Nạn phá rừng ‘chính danh’

Bài NGUYÊN QUANG

Phá rừng, chuyện này không chỉ mới có, nhưng phá rừng một cách đồng bộ và chính thống thì chỉ mới có trong những năm gần đây, cụ thể là những năm nền kinh tế chuyển từ tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì sao nạn phá rừng bùng phát trong thời này? Đó là câu hỏi mà một số người trong ngành có thể trả lời được cho dù không trả lời trực tiếp vào vấn đề.

Thời bao cấp cũng có tham nhũng, phá rừng, nhưng ít…

Một cựu cán bộ kiểm lâm ở Bình Thuận, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Cho đến lúc này, không riêng gì Bình Thuận mà tất cả các tỉnh, nếu có nạn phá rừng, thì phải do một ông lớn đứng ra phá.”

“Ông nói thêm được không? Vì đây là chuyện hết sức nhạy!”

“Thường thì kiểm lâm không bao giờ thua lâm tặc, cho dù lực lượng mỏng nhưng khi cần sẽ có lực lượng hỗ trợ. Trường hợp kiểm lâm tuyên bố lực lượng quá mỏng và không chống được lâm tặc là xảy ra hai vấn đề, hoặc bản thân kiểm lâm chính là lâm tặc, hoặc kiểm lâm đã ăn chia.”

“Nếu kiểm lâm đã ăn chia thì ăn chia như thế nào và trường hợp kiểm lâm là lâm tặc, xin ông chia sẻ rõ hơn?”

“Trường hợp ăn chia, tức là không phải kiểm lâm trực tiếp ăn chia mà được những miếng nhỏ từ bề trên, lâm tặc chỉ là kẻ đi trộm thuê cho quan chức, chúng được phép trộm rừng và kiểm lâm phải im lặng với chúng để ăn chia với bề trên, chúng cũng được hưởng một phần không nhỏ. Bọn lâm tặc ăn chia kiểu này manh động lắm, vì chúng có kẻ chống lưng. Nhiều kiểm lâm không hiểu chuyện đã ra mặt ngăn cản chúng và kết quả là mất mạng, cùng lắm là được phong liệt sĩ. Còn kẻ trộm giấu mặt luôn là quan chức thứ bự, không ai đụng được, ngay cả đám lâm tặc kia cũng có ai đụng vào được đâu. Nếu có kiểm lâm chết, tức là có quan đang dằn mặt kiểm lâm, vậy thôi!”

“Có phải đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kiểm lâm cũng có thể làm lâm tặc?”

“Đúng rồi, thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Bên trên trộm lớn thì bên dưới trộm nhỏ, đâu có gì lạ, mà lòng tham phát khởi rồi thì bên dưới lại tìm cách leo cao, luồn sâu để mà trộm lớn, rốt cục thì mọi thứ trở thành một mớ hỗn độn. Tình trạng rừng Việt Nam bị phá không phải mới mẽ gì. Nhưng mà phá một cách có hệ thống thì chỉ mới đây thôi, tức là sau khi kinh tế Việt Nam mở cửa, giới quan chức có cơ hội đi ra nước ngoài nhiều và nhìn thấy giá trị của gỗ, nhắm tới rừng. Chứ trước đây không có kinh khủng như vậy. Cái đáng sợ là phá một cách chính thống, phá theo hệ hình chính trị.”

“Phá một cách chính thống thì tôi có thể hiệu được nhưng phá theo hệ hình chính trị thì nghe rối mù, xin ông nói thêm?”

“Phá một cách chính thống là phá dựa trên các dự án, mà dự án nào cũng nghe có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc, vì dân cả. Ví dụ như dự án thủy điện, có hàng trăm dự án thủy điện mọc lên, phá hàng triệu hecta rừng, cuối cùng thì dân được gì? Dân được xài điện, nhưng muốn xài điện phải bỏ tiền ra một cách khủng hoảng, các công nhân, người lao động phải còng lưng đóng tiền điện. Nói cho cùng thì kẻ được lợi vẫn là các quan chức, từ đương chức cho đến về hưu. Rừng từ núi sâu đổ vào các căn biệt thự triệu đô, các căn biệt thự mọc ra như rừng, từ trong nước cho tới nước ngoài, đều rừng, tài nguyên mà ra cả đấy thôi. Còn tiền khai thác đâu ra thì lấy nó đắp nó. Cứ một cánh rừng bị hạ xuống thì có ít nhất cũng chục quan tham trở nên giàu có, dư dật, xa hoa ngoài sức tưởng tượng và có thêm một đám linh cẩu bâu bám. Nhưng anh có biết tại sao gọi là rừng chết theo hệ hình chính trị không?”

