Loay hoay Mồng Tám Tháng Ba

Bài NGUYÊN QUANG

Người đời bỗng dưng có thơ rằng “Vừa xong trận Corona / Đội quân Mồng tám tháng ba kéo vào / Mới hay rằng xứ Đông Lào / Đàn ông gắng gượng thụt vào thụt ra / Cho xong Mồng Tám Tháng Ba / Thương cho cái nghiệp thụt ra thụt vào…” Đại khái nửa đùa nửa thật về chuyện đàn ông cứ thụt tay vào túi mà vét tiền chi cho ngày này, nó như một thứ “tai nạn ga-lăng” đối với cánh mày râu mà kỳ thực, cho đến lúc này, ý nghĩa của ngày này nó cũng chẳng thấu đạt điều gì, nếu không muốn nói có thêm ngày này, lại thêm phần gây tác hại cho mọi thứ.

Như lời của một người phụ nữ tên Duyên, sống ở một vùng quê phía Nam, cụ thể là huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chia sẻ, “Xứ này vốn dĩ ham chơi, mà chơi hợm hĩnh lắm, cứ có thêm một cái ngày nữa là thêm cớ để ăn chơi, chán thật!”

“Vậy là chị không hưởng ứng ngày 8 tháng 3 à ?”

“Có gì đâu mà hưởng ứng, cứ đến ngày đó, phụ nữ thỏa sức ăn nhậu, vẽ vời đủ chuyện, đàn ông lại móc ví mua hoa tặng vợ, mua quà, đủ các trò. Mà mấy cái trò này, phù hợp với những người có tiền, giới quan chức giàu có, chứ với những người lao động, thêm một ngày này lại thêm buồn!”

“Tại sao lại buồn hả chị?”

“Buồn vì thân phận nghèo khổ của mình, quanh năm suốt tháng làm lụng cực khổ, nói gì thì nói, đàn ông Việt Nam ít chia sẻ với phụ nữ lắm, họ có tính gia trưởng, họ cho rằng đàn ông thì không thể đi chợ, không thể giặt áo quần hay nấu ăn, đàn ông phải “kinh bang tế thế,” mà kinh bang tế thế của họ lại nằm ngoài quán nhậu. Làm được mười đồng, họ nhậu ít nhất cũng hết năm đồng rồi, vì sỉ diện đàn ông với nhau, vì ham chơi, vì nghiện ngập. Anh thấy đó, một đất nước mà ngành karaoke phát triển rực rỡ, các cô chân dài như những bà hoàng của xã hội, còn người vợ, người đàn bà và con nít thì phần đông nheo nhóc. Như vậy, thêm cái ngày 8 tháng 3 gì đó nữa có phải là thêm cái cớ cho các ông nhậu chúc mừng. Đó là chưa muốn nói đến ngày 9 thì phụ nữ phải dọn dẹp cái đống rác của ngày 8, tiền ăn học con cái, quĩ gia đình bị ảnh hưởng nặng, các ông cũng mặt nặng mày nhẹ, cái xứ này nó cải lương lắm!”

“Cải lương? Nghĩa là sao?”

“Cải lương, cải lương từ chính sách cho đến đời sống thực tế. Hằng năm, ngay cả những người phụ nữ được nhận chính sách từ nhà nước cũng sống lây lất nhưng đến ngày 8 tháng 3 hoặc 27 tháng 7, tức ngày thương binh liệt sĩ thì chính quyền địa phương mới chơi đủ trò kiểu tôn vinh, tri ân. Tôi thấy mấy trò này có khác gì sân khấu cải lương. Nếu thực sự tốt đẹp, thì ba trăm sáu mươi tư ngày bình thường hãy cho chúng tôi một đời sống bình thường, đừng quá cực khổ, đừng bị hành hung, đừng bị ép chế, đừng gặp bất công. Như vậy là hạnh phúc thật sự. Chứ suốt những ngày khác, các ông, từ nhà nước đến dân đều say sưa ăn nhậu, say sưa tham ô, say sưa gái gú, đến ngày này thì làm cho nó hoành tráng, làm cho nó trở nên kì vĩ, nó thật vô nghĩa!”

“Xin hỏi một câu tình thật, chị là nông dân, nhưng sao nhận định của chị lại sắc sảo, không như các nông dân, phụ nữ tảo tần, ít học vậy?”

