Ngọt bùi khoai tây ngào

(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Mùa mưa lụt, chắc ở Mỹ không có cảnh lụt ngập nhà như Việt Nam, mà nếu có, chắc cũng ít thấy hơn ở Việt Nam, nhưng, món ăn có cái lạ ở chỗ nhiều khi ngồi giữa mùa hè, trong khu biệt thự hay resort nào đó, chẳng liên quan gì đến lụt bão, nhưng chỉ cần mùi vị của nó chạm môi thì liền sau đó là chuỗi ký ức những ngày mưa bão, những ngày đông giá rét, ướt át hiện về, cứ y như là…! Có lẽ, món khoai tây ngào là một trong những món như vậy. Bởi món này có thể xuất hiện ở bất kì nơi nào, không giống với món cá khô hay cá kho quẹt, mắm quẹt chấm rau lang luộc… Món khoai tây ngào là món dễ làm, dễ ăn, lành tính và dễ nhớ nhất.

Hồi xưa, thời còn kinh tế tập trung bao cấp, củ khoai tây có vẻ rất xa lạ với người Việt, lúc nhỏ, tôi chỉ nghe mẹ kể rằng lúc con sinh ra, Việt Nam vẫn còn khoai tây, cà rốt, nên mẹ có mua hầm cho con ăn, còn bây giờ, những thứấy không có, chỉ có bo bo, hạt kê, khoai lang khô và khoai mì lát phơi khô… những thức ăn vĩ đại của một thời vĩ đại bây giờ cũng ít nhiều trở thành một ký ức vĩ đại…

Cái thời đó, việc đi chùa cũng ý vị, đáng nhớ hơn bây giờ, sư chùa làng hiền hậu, thanh đạm và đoan nghiêm. Tôi nhớ những dịp rằm tháng tư, rằm tháng bảy, bà dắt tôi đi chùa. Sáng sớm, chừng năm giờ sáng là hai bà cháu đã khăn gói lên đường, bà dắt tôi băng qua những cánh đồng, đi men theo con mương, đi qua nhiều khu xóm, giờ nghĩ lại, mới thấy hồi đó bà uy tín thật, đi qua bất kì xóm nào người ta đều chạy ra hỏi thăm, mừng vui. Bà cho tôi biết ngày trước, bà đi coi gặt, họ là thợ gặt, nhà ông tôi là địa chủ, có nhiều người coi gặt, bà là dâu trưởng, được chia cho một ít ruộng và đi coi gặt những đám ruộng khác. Có người coi gặt rất khó tính, hung hăng, thậm chí lấy gậy đánh thợ gặt. Cũng có trường hợp thợ gặt phản kháng, đánh lại. Riêng bà thì thợ gặt rất quí, bởi bà thương họ và thi thoảng còn cho họ một ôm lúa về tuốt, phơi, giã mà nấu cháo cho con. Những người bà cho lúa có con đông đúc, con cái họ sau này trưởng thành, thi thoảng cũng ghé thăm bà… Cái tình của người xưa sâu đậm, không lớt phớt như bây giờ.

Tôi nhớ năm đó đi chùa, một ngôi chùa làng nhưng cách nhà tôi khá xa, chùa cũng chẳng có gì ngoài đám đậu phụng, mấy sào lúa và một giàn khoai tây leo trước sân, nó phủ qua cái hồ nuôi cá cảnh. Tôi thì mê mẩn với đám cá cảnh đủ màu và những cánh bèo hoa dâu li ti trôi miên man trong màu nước lạnh và sắc, có gì đó thật bí huyền, màu nhiệm, khó nói lắm. Sau buổi lễ cúng, lạy Phật, thường là buổi chay hội. Lúc đó các sư sẽ đãi cho “cô hồn” trước. Không hiểu từ bao giờ người ta gọi con nít là cô hồn, cứ lễ cúng xong thì con nít phải cả trăm đứa xúm lại chờ được ăn (thời đói kém mà). Các sư cho dọn hai bàn dài, mời họ ngồi lại (họ có đứa xấp xỉ tuổi tôi, có người lớn hơn tôi, nhưng cũng chạc 15, 16 là hết mức) và ôi thôi, cả một bàn chay vậy, chưa đầy mười phút là sạch sành sanh. Họ bắt đầu đứng dậy đi tìm chuối, trái cây, lúc này các bà vải mang chuối, trái cây lên cho họ, vừa phát vừa la: “chia cho đều có chừng đó thôi, tổ cha bây!”

Trong lúc đó, những Phật tử thuần thành như tụi tôi ngồi chờ hoặc đi lang thang trong vườn chùa để chơi. Đến trưa, lúc về, tôi thấy bà xách về mấy củ khoai tây, được sư trụ trì biếu. Sau này tôi mới hiểu, với ngôi chùa đó, bà tôi cũng thuộc vào diện đặc biệt, bởi chùa do ông tôi xây, thời trước 1975, bà thường cho người mang gạo, lúa, thức ăn đến cúng dường các sư hằng tháng…

Trên đường về, tôi cứ trông sao cho mau tới nhà và thầm khấn Phật nói giúp một tiếng cho bà chế biến ngay cái món khoai tây cho tôi chứ đừng chơi để ba bốn ngày sau, chờ vậy chịu sao nổi. Y vậy, Phật hiểu được lòng tôi, về tới nhà, bà nghỉ ngơi một chút thì lấy khoai tây ra gọt, rửa sạch và xắt thành từng thỏi vuông.

Sau đó phi một chút dầu phụng, đợi dầu tới cho thêm chút tỏi vào cho thơm và cho toàn bộ khoai tây vào chảo, đảo đều, đậy nắp, cho lửa cháy vừa phải, thi thoảng lại mở nắp vung để đảo, đến khi khoai tây hơi chín và khô, bà cho một chút nước sôi, xì dầu và chút tiêu, hành vào, cùng đũa đảo đều rồi lại đậy vung, chừng vài phút mở vung ra kiểm tra, đến khi nào khoai tây đủ chín thì bà dùng vá đánh liên tục cho khoai nhừ ra, sau đó đậy vung, để lửa thật nhỏ chừng hai phút thì cho khoai ra bát.

Nói nghe có vẻ đơn giản, nhưng xin quí vị nhớ đừng nêm thêm bất kì thứ gia vị nào khác ngoài tiêu bột, hành củ và tỏi phi với dầu, một chút xì dầu. Bởi nếu chỉ thêm một chút đường thì vị sẽ lã và cũng mất đi độ lành tính của món ăn, nếu cho thêm màu mè thì không còn mùi vị gốc và hết an toàn. Bởi đây là món ăn dành cho bất kì người nào, già, trẻ, em bé, thanh niên… đều có thể dùng được và dùng an toàn. Hơn nữa, món này rất ngon khi ăn với một chút cơm nóng.

Cầu chúc quí vị có một bữa ăn ngon miệng và ý vị!

Leave a Reply