Mùa thiên tai nối mùa thất nghiệp sau đại dịch

Bài NGUYÊN QUANG

Có thể nói chưa bao giờ thiên tai đối với người miền Trung trở nên kinh hoàng và mệt mỏi như năm nay. Bởi trước đây, kinh tế còn đủ vững, thiên tai đến người ta sẽ cố gắng chống chọi và đứng dậy, gượng dậy… Còn năm nay, sau mùa đại dịch, kinh tế toàn cầu khủng hoảng, kinh tế Việt Nam rất khủng hoảng, các đoàn từ thiện vắng bóng và hơn hết, sau một chuỗi dài thất nghiệp, khó khăn, thiên tai kéo đến chẳng khác nào giáng đòn đấm chí tử để kết liễu kinh tế mỗi gia đình.

Sau ba năm thất nghiệp

Đói, thiếu, tiền liên tục rớt giá, lương cán bộ nhà nước sắp tăng… Đó như một lời sấm nặng nề đối với đời sống người dân, những người lao động bấp bênh, không có lương bổng ổn định và thất nghiệp kéo dài. Những đồng tiền dự trữ hao mòn dần theo thời gian và nhỏ bé dần trước thời giá. Một người tên Mẫn, từng công nhân bốc vác của xưởng mộc, chia sẻ, “Từ lúc dịch đến nay, chị đi làm bữa được bữa mất, bây giờ đi làm phụ quán cũng rất khó, vì đâu ai thuê, thất nghiệp đầy đường, bữa nay muốn đi bưng bún, bưng phở thuê phải có vóc dáng cho đẹp, chân dài, trẻ trung, tươi mát, thậm chí phải có trình độ!”

“Chị là phụ nữ, chị đi làm xưởng mộc thì làm công việc gì?”

“Làm đủ thứ việc hết. Những khi có sơn gỗ thì mình chà nhám, làm mặt bằng, dọn vệ sinh, bưng bê các thứ dụng cụ và có khi phải bưng cả một cánh cửa nặng ba, bốn chục ký á chứ. Thời gian đầu làm không quen, về nhà đau ê ẩm cả người, dần rồi cũng quen, tay chai đi, rồi thấy bình thường, vai cũng nở ra như đàn ông vậy, giờ đi  bưng cơm hay thức ăn thì mình sẽ làm rất khỏe nhưng nghiệt nỗi không ai thuê vì thấy mình thô quá!”

“Chị bị thất nghiệp từ bao giờ?”

“Từ sau đợt dịch bùng phát năm ngoái, xí nghiệp gỗ đóng cửa, ban đầu còn sản xuất cầm chừng, được vài tháng thì đóng cửa luôn, vậy là mình đi tìm chỗ làm khác, đi tìm đủ chỗ hết, chỗ nào bưng thức ăn hay phụ quán thì được chừng hai tuần thì người ta có nhân viên mới trẻ, đẹp, người ta cho mình rửa chén bát, mà quán ế quá, có mấy cái chén bát đâu mà rửa, chủ họ rửa luôn, mình thấy thừa thì tự nghỉ thôi!”

“Vậy hiện tại, vấn đề dự trữ của mình như thế nào hả chị?”

“Dự trữ chi nữa đâu anh! Hồi mới bị dịch, nhà có hai đứa cháu bị nhiễm Covid-19, cách lý tại trường trung học phổ thông, cha của tụi nó là em tôi, bị ngã gãy chân, đứa em gái cũng bị nhiễm, nhà có tôi không có chồng con, đi làm bên ngoài, trong lúc đang rối lên như vậy, tôi chạy xuống xưởng để xin ứng chút lương mà về cầm cự. Trên đường đi, chủ tịch xã nó gọi điện thoại, bắt tôi phải quay về nhà ngay và cấm đi ra khỏi nhà, nó nói nếu tôi không quay về thì bắt đi cách ly. Tôi nghe vậy, loay hoay quay đầu xe bị té xuống cái mương, lòm ngòm bò dậy, kéo xe ra khỏi mương, may sao mương cạn. Về tới nhà mới phát hiện mình mất sợi dây chuyền năm chỉ vàng rồi, nhưng đâu có ra ngoài được để mà chạy tới đó tìm. Bình thường thì tôi luôn mặc áo gió cao cổ khi đi đường, vào xưởng thì chẳng ai trộm cướp giật dọc ai. Tự dưng hôm đó tôi quýnh lên, chẳng mặc áo gió đi. Thành mất, vốn liếng để dành ở đó, may cũng còn được vài triệu đồng bỏ heo đất, nhưng giờ cũng hết rồi!”