“Thực tâm là tôi không biết, xin ông chia sẻ?”

“Vì trong hệ thống chính trị đa đảng, đa nguyên thì chắc chắn chuyện quan sát, bảo vệ tài nguyên quốc gia sẽ hết sức chặt chẽ, và chẳng có đảng phái nào dám để mất điểm trước chúng dân vì bất kì điều gì, trong đó, bảo vệ tài nguyên rừng là cấp thiết nên họ càng quan tâm. Chính vì vậy mà chỉ có những quốc gia tiến bộ, đa nguyên đa đảng mới có chuyện làm một con đường lớn phải uốn, nắn cho nó đi vòng cái cây, chứ Việt Nam thì không có chuyện này đâu, nó cưa lấy gỗ ngay tức thì. Vì sao? Vì độc đảng, nhân danh đảng, những nhóm lợi ích bên dưới luôn đe nẹt nhau trên tinh thần “điều lệnh đảng”, đã là điều lệnh của cấp trên thì bố thằng đảng viên nào hó hé, còn đơn phương tố cáo hả, cháy nhà, chết người bất kì giờ nào! Chính cái sự độc đảng này dẫn đến tình trạng bệ rạc, thối nát của hôm nay, và những quan chức trở thanh sâu mọt của dân tộc chỉ vì bọn chúng có quyền đảng trong tay!”

Chuyện của rừng

Dường như nói tới rừng, nghĩa là hoàn toàn không quá đáng khi dùng mấy chữ “rừng vàng biển bạc,” rừng Việt Nam còn hơn cả những mỏ vàng. Bởi vì trữ lượng gỗ quý, trữ lượng sản vật rừng thì nhiều vô kể. Từ việc đi hái nấm lim xanh cho đến đi tìm trầm, tìm kỳ nam, tìm phong lan, tìm các loại thuốc, tìm sâm… dường như muốn tìm một thứ gì đó thật quý hiếm thì chỉ biết vào rừng, một khúc gỗ mục, một cội cây già trong rừng cũng có thể bán lên đến tiền tỉ… Chính vì vậy mà một khi ôm một cánh rừng, nghĩa là ôm được cả một khối tài sản vô tiền khoáng hậu trong tay.

Ông Kỳ, một người dân đi trầm, chia sẻ, “Rừng Việt Nam mình lạ lắm, thứ gì cũng quý, từ nấm lim xanh cho đến gỗ, rồi các thứ, có nhiều thứ quí hơn vàng như kì nam chẳng hạn. Nói tới sản vật rừng là nhiều vô kể!”

“Ông cũng là người Bình Thuận, ông có nhận xét như thế nào về việc chuẩn bị làm đập thủy lợi?”

“Suy nghĩ gì nữa, chỉ thấy toàn là một lũ lừa đảo, mà sao cho đến giờ này, dân mình vẫn ngu không biết nữa!”

“Dân thì làm được gì hả ông? Một khi nhà nước đã quyết định thì dân có làm gì được đâu!”

