Người thiểu số Tây Nguyên, từ góc nhìn kinh tế

Bài NGUYÊN QUANG

Có một thực tế là sau rất nhiều năm sống chung với người Việt từ đồng bằng, qua hai thời kì, hai chế độ chính trị, đến nay, người đồng bào thiểu số Tây Nguyên vẫn chưa có gì thay đổi, nếu không muốn nói là một bộ phận rất nhỏ người thiểu số trở nên giàu có và số còn lại trở nên nghèo khổ và đơn độc, thậm chí ngày càng lùi xa vào rừng già và lãng quên. Câu chuyện mấy ngày gần đây có cuộc nổi dậy của người thiểu số ở Tây Nguyên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về số phận của họ.

Ai đã lấy đất của chúng tôi?

Đó là câu hỏi chung của rất nhiều người đồng bào Tây Nguyên. Bởi dù sao đi nữa, những tộc người quen với đời sống du canh du cư và rừng già mãi mãi là chiếc nôi dung chứa, cưu mang họ đã thay đổi hoàn toàn, sự thay đổi sang đời sống định canh định cư đã là một cú sốc, và cú sốc này bị nhồi lại nhiều lần sau các biến cố về đất đai. Chị H’Re Trần Thị, một người dân Ê Đê, sống ở thành phố Gia Lai, chia sẻ, “Đời sống của người thiểu số tụi em bây giờ thay đổi hoàn toàn, nên sẽ có rất nhiều người khổ!”

“Thay đổi như thế nào, xin chị chia sẻ thêm được không?”

“Người Ê Đê có nhịp sống rừng, sống dựa vào thiên nhiên và Mẹ Đại Ngàn, bây giờ cho mình khu trú vào một khu vực nào đó với đời sống thuần Việt đúng nghĩa, mọi sinh hoạt theo người Việt và làm kinh tế cũng theo nhịp người Việt, nó sẽ phát sinh ra hai luồng.”

“Xin chị chia sẻ thêm về hai luồng phát sinh vừa nói?”

“Nghĩa là có một nhóm rất nhỏ người đồng bào thiểu số thích nghi với đời sống mới, họ nhanh chóng giàu lên nhờ vào quĩ đất và tài sản nhiều đời có được cộng với mối quan hệ chính trị, quan hệ xã hội của họ. Còn phần đông thì trở nên lạc lỏng bởi không tài nào thích nghi được với đời sống mới.”

“Chị có biết vì sao họ lại bị lạc lỏng không?”

“Biết chứ, chính tôi cũng là người đang lạc lỏng, tuy tôi là một người dạy học, tôi có nhận thức với hiện đại nhưng vẫn thấy lạc lỏng bởi đời sống du canh du cư hoặc định cư với quĩ đất bạt ngàn xưa kia mất đi, mình bị co cụm và không biết phải làm sao để thích nghi. Có khi cả chục thế hệ trong gia đình không thích nghi nổi, phải đi làm thuê triền miên từ đời này qua đời khác, nghèo càng thêm nghèo.”

“Vấn đề giáo dục cho người đồng bào thiểu số được chính phủ ưu tiên hàng đầu, không lẽ nào họ nhiều đời vẫn không thích nghi nổi?”

“Đúng là giáo dục được nhà nước, chính phủ quan tâm, nhưng ở tại gốc cho mười đồng thì lên tới đây còn giỏi lắm chừng hai đồng, nó đã bốc hơi trên đường đi, đó là chưa muốn nói đến bản chất của người thiểu số rất khó để tiếp cận khoa học hiện đại, có người thông minh, đuổi kịp thì vượt xa, số đông còn lại không đuổi kịp. Nhưng quan trọng nhất là họ phải sống, phải kiếm cái ăn, vì trước đây vào rẫy, vào rừng tìm cái ăn dễ, còn bây giờ, rẫy, rừng không còn nữa, lấy cây gỗ làm nhà cũng không được như xưa, họ phải đi làm thuê để kiếm tiền làm nhà, rồi mua thức ăn. Mà người thiểu số hầu hết bị chê khi đi làm thuê.”

