Lại một tháng Tư buồn

Bài NGUYÊN QUANG

Cứ mỗi độ tháng Tư về, có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn, cái ý đại khái trong câu nói của một cố thủ tướng CSVN được cho là tử tế nhất trong các thủ tướng cộng sản kể từ 1975 đến nay dường như chỉ đúng một phần. Bởi bây giờ, nếu nói chính xác thì phải nói rằng Tháng Tư là tháng buồn, có triệu người vui thì có vài mươi triệu người buồn. Hỏi vì sao lại như vậy? Bởi đất nước bây giờ phát triển, kinh tế khấm khá, đất nước bây giờ có đầy đủ nhiều thứ, người nghèo người giàu gì cũng có thể ăn thịt, ăn cá, vậy buồn nỗi gì? Xin thưa, nỗi buồn không thể khỏa lấp bằng miếng ăn, trong một đất nước có phát triển mà không có tiến bộ, thì mâm ăn càng đầy, nỗi buồn đau càng cao!

Ai là triệu người vui?

Đương nhiên là bên thắng cuộc, đó là bên vui, vui nhất, vui kéo dài nửa thế kỉ, vui hoan ca và tung hô, vui tự hào và khẩu hiệu. Như lời của một bí thư đoàn xã, “Đất nước này sở dĩ có ngày hôm nay là nhờ ơn đảng, ơn bác.”

“Anh đã được làm đảng viên chưa, hay chỉ mới đối tượng đảng?”

“Mình đã là một đảng viên, mình là người hạnh phúc, có hạnh phúc nào, danh dự nào lớn hơn hạnh phúc và danh dự được làm một đảng viên cộng sản chứ!”

“Tôi thi thoảng gặp anh ngoài quán nhậu, anh nói cười thoải mái và khi uống say, anh có vẻ rất hào sảng, và hơi lớn tiếng, liệu điều này có làm ảnh hưởng tới công việc lãnh đạo thanh niên của anh hay không?”

“Ồm, chuyện đó chẳng có liên quan gì đâu, con người cũng phải có lúc nhậu nhẹt, cũng có lúc gái gú, cũng có lúc hiểu biết nhưng cũng có lúc không biết gì cả chứ. Ví dụ như tôi, làm một bí thư đoàn, đâu phải cái gì tôi cũng biết, có những cái tôi không biết, nhưng tôi dám làm, chính sự dám làm mang lại lịch sử đó ông à!”

“Nếu không biết mà dàm làm, liệu có khi nào mang lại tai họa?”

“Đương nhiên rút kinh nghiệm, bài học lịch sử là một chuỗi kinh nghiệm mà ở đó người ta đã rút tỉa từng phần, từng li từng tí qua thời gian bởi chưa kịp hiểu biết, chưa kịp học hỏi, chưa kịp giác ngộ vấn đề…”

“Anh thử cho tôi một ví dụ về cái gọi là rút kinh nghiệm sâu sắc mà các anh hay nói được không?”

“Bất kì sự thất bại nào cũng có giá trị riêng của nó, mọi thất bại về chống tham nhũng hay tổ chức làm kinh tế của các tập đoàn nhà nước như Vinashine, Vinaline hay đường sắt, điện lực… đều là những bài học kinh nghiệm quí, nó giúp cho nhà lãnh đạo trở nên tỉnh táo và thông minh, khéo léo hơn, vậy thôi!”

“Anh từng vấp bài học kinh nghiệm nào chưa?”

“Có chứ, tôi từng vấp bài học trong tổ chức trò chơi, tôi cứ nghĩ rằng thanh niên ưa những trò quậy phá và có yếu tố giới tính, tôi tổ chức chơi trò mút chuối trong hội trại, tức trại sinh nam đeo trái chuối lột vỏ trước bụng, trại sinh nữ bị bịt mắt, đi theo tiếng gọi của trại sinh nam và đến mút trái chuối trên bụng trại sinh nam, mút làm sao đừng gãy chuối, đừng rơi chuối bởi nó được buộc rất tạm bợ, mút cho hết trái chuối chứ không được cắn, đội nào mút nhanh nhất là đội đó thắng. Đây là trò chơi huy động cả ngũ giác, tai phải thính, chân phải khéo để định dạng đường đi, đầu phải thông minh để định hướng lối đi khỏi vấp người khác và đương nhiên miệng phải khéo léo, nếu không khéo léo thì gãy ngay trái chuối… Rõ ràng đây là trò chơi bổ ích, nhưng mạng xã hội nó xúm vào chửi mình! Vậy thì tôi rút kinh nghiệm.”

