Nắng nóng và khốn khó

Bài NGUYÊN QUANG

Hằng năm, cứ đến mùa nắng thì miền Trung như thiêu như đốt, đến mùa mưa thì miền Trung mưa thối đất, mưa như cầm chĩnh đổ, mưa vuốt mặt không kịp… Nói tới thiên tai miền Trung thì khỏi phải bàn, bởi vừa là nơi hứng trọn gió Lào vào mùa nắng, lại là tọa độ hứng trọn các trận bão trên Biển Đông, hậu phương của Phi Luật Tân trong chuyện mưa bão, miền Trung khổ. Có lẽ đây cũng là đặc tính khiến cho người miền Trung khác hẳn so với những vùng miền khác, tính chịu đựng và tính tằn tiện.

Một năm làm nhà, ba năm trả nợ

Cái ý niệm một năm làm nhà ba năm trả nợ chỉ có với hầu hết người miền Trung, và giả sử như miền Nam, miền Bắc cũng có ý niệm này, thì thực ra, nó cũng bắt nguồn từ miền Trung, tức từ những người miền Trung tha phương cầu thực, cắm dùi nơi đất khách, dần dần, ý nghĩ “hay ho” này được lan tỏa… Như lời của anh Thông, một kĩ sư xây dựng, có hơn 30 năm trong ngành và theo công ty đi suốt từ Bắc chí Nam, “Đụng tới xây dựng, tại miền Trung là khó nhất, cho dù là nhà cấp bốn!”

“Xin anh mở rộng thêm chỗ ‘khó nhất’ này?”

“Miền Trung, có đến hai cái khó, cho dù là xây biệt thự hay xây nhà cấp bốn, đó là cái khó về kĩ thuật và cái khó về vật chất. Cái khó về kĩ thuật, nếu xây dựng ở miền Nam hay miền Bắc, người ta có thể du di, làm qua loa một số chi tiết, với miền Trung thì gần như phải hoàn hảo, trừ một số công trình nhà nước thì Nam Trung Bắc đều như nhau, tức cẩu thả, rút ruột công trình, công trình qua mặt nghiệm thu… Với nhà tư nhân, hai miền Nam và Bắc cũng ít yêu cầu khắc khe như miền Trung.”

“Theo anh, tại sao miền Trung lại khác biệt vậy? Và anh cũng chưa nói cái khó về vật chất?”

“Bởi người miền Trung chịu thiên tai liên miên, vấn đề nhà cửa của người miền Trung hết sức quan trọng, chỉ riêng cách xây tường, ở miền Trung xây chậm và chắc hơn các miền khác, bởi xây không khéo là bị thấm nước trong mùa mưa ngay, đó là chưa nói đến sức chịu đựng mưa bão, nếu xây không kĩ thì gió phá, đủ thứ hết. Còn nhà ở miền Nam và miền Bắc thì xây nhanh hơn, mức độ chỉn chu không bằng miền Trung. Chính vì chỗ kinh tế miền Trung rất khổ, nên người ta xây nhà phải tính tới tính lui, thậm chí mượn nợ để làm nhà, nên chi mọi thứ đều rất kĩ.”

“Theo anh nhận thấy thì nhà miền Trung nói chung có kiên cố hơn các miền khác không? Sao mỗi khi gió bão, vẫn cứ thấy đổ?”

“Cái câu hỏi nghe cắc cớ nhưng lại rất thực tế, nghĩa là ai từng quan tâm về xây dựng mới hỏi câu này, có lẽ anh cũng quan tâm đến xây dựng. Nếu xét trên diện rộng thì nhà miền Trung không kiên cố bằng các miền khác. Vì các miền khác ít nhà cấp bốn và nhà tạm bợ như miền Trung. Ngược lại, miền Trung, nhà nào xây kiên cố thì rất là kiên cố còn nhà nào tạm bợ thì gió qua một cái coi như xong, người nghèo thì muôn đời trắng tay là vậy. Đâu phải ai cũng đủ sức ‘một năm làm nhà ba năm trả nợ’ như người ta hay nói. Muốn mượn nợ cũng phải có thu nhập, có đủ sức trả người ta mới cho mượn mà làm nhà chứ đâu dễ gì! Miền Trung, đến mùa nắng này đã thấy khốn khổ rồi, khổ lắm!”

