Người nông dân khóc đến bao giờ?

Bài NGUYÊN QUANG

Năm nay lúa được mùa, nhìn chung, các mùa vụ như thanh long, nhãn, dừa xiêm, mãng cầu, hồng, táo, vải, chôm chôm, bưởi… đều được mùa, trĩu quả. Thế nhưng nông dân lại khóc, tiếng khóc của nông dân xứ Việt sao chẳng bao giờ ngưng! Bởi chưa kịp khóc vì được mùa rớt giá thì lại khóc vì được mùa, rớt giá mà thất nghiệp. Người nông dân thất nghiệp kiểu gì?!

Được mùa, rớt giá và thất nghiệp

Trước đây, người ta nghe nhiều về chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa khi nói về nhà nông, còn trường hợp thất nghiệp thì chưa nghe, bởi nói cho cùng thì nhà nông loay hoay với vụ mùa, hết vụ mùa được gọi là tiết “nông nhàn,” làm gì nữa mà thất nghiệp. Thế nhưng bây giờ thì khác, như chị Hồng, một nông dân ở ngoại ô Long Xuyên, An Giang chia sẻ, “Thời trước, nông dân đói vì mất mùa, sau này một chút thì có chút hi vọng vì mất mùa mà được giá, được mùa thì mất giá, nhưng ít ra cũng có cái để ăn, không khá được nhưng thở nổi. Còn bây giờ, chỉ được mùa được giá thì có chút cháo, được mùa được giá mà không thất nghiệp kia mới khá!”

“Nông dân thì chủ yếu dựa vào mùa màng, bình thường không gieo vụ, không làm đồng thì tiết nông nhàn, tôi vẫn chưa hiểu về chuyện thất nghiệp, mong chị giải thích thêm?”

“Trước đây người ta thuần làm nông, ai làm nông thì chỉ biết ruộng vườn là đủ. Còn nông dân bây giờ, tưởng là xuất khẩu trái cây hay xuất khẩu gạo thì khá, nhưng thực ra là nghèo hơn nông dân xưa, vì thời giá tăng vùn vụt, cho dù có trúng đậm, có được mùa vẫn không mua sắm nổi thứ gì cho ra hồn. Đó là chưa nói tới giá phân bón, thuốc trừ sâu liên tục tăng, khó mà bù lỗ, hạt lúa hay mùa làm vườn chỉ đóng vai trò an ninh lương thực, thực phẩm thôi. Còn lại thì phải đi làm thuê.”

“Đi làm thuê ở đâu, làm gì vậy chị?”

“Đi làm đủ thứ nghề hết, từ quét dọn, rửa chén bát thuê cho đến phụ hồ, bán vé số, làm công nhân. Ai trẻ thì đi làm công nhân, lớn tuổi một chút thì đi phụ hồ, quét dọn, phụ bếp, quét rác, ai thuê gì làm đó.”

“Làm công nhân thì thất nghiệp do hậu dịch cúm Vũ Hán, còn những việc khác thì cũng bị ảnh hưởng sao chị?”

“Ảnh hưởng hầu hết chứ anh. Bây giờ dễ gì kiếm công việc phụ hồ, kinh tế khó khăn, trước đây, em đi làm phụ hồ suốt tháng, quanh năm, chỉ những ngày mùa mình xin nghỉ vài ngày để làm ruộng, xong là đi làm ngay. Nhờ vậy mà có đồng ra đồng vào, còn bây giờ, một tuần người ta chỉ kêu em hai ngày phụ hồ, những ngày còn lại có những người khác làm, chia phiên nhau làm để mà sống. Trước đây em làm phụ hồ ba trăm ngàn đồng [gần $13 Mỹ kim] một ngày, giờ giảm xuống còn hai trăm rưỡi ngàn một ngày mà mỗi tuần chỉ hai ngày, vị chi một tháng được hai triệu đồng [$85], mà luôn sợ thất nghiệp vì công trình ngày càng hiếm, ít ai xây dựng lắm. Hầu hết người ta chạy về miền Trung để kiếm ăn.”

“Miền Trung khó khăn vậy, chạy về Trung có ngược không chị?”

