Cô Mộng Tuyền, chủ báo Bút Tre, Arizona
Bài KIỀU MỸ DUYÊN
Báo Bút Tre, phát hành 5,000 bản mỗi kỳ, chủ bút là người trẻ và đẹp: cô Mộng Tuyền. Chúng tôi gặp nhau trong đại hội phụ nữ thế giới ở Seattle, tiểu bang Washington, do thi sĩ Quốc Nam, cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt, chủ đài phát thanh, chủ báo tổ chức. Phụ nữ về từ khắp nơi, từ Đức, Canada, Pháp và nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Chúng tôi gặp Mộng Tuyền ở đại hội này và sau đó gặp ở đại hội phụ nữ ở San Jose, ở Orange County.
Thỉnh thoảng, Mộng Tuyền và những người trẻ từ Arizona đến Orange County sinh hoạt. Cô cũng đã có thời gian làm phóng viên cho đài SBTN, đi làm phóng sự một số tiểu bang lân cận. Thoáng mà gần 15 năm, từ đó tôi viết cho báo Bút Tre, một tờ báo bất vụ lợi có sự cộng tác miệt mài của trên dưới 40 tác giả – phân nửa chuyên nghiệp, phân nửa thiết tha yêu tiếng Việt như Mộng Tuyền, Thu Tâm… Mộng Tuyền làm chủ nhiệm và chủ bút.
Cô học đại học tiểu bang Arizona và đã tốt nghiệp cao học ngành quản lý thông tin, có bằng cử nhân kế toán và máy tính, và bằng phụ (minor) tiếng Tây Ban Nha. Hiện nay, cô là phó chủ tịch công ty cố vấn và dịch vụ thông tin đa quốc gia Capgemini, có trụ sở chính tại Paris, Pháp.
Báo Bút Tre được thành lập năm 2000. Tòa soạn báo Bút Tre tại Chandler, Arizona. Báo Bút Tre in ấn đẹp, màu sắc rực rỡ, nội dung phong phú. Thế hệ thứ nhất và thứ hai cộng tác với báo Bút Tre. Báo được phát hành qua năm tiểu bang: Arizona, Utah, New Mexico, Texas và California.
Mộng Tuyền cho biết cô đến với việc làm báo rất là tình cờ, cái tên “Bút Tre” cũng rất là tình cờ mà thôi. Ở Việt Nam, ngày xưa mọi người vẫn còn nhớ những gì liên quan đến tre, như lũy tre xanh ở các đồng quê, hay tên của anh hùng được ghi vào sử xanh được ghi trên những phiến thẻ tre. Cô nhớ lại những điều đó và nghĩ ra tên “Bút Tre”. Sau đó, cô nhận thấy quý độc giả nhận xét báo “Bút Tre” rất bình dị và giống như nhiều người cầm bút của “Bút Tre” rất bình dị, viết rất là giản dị, không cầu kỳ sâu xa. Các tác giả viết cho tầng lớp bình dân đọc, hiểu và biết, người viết và người đọc hiểu nhau, không cần phải suy nghĩ sâu xa.
Báo Bút Tre thuộc hội từ thiện, vô vị lợi, làm báo để phổ biến tin tức sinh hoạt cộng đồng và duy trì tiếng Việt. Đặc biệt, báo Bút Tre không dùng danh từ Việt Cộng. Số báo mới nhất phổ biến đại lễ Vu Lan ở các chùa.

Mộng Tuyền có khả năng điều hành, có óc tổ chức. Khi chúng tôi đến Arizona, Mộng Tuyền sắp chương trình đi đây đi đó dày đặc, trong những ngày Mộng Tuyền còn đang làm việc, phải điều hành hơn 80 nhân viên ở địa phương, Colorado, và Seattle; và 200 nhân viên ở Ấn Độ. Trẻ tuổi tài cao mà.
Mộng Tuyền nhờ ông Lê Văn Lâm, hội trưởng hội cựu tù nhân chính trị Arizona, đưa chúng tôi di thăm giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Như Lai Thiền Tự. Ba người đưa chúng tôi đi nhiều nhất là ông Lê Văn Lâm, ông Lê Thuận và ông Nguyễn Văn Tới, và Mộng Tuyền sau giờ làm việc và cuối tuần. Đến Arizona ra khỏi nhà là lúc nào cũng có người đưa đón, rất ấm lòng.

