Kỷ niệm về Binh Chủng Biệt Động Quân

Tượng đài Biệt Động Quân ở Sài Gòn

Bài KIỀU MỸ DUYÊN

          Một ngày đẹp trời, Đỗ Mạnh Trường, sĩ quan tiểu đoàn 52, liên đoàn 3 Biệt Động Quân gọi tôi và nói:

          – Tổng hội Biệt Động Quân sắp ấn hành đặc san Biệt Động Quân, chị viết bài cho Biệt Động Quân nhé.

          Tôi trả lời:

          – Tôi sẽ cố gắng.

          Thế rồi Trường gọi cho ông hội trưởng tổng hội Biệt Động Quân là ông Tôn Thất Tuấn gửi email cho tôi ngay, nói ngày 12/5/2023 là hạn chót nhận bài vở cho đặc san Biệt Động Quân. Nhà binh lúc nào cũng là nhà binh, làm việc gì cũng nhanh như gió, vì ngày xưa sự quyết định của cấp chỉ huy ảnh hưởng đến sinh mạng của người lính, cho nên quyết chiến quyết thắng là thế.

Huy hiệu Biệt Động Quân. Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa là đơn vị bộ binh cơ động của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, là lực lượng tổng trừ bị thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

          Tôi viết rất nhanh, viết về đề tài nào cũng viết rất nhanh, người thật việc thật, không sống trên mây, không sống với ảo tưởng. Tôi viết bài về binh chủng hào hùng này từ tiểu đoàn 33 Biệt Động Quân, gọi là tiểu đoàn khăn tím, khăn quàng cổ của chiến sĩ tiểu đoàn 33 là khăn màu tím (màu tím hoa sim đó quý vị. Lính mà em, lính nào mà không lãng mạn chứ?)

          Liên đoàn 5 Biệt Động Quân gồm nhiều tiểu đoàn, tiểu đoàn mà tôi viết nhiều nhất trong biến cố Mậu Thân là tiểu đoàn 33 Biệt Động Quân, và sau đó là tiểu đoàn 30, 31 Biệt Động Quân. Có những sĩ quan vừa ra trường như sinh viên Võ Bị khóa 17 Phan Văn Sanh, sau này tử trận ở chiến trường Cao Miên. Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Khoan khóa 18 Võ Bị Đà Lạt, thiếu úy Nguyễn Viết Đỉnh, Đại Tá Đào Bá Phước, Đại Tá Nguyễn Văn Đương, Thiếu Tá Ngô Minh Hồng, Thiếu Úy Trịnh Trân, sau này là tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân.

          Kể sao cho hết những anh hùng đã vào ra tử sinh, những chiến sĩ hào hùng của bốn vùng chiến thuật, Trung Tướng Phan Trọng Chinh, Đại Tá Phạm Văn Liễu, Thiếu Tướng Phạm Văn Tất, Trung tá Ngô Minh Hồng, v.v. Những sinh viên viết về binh chủng Biệt Động Quân rất nhiều như nhà văn Ngô Kim Thu viết về Biệt Động Quân lúc còn là nữ sinh trung học Trưng Vương, những mối tình đẫm lệ của nữ sinh viên với những chàng trai Biệt Động Quân ở khắp nơi của 4 vùng chiến thuật.

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai (1929- 2016) cựu Chỉ huy trưởng Biệt Động Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

          Chiến sĩ Biệt Động Quân mặc áo rằn ri, đội mũ nâu, hiên ngang ngạo nghễ, là binh chủng trù bị, nơi nào có giao tranh ác liệt thì nơi đó có những chàng lính Biệt Động Quân hào hùng nhảy vào.

          Tôi thường thăm trại gia binh của Liên đoàn 5 Biệt Động Quân ở gần khám Chí Hòa, sau này đổi thành trại Đào Bá Phước. Khi bom đạn đổ xuống Đại Tá Đào Bá Phước đã hy sinh ở Chợ Lớn cùng một số chiến sĩ, trong đó có Tướng Nguyễn Ngọc Loan bị thương, tàn tật.

Đại Tá Đào Bá Phước. Vụ bắn rocket nhầm vào trường Phước Đức tại Sài Gòn ngày 2/6/1968, làm sáu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, trong đó có Đại Tá Đào Bá Phước, Chỉ huy trưởng Liên Đoàn 5, Biệt Động Quân.

