Bài NGUYÊN QUANG
Đó là hiện trạng Việt Nam, theo qui định và cũng là qui ước của ngành giáo dục không riêng gì Việt Nam, cứ đến mùa hè, mùa nắng nóng là học sinh được nghỉ hè, nhằm đảm bảo sức khỏe, sự an toàn và duy trì khả năng tư duy cho đến khi trời dịu mát mới tiếp tục quá trình dạy – học trở lại. Nhưng, Việt Nam không có mùa hè, Việt Nam chỉ có danh nghĩa nghỉ hè và sự học tại Việt Nam còn nặng nề hơn cả mọi công việc lao động nặng nhọc khác.
Không có mùa hè cho em!
Đó là lời tâm sự của một học sinh tên Khuyên, vừa xong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đang chờ đợi kết quả, “Suốt mười hai năm học, từ lớp 1 đến lớp 12, em chưa bao giờ có khái niệm nghỉ hè!”
“Nhà trường vẫn nghỉ hè hằng năm, sao em lại nói chưa có khái niệm nghỉ hè? Do em tự nguyện không nghỉ hè?”
“Ai mà không ưa nghỉ hè hả anh? Em cũng không có ngoại lệ đâu. Em mê nhất là câu thơ ‘Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ’ của Xuân Tâm đó. Một câu thơ nói lên tất cả tâm trạng háo hức của tuổi học trò khi được nghỉ hè. Bởi đó là thời gian giải phóng con người ra khỏi những ràng buộc về bài vở, trả lại tuổi trẻ, tuổi thơ cho tụi em. Thế nhưng bây giờ, anh nhìn thử xem, vừa nghỉ hè chưa ráo mực thì phải đi học hè!”
“Thì em không đi học hè, có sao đâu?”
“Ủa, chứ ngày xưa anh không có đi học hè sao? Giờ mà không đi học hè thì mai mốt vào niên khóa mình cứ như thằng ngáo, chẳng giống ai, bạn bè biết mọi thứ, mình thì ù ù cạc cạc. Chính vì vậy mà phải đi học hè để khỏi ngáo thôi. Khổ lắm, em chưa biết mùa hè là cái chi hết á. Những ngày nghỉ hè đầu tiên, những năm mới vào lớp sáu, ba mẹ em còn cho đi du lịch, đi xong một chuyến là về cắm đầu vào học hè. Còn những năm sau này, chương trình nặng nề quá, nghỉ hè là lo cắm đầu vào học ngay. Chán lắm!”
“Lúc tiểu học, mùa hè của em như thế nào, có đi học hè không?”
“Dạ có chứ, đi học hè, rồi vào năm học thì đi học thêm, cứ quần quật suốt. Mang cái cặp nặng hơn 14 ký với học sinh tiểu học là một chuyện phi thường, thế nhưng đất nước này có quá nhiều đứa phi thường như vậy, nên tuổi thơ cũng chẳng còn chi, anh có biết vì sao học sinh ngày càng hung hăng và bạo dâm không?”
“Hung hăng thì anh biết, nhưng bạo dâm nghĩa là sao, em có nhầm với bạo lực, bạo động không?”
“Không, hung hăng thì gồm cả bạo lực, bạo động trong đó rồi, học sinh bây giờ hung hăng lắm, bởi vì tụi em luôn phải căng thẳng, sáng ra, chừng 5 giờ sáng là bắt đầu loay hoay dọn dẹp giường chiếu, có lúc thả đó luôn, ăn vội một miếng gì đó rồi đi đến trường, đi sớm để khỏi bị kẹt xe, đủ thứ lo lắng hết, đến trường học xong một ngày với nhiều loại chi phí, từ chi phí ăn trưa, chi phí bán trú trong một số năm, rồi chi phí thuê chỗ ngủ trưa, đến chiều về lại ăn vội một miếng là đến nhà giáo viên để học thêm hoặc ở lại trường để học thêm. Một ngày quần quật như vậy đến 8 giờ, 9 giờ tối mới về nhà. Về rồi phải thức ôn bài, đứa giỏi cũng ôn mà đứa dốt cũng phải ôn dù đó chỉ là quán tính. Ôn để mai lên còn bị kêu lên bảng mà làm toán hoặc dò bài. Cả một ngày quần quật, đến đêm cũng lo lắng và quần quật như vậy, chỉ có ngày Chủ Nhật tranh thủ đi chơi một chút rồi lại học thêm, ngày thứ Bảy thì lịch kín mít. Tụi em khổ hơn cha mẹ tụi em nhiều, vì cả ngày quần quật mà lại mang tiếng là hành hạ cha mẹ, không phụ giúp được gì cho cha mẹ. Trong khi đó, nếu muốn cha mẹ vui vì thành tích tốt thì chỉ có một nước là lao đầu như tên lửa vậy. Và những đứa không được cha mẹ thông cảm, vứt cho một cọc tiền để ăn học, chắc chắn sẽ thành những đứa đầu gấu.”