“Chê là chế thế nào hả chị?”

“Người thiểu số bị chê là hôi hám, không làm được việc, kì thực, tôi thấy rằng đó là kì thị thì đúng hơn, chứ người thiểu số có hôi hám chăng nữa thì cũng cố gắng tự tắm rửa cho thật sạch trước khi đi làm thuê, còn sức cày thì người thiểu số làm rất tốt, làm như trâu bò, sai đâu làm đó, nhiệt tình, làm không có lường trước tính sau, làm cho đến khi mệt lả thì nghỉ, nhưng vẫn bị trả lương thấp. Chính vì vậy mà người thiểu số ngóc đầu không nổi!”

“Vấn đề đất đai, so với trước đây chừng ba mươi năm, thì diện tích đất của người thiểu số ở Tây Nguyên mình có khác gì so với bây giờ hả chị?”

“Khác nhiều lắm chứ, trước 1975, đất của người đồng bào rất là nhiều, sau 1975, diện tích bị thu hẹp và không còn tự do khai thác được nữa, quĩ đất dành cho các gia đình kinh tế mới, rồi các gia đình di cư từ miền Bắc vào, càng về sau, quĩ đất để khai thác càng hạn hẹp, đến sau năm 1995, quĩ đất càng hạn hẹp thêm và chính thức chết đuối!”

“Khoán 10 năm 1995 là một chương trình có lợi cho người dân, sao chị lại nói sau 1995 quĩ đất người thiểu số hạn hẹp và chết đuối?”

“Năm 1995 nhà nước chính thức cấp bìa đỏ đất cho dân. Người thiểu số không biết chữ, không có thông tin nên việc khai báo rất buồn cười, cũng không có ai hướng dẫn, cuối cùng các mảnh đất được khai báo chỉ quanh quẩn gần nhà, rẫy bị mất trắng vì không khai báo. Như vậy là về co cụm gần nhà, rồi đói, rồi bán bớt đất với giá rẻ mạt, cuối cùng có một số người lùi vào rừng sâu, làm lại từ đầu.”

Câu chuyện rừng sâu

Với người Tây Nguyên, chắc ít ai không biết những khu như làng 50 của người xứ Quảng lên kinh tế mới ở đây, họ là những gia đình của miền Nam Cộng Hòa, sau 1975, họ bị đẩy lên đây với rừng thiêng nước độc, hơn ai hết, họ thấu hiểu những người thiểu số Tây Nguyên bị đẩy vào rừng già. Như lời anh Tám, một người dân làng 50 chia sẻ, “Hiện tại, chúng tôi sống như những người trung lập, và những người ở trên bản rừng sâu không đụng tới chúng tôi, nhưng họ khó chịu lắm đó!”

“Khó chịu như thế nào và vì sao họ khó chịu, anh có biết không?”

“Khó chịu vì họ không ưa, mà nguyên nhân của chuyện không ưa, thậm chí thù hận này dài dòng lắm. Ngày trước, đất tụi tôi lên đây khai thác là hầu hết đất hoang, họ không thèm đụng tới, nghĩa là rẫy chết, họ đã bỏ đi, tụi tôi một mặt chờ vào nhà nước chỉ định, mặt khác phải hỏi thử họ có còn dùng không, cả hai vấn đề trên được giải quyết thì tụi tôi mới khai hoang. Còn người Bắc mới vào thì làm việc có chiến lược và mưu kế hơn, nên họ thù hận.”

“Xin anh chia sẻ về vấn đề anh mới nêu?”

