Lạm phát và nguy cơ tự cung tự cấp

Bài NGUYÊN QUANG

Tình trạng đồng tiền mất giá một cách âm thầm mà dữ dội tại Việt Nam trong suốt hai mươi năm nay được biểu hiện qua nhiều đợt tăng lương cơ bản. Mức lương từ những năm 2000 là 210,000 đồng ($8.75)/tháng đến nay đã tăng gần gấp mười lần. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1,800,000 đồng ($75)/tháng, theo Nghị định 24 của chính phủ. Trong vòng 20 năm, tiền Việt Nam trượt giá trị gần mười lần, nhưng tỉ giá hối đoái giữa tiền Việt với đồng USD chỉ nhích từng chút như rùa bò qua sa mạc. Đây là mối nguy trông thấy của tương lai Việt Nam tự cung tự cấp.

Vật giá leo thang, tỉ giá hối đoái thụt lùi…

Một nhà nghiên cứu thị trường, từng là giảng viên khoa Xã Hội Học ở các trường đại học Sài Gòn, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Tình hình trượt giá đồng tiền tại Việt Nam là có lý do và nó diễn ra một cách ngoạn mục, nhưng hậu quả khó lường!”

“Một ý của thầy đưa ra có tới ba vấn đề, xin mổ xẻ ở vấn đề thứ nhất, là Lý Do, vì sao việc trượt giá này được thầy đánh giá là có lý do?”

“Cái lý do lớn nhất và dễ dàng nhận thấy nhất là nhằm làm giảm gánh nặng của chính phủ. Nói vậy thì nghe khó hiểu, vì chính phủ vẫn phải nâng lương hằng năm đó thôi. Nhưng mà, nên nhớ là tiền Việt Nam hiện tại vẫn không bản vị đô la, nó bản vị vàng. Bây giờ đồng tiền mất giá trị liên tục như vậy thì không cần phải quỵt nợ ai cả!”

“Quỵt nợ? Nếu không bản vị đô la thì đâu có quỵt nợ khi tiền rớt giá? Trong khi số tiền vay là đô la?”

“Ồ, số tiền huy động mới đáng bàn, thời kinh tế tập trung bao cấp, huy động tài sản nhân dân cả một khối, rồi cuối cùng hợp tác xã tan rã thì tiền ấy tan tành theo mây khói, chỉ có mấy ông chủ nhiệm hợp tác xã, đội trưởng là khấm khá sau vụ này, giờ mà lục lọi ra, không chừng tội các ông này không nhỏ chút nào đâu. Đến khi công trái, trái phiếu, đây là thời gian đồng tiền trượt giá một cách có chủ ý. Bởi chính phủ huy động đồng vốn từ nhân dân rất là nhiều, thế rồi theo thời gian, trước đây người ta bán vài lượng vàng để mua công trái, giờ cầm xấp giấy công trái ra nhận lại, chắc cả vốn lẫn lãi cũng mua được vài bát phở. Như vậy, chính phủ không cần quỵt nợ mà khỏi phải lo trả nợ. Số tiền công trái hồi đó, nếu sắm vàng bỏ vào kho bạc thôi thì giờ cũng lời gấp mấy chục lần rồi, đừng nói tới đầu tư sinh lãi nữa!”

“Và vấn đề thứ hai, diễn ra một cách ngoạn mục, đây là cái khó, nhưng sao Việt Nam làm được?”

“Đúng, đây là vấn đề rất khó, nhưng Việt Nam làm được bởi vì chỉ có Việt Nam mới có kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phải hiểu như thế này, kinh tế thị trường tức là phát triển tự do theo qui luật thị trường, nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa rằng thị trường đó phải phát triển một cách tự do trong sự khống chế của bàn tay hữu hình – tức nhà nước, chính phủ. Phải nói rằng kinh tế Việt Nam quá đặc biệt, bởi nó có sự thách đấu, đụng chạm giữa bàn tay vô hình với bàn tay hữu hình hay còn gọi là bàn tay thép nhà nước. Do vậy, kim ngạch xuất – nhập khẩu thì theo qui luật vô hình, nhưng quốc nội thì theo qui ước hữu hình, và nên nhớ, xuất khẩu phụ thuộc vào quốc nội rất cao nên xem như cũng bị khống chế bởi hữu hình. Vấn đề mấu chốt ở đây là bàn tay thép, nó đã can thiệp vào thị trường, và kết quả hôm nay đã thấy, lương tăng một cách phi mã, giá vàng liên tục tăng, nếu qui theo giá vàng thì số tiền đô la vay về mua vàng vẫn có lãi. Trước đây một trăm đô la mua được mấy chỉ vàng, bây giờ một trăm đô la chưa được năm phân vàng. Nhìn chung, nhà nước, chính phủ đã rất khôn với số tiền vay từ bên ngoài và vay của nhân dân!”