“Anh tổ chức trò chơi này lâu chưa? Và bây giờ anh vẫn thấy nó còn bổ ích chứ? Nếu có cơ hội, anh có tổ chức trò chơi này lại không?”

“Đương nhiên đây là trò chơi trí tuệ và bổ toàn phần chứ không chỉ bổ ích. Bởi hàm lượng dinh dưỡng trong chuối giúp người chơi tăng cường sức khỏe và niềm vui khi chơi giúp người chơi xả được stress…”

“Anh thấy đời sống của tuổi trẻ bây giờ như thế nào?”

“Ồ, tuổi trẻ bây giờ quá tốt, dưới sự lãnh đạo của đảng, nhà nước và chính phủ, đời sống bây giờ tốt gấp vạn lần trước đây. Tôi hỏi anh nhé, trước đây có thịt heo, thịt chó, thịt dê, thịt đà điểu, thịt ba ba, thịt bò, thịt heo mọi, thịt heo xông khói, đùi heo Tây Ban Nha, tôm hùm, tôm sú, các món yến sào, vi cá mập như bây giờ không? Làm gì có! Đúng không? Bây giờ mới có, đó là chưa nói nhà cao cửa rộng, xe cộ bát ngát, thức ăn, nhà hàng ê hề, karaoke văn hóa khắp mọi nơi, âm nhạc phát triển đến đỉnh cao, mọi thứ phát triển đỉnh cao, vậy thì đòi hỏi gì hơn chứ?!”

Ai là triệu người buồn?

Câu trả lời của anh bí thư đoàn Thanh Niên Cộng Sản HCM khiến tôi không thể hỏi gì thêm và mặc dù rất muốn nói cho anh hiểu ra một chút nhưng có lẽ có nói cũng bằng không, hơn nữa, tôi đang với vai trò người đặt câu hỏi phỏng vấn, còn anh là người trả lời phỏng vấn. Thôi thì tôi mượn quan điểm của anh để đặt câu hỏi với những người phản biện, những người có cái nhìn bao quát hơn, và hơn hết, họ là những người ít nhiều mang vết thương tháng Tư vậy!

Anh Sáu, một người có cha mất trong trại cải tạo Cổng Trời, chia sẻ, “Tôi nghĩ có nhiều triệu người buồn, và nỗi buồn ấy dai dẳng cho đến hôm nay, nó không những không dừng lại mà còn nở ra vì nhiều lý lẽ, nguyên nhân khác.”

“Nỗi buồn nở ra, nghĩa là sao hả anh?”

“Chuyện kinh tế mới, chuyện trại cải tạo, chuyện vượt biển… Có lẽ tôi không nên nhắc lại nữa, bởi chuyện ấy nên chôn vào dĩ vãng cho bớt đau. Nhưng chuyện phân biệt lý lịch thì bây giờ vẫn vậy, rồi chuyện bị đối xử bất công, bây giờ đâu có gì thay đổi. Nhưng đáng sợ nhất là chuyện hàng chục ngàn cái chết dịch mà nguyên nhân lại là do chính những quan chức tham nhũng gây ra, họ biến con người trở thành súc vật trong cuộc kinh doanh đầy máu của họ. Như vậy thì làm sao mà không buồn được chứ. Đó là chưa nói đến nạn tham nhũng, đến những xuống cấp về đạo đức, lối sống, lòng tự trọng, văn hóa. Có bao giờ đất nước như hôm nay chứ? Toàn bộ thanh niên đoàn, tức các thanh niên trực thuộc thanh niên cộng sản HCM, họ chẳng nói được gì về bất kì cuốn sách nào có giá trị văn chương hay tư tưởng, họ không biết Dương Thu Hương là ai, nhưng họ biết ngay Eimi Fukada đến Việt Nam và tổ chức đón cô như một minh tinh màn bạc. Tổ chức đấu giá cái khăn tắm của cô ta với giá sàn là 20 triệu đồng ($850)… Chỉ nhìn qua như vậy đủ biết đất nước này sẽ về đâu rồi!”

