời người, hôm nay bạn nghèo, nhưng bạn có ý chí và quyết tâm thì ngày mai bạn sẽ giàu, nhưng con cái, vốn liếng yêu thương nếu không có được thì sự giàu – nghèo phỏng ý nghĩa gì? Chính vì quan niệm con cái là lẽ sống, là lý do để hôn nhân tiến đến và tồn tại cũng như con cái là động lực để chúng ta nỗ lực mà chúng ta mới có sức mạnh để đi đến tương lai. Và suy cho cùng, tương lai chính là con cái.

Vậy nên dù đang khó khăn, dù kinh tế đang khủng hoảng, các mẹ, các chị cũng ráng bình tâm, cố gắng nhé! Nụ cười con thơ sẽ giúp chúng ta bình an mỗi ngày và có sức cho ngày mới! Chúc các mẹ các chị và các bé luôn vui tươi, hạnh phúc và đong đầy yêu thương!

Leave a Reply