“Sao chị không cất mà sắm dây chuyền đeo, nhỡ khi có việc, bán sẽ mất giá vì đó là đồ trang sức?”

“Mình đổ bằng vàng thật, bán cũng không mất giá lắm đâu. Nhưng do nhà không có người, phòng ốc, tủ cũng chẳng an toàn nên đeo trong người cho chắc ăn đó, ai dè cái số nó vậy!”

“Thời gian thất nghiệp, chị có canh tác, trồng rau để bán thêm gì không?”

“Có chứ anh, làm cật lực, nhiều khi làm chẳng được mấy đồng nhưng phải làm, có làm mới có mà sống chứ. Mùa này tôi trồng một mớ húng quế, nếu mà thu hoạch được thì cũng kha khá, mỗi ký húng quế trái mùa cả trăm ngàn đồng lận. Ai dè đợt trước nước ngập, chết một mớ, mới cứu lại, nhân nó ra được mấy luống thì nước lại ngập, giờ thì tan nát rồi. Năm nay tình hình khốn khó thật. Bữa nay mà bão lụt là đói đó, không giỡn chơi đâu!”

“Tình trạng như chị có vẻ nhiều ghê! Chỗ chị đang báo động mấy?”

“Hai ngày nay thủy điện bắt đầu xả lũ, Đại Lộc bị ngập nặng anh à. Rau củ quả chi te tua hết rồi, báo động hai đến báo động ba, tức là nước có thể vào nhà. Mà bữa nay nó vào nhà thì chỉ có quét ba cái dụng cụ điện của mình thôi chứ lúa gạo còn bao nhiêu đâu. Cứ mỗi lần có đám thì mình phải bán một ít để đi, đám cưới, đám ma, mình đâu có tránh được. Tình hình khó thật!”

Cứu trợ ơi, cứu trợ đang ở đâu?

Đây là lời kêu cứu của một lão nông ở Đại Lộc, mà lão nông này khá đặc biệt, anh là chuyên gia đi rừng tìm nấm lim xanh, thậm chí tìm trầm trong những ngày rỗi việc, tiết nông nhàn, và anh cũng dựa vào mối quan hệ về trầm hương của mình để kêu gọi bạn bè, nhà hảo tâm giúp đỡ cho bà con nghèo trong những đợt thiên tai, lũ lụt… “Năm nay đúng là im vắng quá, cứu trợ ơi, không biết bây giờ cứu trợ đang ở đâu?”

“Tình hình kinh tế có vẻ ảm đạm ngoài sức tưởng tượng, anh kêu vậy chắc cũng chẳng mấy ai nghe và anh quan sát thấy bà con miền núi sống ra sao?”

“Anh biết đó, phía Tây của miền trung là trung du và đồi núi, vùng này không thể dựa vào nghề lâm nghiệp mà sống được. Có thể dùng lâm nghiệp để làm giàu, tức là trồng rừng, vài ba năm thu hoạch một khoản tiền kha khá, còn thời gian còn lại thì đi làm thuê, xuống đồng bằng làm công nhân, hầu hết người lao động ở đây đổ xô xuống khu công nghiệp dưới đồng bằng để làm công nhân. Bây giờ thất nghiệp thì lại về nhà bâu bám vào mấy đám rừng, đám nương, đám ruộng. Mà khổ lắm, khi kinh tế khủng hoảng thì lâm sản hay nông sản đều khó tiêu thụ. Mình vẫn không hiểu vì sao nông sản và lâm sản ngay tại chỗ thì thừa, khó tiêu thụ, rớt giá, mà ngoài chợ lại rất mắc. Lạ, thế ban quản lý thị trường họ tồn tại làm chi hè!”