          Tôi còn nhớ khi Thiếu Tá Phan Văn Sanh hy sinh ở chiến trường Cao Miên, chị Sanh gọi tôi và nói:

          – Cô Kiều Mỹ Duyên, anh Sanh đã tử trận rồi.

          Tôi đến nhà anh chị ở Chợ Lớn, anh Sanh nằm trên băng ca như ngủ từ trận chiến chở về nhà. Lúc đó, con của anh chị còn nhỏ xíu, bốn cô con gái. Thiếu Tá Sanh còn mẹ ở miền Trung, ở trại gia binh Đà Nẵng. Khi tôi đến thăm, bà cụ hiền lành, dễ thương, hình của Thiếu Tá Sanh mặc quân phục Biệt Động Quân treo ở phòng khách. Cụ thương Thiếu Tá Sanh lắm. Thiếu Tá Sanh có cậu con trai giống bố như khuôn đúc. Tôi ngồi nghe cụ kể về con trai của cụ mà tôi rớt nước mắt.

          Quen với một binh chủng hào hùng Biệt Động Quân, tôi đưa đám ma cũng khá nhiều. Đến chiến trường cao nguyên Trung phần, tôi thăm bộ chỉ huy Biệt Động Quân, quân đoàn 2, lúc đó Trung Tá Nguyễn Văn Đương là chỉ huy trưởng. Bác sĩ Lê Thành Ý, họa sĩ, sau này di tản sang Canada cũng học và thi lại thành bác sĩ, vẫn tiếp tục vẽ. Có lần, vợ của bác sĩ Lê Thành Ý là Xuân Lan nói:

          – Anh Ý vẽ tặng chị bức tranh, vẽ gần xong, bạn tới nhà chơi, thích bức tranh đó quá, ngồi đợi anh ấy vẽ xong thì bạn anh ấy lấy luôn. Anh vẽ bức tranh khác, cũng có bạn đến chơi và lấy luôn. Tốt nhất chị sang nhà em chơi, ở lại, có phòng cho chị, anh Ý vẽ xong chị đem về luôn cho tiện.

          Tôi cười:

          – Hai ông bà hứa cho tôi bức tranh mà vẽ hoài chưa xong, gần 48 năm rồi tôi chưa thấy tranh ở đâu?

          Rồi chúng tôi cùng cười.

          Khi bác sĩ Lê Thành Ý thăm bà chị ruột ở Orange County đều ghé thăm tôi. Chúng tôi đi thăm thành phố cổ ở miền Nam và xem tranh, họa sĩ nào mà không thích tranh chứ?

          Nhà binh thương nhau lắm, bác sĩ Lê Thành Ý, bác sĩ Ngô Thế Vinh, bác sĩ Trang Châu, một người là họa sĩ, một người là nhà văn, người thì là nhà thơ, mỗi lần gặp nhau văn thơ lai láng, nói hoài không hết chuyện, chuyện ngày xưa, chuyện chiến trường, tôi ngồi lắng nghe. Mỗi lần bác sĩ Lê Thành Ý về miền Nam California thì gọi vợ chồng bác sĩ Ngô Thế Vinh cùng nhau họp mặt, nói chuyện suốt ngày, không bao giờ hết chuyện, những người đã tử trận cũng được nhắc nhở, và người chiến sĩ đóng phim cũng có mặt trong câu chuyện.

Chuẩn Tướng Trần Văn Hai (1925- 1975), Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, chỉ huy trưởng Biệt Động Quân

          Mỗi lần tưởng niệm ngày 30 tháng 4 hay ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 19 tháng 6, anh em mặc quân phục, binh chủng Biệt Động Quân cũng có mặt. Những binh chủng hào hùng gồm có: Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Lực Lượng Đặc Biệt, Biệt Kích Dù, Nhảy Dù, Không Quân, v.v. và nhiều binh chủng khác, hậu duệ mặc quân phục màu áo bố mình.

          Có nhiều quân nhân tâm sự với chúng tôi: giấc mơ tái chiếm Sài Gòn, diễn hành trước Dinh Độc Lập. Nhiều chiến sĩ trong màu áo của binh chủng mình hiên ngang diễn hành trước Dinh Độc Lập với tiếng kèn, tiếng trống, hiên ngang ngạo nghễ trong màu áo cùng với cờ vàng ba sọc đỏ phất phới khắp trước dinh Độc Lập, ở Cổ Thành Quảng Trị, nhưng đến bao giờ?

