Lào Cai, Sap, Bắc Hà, phố và thị trấn đáng nhớ. Kỳ 1: Thành phố Lào Cai

Hình chụp một đoàn xe lửa tại Việt Nam năm 2005. Thời đó, xe lửa có hai lớp cửa, một lớp sắt ô mắt cáo để hóng gió và đề phòng cướp giật, nhảy tàu, một lớp cửa gương bên trong cửa sắt để đóng kín khi đi ngang qua đoạn đường bị ném phân, mà cửa này đóng rồi thì chả ai muốn mở ra nữa, cho đến khi tàu ghé vào ga, xịt nước làm sạch thì hành khách mới dám ra ngoài. (Santiago Llobet/ Wikimdedia Commons)

Bài CHU

Hầu như nói về du lịch Lào Cai, người ta nhắc ngay đến Sapa, nhưng không mấy ai nghĩ tới Bắc Hà, thực ra, du lịch Lào Cai đã là một lựa chọn thú vị lắm lắm và chọn cả Bắc Hà trong hành trình khám phá sẽ khiến bạn khó quên vùng đất này!

Và, nếu chọn du lịch Lào Cai, hiện tại có hai tuyến đường, một tuyến đường sắt và một tuyến đường xe khách, bạn nên chọn đường sắt, vì sao lại chọn đường sắt? Tôi xin kể dông dài một chút!

Số là năm 2000, sau khi xong quá trình đại học ở Sài Gòn, một quá trình mà tôi xác định ngay từ năm thứ nhì rằng sau này mình sẽ làm một công việc nào đó cảm thấy thanh thản, lương thiện để sống, học thì cứ học thôi, khi nào quá chán thì dừng… Tôi lên xe, theo đứa bạn ra Lào Cai làm phụ hồ, phụ mộc. Làm gần một năm, tôi quay về nhà. Lúc đi ra, tôi đi bằng xe máy từ Hà Nội lên Lào Cai với đứa bạn, lúc đi về, tôi đi bằng tàu lửa. Nếu như xe máy cho cảm giác ghé phố Lu, phố Ràng, qua những cung đường có các cô gái Mèo ra đứng chọc ghẹo làm mình ngỡ như đi qua một thế giới nào đó lạ lẫm, xa xôi… thì đi tàu lửa, thời đó, năm 2001 là cả một kinh nghiệm kinh hoàng.

Đúng là tàu ghé ga phố Lu, phố Ràng để nghỉ, ăn khuya, không khí vắng lặng và đẹp bao nhiêu thì đoạn đi về gần tới Hà Nội, giữa khuya, nghe tiếng chuông báo động của nhà tàu yêu cầu kéo toàn bộ cửa gương lại khiến người ta có cảm giác như đang đi trong thời chiến tranh bấy nhiêu. Nhưng mà đây là chiến tranh giữa thời im tiếng súng, không có viên đạn nào, chỉ có những… phân người tới tấp.

Có lẽ ấn tượng xấu tệ về người Bắc của tôi là giai đoạn này, chính những người Bắc cùng đi tàu với tôi cũng rất kinh hoàng. Tàu có đến hai lớp cửa, một lớp cửa sắt ô mắt cáo để hóng gió và đề phòng cướp giật, nhảy tàu, một lớp cửa gương bên trong cửa sắt để đóng kín khi đi ngang qua đoạn đường “xấu” và đương nhiên, cửa này đóng rồi thì chả ai muốn mở ra nữa, cho đến khi tàu ghé vào ga, xịt nước làm sạch thì hành khách mới dám ra ngoài.

Đương nhiên là chuyện của những năm đầu thế kỉ 21 của thế kỷ này, trên đất Bắc. Còn bây giờ, những chuyến tàu đêm từ Hà Nội lên Lào Cai đã là một di sản văn hóa đúng nghĩa. Bởi có lẽ, trong ngành đường sắt, chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai là chuyến tàu có văn hóa, biết tôn trọng khách và biết làm du lịch bậc nhất. Tối đến, chừng 8 giờ, xuất phát từ ga Hàng Cỏ – Hà Nội, bước ra sân ga, bước ra chỗ đoàn tàu đã có ấn tượng đặc biệt. Những người gác ghi và những người hướng dẫn kiêm kiểm sát viên đường sắt đang vận trang phục chỉnh tề, đội mũ ca nô, đứng cầm đèn bão bên cạnh cửa toa để đón khách, phong cách lịch sự, nhã nhặn và ân cần, cho cảm giác bạn đang lạc vào đâu đó của không gian xưa, trong một phim truyện nào đó về thời Hà Nội còn thuộc Pháp.