“Mấy ngày nay, chỗ anh (vùng B, Đại Lộc, Quảng Nam) nghe nói có nhà bị sập?”

“Đúng rồi, có nhà bị lở núi, đất tụt xuống đè sập nhà, may sao không có người chết, vì cả nhà kịp thoát ra ngoài trong lúc đang ăn cơm. Thiên tai, thời tiết ngày càng dữ tợn. Tui nghĩ chắc là nhà đó màn trời chiếu đất hơi bị lâu đó, bởi vì họi nghèo quá, mà ở đây ai cũng nghèo, đã nói tới vùng B Đại Lộc thì phải nói tới nghèo, mặc dù nó ngày xưa là căn cứ của các ông ấy, nhưng thời bây giờ, các ông ấy về thị trấn, thành phố hết rồi, có tình thì các ông xây một cái tượng đài kỉ niệm là xong, đời sống thì đâu cũng vào đấy, cứ cạp rừng, cạp đất mà bâu bám qua ngày, lây lất qua năm thôi! Nghèo khổ là thường trực, buồn lắm!”

“Anh đi nhiều, anh thấy phía Tây miền Trung, từ trung du tới miền núi, mười năm trở lại đây đời sống có gì thay đổi không?”

“Có chứ, thay đổi nhiều, thay đổi cơ bản là rừng của dân bị thu hồi đền bù, làm thủy điện rất nhiều và người ta chuyển sang đi làm thuê ở đồng bằng hầu hết. Bên cạnh đó, những khu dân cư mới, gọi là tái định cư cũng có phần bền hơn, nhà bê tông mà. Nhưng bù đó, sinh hoạt của người dân hoàn toàn thay đổi. Nói khác đi là người dân bị ngắt, nhéo quá nhiều.”

“Người dân bị ngắt, nhéo nghĩa là sao anh?”

“Nghĩa là ngay từ đầu, có dự án thủy điện, họ đã bị ngắt nhéo tiền đền bù, cái nhà của họ chỉ là nhà cấp bốn, lợp ngói và chả có gì nhưng giá xây dựng từ vài trăm triệu đến tỉ đồng, cứ bắt họ dời đi, về ở nhà bê tông mới và trừ vào tiền đền bù của họ cả tỉ bạc thì không chỉ ngắt, nhéo mà cướp cạn nữa kia mới đúng, cái nhà đó đưa tôi xây, không tới hai trăm triệu đồng. Rồi thêm mấy ông dưới đồng bằng mang ba cái ti vi hư, ba cái đồ bỏ bãi, tân trang lại mới mới chở lên bán cho họ với giá cắt cổ, tiền ít ỏi nhận được từ hỗ trợ đền bù là mấy ông này cưa sạch. Họ ôm ba cái xe máy, ti vi, tủ lạnh cũ được vài tháng thì hỏng hóc, thành đống của nợ. Phải nói là dân mình có trí, biết lừa thật, lừa những người cùng khổ như họ thì ác còn hơn cái chi! Rồi họ cố gắng xuống dưới xuôi mà làm thuê, làm công nhân, làm đủ thứ công việc hết. Giờ dịch giã xong, công ty, xí nghiệp đóng cửa, họ lại về quê, đói no cứ bám rừng, bám rẫy mà qua ngày. Khó khăn lắm. Thêm thiên tai, lũ quét nữa, thời bây giờ rừng bị cạo trọc rồi, quét một cái là ghê gớm lắm. Chẳng biết nói sao! Năm nay chẳng có Thủy Tiên, chỉ có thủy tề thôi!”

Câu nói nửa đùa nửa thật của anh Hoàng khiến cho buổi chiều mưa xám càng thêm nặng nề, xám xịt. Lại một mùa mưa đang hoành hành trên xứ sở đói kém và thất nghiệp này. Và nó trở thành hung thần đối với người sơn cước, trung du, bởi bây giờ, rừng đâu còn để che chở con người!

Leave a Reply