“Đại dân thì không làm gì được, chứ đại diện dân thì phải nói lên được tiếng nói của dân chứ, đằng này đại diện dân chỉ lên làm nghị gật, ngủ hả họng trên kia, chờ đưa tay biểu quyết, có hỏi đáp gì thì cũng chỉ tấu hài với nhau thôi, có gì lạ đâu! Đã lên tới đó thì đằng sau lưng mấy đại diện dân này cũng có một đám linh cẩu to đùng rồi, cho nên chả có thằng nào dám mở cuộc săn linh cẩu đâu! Bởi vì săn linh cẩu tức là săn người nhà, người anh em của họ. Rồi thêm nữa, đám quan lại chấp nhận lên bờ xuống ruộng, lăn lê bò toài để được lên cao, được thành đảng viên cao cấp để làm gì? Họ thừa biết rằng lý tưởng không ăn được và cả bọn đều đã bụng phệ, thằng nào cũng cần ăn cả, bản thân họ cũng bụng phệ, nên họ biết họ cần gì mà! Rừng chết, chết trong đau đớn, mà mọi thứ đều chết trong đau đớn, trong cái danh dự của kẻ nói láo.”

“Danh dự của kẻ nói láo nghĩa là sao thưa ông?”

“Thường thì trước khi bợ của, thằng nào cũng giở giọng đạo đức cả, bọn muốn bợ rừng thì đầu tiên là đưa ra dự án ngàn tỉ, về thủy điện hoặc thủy lợi, sau đó chúng nó khai thác sạch rừng lòng hồ rồi thì sống chết mặc bây, mà thường thì chúng có bỏ qua đâu, lấy gỗ rừng làm vốn để làm thủy điện, thủy điện mọc lên rồi thì dân mới còng lưng ra mà chịu khổ chứ bọn chúng nó lại tiếp tục thu lãi. Một trong hai cách để ăn, hoặc là ăn xong rừng thì thả đó, làm gì được nhau nào, hoặc là ăn xong rừng, lấy rừng nuôi thủy điện. Mà tôi đoán chắc là công trình thủy lợi Ka Pét sẽ chết!”

“Dựa trên cơ sở nào ông đoán chắc mẫm vậy thưa ông?”

“Trước đây, ở một số rừng Bình Phước, Bù Đăng, kế hoạch thủy điện bị gác lại nửa chừng do số tiền khai thác rừng chưa đủ để xây dựng thủy điện, chúng nó khai thác xong thì ôm tiền, thả công trình nằm đắp chiếu. Các rừng giàu gỗ ở miền Trung thì có thể thực hiện được vì trữ lượng gỗ bán ra khá cao, và dòng chảy đủ mạnh để tích nước làm thủy điện. Mà chỉ có điện mới bán có tiền nhiều, chứ lúa gạo, bán ba cái nước thủy lợi thì coi như chả ra chi! Bây giờ làm công trình thủy lợi trong một khu rừng nguyên sinh như vậy, bởi một nhóm làm kinh tế chả ra gì, qui mô cũng cỡ Việt Á (Kit Test) thì không bợ gỗ mới là chuyện lạ! Bởi vì cái công trình thủy lợi hồ Biển Lạc trước đó cũng bỏ không, làm mất một mớ rừng, rồi giờ tới Ka Pet, toàn là lừa đảo để ăn gỗ thôi, chứ nếu mà thực sự tích tụ được nước thì nó đã làm thủy điện rồi, chứ không có thủy lợi đâu. Bình Thuận trước đây bị phản đối điện hạt nhân, rồi phản đối nhiệt điện, chúng nó sợ, tránh chữ “điện” ra để mượn cớ thủy lợi. Hỏi ông, rừng nguyên sinh còn trải dài đó mà nước còn không tụ được, thì phá rừng đi nắng mấy bữa thì đất khô rang, lấy đâu ra nước? Tới con nít còn nhìn ra, vậy mà bọn nó nói bằng này bằng nọ lại nhìn không ra sao? Rõ ràng là ngậm miệng ăn tiền thôi!”

Người đàn ông này tỏ ra bực tức và nói năng bắt đầu lắp bắp, mệt mỏi. Điều này khiến tôi rất lo, khuyên ông dùng thuốc huyết áp hoặc loại trợ tim nào đó mà ông vẫn thường dùng. Ông lắc đầu, nói rằng bực quá hơi chóng mặt thôi chứ lâu nay ông không có tiền sử huyết áp hay đau tim. Nhắc về tình hình đất nước, nhắc về công trình trọng điểm quốc gia mà phải thở gấp và cho cảm giác sắp đột quị vậy sao?!

Leave a Reply