“Hầu hết người đồng bào thiểu số trong bản, nhất là các bản đang lùi sâu vào rừng già đều không có giấy tờ đất đai, những căn nhà của họ được cấp đất theo diện khoán 10, người Bắc vào chỉ cần mua căn nhà, sau đó họ chỉ đất của họ, người ta chỉ cần hợp thức hóa các khoản rẫy này, hoặc có khi mua rẫy không thôi rồi hợp thức hóa, giá cả rất là bèo, có khi năm phân hoặc một chỉ vàng. Ban đầu còn xử sự với nhau được, càng về sau, người đồng bào bị lợi dụng nhiều thứ, đâm ra oán hận và người đồng bào nghèo chia thành hai nhóm.”

“Hai nhóm là thế nào anh?”

“Một nhóm chăm chỉ cày thuê cuốc mướn, làm đủ thứ công việc thuê của người Việt, đương nhiên là nghèo triền miên. Vì ngày xưa muốn làm nhà, chỉ cần vào rừng khai thác gỗ, bây giờ đụng đâu cũng rừng nhà nước, thậm chí những đám rẫy mới khai thác thì bị người Bắc có thế lực vào nhân danh nhà nước để thu hồi nhưng thực ra là phỗng tay trên, nên chi cả đời làm thuê và đói khó. Một nhóm khác thì găng tơ hơn, họ có yếu tố nước ngoài, có trang bị và sẵn sàng chiến đấu, khó nói lắm, đương nhiên họ có cách kiếm tiền của họ, không ai biết được. Có một số người được xem là Fulro, kỳ thực thì không rõ họ có phải như vậy hay không, nhưng họ rất ghét những cán bộ, họ thù nữa, chính vì vậy thi thoảng Tây Nguyên có những cuộc nổi dậy của họ.”

“Theo anh thì liệu việc bắt bớ hàng loạt người sau vụ một số cán bộ công an bị giết như đang diễn ra có phù hợp không?”

“Thực ra khó nói lắm, phong trào mặc áo quần rằn ri ngày càng nhiều, mà mọi thứ bây giờ cũng loạn, có cái lạ là người ta biến những người bị bắt thành thần tượng. Một người bị bắt trong đợt vừa rồi được tung hê vì có gương mặt đẹp này nọ đủ thứ hết, tôi thấy vậy cũng lo. Vì chuyện đẹp xấu bây giờ lạ quá. Một kẻ bị bắt vì nghi can giết người mà lại được tung hô, điều đó cho thấy mối hiềm khích giữa người dân nói chung và cán bộ nhà nước ngày càng sâu nặng. Chứng tỏ nạn tham nhũng đã đẩy cán bộ xuống mức không còn giá trị, thua cả những kẻ giết người trong con mắt nhân dân. Mấy ngày nay theo dõi mạng xã hội, tôi thấy hoang mang và buồn, rõ ràng có một sự khủng hoảng niềm tin nào ghê gớm lắm!”

“Với cá nhân anh, anh thấy sự khủng hoảng này nói lên điều gì?”

“Có hai vấn đề, thứ nhất là cán bộ tham nhũng tàn bạo quá, họ giàu có và vương giả một cách không cần giấu diếm trước nhân dân, bên cạnh đó họ coi thường nhân dân và hống hách. Chính vì vậy mà khi cán bộ bị cướp, nhân dân mở cờ trong bụng. Đây là sự thất bại về đoàn kết dân tộc cũng như an ninh quốc gia.”

“Nhưng mấy ngày nay thấy nhân dân vây bắt tội phạm quá chừng?”

“Đó là những người trong cộng đồng người miền Bắc, chứ với người Nam, hầu như chuyện này nằm ngoài khả năng phân xử, nên chẳng mấy ai quan tâm. Nói cho cùng, mặt trận nhân dân bây giờ là những người Bắc di cư vào sống ở đây.”

Câu chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng nghe ra quá đỗi phức tạp và rất khó để nói rằng Tây Nguyên sẽ được bình yên như những ngày người thiểu số còn sống hồn nhiên với núi rừng. Mong sao một lúc nào đó, mọi sự nguội đi, cuộc chấp nhận một mất một còn sẽ nguội lạnh và người lại yêu thương người!

Leave a Reply