“Không ngược đâu anh, vì bây giờ miền Nam như một cái tổ mối đói, hầu hết đều tập trung vào Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, mà các tỉnh này bây giờ thất nghiệp nhiều, vì các công ty tạm đóng cửa, rồi đóng cửa lâu dài đầy ra đó, có những tập đoàn rút khỏi Việt Nam, lượng công nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, mà chạy về quê thì lấy gì để ăn đây, họ túa ra các tỉnh để làm thuê, làm đủ các nghề, nhưng chủ yếu vẫn là công việc phụ hồ. Anh có biết vì sao người ta ra miền Trung lại có được công việc phụ hồ không?”

“Tôi không biết, xin chị nói thêm?”

“Vì hầu hết dân thợ và thầu đều người miền Trung vào miền Nam kiếm công trình, làm việc, giờ miền Nam co cụm, họ lui về miền Trung làm ăn, thậm chí xây dựng, sửa san nhà cửa, vì thời kinh tế phát triển họ mải đi làm, giờ mới có thời gian chăm chuốt cái nhà, vậy là công việc trở nên nhiều. Mà nhiều thì nhiều chứ cũng hạn chế, không bao giờ bằng miền Nam trước đây, nhưng đỡ thất nghiệp hơn. Hầu hết dân lao động chạy ra miền Trung, công nhân là chính.”

“Vậy theo chị thấy, có bao nhiêu phần trăm nông dân làm công nhân chạy đi các tỉnh?”

“Hình như là không có, bởi thế mới khổ, vì nông dân chủ yếu bám mảnh vườn, đám ruộng, đi làm thêm vào dịp nông nhàn, đến vụ lại ra ruộng, giờ không có việc thì loay hoay với con gà, con heo, mà gà heo dạo này cũng chán lắm, chưa kể tới dịch bệnh, giá cả bấp bênh không thôi cũng đuối hơi với nó. Mình phụ thuộc vào Trung Quốc quá nên nó cho mình chết là chết ngay. Nó ngưng nhập khẩu nông sản là nông dân mình chết đứng ngay. Thế nhưng đâu chỉ chuyện này, nó ngưng rất nhiều thứ, mình chết dây chuyền, dân lao động nghèo em dễ nhìn thấy lắm. Mà mình đâu có đường xoay xở với nó!”

Và người nông dân lại khóc

Thường thì sự khóc của người nghèo, trong một xứ sở nghèo, với cái nhìn nghèo, một chính quyền nghèo trí tuệ, một hệ thống tư tưởng nghèo trong một thể chế chính trị nghèo và lạc hậu, thì câu chuyện người nông dân khóc hay tiếng khóc của người nông dân sẽ triền miên, thê thiết chưa biết đến bao giờ ngưng. Như lời của bà Can, một nông dân từng là giáo viên dạy toán trong một trường phổ thông trung học (trường cấp ba), chia sẻ, “Tiếng khóc của người nông dân xứ mình bền bĩ lắm, chưa biết bao giờ ngưng.”

“Sao vậy chị, kinh tế bây giờ có phần phát triển hơn trước rồi kia mà?”

“Sau gần nửa thế kỉ thống nhất hai miền đất nước, Việt Nam có thể phát triển, giàu hơn về kinh tế, phát triển nhưng không có tiến bộ. Một đất nước có phát triển màkhông có tiến bộ thì sẽ còn khóc dài dài.”

“Thế nào là phát triển mà không tiến bộ hả chị?”

“Một đất nước phát triển nhìn về mặt kinh tế, có nhiều nhà giàu, có nhiều quan chức siêu giàu, đời sống người dân nhìn chung có xe máy, có người có xe hơi, nhà xây, kiếm được tiền, và kiếm được nhiều tiền, vòng quay đồng tiền tăng tốc, đó là phát triển. Nhưng phát triển chỉ dừng ở khía cạnh vật dục, không bao giờ chạm đến được thế giới tinh thần, một đất nước tiến bộ  là vừa phát triển được vật dục lại vừa phát triển được thế giới tinh thần, ở đó có luật pháp nghiêm minh, chính hệ thống luật qui chuẩn xã hội đi vào nề nếp, lấy tinh thần thượng tôn pháp luật làm nóng cốt, trong đó pháp luật hàm chứa công lý, danh dự và đạo đức. Tuân thủ pháp luật cũng có nghĩa là chấp nhận qui ước về đạo đức, danh dự, lòng tự trọng, và tôn trọng sự công bằng, sòng phẵng, con người sẽ trở nên tự do hơn với niềm hãnh tiến văn minh của mình. Nhưng chúng ta thì sao?!”

