Bài NGUYÊN QUANG
Nói tới Việt Nam, nếu không nhắc đến nạn trộm cắp, có vẻ như chưa biết gì về Việt Nam. Bạn nào từng đi máy bay, từng đi qua cửa khẩu và gặp hải quan Việt Nam, chắc cũng ngấm đòn, thấm đau vì chuyện mất cắp. Nhưng, chuyện mất cắp đâu chỉ có mặt ở cửa khẩu, hải quan, nó có mặt khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách. Chuyện mất cắp, nạn trộm cắp tại Việt Nam giống như một căn tính thời đại.
Đi đâu cũng gặp trộm cắp
Chị Ngô Bé, một nhân viên hải quan nghỉ việc sớm do sức khỏe và không phù hợp với ngành, chia sẻ, “Từ ngày nghỉ việc, ra kinh doanh, thấy đời mình thanh thản anh ạ!”
“Xin hỏi chị, tại sao chị lại nghỉ việc sớm, trong khi người ta bỏ tiền tỉ để được vào ngồi chỗ của chị?”
“Ở trong chăn mới thấu hiểu chăn có rận, anh có bao giờ nghe câu này chưa?”
“Dạ nghe rồi, nhưng bây giờ người ta thích cùng bắt rận và tỉ tê với nhau trong chăn đấy thôi?”
“Ngành nào bây giờ cũng có tiêu cực anh ạ, nạn trộm cắp trong ngành đã thành thứ bệnh mãn tính, càng chống thì càng nặng, bởi con người, suy cho cùng có ba thứ giới hạn, ba thứ ngưỡng mà một khi đã vượt qua nó thì không bao giờ quay lại được nữa.”
“Xin chị nói rõ hơn về ba thứ giới hạn, ba ngưỡng này?”
“Đó là ngưỡng quyền lực, ngưỡng tiền bạc và ngưỡng tri dục. Ngưỡng quyền lực, một khi anh nhận định, sáng suốt và thấy được tầm của mình ở đâu để tùy duyên mà nỗ lực, phấn đấu đạt được thì xã hội sẽ ổn định. Ngược lại, khi quyền lực bị mua bán như hàng hóa và con người bị khích động lòng tham, kẻ dốt nát cũng mơ ngồi trên đầu thiên hạ và tin rằng mình sẽ ngồi tốt hơn khối kẻ khác. Giới hạn, ngưỡng tiền bạc, khi đã đạp bỏ qua giới hạn của lòng tự trọng và không còn biết việc nên dừng nữa thì người ta cứ thấy tiền là mê, là bất chấp, từ việc bán thân, rẻ rúng bản thân, người thân, con cái cho đến khoắn vào cả tài sản quốc dân, thứ mà nguy cơ ngồi tù rất cao nếu bị lộ. Bởi sức mạnh, sự mê hoặc của đồng tiền xô họ bất chấp danh dự để trộm cắp. Và một thứ giới hạn khác, ngưỡng khác, đó là ngưỡng tri dục. Ở đây tôi định nghĩa chữ này theo tình dục chứ không phải giáo dục, lương tri gì đâu. Cái ngưỡng này, nếu người ta vượt qua một lần thì không dừng được nữa, tức ngoại tình í, đã ngoại tình được một lần thì mọi thứ trở thành ngựa quen đường cũ…”
“Hình như cả ba ngưỡng chị vừa nêu, ngưỡng nào xứ ta cũng đã vượt?”
“Xứ ta thật là xuất chúng, xứ ta thật là siêu quần, không có thứ gì là không hơn người, không đáng xác lập kỉ lục. Mới đây có cuốn ram lớn nhất, gần đây nữa có chiếc áo dài dài nhất, trước một chút thì có tô mì Quảng lớn nhất, rồi cái bánh xèo lớn nhất, cái bánh chưng lớn nhất, đòn bánh tét dài nhất, nặng nhất… Giờ, nếu thực sự muốn nhất thì phải thêm vào nạn trộm cắp nặng nhất, nạn ngoại tình nặng nhất, nạn vô liêm sỉ nặng nhất. Vậy đấy!”
