Mỹ Sơn huyền thoại và đời thực

Bài CHU

Nhắc đến Mỹ Sơn, có lẽ lại một lần nữa nhắc đến kiến trúc sư Kazik, người đã bỏ tuổi trẻ của mình để sống chết cùng Mỹ Sơn. Ông là một kiến trúc sư, một nghệ sĩ có lòng tự trọng và có phong cách phục chế di sản hết sức văn hóa mà trong một quãng thời gian dài, những kẻ cơ hội đã không ngớt chì chiết và gièm pha ông bởi cách phục chế này. Nhưng, người ta càng gièm pha, Mỹ Sơn càng trở nên huyền hoặc và hấp dẫn sau những giọt mồ hôi và cả nước mắt của ông. Một Mỹ Sơn được ví như con rồng cuộn tròn, ôm lấy quả trứng là những ngôi đền tháp linh thiêng của Chăm Pa một thuở. Khu đền tháp nằm cách Kinh Thành Sư Tử (Simhapura) chưa đầy ba cây số đường chim bay, nơi đây thờ các thần linh và các vị vua, đây cũng là nơi đánh dấu quyền uy và sự vĩ đại của mỗi vương triều.

Từ Kinh Thành Sư Tử, đi dọc theo dòng Thu Bồn, đi qua những bãi biền miên man dâu xanh và thoai thoải cát, thi thoảng đi qua một con dốc vòng bên sườn núi, nhìn xuống dòng Thu Bồn trong xanh và sâu thẳm, rồi lại đi qua những cánh đồng, bạn có thể mường tượng rằng cách đây hàng ngàn năm, nơi này đã là nơi của những đàn voi chiến, của vó ngựa và những cung bậc Saranai, Paranưng, Ghi Năng hay tiếng trống bập dùng, nơi đây từng là một vùng đất phồn thịnh và sầm uất một thuở, nơi của những con người nâu chàm thị tộc Dừa quanh năm suốt tháng làm đủ ăn, sinh con đẻ cái và dồn tất cả năng lượng cho nghệ thuật, toán học (khi bạn nhìn những đền tháp xây với tỉ lệ vàng của nó thì bạn sẽ hiểu rằng khả năng toán học của người Chăm Pa đạt đến đỉnh cao nào), và cả những cuộc chiến tranh bất tận…

Ngôi đền chính còn được duy trì tại Mỹ Sơn. Hình chụp ngày 20 tháng Giêng, 2021. (Sgnpkd/ Wikimedia Commons)

Qua hết những cánh đồng, đến ngã ba Kiểm Lâm, bạn có thể đi thẳng lên thăm lăng Bà Thu Bồn, chợ thu Bồn và thăm cả những làng cổ Tí Sé, Dùi Chiêng, nhưng xin để năng lượng cho ngày mai, bây giờ hãy rẽ trái, đi vào đường Nông Sơn để đến ngã ba Nông Sơn – Mỹ Sơn. Để rồi từ ngã ba Nông Sơn – Mỹ Sơn, bạn đi tiếp vào một con đường chỉ toàn bóng mát của những vườn cây và rừng cây, hai bên đường là những quán nhỏ bán đủ các mặt hàng, từ thức ăn truyền thống của người Việt, người Chăm cho đến tượng đá các vị thần trong đền tháp. Đương nhiên các pho tượng này có chất lượng đá giống hệt chất lượng đá trong đền tháp bởi đá được lấy về từ mỏ đá Duy Trung, một ngọn núi vốn dĩ là núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước, đây cũng là loại đá mà hàng ngàn năm trước người Chăm Pa đã đưa về chạm khắc những bức tượng trong đền tháp.

Con đường khá dài, đi qua rừng và những xóm núi, nơi có vài chục mái nhà gồm người Chăm và người Việt, hầu hết những người Chăm nơi đây đã thành người Việt sau những cuộc binh biến và bể dâu lịch sử, nếu bạn đủ thân thiết, họ sẽ kể cho bạn nghe gốc tích Chăm Pa của họ, và gần những xóm người Chăm có một bàu sen rộng mênh mông, người ta nói rằng trước đây, voi trận canh gác cho kinh thành sư tử được nuôi và thuần hóa ở nơi này, bàu sen vốn là nơi tập trận. Điều này cũng giống như Phật Viện Đồng Dương, nơi có một cái hồ rất lớn, vuông vức nằm cách Phật Viện chưa đầy một cây số đường chim bay, dùng để tập trận cho voi.

Không rõ đội tượng binh của quân đội Chăm Pa hùng mạnh cỡ nào, nhưng rõ ràng khi nhắc tới các ao sen, người ta lại gán với voi trận của người Chăm. Và cũng có thể voi trận của người Chăm không đến mức thiện chiến như voi trận của người Việt, bởi người Chăm thiên về hàng hải và hải quân, những đội thuyền chiến của người Chăm Pa từng một thời làm rúng động các nước lân cận, nhưng với người Chăm Pa, voi là biểu tượng cho sự may mắn, phồn thịnh, họ thờ voi thần Ganesha trong các đền tháp. Dường như nơi nào có thờ cúng, nơi ấy mang bóng dáng những con voi thần.

Đi hết con đường thơ mộng này, bạn sẽ gặp cầu Khe Thẻ, một chiếc cầu bắc qua suối Khe Thẻ, nơi đây được đồn đoán rằng Cao Biền đã chặt long mạch của người Chăm khiến cho huyết rồng chảy đỏ con suối mãi mãi, bởi nước suối có màu máu rồng. Không biết chuyện thực hư ra sao nhưng Cao Biền là nhân vật có thật trong lịch sử xâm lược các nước phương Nam của Trung Quốc cổ, và nước suối Khe Thẻ cho đến ngày nay vẫn đỏ một màu rất lạ. Hơn nữa, mốc lịch sử người Chăm bị mất kinh thành Sư Tử lại trùng hợp với thời gian Thái Thú Cao Biền cai quản vùng đất Việt.

Qua khỏi cầu Khe Thẻ, bạn sẽ được một chuyến xe điện chở vào thăm đền tháp Mỹ Sơn, nơi đây, bạn được ngắm những tuyệt tác của người Chăm Pa một thuở và ngắm cả những giọt mồ hôi còn vương vất đâu đó trong các đền tháp được phục chế nham nhở theo triết lý của Kazik: cái gì phục chế phải để người ta nhận rõ là nó đang mới, nó vừa được xây và không thể giống y như phiên bản gốc.

Ngồi xe điện, đi bộ dạo thăm, ngồi uống nước và rồi đợi xem các vũ nữ Apsara múa biểu diễn trong nhà truyền thống Chăm Pa trong khu du lịch này… Bạn sẽ không tiếc nuối với quãng đường gần 20km từ kinh thành Sư Tử đến Thánh địa Mỹ Sơn.

Tàn tích của ngôi đền Mỹ Sơn thờ Thần Bhadreshvara (Lord Shiva) trong hình chụp ngày 14 tháng 12, 2022. (Muralikrishna m/ Wikimedia Commons)

Leave a Reply