“Thế thì có kết quả hay là hậu quả như thầy vừa nói?”

“Hậu quả, phải nói là hậu quả khôn lường, bởi căn cốt không sòng phẵng trong một chính sách kinh tế sẽ kéo theo sâu bọ vào nội bộ, ngay cả người cố gắng sống ngay thẳng cũng sẽ bị bẻ cong trong cơ chế cong quẹo, tham nhũng, hối lộ, gian manh xuất hiện khắp chốn, như vậy chỉ riêng về bộ máy không thôi đã rệu rã vì cơ chế cong queo này. Tiếp theo là qui luật thị trường dần dị ứng và sốc phản vệ trước nền kinh tế quái dị này, cú sốc đầu tiên là tỉ giá hối đoái trong kim ngạch xuất – nhập khẩu. Thử nghĩ, ví dụ như trước đây một trăm đô la Mỹ mua được một tấn gạo trong xuất khẩu, bây giờ mua còn có nửa tấn, trong khi đó các nền nông nghiệp khác có đồng tiền ổn định, tỉ giá hối đoái ổn định hơn sẽ thu hút được xuất – nhập khẩu từ các nước lớn. Đến một lúc nào đó, chúng ta phải tự cung tự cấp nếu cứ để thị trường trong nước tăng phi mã mà tỉ giá hối đoái dậm chân tại chỗ.”

Xã hội bất ổn (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đời sống người lao động rồi sẽ ra sao?

Một nhà nghiên cứu chính sách lao động, hiện đang là giảng viên đại học ở Đại Học Huế, chia sẻ, “Người lao động Việt Nam rơi vào hai thái cực hết sức buồn cười, nó chẳng giống bất kì quốc gia nào!”

“Xin anh phân thích thêm hai thái cực này?”

“Ngay trong giới lao động nghèo phân làm hai thái cực rất rõ, một bên thu nhập cực cao, một bên thu nhập cực thấp. Nói cực cao là vì so với thời giá hiện tại, mức thu nhập của một phụ hồ từ 350,000 đồng ($15) đến 450,000 đồng ($19), thợ hồ từ 450,000 đồng ($19) đến 550,000 đồng ($23) là cực cao. Mức lương này gấp ba lần lương giáo viên, gấp bốn lần lương của lao công dọn vệ sinh. Và thợ hồ vẫn cứ nhát làm vì tiếng gọi của các công trình khoán mét vuông có lãi hơn. Ví dụ như ốp gạch nền, nếu thợ giỏi, làm công thì có ăn nửa buổi sáng và chiều, lương mỗi ngày 500,000 đến 550,000 đồng ($21-$23). Họ làm một ngày từ 10m2 đến 15m2. Trong khi đó, nếu nhận khoán, họ làm mỗi mét vuông 120,000 đồng ($5), như vậy mỗi ngày họ kiếm ngót nghét hai triệu đồng ($84). Chính vì vậy mà thợ hồ thất nghiệp đầy rẫy nhưng chảnh vẫn cứ chảnh.”

“Theo anh, nguyên nhân từ chỗ nào?”