“Nhưng em vẫn chưa nói về bạo dâm?”
“À, thì rảnh chút xíu, tranh thủ coi phim sex, rồi khi đi học thêm, học cả ngày, thèm tình cảm quá thì hẹn hò, mà đứa nào cũng ăn sung, cũng coi phim heo rồi cũng có chút xíu thời gian dư ra, thì rủ nhau đến nhà trọ, làm chuyện đó, xong thành quen, hở một chút là rủ nhau đi làm tình, ban đầu còn hiền, càng về sau càng bạo ra, thậm chí vồ vập, bắt đầu lan man, gặp đứa nào liếc mắt cũng muốn hẹn nhau vào nhà trọ… Vậy đó”
“Anh hỏi riêng em một chút, em có làm chuyện ấy chưa?”
“Em chưa, nhưng em bị đánh ghen suýt mẻ đầu hồi lớp 7 kia. Hồi đó hai đứa nó ưa nhau, nhưng con nhỏ thì hay hỏi bài em, vì em học giỏi, em chủ yếu lo học, còn lại thì hơi nhiều chuyện, quan sát tụi nó. Em quan niệm tụi nó hư thì mình phải nên, vì lúc này, nên người là cơ hội duy nhất để tiến thân, chứ tụi nó nên người hết, học giỏi hết thì lấy đâu cơ hội cho đứa nghèo như em. Vì vậy mà em cắn răng chịu buồn, chịu đựng khổ nhục mà học. Thằng kia thấy con bé hay tới gần em, choảng em một cái nón bảo hiểm, em toác da đầu nhưng chỉ may mấy mũi chứ chưa bể hộp sọ, vậy là mừng lắm rồi. Nghĩ lại thấy buồn và chơi vơi cho cái sự học của mình lắm anh ạ!”
“Thường thì chừng lớp mấy là các bạn biết chuyện ấy, theo em quan sát?”
“Chừng lớp 7 bắt đầu rục rịch, lớp 8 là biết hết mùi vị rồi anh ơi. Nhiều đứa tiếp tục học, nhiều đứa nghỉ lấy chồng, cưới vợ, nhìn chung là tụi nó bây giờ rất bạo dâm, cũng do học nhiều quá mà chẳng biết học để làm gì, chẳng biết đạo đức hay tương lai là cái quái gì nên đâm ra hư hỏng hết!”
Ai đã lấy mùa hè của em?
Một giáo viên về hưu, ở Thái Nguyên, không muốn nêu tên, hiện đang là nhà thơ khá hot trên mạng xã hội bởi những vần thơ phản biện, giễu nhại hiện thực và đau đáu thời cuộc của ông, chia sẻ, “Đất nước này xinh đẹp bao nhiêu thì lại sinh ra những con người xấu xí bấy nhiêu!”
“Cái đó do giáo dục mà ra, thầy cũng là người cầm phấn đứng bục giảng mấy chục năm, e rằng có một phần trách nhiệm không nhỏ của thầy trong đó?”
“Tôi đồng ý với quan điểm của anh, nhưng tôi cũng là một cái con ốc nho nhỏ trong cổ máy giáo dục xã hội chủ nghĩa thôi, tôi chưa bị long, chưa bị bung gai trong quá trình hoạt động là may lắm rồi. Trong suốt quá trình dạy học, tôi chưa hề dạy thêm hay dạy kèm ngày nào. Lên lớp là tôi bung hết khả năng để dạy, may sao học trò tôi cũng không có những đứa ngổ ngáo phá phách trong giờ học. Nên với tôi, chừng đó là tạm yên lòng. Anh có biết vì sao học trò bị lấy mất mùa hè không?”