“Mùa nắng thì khổ như thế nào? Vấn đề xây dựng có liên quan gì đến mùa nắng không?”

“Ý tôi nói là vấn đề này đây, tức là xây dựng và thời tiết, nói về lượng tôn tiêu thụ trong xậy dựng, miền Trung lại đứng đầu trên cả nước đấy. Vì lợp tôn giản tiện rất nhiều thứ, từ công thợ cho đến cấu kiện lắp ráp và kết cấu tường, dường như người ta xây dựng nhà cấp bốn đều là tường 10 cm, tường này mỏng, dẫn nhiệt rất nhanh, chịu lực kém. Nhưng vì khả năng tài chính tới đó thì người ta xây dựng tới đó thôi, rồi lợp tôn, giá thành rẻ hơn so với lợp ngói. Bởi vì lợp ngói thì tốn thêm rui mè, đòn tay, xà bằng gỗ, hoặc kĩ hơn thì người ta đúc mái rồi dán ngói lên. Mà người Trung hầu hết là nghèo, nên đắp đổi qua bữa, rồi có bao nhiêu tiền thì dồn xây nhà, không may thiên tai, lại mất trắng, làm lại từ đầu. Cứ lợp tôn, chằng chống. Tới mùa hè thì nóng chảy mỡ…”

“Mấy ngày nóng này, việc thi công chắc rất khổ anh há?”

“Ui, khủng khiếp, thiếu điều chảy mỡ, những ngày này công suất làm việc xuống rất thấp. Nhưng tội cho những người nghèo, nóng từ trên mái tôn. Cứ tưởng tượng nhiệt độ ngoài trời lên 40 độ C (104 F), trong khi đó, mái tôn liên tục hấp thụ nhiệt và om trong ngôi nhà với một hoặc hai chiếc quạt gió bằng điện, chạy vù vù một lúc cũng phát nhiệt… Đã nóng càng thêm nóng, trẻ em thì ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây chậm trí tuệ, người lớn thì ảnh hưởng huyết áp, tăng xông, hàng trăm thứ bệnh bắt đầu rình rập. Khổ, trăm đường khổ!”

Lạy trời mưa xuống

Với người nghèo nói chung là khổ, thế còn với người nông dân thì sao? Chị Hải, một nông dân ở Quảng Nam, chia sẻ, “Mấy năm nay, tình trạng hạn hán vào mùa nắng và mưa nhiều, mưa thối đất, mưa không ngớt vào mùa mưa. Khổ, rất chi là khổ!”

“Mùa này đang là mùa sản xuất, nắng hạn như vậy thì nông dân gặp những khó khăn nào hả chị?”

“Cả mùa nắng và mùa mưa đều gặp khó khăn. Mùa nắng, nắng như thế này thì người ta dùng điện nhiều, dùng cho tưới tiêu, dùng cho máy quạt, tiền điện bị phạt nặng mỗi tháng. Ở đây vẫn còn dùng điện theo tiêu chuẩn, vượt quá tiêu chuẩn là người ta phạt tiền cao lắm. Rồi mùa nắng thì nước sông cạn, nước biển dâng lên, nguồn nước thủy lợi nhiễm mặn, ảnh hưởng đến cây cối nhiều vô kể. Lỡ tưới nhằm nước nhiễm mặn thì thôi rồi, nhất là các loại rau xanh, chúng héo và chết sau một lần tưới. Mà nông dân làm vườn thì dựa vào nguồn nước sông, nước thủy lợi chứ biết trông vào đâu!”

“Vậy mùa mưa thì ảnh hưởng đến sản xuất ra sao?”