“Dạ, ngày xưa tôi là một giáo viên, tôi không được nghỉ hưu mà phải nghỉ theo chế độ giảm biên chế, lý do là tôi không có bằng đại học, chỉ có bằng cao đẳng sư phạm, trong khi đó, có rất nhiều giáo viên khác chẳng có bằng cấp, họ chạy bằng đó, tôi nói không sai đâu!”

“Nghĩa là sao? Người dạy chữ chạy bằng cấp?”

“Đúng vậy, hầu hết các giáo viên chạy bằng cấp có lộ trình rất rõ, họ học chưa hết phổ thông cơ sở, chạy bằng, sau đó lên miền núi dạy, gọi là vùng sâu vùng xa đó, sau đó mới di chuyển dần về đồng bằng khi đủ năm đủ tháng phục vụ, cuối cùng bằng của họ được hợp thức hóa, kì thực thì bằng dỏm. Ở một xứ sở mà quan chức đầu óc chứa toàn những thứ chẳng liên quan đến tri thức nhưng bằng cấp đầy rẫy, giáo viên, người dạy chữ cũng dám chạy bằng, trong khi những sinh viên chính quy ra trường thì thất nghiệp, đi chạy xe ôm, vay tiền mua xe mà chạy Grab, rồi người ta nghĩ đến chuyện cào bằng giữa bằng đại học chính qui với bằng tại chức, thì anh biết rồi đó, có thêm một cái ngày 8 tháng 3 chỉ thêm khổ cho chị em, bởi ngay từ trứng nước nó là cải lương, nó đánh vào bản năng ham đàn đúm, chơi bời và mặc cảm nghèo khổ của chị em thôi!”

Tưng bừng ngày 8 tháng 3

Một phụ nữ khá “hiện đại,” tên Minh, hiện sống ở Quảng Ngãi, chia sẻ, “Đời là phải tưng bừng, ngày 8 tháng 3 thật tưng bừng, nhờ ơn Đảng, nhờ đời ta có Đảng mà có ngày 8 tháng 3 này!”

 “Chị cũng biết ngày 8 tháng 3 là của các nước xã hội chủ nghĩa à?”

“Đúng rồi, những đảng viên như chúng tôi đều biết chỉ có những nước xã hội chủ nghĩa mới có ngày quốc tế phụ nữ, chứ bọn tư bản thì nó bỏ cái ngày này lâu rồi, mà hình như nó cũng chả có cái ngày này đâu. Chúng nó đâu có quan tâm phụ nữ!”

“Chị dựa trên cơ sở nào mà nói rằng tư bản họ không quan tâm phụ nữ?”

“Thì anh thấy đó, toàn bộ các cuộc biểu tình của nữ giới đều diễn ra ở các nước tư bản, đòi quyền này quyền nó, chứ ở khối Cộng sản có ai thèm biểu tình để đòi quyền đâu, họ thừa mứa quyền rồi, chán rồi, không thèm đòi đâu!”

“Xin lỗi, chị cho tôi hỏi thêm một chút, anh nhà làm việc ở cơ quan nhà nước hay làm tư và anh có thường nấu cơm hay rửa chén, đi chợ giúp chị không?”

“Ông xã tôi là Chủ tịch xã, công việc của ổng là phục vụ nhân dân, ổng đâu còn thời gian mà phục vụ vợ con, ổng chỉ cần đi nhậu về chịu khó đừng la mắng con là quý lắm rồi, ổng đừng rầy ra vợ, chê vợ này nọ là quý lắm rồi, đàn ông phải kinh bang tế thế chứ anh!”

“Chị có từng nghe qua về cách quan niệm như phụ nữ và trẻ em đứng đầu, sau đó đến chó và cuối cùng là đàn ông của phương Tây không?”

“Có, đó là quan niệm sai, đàn ông phải đứng đầu, đẻ con thì thập nữ viết vô, hữu nam viết nhất, tức là đẻ mười đứa con gái vẫn là con số không, đẻ một đứa con trai đã là số một. Đàn ông phải làm việc lớn.”

“Thế phụ nữ thì sao?”

“Thì cũng được làm lớn nhưng rõ ràng đàn ông họ giỏi hơn, họ có thể kinh bang tế thế, chứ cỡ bà Trưng bà Triệu cũng vậy thôi, không thể đi xa được!”

“Ngày hôm nay (8 tháng 3), anh có tặng quà cho chị chứ?”