“Nhưng tương lai đất nước không thể nằm trong tay những con người kia, và giả sử tôi đóng một vai phản biện anh, anh có cho phép không?”

“Rất sẵn sàng, anh nói đúng, tương lai đất nước không thể trao vào tay những thanh niên hời hợt và phè phỡn, nhưng anh đừng quên họ là hạt giống đỏ, họ sinh ra để hưởng thụ, ăn chơi và lên làm lãnh đạo, cho dù họ không học gì, thi rớt đại học năm lần bảy lượt, họ vẫn trở thành lãnh đạo!”

“Thì họ lãnh đạo nhờ họ dám làm và họ rút kinh nghiệm?” (Tôi mượn ý của tay bí thư đoàn xã trả lời tôi để ‘vặn’ anh).

“Ơ… ! Anh thật tình đó chứ? Làm sao có thể nói như vậy được chứ? Một đất nước muốn phát triển tốt đẹp mà cứ nghe cái điệp khúc Rút Kinh Nghiệm với lại Rút Kinh Nghiệm Sâu Sắc thì làm sao mà ngóc đầu lên nổi chứ? Làm không được là do dốt, mà dốt thì nên đi pha trà, nên đi học lại, tự bỏ tiền mà học, hãy để công việc cho những người có năng lực người ta làm, làm vì lý tưởng chung, phục vụ nhân dân, phát triển đất nước, vì tương lai quốc gia, dân tộc, chứ không thể vì cái bụng ham ăn, cái miệng thèm ăn mà nhào vô bất chấp, ôm lấy ghế rồi làm bậy làm bạ, gây thất thoát, làm hỏng đại sự, sau đó xì ra thì xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm, khóc kể công… Kính thưa các loại nhục nhã được mang ra dùng!”

“Thanh niên bây giờ năng động và sáng tạo, anh có thấy vậy không? Và anh nghĩ gì về những cử nhân thất nghiệp?”

“Thanh niên bây giờ hẳn nhiên phải thông minh hơn các thế hệ trước, không cần bàn cãi, nhưng nếu chỉ thông minh mà không suy nghĩ sâu sắc, không đầu tư tri thức và văn hóa thì trở thành rỗng tuếch và có nguy cơ gây họa cho xã hội! Thế nhưng người ta vẫn cứ tranh nhau, trong khi lực lượng có tri thức thực thụ thì thất nghiệp, phải đi làm những công việc lao động phổ thông. Một phần nguyên nhân này là do những người lớn không có lòng tự trọng.”

“Xin anh chia sẻ thêm về cái điều gọi là ‘người lớn không có lòng tự trọng’ được không?”

“Người lớn đây chính là những lớp sinh ra trong chiến tranh và sau chiến tranh một chút, họ trưởng thành, có công ăn việc làm trong thể chế mới và họ khư khư ôm lấy công việc. Mới nghe có người về hưu thì người ta nghĩ rằng sẽ có chỗ cho lớp trẻ vào. Nhưng không phải vậy đâu, họ về hưu để nhận tiền hưu một lần, sau đó dùng mối quan hệ cũ để quay lại công việc với mức lương hợp đồng tương đương với lương cũ. Ngành giáo dục có vụ này nhiều vô kể, anh để ý xem, có rất nhiều thầy cô giáo về hưu xong quay lại dạy, nhận một mức lương hậu hĩ mà vẫn nhận cả lương hưu, như vậy, về hưu là động tác ăn tiền chứ không phải trách nhiệm xã hội hay nghỉ dưỡng gì cả! Một xã hội như vậy thì rất buồn!”

Câu chuyện buồn của đất nước này, không cần phải nhắc vào tháng Tư, dường như tháng nào, năm nào cũng đầy rẫy nỗi buồn, nhưng tháng Tư buồn hơn bởi nó mang một vết thương lịch sử!

Leave a Reply