          Giấc mơ đẹp quá phải không thưa quý độc giả?

          Có một phụ nữ kể cho tôi nghe:

          – Chồng của tôi có nhiều lúc ngủ mà hét lên: Biệt Động Quân sát, Biệt Động Quân sát. Tôi đánh thức anh dậy, anh ấy nói nằm mơ thấy đang ở chiến trường, đang diễn binh nên hét lên: Biệt Động Quân sát.

          Chồng đi hành quân, vợ thường ở trại gia binh với con. Đời sống của người vợ lính hy sinh rất nhiều, người nào cha mẹ khá giả thì được cha mẹ giúp đỡ, có công ăn việc làm ở thành phố thì đời sống tương đối thoải mái hơn.

Biệt Động Quân SÁT

          Thế hệ thứ hai con của chiến sĩ, đi vượt biên, đi theo diện H.O, hay theo diện bảo lãnh, các cháu đều thành công nơi xứ người, trong đó có hậu duệ của binh chủng Biệt Động Quân. Sau này khi định cư ở Hoa Kỳ, tôi có cơ hội đi nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ, Trung Mỹ, Âu Châu, Á Châu, gặp những gia đình chiến sĩ trong đó có gia đình Biệt Động Quân, các cháu đều khá cả.

          Có một đêm, lúc 2 giờ sáng, điện thoại của tôi reo, reo không nghỉ, giọng nói ở đầu dây:

          – Cô ơi, con là con của Thiếu Tá Phan Văn Sanh, con đang ở Na Uy, con vừa đọc bài của cô viết về bố con, nên con gọi thăm cô.

          Cháu gái đã lấy chồng người Na Uy trong phái đoàn từ thiện. Chàng trai hiền lành đến Việt Nam làm việc thiện, gặp cô gái xinh đẹp Việt Nam cũng đi làm việc thiện ở Đà Nẵng, sau đó họ kết hôn và về Na Uy sinh sống. Cô gái ca rất hay, sau này cháu gái có đến miền Nam ca trong ban nhạc của nhạc sĩ Trần Quảng Nam ở San Jose. Quả đất này tròn thật. Chúng tôi gặp nhau, đi ăn với nhau. Cháu nhắc về bố cháu, Thiếu tá Phan Văn Sanh, sinh viên Võ Bị Đà Lạt khóa 17, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Biệt Động Quân.

Tiểu Đoàn 33 phụ trách tìm diệt những thành phần du kích, chủ lực của địch quân muốn xâm nhập từ quận Bình Chánh đến quận Hóc Môn.

          Đại Úy Nguyễn Thế Đỉnh, tiểu đoàn 33 Biệt Động Quân kể về một Biệt Động Quân, giọng nói của ông Đỉnh hào hùng không khác gì ngày xưa ở chiến trường. Ông nói:

          – Trên chuyến tàu thủy đưa tù binh ra Bắc, ông Khoan bị còng tay, bỏ ngồi trong góc tàu. Ông Khoan bình tĩnh không sợ hãi, khinh khỉnh xem cán bộ Việt Cộng không ra gì hết. Dáng điệu khinh thường địch quân trong lúc ông bị còng 2 tay. Ông bị còng 2 tay đâu ăn được, tôi phải đút từng muỗng cơm.

          Sau này, ông Khoan ra tù, vượt biên. Ông Đỉnh và ông Khoan cùng tiểu đoàn Biệt Động Quân ngày xưa đóng ở Sài Gòn. Sau này đi khắp nơi, gặp nhau trên chuyến tàu ra Bắc Việt, rồi gặp ở Mỹ, mỗi người ở tiểu bang khác nhau, nhưng thường gặp nhau trong đại hội Biệt Động Quân, họ thân nhau hơn anh em ruột, nói chuyện huyên thuyên bất tận, như không bao giờ hết chuyện. Ông Nguyễn Ngọc Khoan, sinh viên khóa 18 Võ Bị có con là Đại tá bác sĩ của quân đội Hoa Kỳ. Khóa 18 Võ Bị có người có con là Đại tá bác sĩ đó là con của Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khoan và Đại úy Hạnh, đang ở Dallas Fort Worth.