“Xin thầy chia sẻ thêm?”
“Vì lương tâm của những nhà làm giáo dục đã bị con quái vật nào đó ăn mất, vì thứ triết lý học, học nữa, học mãi chi phối nền giáo dục này. Mà học cái gì, học toàn những thứ vô bổ và trò bịp bợm!”
“Xin thầy chỉ thêm những thứ vô bổ và trò bịp bợm được không ạ?”
“Những thứ vô bổ như chủ nghĩa và chính trị lồng vào giáo dục quá nhiều khiến cho học sinh phải cố gắng nhồi nhét. Kinh khủng nhất cho giáo dục là bắt người ta học những thứ người ta ớn tận óc. Nên nhớ, giáo dục là một cách nuôi dưỡng tinh thần bằng tri thức. Người ta nuôi dưỡng cơ thể bằng thức ăn và nuôi dưỡng tinh thần, não bộ bằng tri thức. Bạn nghĩ gì nếu như cha mẹ bạn, xã hội của bạn cứ tọng một mớ thức ăn ôi thiu hoặc những thứ khó nuốt vào cuống họng bạn mỗi ngày, bạn sẽ phát triển ra sao? Giáo dục cũng vậy, cứ tọng toàn những thứ vô bổ vào đầu óc trẻ, thì chúng sẽ phát triển méo mó, nhân cách của chúng sẽ bị tổn thương. Đó là chưa muốn nói đến những bài học lịch sử đầy thù hận và ngạo mạn. Tất cả đều là thức ăn không thể nuốt được và không thể lớn thành người nghiêm túc!”
“Thế còn vấn đề bịp bợm thầy vừa nói?”
“Đó là những môn học bị đánh tráo và lừa đảo. Những môn như kĩ thuật công nghiệp, rồi kĩ thuật, mỹ thuật, thể dục. Tất cả các giáo trình của các môn ấy đều vừa lạc hậu vừa thiếu chuyên môn. Riêng môn thể dục, tôi chưa thấy một giờ thể dục nào bổ ích, thời đại con người cần trang bị võ thuật, kĩ năng bơi, kĩ năng sâu về bóng đá, bóng chuyền, vậy mà các môn thể dục ra sân phơi nắng với uốn éo khởi động rồi tập mấy động tác mà tôi tin chắc là học sinh cố tập cho có để thi, xong lại vứt vào sọt rác. Đến môn giáo dục công dân, tương đương môn đạo đức hay môn Đức Dục, Đạo Đức Học trước 1975 của giáo dục miền Nam ấy, môn này dạy toàn chủ nghĩaMác – Lê Nin, đạo đức Hồ Chí Minh. Những thứ hết sức mơ hồ và gây tốn thời gian, mỹ thuật cũng vậy, dạy vẽ là khai mở óc sáng tạo, kĩ năng nắm bắt màu sắc và phối kết màu sắc thiên nhiên bằng việc vẽ, đằng này ra biểu mẫu, xong bắt học sinh vẽ y hệt như vậy. Vô cùng phản giáo dục và gây tốn kém thời gian của học sinh. Hết sức vô bổ và bịp bợm. Nói đó là sự bịp bợm bởi vì một nền giáo dục hô hào về kĩ thuật, kĩ năng gần nửa thế kỉ mà học sinh chết nước như rươi, học sinh vẽ như đồ, học sinh càng học đạo đức càng mất dạy. Chứng tỏ nền giáo dục đó phải rất bịp bợm. Vậy ai đã làm nên sự bịp bợm này? Tôi nghĩ không cần bàn thêm!”
Câu kết của vị thầy giáo về hưu, cũng là một nhà thơ nặng lòng với thời cuộc nghe nặng trĩu tâm tư về một đất nước, một nền giáo dục và một tương lai dân tộc quá ư mơ hồ, nặng trĩu!