Một lần thất tín, vạn lần bất tin

Bài KIỀU MỸ DUYÊN

          Ông bà, cha mẹ thường nói một lần thất tín, vạn lần không tin, nhất là trong buôn bán làm ăn, hứa điều gì phải giữ lời hứa, phải xem lời hứa có giá trị hơn mạng sống của mình. Vậy mà có nhiều người hứa cho vui, hứa làm cho người khác vui thì dễ lắm, nhưng làm mất lòng tin của người khác thì sẽ mất bằng hữu, sẽ mất khách hàng, nhất là chính trị gia khi đã là đại diện dân, hứa phải giữ lời.

          Nếu mình có bệnh quên thì lấy giấy bút ghi ra hoặc thu lại trong điện thoại của mình, về nhà viết ra là hôm nay mình đã hứa với ai điều gì và phải làm điều đó. Khi cảm thấy mình không làm được thì đừng hứa.

          Tôi nhớ ngày xưa khi đến chùa Bảo Quang, thành phố Santa Ana, nhiều chánh khách hay đến thăm chùa này. Vị Hòa Thượng trụ trì là người hiếu khách, mỗi lần có lễ lớn, ngài thường mời các chánh khách địa phương đến tham dự. Họ vui vẻ đến đông lắm, vì chùa này có nhiều Phật tử đi bầu phiếu. Có một lần, tôi nói với ông nghị viên của thành phố rằng chùa không có nhiều chỗ đậu xe, mà Phật tử thì đông, vì ông bà, cha mẹ của họ để thờ trong chùa, nên con cháu thường xuyên về chùa lễ Phật và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ của mình được siêu thoát. Chùa có nhiều sinh hoạt như những lớp học Việt ngữ cuối tuần, gia đình Phật tử sinh hoạt thường xuyên ở chùa nên chỗ đậu xe của chùa không đủ, nên Phật tử phải đậu xe ở công viên đối diện với chùa rồi đi bộ sang chùa, nhưng không có đèn xanh, đèn đỏ dễ bị đụng xe lắm. Nơi này có nhiều lần bị đụng xe, hoặc xe đụng người đi bộ băng qua đường. Ông nghị viên nói:

          – Tôi sẽ cho làm cây đèn xanh, đèn đỏ trước cổng chùa.

          Lời hứa ngọt ngào này không phải một mình tôi nghe mà nhiều người đứng xung quanh ông nghị viên của thành phố Santa Ana nghe. Chúng tôi nhớ mãi cho đến bây giờ, chờ đến ông nghị viên trở thành phó thị trưởng, rồi làm thị trưởng, giám sát viên nhưng cây đèn xanh, đèn đỏ không thấy ở đâu mà thầy trụ trì đã viên tịch gần 4 năm rồi. Lời hứa của chính trị gia còn để lại trong lòng người nghe nhưng cây đèn xanh, đèn đỏ đó có lẽ đến thế hệ thứ 4, thứ 5 khi thành phố này có hơn 2/3 nghị viên là người Mỹ gốc Việt mới may ra được thực hiện và hồn thiêng của thầy trụ trì về phù hộ cho Phật tử của chùa thì may ra cây đèn xanh, đèn đỏ trước cổng chùa mới được thực hiện.

          Mất bằng hữu cũng vì lời hứa, cứ nghĩ rằng thân quá cứ hứa, hứa rồi không đến, hứa rồi cho lời hứa của mình theo mây gió. Thật ra mình hứa rồi không giữ lời hứa đó là mình không tôn trọng mình trước rồi nói đến tôn trọng người sau.