Ông Nguyễn Văn Tới nhà ở cách Phoenix 3 giờ vẫn đến nơi đại hội, rồi đưa chúng tôi đi lên núi, vào rừng. Phái đoàn toàn là người trẻ, Kiều Mỹ Duyên là người lớn tuổi nhất, nhưng vì mộ đạo, vì yêu núi rừng, thích nghe tiếng hót của đàn chim trong rừng cây và đứng trên núi chót vót để thấy mình gần Trời. Rời núi thì đến suối, dòng suối trong vắt, nước chảy róc rách. Mẹ của Mộng Tuyền hái xà lách son mọc dưới nước. Có những thổ dân đã đem vợ chồng, con cái đến nghỉ ngơi ở trong rừng.
Mẹ của Mộng Tuyền, Mộng Trinh- bà Kiển Lê rất hiền nhưng rất buồn, mắt đẹp nhưng buồn. Sức khỏe tốt, đi bộ thoải mái. Mẹ của Mộng Tuyền đưa hình thân mẫu của bà cho chúng tôi xem, rồi kể chuyện, “Đây là hình của bà cụ. Bà cụ đi bắt cá dưới ruộng, trúng vào bãi mìn, bị đứt luôn cái chân. Cha mất sớm, rồi mẹ bị tai nạn. Chị em đông phải nương tựa vào nhau.”
Đôi mắt của bà Kiển Lê, thân mẫu của Mộng Tuyền và Mộng Trinh ươn ướt như khóc, “Mẹ của tôi mất lúc 93 tuổi.”
Nhìn trong hình bà cụ hiền lành, dễ thương vô cùng. Tôi thầm nhủ con cháu thành công như thế này, phải chi cụ sống thêm đến 100 tuổi với con cháu.

Nhà Mộng Tuyền như lâu đài tráng lệ gồm sáu phòng ngủ, tầng hầm, phòng coi phim,… Trong khu đất này chỉ có bốn biệt thự. Chúng tôi đến buổi tối, đi buổi sáng không thấy một bóng người, chỉ thấy công viên trước nhà, hoa hồng rung rinh trong gió, phong cảnh hữu tình. Sau nhà, cỏ xanh mướt, hoa nở rực trời. Mùa nóng thế này mà hoa vẫn nở nơi sa mạc nhưng nước vẫn đầy đủ, không hạn chế như ở nơi khác.



Sách, báo là nhu cầu của độc giả. Báo Bút Tre để trên bàn trong đại hội cựu tù nhân chính trị từ cửa bước vào, một chút quay trở lại không còn tờ nào. Hình ảnh đẹp, nội dung phong phú, hấp dẫn người xem, cho nên báo biến nhanh cũng là sự bình thường.
Khi về, chúng tôi nhớ những người đàn bà dễ thương: bà Kiển Lê, thân mẫu Mộng Tuyền, hiền lành, chất phát, bà Mai Thi Nguyễn, vợ ông Lê Thuận, chu đáo, tỉ mỉ, đã từng làm việc ở tòa đại sứ Lào, nói tiếng Lào, Thái, Pháp (học chương trình Pháp), Anh, v.v., chồng ở tù 10 năm, đợi chồng về, tảo tần nuôi con, chồng là cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh, bà Lý Thị Sa, vợ ông Lê Văn Lâm, chưa hưu trí, làm việc toàn thời gian và hoạt động tích cực trong cộng đồng, chồng ở tù 7 năm, vẫn đợi chồng về, chồng là cựu sinh viên Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
Ông Lâm tâm sự, “Anh Thuận như anh của tôi, anh giúp đỡ cộng đồng rất nhiều.” Hai ông chồng làm việc với nhau, hai phu nhân khắng khít với nhau, hai gia đình như ruột thịt. Đặc biệt, con của các cựu tù nhân chính trị này rất thành công trong xã hội Hoa Kỳ.
Mộng Tuyền, Mộng Trinh, Vy Lê, Nghĩa Phan, Thu Tâm, Tuấn Kiều,… những người trẻ của nhóm Bút Tre, nói chuyện với ông Lâm, ông Thuận đều gọi chú và xưng là con ngọt xớt, như trong gia đình và nói chuyện với vợ ông Lâm, ông Thuận, xưng con với cô. Những người trẻ được giáo dục theo phong tục, tập quán Việt Nam thì đi đâu không sợ đói, đi đâu cũng có người cho cơm. Tôi già nhưng đi đâu cũng được cho cơm ăn. Hồi trước 1975, nghe các chiến sĩ nói về binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, pháo binh, không quân, công binh, liên đoàn 81 Biệt Kích Nhảy Dù, nghĩa quân địa phương, thiếu sinh quân, bộ binh, sư đoàn 2, 3, 5, 7, Cảnh Sát, nơi nào chúng tôi cũng đến, từ Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Kontum, Dak To, Dak Sut, Tây Ninh, v.v. tôi cũng đã đi qua và đã phỏng vấn nhiều chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng tôi quý mến những người trẻ giỏi, có lòng, làm việc vô vị lợi để tạp chí Bút Tre qua 23 năm luôn được độc giả yêu thương và đón đọc. Chúc tạp chí Bút Tre tiếp tục phát triển và sẽ phát hành trên toàn nước Mỹ, để bảo tồn tiếng Việt và những di sản to lớn không kể được về văn hóa – văn học Việt Nam.
Orange County, 9/2023
(kieumyduyen1@yahoo.com)