“Năm nào ông ấy cũng tặng tôi một bó hoa hồng trị giá gần cả triệu đồng ($42), bằng một phần ba số tiền ông ấy đưa cho tôi hằng tháng đấy!”

“Tôi chưa được hiểu lắm chỗ này, xin chị nói thêm ạ?”

“Thì vợ chồng hiện đại, chung giường như tiền ai nấy giữ, hằng tháng ổng về đưa cho tôi ba triệu đồng để lo cơm nước cho ổng, còn tiền chi phí ăn học của con thì ổng lo, tiền lương của tôi thì tôi dùng để đi chợ, mua này nọ, cà phê với bạn bè, dân chủ mà!”

Khác với quan niệm của chị Minh, chị Mai, một phụ nữ ở Điện Bàn, Quảng Nam, chia sẻ, “Gia đình tôi không đặt nặng cái ngày 8 tháng 3 cho mấy, nói chung không hưởng ứng mà cũng không bác bỏ!”

“Xin chị nói rõ hơn một chút được không ạ?”

“Nghĩa là chưa có năm nào gia đình tôi tổ chức mừng 8 tháng 3 cả, và cái ngày này ông xã tôi ảnh cũng chẳng tặng tôi cái hoa hay món quà gì, các con cũng vậy”

“Vậy chị có thấy buồn gì không?”

“Ồ không, sao lại phải buồn vô lý vậy! Bình thường, ông xã tôi sống hết lòng vì vợ con, ngay cả tiền lương hằng tháng ổng cũng không giữ, ổng giao cho vợ quản mọi khoản tài chính trong gia đình, còn ông thì lo làm việc, phụ giúp vợ nấu ăn, đi chợ, chăm con. Mỗi ngày với tôi là một đóa hoa đẹp, dễ thương của ông xã tôi tặng tôi, các con tôi ngoan, chúng cũng tặng những đóa hoa dễ thương cho tôi, chúng chịu học hành, học chăm, giỏi và ngoan, lễ phép, thương người, như vậy thì ngày nào với tôi chả là 8 tháng 3, mà tại sao cứ phải chọn một ngày rồi xoắn lên, như vậy rõ là mặc cảm rồi!”

“Mặc cảm nghĩa là sao, tôi vẫn chưa hiểu lắm thưa chị?”

“Khi con người mặc cảm mình nhỏ bé thì luôn làm một cái gì đó to tát, hoành tráng, làm cho cả nước, cho thiên hạ lép vế. Ví dụ như cái bánh chưng nặng hàng tấn, cái bánh tét nặng hàng tấn, tô hủ tiếu, tô mì Quảng nặng hàng tấn… Tất cả những việc làm đó đều cho thấy con người đang mặc cảm về sự nhỏ nhoi của mình giữa cuộc đời này. Bởi những cái hàng tấn đó vừa vô bổ, vừa không dùng được, lại vừa hoang phí. Ngày 8 tháng 3 cũng vậy, nó phì đại những cuộc vui, phì đại những kiểu chúc tụng sến sùa và không thật lòng, nó phì đại cả những đòi hỏi ngớ ngẩn và thiếu hiểu biết, thấu cảm… Tôi là người hơi khác người, gia đình tôi cũng vậy!”

“Gia đình chị hạnh phúc quá, thật ngưỡng mộ!”

“Cảm ơn anh, đời sống như vậy tính ra chúng tôi cũng may mắn, nhưng chúng tôi luôn tự biết nên vun vén và chăm sóc để gia đình được hạnh phúc. Bởi hạnh phúc không phải là những câu khẩu hiệu, những bó hoa tung hô hay ánh trăng lừa dối. Hạnh phúc cần sự ân cần, thấu hiểu và cảm thông, càng sâu sắc càng tốt!”

Ba câu chuyện của ba người phụ nữ mang sắc thái khác nhau, xoay quanh đề tài 8 tháng 3 trong lúc ngoài kia đang tưng bừng và ồn ào với ăn nhậu, hát hò, tặng hoa… Mọi thứ cứ như đang nháo nhào lên. Trong khi đó, có những góc lặng cuộc đời của người phụ nữ bị đóng cửa vĩnh viễn, phủ bụi mờ và những trắc ẩn cuộc đời dần trở nên xa lạ với họ, họ dần quen với kiểu sống tưng bừng khẩu hiệu và vồ vập hoa, vồ vập quà… Tự dưng, thấy khoảng lặng của gia đình chị Mai lại đáng yêu và cho cảm giác bình yên.

Leave a Reply