Huy hiệu Biệt Động Quân

          Gặp nhau là duyên, ở cùng tiểu đoàn, cùng binh chủng cũng là cái duyên, họ thương nhau như anh em ruột thịt, người đi trước lo cho người đi sau. Khi nghe Thiếu Tướng Tất đau, ông Khoan lái xe suốt đem từ Pennsylvania đến Washington D.C thăm ông Tướng Tất trước khi ông qua đời. Tình nghĩa của nhà binh sao mà đậm đà, sao mà thắm thiết? Mong đồng bào ở hải ngoại thương nhau, gắn bó nhau, như nhà binh, như anh chị em Hướng Đạo thì tuyệt vời biết mấy?

          Chiến sĩ của binh chủng Biệt Động Quân hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, hậu duệ của binh chủng này rất giỏi, có nhiều cháu đã đi lính Mỹ, nối gót ông cha. Quả phụ cô nhi sĩ tử ở Việt Nam cũng còn nhiều, đặc biệt lính Việt Nam Cộng Hòa thương nhau lắm.

          Tôi còn nhớ có một buổi tối, một đồng hương ở miền Đông gọi cho tôi nói trong điện thoại như sau:

          – Tôi là lính chiến của binh chủng Biệt Động Quân, tôi sắp về Huế, chị có gửi gì cho chị Phan Văn Sanh không? Tôi mang về cho.

          Tôi hỏi:

          – Bao giờ anh đi?

          – Ba ngày nữa.       

          – Thời gian ngắn quá, làm sao tôi gửi kịp. Thôi thì anh cho tôi mượn một số tiền, tôi sẽ gửi trả lại khi anh trở về Hoa Kỳ.

          Người ở đầu dây vui vẻ nhận lời, chỉ biết tên trong điện thoại, chưa bao giờ gặp nhau, nhưng sau chuyến đi, người chiến sĩ Biệt Động Quân này đem về cho tôi hình của chị Phan Văn Sanh và cháu trai. Cháu giống bố y như đúc. Thân mẫu của Thiếu Tá Phan Văn Sanh thì đã qua đời.

          Chị Sanh viết cho tôi một bức thư rất cảm động, cháu trai viết email cảm ơn quà của tôi. Quà là chuyện nhỏ, nhưng người quen của mình còn hiện hữu trên trần gian này là điều quý, rất quý. Cho nên mỗi lần về Việt Nam, tôi tìm thăm những người quen, ăn uống không cần cao sang, chỉ cần một ổ bánh mì, ngồi trên xe, vừa đi vừa nói chuyện trên Trời dưới đất.

          Sống còn thở còn hy vọng, hy vọng gặp người quen, người thân, cho nên tôi trân quý từng giây, từng phút mình còn hiện diện trên cõi đời này. Rất nhiều người nằm ở nghĩa trang có giấc mơ chưa thực hiện được: giấc mơ hồi hương, giấc mơ nhìn thấy người thân của mình.

Biệt Động Quân- Vì Dân Quyết Chiến

          Các anh hùng yêu nước tử tiết ngày 30 tháng 4/1975, trong đó có Trung uý Nguyễn Văn Hoàng, Đại Đội trưởng Đại Đội 1, Tiểu đoàn 31 Biệt Động Quân, cùng người yêu tự sát ngày 01-5-1975 tại Mương Chuối, Nhà Bè. Ở đây có sông ngòi, vượt biên cũng dễ thôi, bước xuống ghe là ra khỏi nước, nhưng Trung úy Hoàng không đi, tử tiết, người yêu đến thăm người anh hùng cũng tử tiết theo.

          Hỡi các chiến sĩ anh hùng, quân nhân cán chính có linh thiêng xin chứng giám chúng tôi, người Việt Nam tị nạn khắp nơi trên thế giới vẫn nhớ đến các anh, vẫn nhớ đến các anh hùng hào kiệt đã tử tiết, đã hy sinh vì Tổ Quốc để cho hậu thế noi gương. Ngày 30/4/1975, người dân, binh sĩ, nghĩa quân địa phương cũng tử tiết chứ không phải chỉ có trong hàng tướng lãnh.

          Nước mất, người mất, chưa có quốc gia nào trên thế giới có người anh hùng hy sinh bằng người Việt Nam của miền Nam Việt Nam đã hy sinh, tử tiết, thật là anh hùng.

Orange County, 5/2023
(kieumyduyen1@yahoo.com)

Leave a Reply