Tàu chuyển bánh, mọi thứ yên tĩnh, ánh sáng đèn trên tàu thiên về màu vàng, nóng, ấm và những người gác gian, kiểm sát viên đường sắt đi kiểm tra cũng lịch sự, nhã nhặn hơn bất kì chuyến tàu nào tôi từng gặp. Đến phố Lu, phố Ràng, tàu lại dừng để khách ăn khuya, tàu đi bây giờ không còn cảnh phải kéo cửa gương như những năm 2000 nữa, không khí thoáng mát, sạch sẽ. Có thể nói rằng ga phố Lu hoàn toàn không thay đổi sau nhiều năm, vẫn cây bàng cổ thụ thân hình sù sì, đen đúa đứng vặn mình trong đêm, vẫn cái quán cháo gà của một bà cụ nhìn xưa lắc xưa lơ và cho cảm giác đang vào quán ăn ở ngoài phố chứ chẳng phải quán ăn đường dài, vẫn người người tụm năm tụm ba hút thuốc lào, rít tí tách… Và cháo gà thơm, ngon, rẻ như mọi ngày.

Sáng mai, chừng 8 giờ, tàu đến ga Lào Cai, điểm cuối để bạn thỏa sức đi. Ngay bên cạnh ga Lào Cai là khu phố Tây mới xây dựng của thành phố Lào Cai, có các quán ăn món Tây, có nhiều khách sạn mini, có rất nhiều thứ để nhìn ngắm, chiêm nghiệm. Bởi Lào Cai là thành phố đặc biệt, ở đây có sự giao thoa văn hóa Pháp – Việt – H’Mong – Mường – Dao – Thái… Chính những nét giao thoa văn hóa vốn lâu bền và kiên cố này cộng với sự lang chạ văn hóa Việt – Trung gần đây tạo nên phong sắc đặc biệt ở thành phố này, nó cho bạn cảm giác vừa núi đồi vừa đồng bằng, vừa cổ điển vừa tân thời, vừa sâu lắng vừa chộn rộn, vừa tĩnh lặng vừa chợ búa…

Nơi đây, bạn có thể đi dạo qua khỏi cầu Cốc Lếu để đến khu chợ quốc tế Việt Trung, đến cửa khẩu Việt – Trung, đến thăm đền Thượng (thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo), đến thăm đền Mẫu và đứng ngắm cảnh mua bán ngược xuôi của dân buôn và cửu vạn hai nước qua về, vào thành phố để thăm phố vàng, phố trái cây, thăm chợ Cốc Lếu để biết có một chợ thuốc Bắc đầu mối của cả nước rộng lớn ra sao…

Riêng thành phố Lào Cai, bạn có thể đi dạo ngược lên thượng nguồn sông Nậm Thi để thăm thêm các cửa khẩu quốc tế khác và bạn cũng có thể đi dạo phố, cảm nhận nỗi thơ mộng của phố núi xứ Bắc ra sao, đói bụng, mệt thì bạn ngồi nghỉ uống chè xanh, đừng tìm quá cà phê ở đây nha, rất khó và cà phê không ngon đâu, ở đây quen uống chè, ăn kẹo vừng, hút thuốc lào. Nếu đói bụng, bạn có thể ghé một quán cóc nào đó để ăn cháo gà, mì, bún, phở và đặc biệt là đậu hủ lướt ván, nếu muốn cảm giác bụi thì nên vậy, ngược lại, muốn an toàn thì ghé vào khu ẩm thực phố Tây mà dùng bữa, giá thành cũng không quá cao, con người lịch sự, chừng mực và biết điều (nhưng không hiền đâu!), chừng đó là đủ thấy vui.

Bạn nên ở lại thành phố Lào Cai một đêm, ngày mai tính tiếp chuyến đi đến Sapa hay Bắc Hà. Cả hai nơi này đều xứng đáng để bạn bỏ công đi đến!

Leave a Reply