Mũi Cửa Đại, ‘chẳng biết xa lòng có những ai’

Bài CHU

Hai câu thơ: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai” của Phạm Hầu khi viết về non nước Ngũ Hành Sơn lại ứng với mũi Cửa Đại hơn, có vẻ như là vậy. Bởi những ai từng trèo lên đỉnh đá Huyền Không Non Nước nhìn ra biển Đà Nẵng, cảm nhận cái vô tận của đại đương, cũng sẽ thấy rằng đại dương ở tầm nhìn này có gì đó gần gũi hơn nhiều so với đại dương mênh mông, cô quạnh của mũi Cửa Đại, nơi có ngọn hải đăng từ thời Pháp để lại, cảm thức bạn có được từ nơi này thật kì lạ!

Từ phố cổ Hội An, bạn đạp xe về phía biển Cửa Đại, đi qua những đoạn đường rợp bóng mát, cây xanh và dòng sông chảy mon men bên đường, bên kia sông là rừng dừa nước, bạn qua một chiếc cầu nhỏ, nơi này có dòng nước xà hai chảy qua (tức nước lợ, đã có pha vị muối mặn của biển, không hẳn nước biển mà cũng không hẳn nước sông), bạn tiếp tục đi thêm chừng nửa cây số thì gặp bờ biển Cửa Đại.

Bạn có thể ghé vào một quán nước dừa nào đó nằm dưới rặng dừa hay rừng dương để ngắm biển. Ở vị trí từ bờ biển Cửa Đại, bạn phóng tầm mắt nhìn thấy Cù Lao Chàm hay Ngũ Hành Sơn, bạn nhìn thấy Đà Nẵng rất gần, có cảm giác như bạn chạy bộ chừng mươi phút đã tới, nhưng kì thực tốn cả giờ đồng hồ chạy bộ bạn vẫn chưa chạm được Đà Nẵng đâu.

Từ bờ biển Cửa Đại, bạn tiếp tục đạp xe về hướng Đông Nam, đi dọc bờ biển, nơi có những đoạn bờ kè cao vòi vọi nhìn xuống biển hun hút, nơi từng bị xói lở sau một đêm biển ăn vào đất liền hàng trăm mét, nơi có nhiều cánh đồng hoa muống biển và rừng phi lao, và có cả một khu khách sạn năm sao bị bỏ hoang do sóng biển xâm thực. Mọi thứ ở đây cho cảm giác hoang vu và rờn rợn.

Cửa Đại (Chu/ Viễn Đông)

Thế nhưng đó là do bạn nhìn về phía tay trái, ngược lại, phía tay phải bạn là một khu dân cư đồ sộ, qui cũ và có những khách sạn lớn như Mường Thanh, có đại học Phan Chu Trinh và có cả một khu phức hợp giải trí… Nhưng, bạn cứ bỏ qua những thứ ấy, vì nó xa xỉ quá, điều chúng ta đang tìm là sự dung dị, gần gũi với thiên nhiên.

Bạn tiếp tục đạp xe đến cuối đường, sau khi rẽ một cung sang hướng phải, bạn gặp ngay một rừng phi lao nhìn ra một bến tàu du lịch. Những con tàu cao tốc đưa khách ra Cù Lao Chàm có thể sẽ hấp dẫn cho cuộc đi tiếp theo của bạn, nhưng chuyện ấy hãy nói sau.

Bởi từ chỗ doi cát mới mọc sau rất nhiều lần bồi lở rồi lại lở bồi ở mũi Cửa Đại này (chỉ có thể gọi đây là Mũi, bởi nơi đây có gì đó cho cảm giác nó là tận cùng của đất liền, nơi có một mũi đất nhìn ra đại dương xanh bao la, giống như Đất Mũi ở Cà Mau vậy), nơi đây, bạn tha hồ thả bộ trên cát để tìm những vỏ ốc, những rễ cây, gốc cây đâu đó từ tít tận đại dương xa dạt vào, chúng có gì đó rất lạ, chẳng mang dấu hiệu xứ sở này, có lúc, tôi còn tưởng chúng từ một hành tinh nào đó ghé đến và ham chơi chốn này vậy.

Bạn có thể nhặt một nhành cây hay một thớ gỗ nào đó và đồ rằng nó đến từ Cù Lao Chàm, hoặc giả những thanh gỗ bám đầy hàu biển, chắc chắn chúng phải đến từ một hòn đảo nào đó, ở mũi Cửa Đại, bạn nhìn thấy chúng đang cố ngoi lên khỏi mặt nước để vào bờ, qua rất nhiều lằn ranh bằng lưới cá, cảm giác như các lưới cá đang treo mình lên để vợt giữ mặt trời chứ chẳng liên quan gì đến việc đánh bắt thường nhật.

Thi thoảng có vài con cò biển và bồ nông, không biết từ đâu đến, chúng nhảy vào các vuông lưới và tha hồ lượm những con cá còn sót trên đó. Bạn thử đưa một chiếc vỏ ốc lên tai và nghe thanh âm u a từ biển, hình như đó là thanh âm của các hoang đảo, của thủy tổ đang trò chuyện mà bạn không tài nào giải mã nổi.

Cửa Đại (Chu/ Viễn Đông)

Dạo một vòng, mệt, bạn có thể vào quán nước dừa, nằm võng, đong đưa và nghe tiếng sóng, uống một trái dừa tươi mát hoặc ăn một món gì đó. Đương nhiên các quán ở đây chủ yếu phục vụ thức uống và các loại nước thanh nhiệt là chính. Bạn có thể ăn một gói mì ăn liền nếu đói bụng, giá bình dân, cái cảm giác rời bỏ mọi thứ, một mình với trời đất, với đại dương và chẳng ai hỏi ai chi nhiều, bạn gọi món thì chủ quán im lặng mang ra cho bạn rồi lại quay vào sau khi tặng bạn một nụ cười xã giao, bạn lại một mình ngồi nhâm nhi mấy cọng mì tôm… Thật khó mà tả độ thú vị cũng như hoang dã của nó.

Đỡ mệt một chút, bạn có thể sang ngọn hải đăng để thăm, không biết hiện tại đã bán vé chưa chứ cách đây nửa năm, tôi ghé thăm thì các nhân viên canh hải đăng cho tôi thăm miễn phí và họ hết sức nhiệt tình hướng dẫn cách trèo cầu thang (vì cầu thang hải đăng thiết kết khá đặc biệt, khó trèo hơn nhiều so với mọi loại cầu thang, không biết các hải đăng khác có thiết kế giống vậy không, việc treo lên đỉnh hải đăng là một cuộc mạo hiểm li kì, với tôi là vậy!).

Khi bạn thu đại dương và Cù Lao Chàm vào tầm mắt, bạn có thể quay trở lại quán nước để nghỉ ngơi một chút, nằm võng đong đưa ngắm các chuyến tàu từ đảo trở về đất liền, ngắm bến tàu, ngắm đất trời và ngắm một cụm rừng phi lao nằm cô đơn trước bến tàu, trên một doi đất rất kì lạ. Có thể nói rằng đây là một nơi đẹp và kì thú cho bạn!

Chúc bạn có một chuyến đi thú vị và đáng nhớ!

Leave a Reply