“Nói đến đây, có vẻ như tôi hiểu được nguyên nhân chị bỏ ngành. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao chị lại chọn ngành để rồi bỏ?”
“Việc chọn ngành là do lý tưởng, tôi tin rằng có rất nhiều công an, nhân viên hải quan, kiểm sát viên… đều chọn ngành vì lý tưởng, vì yêu bộ đồng phục cũng như mô hình ngành lý tưởng. Hồi tôi thi đại học, tôi luôn tưởng tượng cái cảnh sau này mình sẽ mặc một bộ quân phục ngành, dáng mình cao, gầy, nhưng không mỏng và có uy lực, mình sẽ nhân danh công lý mà làm việc, mọi người sẽ nhìn mình ngưỡng mộ, thậm chí các chàng trai sẽ thầm thương trộm nhớ mình, họ đi đâu cũng thấy hình ảnh của mình… Hồi đó lý tưởng lắm! Thế nhưng khi tiếp xúc với thực tiễn thì chỉ biết đổ vỡ và đau lòng. Nên ra khỏi ngành thôi, may là mình có điều kiện, gia đình mình có vốn, mình biết kinh doanh và có thể nói là giỏi kinh doanh nên sống được, không đến nỗi đói. Chứ bây giờ chỉ giỏi kinh doanh cũng dễ chết lắm!”
“Hình như, thời đại bây giờ, ai làm ăn tử tế cũng khó mà ngóc đầu lên nổi, đúng không chị?”
“Dạ quá đúng đi anh ạ! Bởi trong một xã hội mà kẻ trộm được chính qui hóa thì người tử tế không có đất sống, lộng giả thành chân anh ạ! Ngay cả chốn tu hành cũng có trộm cắp luôn, thì nát, thật sự nát. Hi vọng vào tương lai, nhưng nếu muốn tương lai bớt nát thì ngay bây giờ, cần phải có giáo dục tử tế”
“Liệu có hi vọng gì không chị?”
“Có chứ anh, phải triệt để, cái gì cũng cần triệt để, ngay cả quan hệ gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng còn cần triệt để nữa huống chi xã hội. Bởi giải quyết triệt để, không chấp nhận dung túng cái xấu thì cái tốt mới có cơ hội phát triển. Ăn trộm, ăn cắp, dù nửa ổ bánh mì cũng là ăn cắp, không vì nửa ổ bánh mì mà bỏ qua, có như vậy mới lành mạnh!”
Trộm từ cơ quan đến xã hội
Một người Hà Nội, là họa sĩ, không muốn nêu tên, chia sẻ cảm nghĩ về vụ ba công an Hà Nội ăn cắp ba con dê của dân trong thời gian qua, “Rõ ràng, ở đây có sự ăn quen rồi!”
“Nghĩa là sao anh?”
“Thử hỏi, ba người, trộm ba con dê, sẽ có hai giả thiết đặt ra về con số, thứ nhất, do ăn hoài thành quen, mỗi thằng nhắm một con bắn mang về gia đình ăn. Hoặc là mỗi thằng một con, cả ba mang về cơ quan, tổ chức tiệc, và có thể đưa danh mục mua dê vào hóa đơn thanh toán cơ quan. Như vậy là vừa có ăn, vừa có tiền lại vừa được lòng sếp. Mà tôi nghĩ dân họ cũng đã mất dê nhiều lần rồi nên mới tổ chức phục kích như vậy, số người bắt quá đông, có bài bản, có trình tự pháp luật hẳn hoi, rõ ràng là có sự sắp xếp của cả hai bên, một bên sắp xếp để đi trộm và một bên sắp xếp để phục kích.”
“Có khi nào họ mới đi lần đầu nhưng do quá nhọ? Nếu họ mới đi lần đầu thì có nên tha thứ không, theo anh?”
