Bài DƯƠNG QUỐC CHÍNH
LTS: Sáng thứ Bảy, 1 tháng 4, vừa qua, Nhà Hát Đó đã được khánh thành tại Nha Trang, được mô tả là “điểm nhấn” của ngành du lịch tại Nha Trang. Trong các quan chức dự lễ khánh thành có cả Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính. Trong bài diễn văn đọc trên sân khấu, ông Chính chỉ nói chung chung là “tỉnh Khánh Hòa nên chú trọng phát triển văn hóa, thúc đẩy du lịch theo chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà Nước.”
Về nhà hát mang tên Đó, thì “đó” ở đây là cái rọ bắt cá của dân quê Việt Nam, không liên quan đến nghề chài lưới của dân Nha Trang. Báo chí trong nước đồng loạt lên tiếng ca ngợi công trình kiến trúc mới nhất này, thế nhưng một số người đã nêu ra những điểm cho thấy Nhà Hát Đó được xây kém mỹ thuật, rất “nhà quê” theo lối cộng sản, nghĩ xây nhà hát to đùng như vậy là hay, nhưng thiếu cái nhìn thẩm mỹ dù có đủ tiền để xây công trình vĩ đại. Dưới đây là một bài viết tiêu biểu được đăng trên báo mạng Đất Việt.
Hôm nay thấy báo chí rùm beng về cái nhà hát ở Nha Trang mới khánh thành, tên là “Đó”. Với hình thức này, nó dễ cuốn hút dân ngoài nghề vì hình thù khác biệt và tả thực một “cái đó”, dụng cụ bắt cá của nông dân.
Mặt bằng thẩm mỹ chung của dân Việt Nam nói chung không cao, do các môn nghệ thuật không được chú trọng đào tạo từ cấp phổ thông. Đa số dân vẫn không hề coi trọng giáo dục về nghệ thuật, từ thầy cô đến phụ huynh. Thế nên thị hiếu nào sẽ có kiến trúc nấy.
Khi không được học hành về thẩm mỹ thì người ta có xu hướng thích những thứ quen mắt và dễ hình dung. Mà kiến trúc là nghệ thuật ứng dụng, hình thức kiến trúc là do chủ đầu tư quyết định, kiến trúc sư chỉ là “vai phụ”, không quyết định được. Kiến trúc sư nào may mắn mới được chủ đầu tư giao phó toàn quyền quyết định về hình thức, còn phần nhiều là phải theo ý chủ ít nhiều.
Thế nên kiến trúc Tân Cổ Điển mới thịnh hành, do nó quen mắt. Còn kiến trúc hiện đại chút thì các chủ đầu tư cũng thích kiểu sao chép một công trình đã có ở đâu đó hoặc tả thực cái gì đó. Hồi sinh viên, bọn mình gọi là quán hoa hình hoa, quán sách hình sách, bệnh viện phụ sản hình cái… lờ.
Sau này các công trình công cộng, đặc biệt là công trình văn hóa, chủ đầu tư cũng rất hay đòi kiến trúc sư phải làm cho giống cái gì đó, mà càng giống càng được đánh giá cao. Có lẽ gọi là thứ kiến trúc cosplay!
Quay lại cái Nhà Hát Đó, đây là ý tưởng hết sức khiên cưỡng và tả quá thực cái đó. Đó là công cụ đánh cá ở ruộng mương nước ngọt, lại đem ra làm ý tưởng cho công trình ở biển, chả có chút liên quan gì. Bên trong cái đó là đống các thứ lổn nhổn, cả bong bóng rong rêu, không rõ có được con cá nào không?
Đúng ra đây không gọi là kiến trúc, mà giống như cái tượng đài điêu khắc tả thực, ngồi lên nóc cái nhà hát, vì hình thức nó chả liên quan gì đến công năng bên trong. Tức là sự cưỡng tình đoạt lý về hình thức và công năng. Thế mà báo chí đăng loạn hết cả lên, thủ tướng còn có mặt. Chắc chủ đầu tư thuê PR?
Về công năng bên trong thì nhìn có vẻ xịn sò, nhưng lan can kính là thứ rất kị vì gây phản xạ âm thanh, không thích hợp cho nhà hát. Mình chưa có đủ bản vẽ và cũng chưa vào trong nên chỉ có thể đánh giá sơ bộ như vậy, có thể đi ngược lại sở thích của đám đông, nhưng mà vì là kiến trúc sư không “xôi thịt” nên không thể cứ chạy theo thị hiếu được. Bà con hết sức thông cảm.
Chú thích hình: Hình ảnh buổi khai trương Nhà Hát Đó ở Nha Trang hôm thứ Bảy, ngày 1 tháng 4, 2023. (Ảnh VietnamNet)