“Do các công trình nhà nước, các công trình này thì miễn bàn, đội vốn, đội khủng khiếp lắm, và nợ tiền lương công nhân cũng khét tiếng, thế nhưng mức chi trả trong mét vuông của nó lại rất là cao, nhằm thu hút lao động ấy mà. Và các thợ hồ, phụ hồ khi thất nghiệp, lại căn cứ theo mức tiền công trình nhà nước để làm việc với tư nhân. Điều này gây khó khăn rất lớn cho những nhà tư nhân thuộc thành phần lao động khi xây dựng. Bởi từ tiền công cho đến tiền bồi dưỡng, rồi bia bọt mỗi chiều không thôi thì chủ nhà cũng đủ ngộp thở. Thế nhưng khi làm được đồng lương cao thì người thợ hồ, phụ hồ lại vung vít vào những chỗ ăn chơi, nhậu nhẹt. Cái thứ qui luật chặt chém của kẻ nghèo hết sức khốc liệt. Bù vào đó, một bộ phận khác lại làm không ra tiền, mức thu nhập rất thấp!”

“Suy ra, tham nhũng và hối lộ cũng góp phần vào bất ổn thị trường?”

“Đúng rồi, chắc chắn là vậy rồi, thị trường bị chính cái cách tiêu tiền vô tội vạ của giới tham nhũng làm hỏng, bên cạnh đó, thị trường lao động cũng bị chính cái kiểu chiêu dụ bẩn thỉu và không sòng phẵng của các công trình luôn đội vốn chi phối, làm cho méo mó. Một khi đã méo mó thì hậu quả cho người lao động nghèo chẳng nhỏ chút nào!”

“Xin anh đơn cử một ví dụ?”

“Riêng giới thợ hồ thì bị tiếp những cái quán nhậu có gái gú gọi mời, bởi một là thất nghiệp, rượu đứng, hai là thu nhập theo mức giá đã hét và thu nhập theo mức giá khoán, tiền dễ kiếm, cứ như vậy mà chiều chiều vào quán ngồi lai rai, thậm chí bồ bịch với các em tiếp thị… Còn giới lao động nghèo thì ki cóp từng đồng, hụt hơi vì thị trường biến động, đồng lương không bao giờ đủ sống. Ngay cả những người làm việc hưởng lương nước ngoài cũng rất khó sống trong thị trường Việt Nam”

“Xin anh đơn cử thêm ví dụ?”

“Những người nhận đồng lương bằng USD, đây là đồng tiền ổn định, và mức lương cũng tương đối ổn định, ít biến động. Thế nhưng chi tiêu theo thời giá Việt Nam thì chỉ có nước thắt lưng buộc bụng mới sống nổi. Anh thấy đó, gạo tự dưng tăng giá hai tuần nay, xăng không tăng không giảm nhưng mọi thứ rau củ quả tăng giá một cách êm ái, hôm qua mua năm ngàn một củ cà rốt, bữa nay mua lên chín ngàn đồng, cũng tại cửa hàng đó, cũng loại cà rốt đó. Hỏi anh như vậy làm sao mà sống nổi!”

“Đồng đô la bị kiềm giá so với vàng và các mặt hàng khác tại Việt Nam, nhưng người thu nhập bằng đô la không thuộc nhóm lao động nghèo?”

“Chưa chắc, họ có thể là lao động cao cấp, nhưng ở Việt Nam, nếu mỗi tháng thu về vài trăm đô là to đùng. Nhưng anh có nghĩ rằng tại Việt Nam, ở phân khúc trung lưu, người ta có thể uống một chai rượu cả ngàn đô la. Như vậy đây là lao động nghèo trong phân khúc này đấy! Và nếu như trước đây, thì tiêu xài thoải mái, chứ bây giờ, tiền điện, tiền nước, tiền gas, các loại tiền đều tăng giá, đó là chưa muốn nói đùng cái nhà nước đánh thuế phi nông nghiệp vào các căn nhà ở quê, mỗi năm tốn tiền triệu cho khoản này. Mọi thứ trở nên gay cấn, thắt lưng buộc bụng. Nhìn chung, tình hình lao động nghèo của Việt Nam là bi thảm, và tương lai không xa, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tuột dốc, vì cách kìm hãm vật giá quá phi lý!”

Câu chuyện còn dài, nhưng thiết nghĩ, đến đây tạm dừng cũng đã quá đủ để buồn cho tình hình chung của xứ này!

Leave a Reply