“Tôi thì không tin họ mới đi lần đầu, vì nếu mới đi lần đầu, bắn được một con là sẽ lo mà dọt lẹ để dân khỏi phát hiện, vì ăn quen rồi nên chủ quan, bắn mỗi đứa một con, bỏ vào cốp xe, làm gọn, lẹ nhưng do bị phục kích, bởi người mất đã quá bực tức do mất nhiều lần rồi, họ mới đánh tiếng trước đó để cả làng ra phục kích và sẵn sàng đối phó với lực lượng giải cứu. Anh tin tôi đi, chắc chắn phải có khá nhiều trinh sát giả thường dân tới giải cứu họ nhưng thấy không ổn nên mới chuyển vế, đổi dấu thôi!”
“Dựa trên cơ sở nào mà anh khẳng định là có trinh sát đến giải cứu?”
“Vì anh thấy đó, cảnh sát giao thông đi ăn bẩn ngoài đường, giữa ban ngày ban mặt nhưng người ta vẫn đấm vào mặt, đạp vào cổ, xô ngã, đủ các trò với dân, mà mục đích là dằn mặt, làm cho khiếp để dễ lấy tiền của người yếu vía. Hễ dân lên tiếng thì chưa đầy ba nốt nhạc đã có một đám đầu gấu xông đến hành hung dân. Anh nghĩ đám này là ai? Trong video clip dân bắt mấy công an trộm dê, cũng có vài người trà trộn, nhìn bộ dạng rất lạ, tôi nghĩ họ đến cứu, nhưng thế dân đông và quyết liệt quá, cứu không được thì đành bỏ qua. Vậy đó!”
“Theo anh, vấn đề trộm cắp bây giờ có đáng báo động không? Và ở thủ đô như anh, đương nhiên an ninh sẽ tốt hơn những nơi khác?”
“Nhìn về mặt hình thức thì có thể nói là vậy, an ninh ở trung tâm đầu não chính trị thì phải tốt hơn nơi khác. Nhưng nếu chịu nhìn sâu vào thì có nơi nào có nhiều trộm cộm cán hơn thủ đô! Đây là nơi các quan chức cỡ bự đang ở làm việc, mà thời buổi thằng nhỏ trộm nhỏ, thằng lớn trộm lớn, thì dựa vào đâu để tin rằng nơi đây không có trộm! Thậm chí là siêu trộm đang nấp ở thủ đô cả đấy!”
“Theo anh thì do đâu có tình trạng tệ hại này?”
“Do hệ thống giáo dục không độc lập, phụ thuộc quá lớn vào đảng cầm quyền, trong khi đó, nếu xét về hình thức thì đảng cầm quyền cũng không đến nỗi nào. Nhưng về nội dung sâu xa, chính sự chi phối hoàn toàn này tạo ra các nhóm lợi ích, các nhóm quyền lực và tính chuyên chế của đảng cầm quyền sẽ dẫn đến hệ quả những lãnh đạo ngành sợ lãnh đạo đảng, bị thao túng và chi phối bởi lãnh đạo đảng. Chính vì vậy mới có chuyện trong đồn công an, một ông sếp chỉ cần ngáp một cái, nói bâng quơ rằng bữa nay tụi bay kiếm cho tao con dê ăn bay, thì tức thời có ngay đám lính lác mang thịt dê đến, muốn heo rừng hay trâu bò gì cũng một câu bâng quơ đó. Và ngược lại, cấp dưới biết nịnh thì có làm gì sai trái cũng được cấp trên bao che. Chuyện này đầy rẫy ra đấy!”
“Anh có liên tưởng nào về giáo dục không?”
“Đương nhiên với một nền giáo dục khép kín và nặng thành tích như đang thấy, thì việc mua bán, ăn gian và cả ăn trộm thành tích là chuyện khả thể, đến nay nó đã diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Một nền giáo dục tồi sẽ đào tạo nên những con người tồi cho tương lai!”
Câu chuyện đến đây tạm dừng, cái câu “một nền giáo dục tồi sẽ cho ra những con người tồi” của người họa sĩ đất thủ đô cứ như một vết cứa vào nỗi đau của những ai còn quan tâm đến thế sự, quốc gia!