“Xin chị mở rộng thêm?”

“Còn đất nước chúng ta, khía cạnh vật dục tăng tốc, người ta bất chấp để có được nó, và đạp qua mọi giá trị tinh thần, từ lòng tự trọng, tính lân mẫn, lòng yêu thương cho đến mọi thứ giá trị tinh thần khác, kể cả giá trị tâm linh đều bị phéng ngang, đều bị lấp đi, chôn sống. Và hiện tại thì sao, người bóc lột người, người buôn người, người giết người, người chà đạp người, người lừa dối người… có tất và phát triển một cách tàn bạo, dựa trên nền tảng đạo đức giả, ngụy chân như, ngụy quân tử và tất cả vỏ bọc đều được trang bị bằng tiền bạc. Như vậy, càng phát triển vật dục thì càng thụt lùi về tinh thần và phản tiến bộ. Một khi phản tiến bộ thì sự đau khổ của người nông dân còn kéo dài.”

“Xin chị cho biết thêm mối quan hệ giữa phản tiến bộ với sự đau khổ của người nông dân?”

“Người nông dân gắn bó với mảnh ruộng, khu vườn, khi con người, gồm cả người dân và cán bộ biết sống tử tế, biết yêu thương, biết khiêm cung và giữ thiên lương, thì đời sống sẽ tiến bộ. Ngược lại, kẻ có một chút quyền thế thì dựa vào đó đểáp chế người khác, cướp bóc một cách có qui trình, có hợp thức hóa, kẻ yếu quyền thế thì thu mình hoặc bợ đỡ, thì cuộc sống trở nên nhặng xị và chán chường hơn bao giờ, bởi thứ quan trọng nhất không có được. Ấy là sự tiến bộ. Một đất nước trải qua quá nhiều cam go, đau khổ, những tưởng con người trở nên tử tế và sâu sắc hơn nhưng không phải thế, người ta trở nên ranh ma và khôn lỏi hơn. Đây là bi kịch của dân tộc. Và người nông dân là nạn nhân nặng nề nhất bởi họ không có quyền thế nhưng lại sở đắc một nguồn tài nguyên, một tài sản quá lớn, đó là đất.”

“Liệu, có hi vọng nào về sự tiến bộ cũng như hạnh phúc của người nông dân về sau không chị?”

“Tôi nghĩ là có, nhưng phải có những bộ não vĩ đại, dám nghĩ dám làm và dám dấn thân cho dân tộc. Tôi nhớ những năm 1995 có hai người đàn ông là ông Kim Ngọc và kĩ sư canh nông Lê Xuân Thiết, người viết nên dự thảo Khoán 10 và sau đó, Bí Thư Tỉnh Ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc tiến hành thực hiện Khoán 10, chia đất cho người dân. Thế rồi ông Kim Ngọc gặp rất nhiều gian truân, ông Lê Xuân Thiết về lại cố hương ở Huế đi bán vé số độ nhật. Cuộc đời là vậy, nhưng chí ít họ đã đi được một bước cách mạng rất lớn cho người dân. Bây giờ cần thêm những người dám làm, giá như Tổng Bí Thư hiện tại chịu làm một bước nữa để đi đến cách mạng toàn triệt thì lúc đó mọi sự trở nên ổn định và viên mãn!”

Hình như ước mơ của bà Can cũng là ước mơ chung của nhân dân, một ước mơ mà các nước tiến bộ đã làm từ lâu, thế nhưng với người nông dân xứ Việt thì dường như còn xa vời lắm!

Leave a Reply