Lễ tưởng niệm nạn nhân bị cộng sản sát hại trên Tỉnh Lộ 7

Bài THANH PHONG

WESTMINSTER – Sau gần nửa thế kỷ, những người còn sống sót trong cuộc di tản trên Tỉnh Lộ 7, trong đó có chiến hữu, nhà văn Lê Anh Dũng vẫn không quên niềm đau xót, nhớ thương những người thân, bạn bè, đồng ngũ, đồng bào đã ngã gục dưới lằn đạn của quân Cộng Sản khi họ di tản trên tỉnh lộ 7 tìm đường về Tuy Hòa. Niềm thương nhớ đó đã được thể hiện 48 năm qua, và hôm Chủ Nhật, ngày 19 tháng 3, 2023 buổi lễ Tưởng Niệm diễn ra trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở thành phố Westminster dưới bầu trời ảm đạm, mưa lất phất, thật phù hợp với câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”

Tuy thời tiết như vậy và theo lời nhà văn Lê Anh Dũng, không có thư mời bất cứ ai, chỉ một thông báo ngắn gọn trên báo chí để những ai có lòng đến tham dự, và một số đồng hương thuộc Liên Trường Pleiku, một số viên chức phục vụ tại Tiểu Khu Pleiku và các người may mắn sống sót trong cuộc di tản đẫm máu nói trên. Tất cả đã đến với mục đích thắp nén hương tưởng niệm những người vô tội, trong đó có các cụ già, các bà mẹ, các trẻ em trên đường vượt thoát Việt Cộng đã bị quân Cộng sản tàn sát dã man trên tỉnh lộ 7 vào tháng 3 năm 1975, xác người nằm la liệt bên cạnh đồ đạc ngổn ngang, có bà mẹ ôm chặt đứa con thơ đã chết tự bao giờ, miệng vẫn à ơi ru con như điên dại!

Nhà văn Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May chứng kiến cảnh tượng này. Bà đã viết, “Không thể chịu đựng thêm nữa, tôi vội quỳ xuống trước khoảng đất trống gần đó mà lạy mười phương tám hướng, vừa khóc vừa van vái, Xin tha cho dân tộc con, cho đất nước con… Tôi úp mặt vào đôi bàn tay nhỏ bé kêu lên, Chúa ơi!”

Người đứng ra tổ chức buổi Tưởng Niệm, nhà văn Lê Tâm Anh (Lê Anh Dũng) phát biểu, “Ngày hôm nay chúng ta đứng tại đây trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt, Mỹ để tưởng nhớ đến những người đã chết trên đường di tản từ Pleiku xuống Tuy Hòa trên tỉnh lộ 7. Và tất cả những người chết thảm ở cửa Thuận An, Tư Hiền, Đà Nẵng thật vô cùng đau xót! Chúng tôi mời quý vị lên trước bàn thờ, thắp một nén hương cho những người đã khuất.”

Trong lúc mọi người thắp hương, ông Lê Anh Dũng đã đọc bài Văn Tế do ông soạn, trong đó có đoạn nói, “ Than ôi! Toàn dân miền Nam đang sống thái bình / Cộng sản miền Bắc mưu đồ tràn vào miền Nam gây cảnh đao binh / Tạo bao cảnh tan nhà nát cửa / Mấy mươi năm oán hận đạn bom khói lửa / Việt Nam Cộng Hòa quyết gìn giữ giang san / Thế nhược tiểu bị các đại cường cấu xé bán buôn / Tháng ba năm 1975 khơi nguồn ly loạn! Cuộc rút quân Quân Đoàn I / Bao xác thân vùi chết cửa Thuận An, Tư Hiền, Đà Nẵng / Cuộc di tản Quân Đoàn II / Quân cán chính đùm túm thân nhân hỗn loạn / Đường Tỉnh Lộ 7 người và quân xa tan tác ai tai / Lớp chết lớp bị thương lớp bị bắt tình hình hỗn loạn / Lính và dân chung lưng di tản / Đâu còn tinh thần chiến đấu – chỉ muốn cứu thân nhân! / Hỡi ôi! thời thế đẩy đưa thác loạn trăm lần / Cho nên ngày 30 tháng Tư cả Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ / Bốn mươi tám năm qua bao nhiêu lần chạp giỗ / Những linh hồn oan khuất quyện gió sương / Dưới Tượng Đài Việt Mỹ kiếp tha hương / Nhớ những oan hồn chiến sĩ, đồng bào chết thảm / Trong cuộc chiến nghiệt ngã những ngày ảm đạm – Hãy chứng giám lòng thành người tưởng niệm thành tâm / Hỡi những linh hồn, về đây chứng giám.”

Sau khi mọi người đều lên thắp hương, một số người có mặt lên chia sẻ những kỷ niệm đau thương về người thân, về nỗi kinh hòang và thảm cảnh đau thương khi phải dẵm lên cả những thây người chết để cố chạy thoát thân. Và sau đó, ông Lê Tâm Anh nói mấy lời cảm tạ và buổi Tưởng Niệm kết thúc trong nỗi buồn của mọi người.

Trả lời câu hỏi của Viễn Đông, ông Lê Anh Dũng nói,“Biến cố tháng Ba, 1975 rất là quan trọng, không phải riêng về tình hình chính trị mà vì ngày 15 tháng Ba năm 1975, Quân Đàon II được lệnh di tản. Di tản không theo quốc lộ 19 về Qui Nhơn mà lại di tản theo tỉnh lộ 7 xuyên từ Pleiku qua Phú Bổn xuống Tuy Hòa, mà con đường tỉnh lộ 7 từ hồi nào tới giờ bỏ, không có đi lại nên con đường rất xấu, xe cộ không thể chạy nhanh vì những ổ gà liên tục và cuộc di tản đó, toàn thể Quân, Cán, Chính khi được lệnh di tản họ đem theo gia đình, vợ, con. Khi bị Việt Cộng pháo kích thì lính tráng lo bảo vệ mạng sống cho gia đình nên không còn tâm trạng nào bắn trả lại quân Việt Cộng, chính vì vậy mà trở nên hỗn loạn và thừa cơ hội, Việt Cộng đã nã đạn, tàn sát rất nhiều người trên con đường này.”

Leave a Reply