          Tôi cố gắng cho hết cuộc đời này, hứa với ai điều gì, tôi lấy giấy bút ra ghi ngay, ghi vào cuốn lịch trước mặt, dặn cô thư ký ghi xuống lịch, tới ngày đó thì nhắc tôi. Thứ tư tôi vào bệnh viện, tôi vẫn giữ lời hứa với một chuyên viên địa ốc hẹn chiều thứ sáu đến gặp tôi để đem bằng real estate đến làm việc với tôi, tôi dặn thư ký gửi lời xin lỗi vì thứ Sáu tôi còn ở trong bệnh viện. Đó là hứa với người, còn hứa với thần thánh, hứa với Đấng Tối Cao là giúp người này, người nọ mà không giúp thì kiếp sau sinh ra để trả nợ.

          Trên thương trường hay chính trường là nơi thiên hạ hứa nhiều nhất, nhất là chỗ đám đông, vì thế hãy nhìn những gì họ làm hơn là nghe những gì họ nói. Tôi là người may mắn được quen nhiều người tốt, các vị lãnh đạo tinh thần tốt, những người làm việc từ thiện tốt, bằng hữu tốt. Tôi nghĩ ông bà, cha mẹ của mình ăn ở phước đức nên con cháu được nhờ.

          Ở đời này nhìn người nói dối dễ biết lắm, nhìn vào mắt của người đối diện, nhìn cách họ nói, nhất là nhìn vào ánh mắt của họ thì biết ngay.

          Sống làm sao đừng để mất người thân của mình? Khó lắm, chỉ cần thất tín một lần, chỉ có thể cũng làm mất lòng tin của người thân. Tìm một người thân đâu phải dễ, phải có thời gian, phải quen nhiều lắm, phải làm việc chung mới có sự thông cảm với nhau. Mất tiền bạc thì làm lại được, nhưng mất người thân thì mãi mãi vĩnh viễn sẽ không tìm lại được.

          Người càng nổi danh, nổi tiếng, có địa vị trong xã hội thì chữ tín đối với họ vô cùng quan trọng. Tôi còn nhớ khi tôi gặp Giám Mục William Skystad, phó chủ tịch hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong hội nghị hành trình Emmaus. Tôi hỏi Giám Mục xem ngài có về California trong những năm sắp tới, ngài nói có và sẽ về họp đại hội của hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Quý vị cũng biết ở Hoa Kỳ có trên 400 Hồng Y, giám mục hưu trí cũng như tại chức, tôi thưa với ngài tôi mong được tham dự đại hội này, vì tôi biết không phải ai cũng được mời tham dự hội nghị này, dù người đó làm cho truyền thông. Thế rồi mấy năm sau, một Đức Ông ở hội đồng Giám Mục gọi cho tôi và nói Giám Mục chủ tịch hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ mời tôi tham dự đại hội. Tôi ngạc nhiên và vô cùng cảm động vì được tham dự đại hội này. Sau này, đến hội nghị tôi mới thấy chỉ có 9 nhà báo, 8 người là người Mỹ trắng, tôi là người Mỹ da vàng duy nhất. Lúc đó, tôi làm cho đài truyền hình SBTN. Một vị lãnh đạo tinh thần lớn tuổi giữ lời hứa, tôi vô cùng kính nể.

          Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu mỗi lần ngài đến California đều cho chúng tôi phỏng vấn và cho thị giả thông báo với chúng tôi ngày giờ ngài đến. Người có chức vụ cao là thế, lời hứa như núi Thái Sơn, không phải hứa cho vui, không phải hứa làm vui lòng người nghe.

Việc giữ lời hứa sẽ chứng minh rằng bạn là người đáng tin cậy, đáng để mọi người quý trọng và tin tưởng. Với trẻ nhỏ, dạy các cháu giữ lời hứa là cách khiến trẻ trở thành người có trách nhiệm, có ý thức với những gì đã nói.

          Trong gia đình cũng vậy, nếu ông bà cha mẹ hứa với con cháu của mình mà giữ lời hứa, đây là bài học quý báu cho con cháu của mình, hứa là làm. Hứa cho con thứ gì thì cho thứ đó, hứa chở con đi chơi thì chở con đi chơi, hứa cho con quà gì thì cho thứ đó. Giáo dục từ trong gia đình, sau này những đứa trẻ lớn lên cứ theo đó mà làm, đó là những bài học tốt cho con cháu của mình.

