Lễ Giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận

Bàn thờ Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận trong lễ giỗ năm thứ 21 tại Trung Tâm Công Giáo, Santa Ana vào sáng Chủ Nhật, ngày 17 tháng 9, 2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

SANTA ANA – Sáng Chủ Nhật, ngày 17 tháng 9, 2023 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange đã tổ chức lễ giỗ lần thứ 21 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie (Fx) Nguyễn Văn Thuận tại hội trường Trung Tâm Công Giáo VN (TTCG). Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phong tước hiệu Bậc Đáng Kính vào ngày 4 tháng 5, 2017. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình phong Thánh cho Đức Cố Hồng Y.

Thánh lễ được cử hành lúc 8 giờ 30 sáng do Linh Mục Joseph Nguyễn Thái, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo chủ tế, cùng đồng tế với cha Giám Đốc có LM niên trưởng Michael Mai Khải Hoàn, nguyên Giám Đốc TTCG và hai LM. Trần Hào và Trần Hân. Thầy Phó Tế Chu Bình phụ lễ. Tham dự thánh lễ có ông Kiệt Trần (Chủ Tịch) và Ban Chấp Hành Cộng Đồng CGVN, Chủ Tịch một số Cộng Đoàn VN, ca đoàn Trung Tâm CG và hàng trăm giáo dân.

Thánh lễ giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận do Linh Mục Joseph Nguyễn Thái, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo chủ tế, ba linh mục đồng tế và thầy Phó Tế phụ lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trước khi cử hành thánh lễ, LM Giám Đốc TTCG tóm tắt tiểu sử Đức cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4, 1928 tại Phú Cam thuộc Tổng Giáo Phận Huế, tỉnh Thừa Thiên. Gia đình ngài có 8 anh chị em: 3 trai và 5 gái, ngài là con cả. Ông bà cụ cố thân sinh ngài là cụ Nguyễn Văn Ấm, qua đời ngày 3 tháng 7, 1993 tại Sydney, Úc và cụ bà Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp, qua đời ngày 27 tháng 1, 2005 tại Sydney hưởng thọ 102 tuổi.

Đức cố Hồng Y Fx. thuộc một gia đình có truyền thống Công Giáo lâu đời. Năm 1940 đi tu tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị. Năm 1947 học tại Đại Chủng Viện Kim Long, Huế. Ngày 11.6.1953 Thụ phong linh mục tại nhà thờ Chánh Tòa Phú Cam. 1956 du học tại Đại Học Giáo Hoàng Urban, Roma. 1957: Tốt nghiệp ưu hạng, Tiến Sĩ Giáo Luật. 1959: Giáo sư Tiểu Chủng Viện Huế, một năm sau làm Giám Đốc. Ngày 13.4.1967: Thụ phong Giám Mục Giáo Phận Nha Trang khi 39 tuổi, chọn khẩu hiệu Vui Mừng và Hy Vọng. Ngày 10.7.1967: Nhận chức Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Nha Trang. Ngày 23.4.1975 Nhận chức Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị Tổng Giáo Phận Saigon.

Ngày 15.8.1975 Ngài bị Ủy Ban Quân Quản Saigon bắt giữ theo lệnh chính quyền trung ương. Được trả tự do ngày 22.11.1988. Trong thời gian 13 năm bị giam giữ ngài đã viết 3 cuốn sách và được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Ngày 21.9.1991: Rời Việt Nam thăm gia đình ở Úc châu và không thể trở về Việt Nam. Ngày 24.11.1994: Nhận chức Phó Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý và Hòa Bình. Ngày 24.6 1996 Nhận chức Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình. Ngày 21.01.2001 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo trao mũ Hồng Y. Ngày 16.9.2002 Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận được Chúa gọi về. Ngay khi hay tin Đức Hồng Y qua đời, Đức Giám Mục Giampaolo Crepaldi, Tổng Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình đã tuyên bố với báo chí: “Một vị Thánh đã qua đời.”

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã cho phép Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình khởi lập hồ sơ tuyên thánh ngày 16.9.2007 và sau khi chuẩn nhận việc thu thập thông tin, chứng từ, tài liệu cần thiết, Giáo triều Roma đã chính thức mở án tuyên thánh ngày 22.10.2010. Ủy Ban Hồng Y và Giám Mục thuộc Bộ Phong Thánh đã biểu quyết đồng loạt chấp thuận án tuyên thánh theo thỉnh cầu của cáo thỉnh viên và báo cáo viên của án tuyên thánh ngày 02.5.2017, Đức Thánh Cha Phanxico phong tước hiệu “Bậc Đáng Kính” vào ngày 4 tháng 5 năm 2017.

Quý cha, thầy Phó Tế và Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam dâng hương trước bàn thờ Đức Cố Hồng Y. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Thánh lễ giỗ Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận cử hành vào Chúa Nhật 24 Mùa Thường Niên. Trong bài Phúc Âm mà toàn thể Giáo Hội công bố hôm nay, Thánh Matthew tường thuật việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học tha thứ. Khi môn đệ Phêrô thưa cùng Chúa “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần nhưng đến bảy mươi lần bảy”…Trong bài giảng, Linh mục Joseph Nguyễn Thái đã nhắc lại lời Chúa và cha nói: “Tha thứ 70 lần 7 là tha thứ không giới hạn, tựa như “chín bỏ làm trăm, làm ngàn!”

Sau khi nhắc nhở tín hữu về dụ ngôn Chúa vừa nêu qua bài học Tha Thứ, LM Giám Đốc TTCG nói về Đức Cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận qua quá trình 13 năm trong lao tù, ngài đã theo lời Chúa dạy, tha thứ như thế nào với những người canh giữ ngài.