“Mùa mưa cũng như mùa nắng hạn, không sản xuất được. Thường thì nông dân canh tác từ tháng Mười Một âm lịch cho đến đầu tháng Tám là bắt đầu ngưng vụ, bởi giữa tháng Tám đã là mùa mưa, mọi thứ xem như ngủ đông. Nhưng mùa nắng mà không may mắn thì cũng chết. Chẳng hạn như năm nay, sau hơn ba năm dịch giã, mọi thứ ngưng trệ, khốn khổ chồng khốn khổ, năm nay lại nắng hạn. Đã nắng hạn thì sản xuất rất khó. Nhưng nông sản bị ngưng xuất khẩu, từ dưa hấu cho đến đậu phụng, ớt đều rớt giá thê thảm, cây rau xanh cũng vậy. Nhìn chung thì kinh tế mình bị phụ thuộc Trung Quốc quá nặng nề!”

“Phụ thuộc như thế nào, chị có thể chia sẻ thêm không?”

“Hồi trước mình sản xuất chủ yếu tiêu thụ trong nước, không dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu, chủ yếu phân chuồng, nhờ vậy mà nông sản sạch, chất lượng, an toàn, còn giờ rặt dùng phân bón hóa học, dùng thuốc trừ sâu như cơm bữa, không tài nào sạch được, nguy hiểm lắm!”

“Chị có dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu không?”

“Có chứ, thậm chí giống còn phải dùng giống Trung Quốc nữa!”

“Vì sao chị không chọn trồng rau sạch, trồng chất lượng cao?”

“Cái này thuộc về cơ chế, nông dân trên một cánh đồng, thường trồng vụ theo chỉ định của Công Ty Nông Nghiệp (hợp tác xã nông nghiệp cũ, chuyển sang kinh tế thị trường thì giảm bớt các tính năng như thu hồi lúa về chia nhưng vẫn chi phối rất nặng đến sản xuất của nông dân vì nguồn nước thủy lợi và chỉ định thời vụ do họ nắm), cứ đến đầu vụ thì họ chỉ định xuống giống loại gì, dùng phân gì, tất cả những loại đó đều hỗ trợ bán nợ. Mà anh biết rồi đó, nông dân không có lựa chọn nào khác, vì nếu mình đơn phương sản xuất rau sạch, không mua giống theo chỉ định thì bị cắt nguồn nước, mà có không cắt đi nữa thì vốn cũng rất lớn, tiền mặt đâu mà mua. Bên cạnh đó, mình không bơm, nhưng người ta bơm, bón đồng loạt, sâu rầy sẽ kéo sang ruộng mình… Nông dân mình thụ động, không có lựa chọn khác…”

“Như vậy, mọi chỉ định, điều hướng trên đồng ruộng là do công ty Nông Nghiệp hả chị?”

“Đúng rồi anh, bởi vậy mới khổ. Nhưng chịu điều hướng là một chuyện, thị trường lại là chuyện khác, những mùa thất bát, không có xuất khẩu thì công ty nông nghiệp họ trốn mất, không xuất hiện, nông dân phải loay hoay với đống nông sản của mình thôi!”

“Mùa nắng năm nay như thế nào chị?”

“Phải nói là quá kinh khủng! Nước bắt đầu nhiễm mặn, bây giờ người già ít bị ảnh hưởng nắng như trước đây vì con cháu đã có kinh nghiệm, đã biết chăm nom, dùng quạt hơi nước, điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp… Nhưng nông dân thì muôn đời vẫn khổ, công nhân cũng vậy, giới lao động nghèo thì muôn đời khổ rồi, không cần nói thêm. Mọi thứ năm nay khó khăn nhất, bởi vấn đề tiền bạc, thu nhập eo hẹp, nên kéo theo mọi thứ đều khốn khó anh à!”

Mùa nắng nóng chỉ mới bắt đầu, các bệnh viện ở các tỉnh miền Trung bắt đầu trở nên chật chội, chắc nguyên nhân đã rõ, các cánh đồng thì chất đầy nông sản, thậm chí nông dân không màng thu hoạch bởi giá của nó quá rẻ bèo. Nguy cơ cái bẫy nhà đất đang xuất hiện sau tiếng than của người nông dân. Cái bẫy này hình dạng ra sao? Xin hẹn với quí vị ở bài tới!

Leave a Reply