Làng cổ Đường Lâm

Cổng vào Làng Cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (Bùi Thụy Đào Nguyễn/ Wikimedia Commons)

Bài CHU

Từ trung tâm Hà Nội, bạn bắt xe buýt mang số 70, ngồi xe buýt chừng hơn một giờ sẽ đến khu vực dẫn vào làng Đường Lâm, từ đường cái quan, đi bộ hoặc xe ôm thêm chừng ba cây số nữa, làng cổ Đường Lậm hiện ra trước bạn với một cánh đồng xanh bát ngát, một vài ruộng su hào, một vài ngôi mộ cổ, một khu nhà cổ dành cho người nông dân xưa ngồi nghỉ chân mỗi khi làm đồng, một khoảng sân đình và một tam quan lợp mái ngói âm dương rêu phong cổ độ, để rồi khi qua khỏi cổng chào, bạn đi dọc một hồ sen và một bức tường bằng đá tổ ong, dễ chừng bức tường này có tuổi thọ cả ngàn năm…

Làng cổ Đường Lâm có nhiều nhà cổ, đương nhiên rồi, vấn đề là bạn đến nơi này, sẽ gặp những điều mà theo tiểu thuyết Xá Lợi Đỏ của nhà văn Liêu Thái mô tả: “Điều này làm y nhớ tới những mảnh ruộng màu mỡ, phì nhiêu ở làng cổ Đường Lâm, cái nơi mà người chết và người sống có thể chung sống hòa bình. Bởi người chết vẫn còn có thể nuôi người sống một cách bền bĩ. Bởi những khu mộ của người xưa trên mảnh ruộng như một người lính canh, một thứ bằng chứng hay một kiểu cọc tiêu khẳng định quyền cho con cháu của họ. Và ngay cả trong làng Đường Lâm, những người đã khuất là những bậc hào kiệt, đã giúp cho con cháu của họ giữ được cái nhà, giữ được chỗ ở và yếu tố dòng tộc tôn quý hay phổ hệ được tôn trọng. Sự tôn trong vừa có tính khoe mẽ văn hóa lại vừa có tính trưng bày du lịch.

“Nhưng những thứ ấy, suy cho cùng không quan trọng mấy, thứ khiến y ngây ngất là những cái cây. Chúng dường như mọc ra từ đâu đó bên bờ vũ trụ, chúng ghé chơi một lần và vương vấn xứ sở này, chúng đứng làm nhân chứng cho những cuộc tình và cả những trận chiến thịt nát xương rơi. Chúng cũng chứng kiến vật đổi sao dời, đất trời dâu bể. Nơi những gốc duối ngàn năm tuổi đang đứng, trước đây là một dòng sông, Tiền Ngô Vương đã tập trận và buộc những con voi chiến vào chúng. Để rồi dần về sau, mọi thứ dần rời xa, cho đến lúc mọi triều đại ra đi, thay thế bằng một triều đại mới có tên Cộng sản xã hội chủ nghĩa, chúng, những cái cây vẫn đứng đó như những thi sĩ già, không buồn làm thơ nữa, chỉ nghe thơ trong tiếng gió vi vu và suy tư về ngày tận thế.

“Và những con đường, không biết tự bao giờ, con đường có trước hay cái cây có trước, những đường làng men theo bờ ruộng, mà trước đây vốn dĩ bờ sông, nơi có những phiến đá ong và bia mộ, nơi có những bờ rào làm bằng đá ong triệu năm, chúng đã hòa với đất và từ đó mọc ra những bụi cây dại, có những cây cứt lợn nở hoa tím ngan ngát vào mùa xuân, có những cây cải ngồng mà ai đó đánh rơi hạt hay cũng có thể là chim mang đi hay người ta cố tình rải nó ven bờ ruộng để chúng mọc rồi trổ hoa vàng xôn xao, bâng quơ một góc trời. Buổi chiều, cái nắng xuyên qua những kẽ hở của ngôi nhà, lọt qua những lỗ ngói và dọi thẳng xuống mặt đất như những đồng xu tròn, nhỏ, lăn tăn… Những đồng xu nắng chỉ có nơi nhà cổ, nơi mà người ta cố gắng níu lại tuổi trẻ cho nó trước thời gian. Và những đồng xu nắng cứ lén lút rơi xuống nền nhà sau mỗi mùa mưa…”

Lăng Ngô Quyền (898 – 944) ở thôn Cam Lâm trong Làng Cổ Đường Lâm, thuộc thị xã Sơn Tây. (Bùi Thụy Đào Nguyễn/ Wikimedia Commons)

Ở đây, trung tâm làng cổ là một ngôi đình làng hơn năm trăm tuổi với những bộ vi kèo chạm trổ rồng phượng, những hàng cột đặt trên những đế đá ong, trước đình là là khoảng sân rộng, và một khoảng sân rộng hơn nữa bên ngoài sân đình, nơi người ta tụ tập buôn bán, trò chuyện, vui chơi… Để rồi từ khoảng sân rộng này, xuôi về các con hẻm đá ong khác có những ngôi nhà cổ vài trăm năm tuổi, từ đây, đi băng qua cánh đồng, men theo một dòng sông nhìn rất cũ kĩ (có bao giờ bạn bắt gặp một dòng sông cũ kĩ?!), băng qua một cánh đồng nhỏ, đi vào một vườn cây xanh cổ độ, bên trong là lăng của Tiền Ngô Vương (tức Ngô Quyền), một đền thờ, một khoảng lăng nhỏ, khiêm cung của một con người vĩ đại, một anh hùng dân tộc.

Từ lăng của Ngài, đi bộ chừng nửa cây số, ra ngoài bờ ruộng, bạn sẽ gặp một hàng duối già ngàn năm tuổi, người ta kể rằng bên cạnh hàng duối là một dòng sông, bây giờ dòng sông đã bồi lấp thành ruộng đồng, nhưng hàng duối vẫn còn đứng đó, hàng cổ thụ già nhắc nhớ những thớt voi chiến của Tiền Ngô Vương tập trận và buộc ở đây, không khí của ngàn năm anh hùng vẫn còn lẩn khuất, u uẩn nơi này, có một dòng năng lượng nào đó rất khó tả, bạn hãy lắng tâm để cảm nhận.

Thắp nhang Tiền Ngô Vương xong, bạn lại đi dọc một con đường mà bên này là bờ đê cao, bên kia là một dòng sông cũ, từ đó bạn đến đền thờ Phùng Hưng, đất Đường Lâm được mệnh danh là đất của hai vua, dường như cây cỏ, con người nơi đây có gì đó vừa hiền hòa, thân thiện lại vừa bí ẩn và trí tuệ, rất khó nói thành lời. Đi một vòng quanh làng Đường Lâm, bạn trở về những ngôi nhà cổ, trải nghiệm cảm giác một đêm sống trong nhà cổ với đầy đủ tiện nghi thời hiện đại nhưng lại mang phong vị thời xa xưa, một trải nghiệm không nơi nào giống được.

Sáng mai, bạn ăn sáng, uống trà, cà phê rồi lại đi dạo một vòng để thưởng thức bầu khí quyển trong lành nơi này, và bạn cũng có thể mang máng hiểu ra được vì sao nơi này lại là đất phát tích anh tài, mới thấm thía cái câu “đất lành chim đậu”, “đất sinh anh hùng” ra sao.

Thôi, bạn chịu khó bắt xe buýt lên thăm Đường Lâm, sẽ còn rất nhiều điều để nói.

Leave a Reply