Cha Thái nói, “Trong 13 năm tù, Đức Hồng Y thường cầu nguyện: “Con muốn sống làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa Giêsu.” Ngay từ khi mới bị bắt ở Saigon và bị đưa ra quản thúc ở Cây Vông, Nha Trang, Ngài đã viết về cách sống và cách cư xử của ngài đối với mọi người: Cha lại đi thêm một quãng đường – chông gai mịt mù và vô định. Trên đường cha gặp lắm lữ khách – Cha đã xem tất cả là bạn – Xem mọi biến cố là kinh nghiệm quý báu – Vì tất cả là hồng ân.”

Ca đoàn Trung Tâm Công Giáo hát thánh ca. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ngài đã viết trong cuốn Đường Hy Vọng số 894: “Các con chỉ cần mang một thứ đồng phục và chỉ cần nói một thứ ngôn ngữ: đó là thứ ngôn ngữ của tình yêu thương” vì ở đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời. Và khi ở trong tù, nơi tưởng rằng chỉ có tuyệt vọng và tiếng khóc than và lời nguyền rủa oán hận, thì trái lại, Ngài luôn luôn yêu thương mọi người. Ngài yêu thương ngay cả những người bách hại Ngài, từ các quan cao cấp nhất đến những người lính canh tù. Ai ai cũng tỏ ra lạnh lùng đối với ngài vì họ phân biệt rất rõ ràng: “Bạn là bạn, thù là thù không thể nào đội trời chung”. Nhưng Đức Hồng Y đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, con đây với hai bàn tay trắng, con không có quà cáp gì để biếu người ta để xóa bỏ hố sâu ngăn cách. Con không biết làm cách nào bây giờ? Hôm đó Chúa bảo với Đức Hồng Y qua một ý nghĩ trong đầu Ngài: “Con có cả một kho tàng quý báu. Đó là tình thương của Chúa Giêsu trong trái tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con…” Và Ngài đã dùng tình thương để hoán cải những người lính canh tù rất lạnh lùng này trở thành những người bạn, và sau 6 năm biệt giam, Đức Hồng Y đã nhận được thư của một người cai tù như sau:

“Anh Thuận thân mến,

Tôi đã hứa với anh là sẽ cầu nguyện cho anh. Mỗi Chủ Nhật, nếu trời không mưa lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đền thờ Đức Mẹ vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện như thế này: Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa cầu nguyện cho anh Thuận nên tôi đến đây xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.

Thật là lời cầu nguyện rất chân thành của một người lính canh tù ngoại đạo đã có được niềm tin nhờ tình yêu thương tha thứ.

Và đây là cuộc đối thoại giữa Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận với anh cai tù (mà chính Ngài đã ghi lại trong 5 chiếc bánh và 2 con cá: chiếc bánh thứ 5):

“Điều khó hiểu nhất đối với người lính gác tù là thái độ tha thứ yêu thương địch thù của mình. Có hôm anh gác hỏi tôi: – Ông có thương chúng tôi không?

– Có chứ, tôi yêu thương các anh cách thành thực, không có gì là khách sáo đâu!

– Kể cả khi người ta giam ông, mất tự do, năm này sang năm khác. Không xét xử gì cả?

– Anh nghĩ lại bao nhiêu năm ở với nhau. Tôi làm sao giấu được. Tôi thực sự yêu thương các anh.

– Chừng nào được tự do, ông có sai giáo dân của ông trả thù chúng tôi không?

– Không, tôi vẫn tiếp tục yêu thương, dù các anh có muốn giết tôi.

– Nhưng tại sao lại yêu kẻ thù hại ông?

– Vì Chúa Giêsu đã dạy tôi yêu thương; nếu tôi không tuân giữ, tôi không đáng gọi là Kitô hữu nữa”. Cha Thái nói tiếp:

– Từ gương sáng của Đấng Đáng Kính Fx. Nguyễn Văn Thuận, chúng ta học được bài học của Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Phúc Âm hôm nay, chỉ có tình yêu Kitô giáo mới thay đổi được lòng người, chứ không phải bom đạn, hay là đe dọa, bức hiếp. Phải, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Thế giới không thể có hòa bình nếu thiếu sự tha thứ. Đức Phật cũng đã dạy: Lấy oán trả oán, oán chập chùng. Lấy đức trả oán, oán tiêu tan”. Nguyên tắc này không phải chỉ đúng cho việc phục hồi hòa bình thế giới, mà còn là một lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong gia đình, bạn bè và cộng đoàn. Hãy phát huy “Văn minh tình thương” bằng sự tha thứ, thay cho “Văn Hóa Sự Chết” với thù hận, ân oán giang hồ cả một vòng hệ lụy nghiệt ngã qua bao nhiêu đời!

Vợ chồng ông Nguyễn Phán thay mặt giáo dân dâng của lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Cuối bài giảng, Linh mục xin mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện: “Lạy Đấng Đáng Kính Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, xin giúp chúng con bắt chước gương sáng và lời ngài đã dạy trong Đường Hy Vọng số 793: “Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi”.

Sau bài giảng, Thánh lễ tiếp tục được cử hành, mọi người sốt sắng cầu nguyện “Giờ đây, nhờ lời bầu cử của Ngài và theo thánh ý Chúa, xin Chúa ban cho con được ơn đang khẩn cầu với niềm hy vọng thấy Ngài sớm được vinh hiển trên bàn thờ.” Linh mục chủ tế giơ tay ban phép lành của Chúa cho mọi người và thánh lễ kết thúc lúc 9 giờ 45 phút cùng ngày.

Leave a Reply