          Những đứa trẻ thành tài thành những nhà lãnh đạo tốt là phải biết giữ lời hứa từ lúc nhỏ. Cô giáo, thầy giáo cũng vậy, dạy học trò biết giữ lời hứa, sau này học trò thành công trong xã hội cũng nhờ học ở trong gia đình, học ở trường học, và học ở xã hội từ những vị lãnh đạo tinh thần, những bậc trưởng thượng, v.v..

          Xã hội bình yên khi lòng người bình yên, nếu người bị bệnh mất trí nhớ thì sao? Khi đã bị bệnh thì họ đã hưu trí rồi, và đi chữa bệnh, đâu ở những chức vụ cao cả thì làm sao mà hứa nữa?

          Cách đây mấy năm, chúng tôi có viết bài: họ HỨA sao nhiều thế, được độc giả yêu thích, và viết email đến cho chúng tôi đề nghị nên viết tiếp và viết tiếp nhiều nhiều nhé. Họ Hứa nhiều thật nhưng ít có họ Hứa ra tòa án mà đến không đúng giờ hay quên lời hứa, vì với quan tòa không nói chơi, không nói đùa, không quên ra hầu tòa trừ khi bệnh khẩn cấp phải vào nhà thương.

          Tôi biết tôi viết không hay nhưng viết về người thật, việc thật. Nhiều độc giả thích người thật, việc thật nên tôi cứ viết đều đều, vẫn có người đọc và khuyến khích viết tiếp … cho đến khi tắt thở?

Lời hứa: trách nhiệm, danh dự và niềm tin.

          Ông bà cha mẹ là tấm gương cho con cháu của mình. Nhìn một người sống ở xã hội thì biết gia đình đó như thế nào. Thí dụ trong sở làm, ngồi vào cái ghế trước máy vi tính, đứng dậy biết đẩy ghế vào chỗ cũ, uống một ly nước biết đem cái ly bỏ vào thùng rác, ăn rồi biết dọn dẹp đĩa, ly, giấy bỏ vào thùng rác thì mình biết ngay người đó được giáo dục như thế nào. Ngày xưa, tôi có một chuyên viên địa ốc đã từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ 9 năm, chuyên viên này mỗi lần nói về trường huấn luyện cũng như đơn vị của mình thì nói thao thao bất tuyệt. Rất hãnh diện về quân đội Hoa Kỳ đã đào tạo những thế hệ trẻ thành người kỷ luật và thành công trong xã hội, nhưng có lần tôi nói:

          – Con nói trong quân đội dạy lính rất nghiêm khắc, tinh thần trách nhiệm đứng hàng đầu, nhưng tại sao con ngồi vào cái ghế trước máy vi tính, khi đứng dậy con không đẩy cái ghế vào chỗ cũ? Để cái ghế như thế này nếu người khác đi không để ý, họ vấp té thì sao?

          Người trẻ trả lời:

          – Lỗi tại vợ con, vợ con làm cho con hư. Ở nhà, thứ gì vợ con cũng làm hết!

          Tôi chỉ biết cười trừ.

          Nói về tinh thần trách nhiệm, trách nhiệm với lời hứa, trách nhiệm với việc làm, nói hoài không bao giờ hết, thôi thì Kiều Mỹ Duyên sẽ viết tiếp, viết hoài, viết mãi về đề tài này vậy.

          Cầu mong thế giới thái bình, lòng người bình thản, người người đều có tinh thần trách nhiệm với chính mình và trách nhiệm với người khác, trách nhiệm với lời hứa của mình.

          Mong lắm thay.

Orange County, 5/2023
(kieumyduyen1@yahoo.com)

Leave a Reply