Nhắc vài kỷ niệm với anh Ngọc Hoài Phương

Bài LÊ GIANG TRẦN

Ngày 28 tháng 2, 2023 buổi chiều lạnh âm u, có hai bạn gọi phone đến là Huỳnh Thuận và một lát sau là nhà thơ Triệu Minh, hỏi, “Anh có biết tin gì về anh Ngọc Hoài Phương không? Vì thấy Trần Quốc Bảo đăng lên Facebook anh Phương vừa mới qua đời trong ngày hôm nay.”

Tôi nói, “Để anh gọi chị Phương Dung xem sao.”

Trần Quốc Bảo vốn là người có được nhiều nguồn tin sớm sủa và chính xác, khi anh đưa tin thì anh đã cẩn trọng nắm chắc, nên tôi tin có lẽ là thật rồi, ông anh quý thương của mình đã rời bỏ trần gian. Lòng buồn vời vợi, ngoài trời lạnh lẽo âm u và mưa giăng nhẹ lâm râm, nhìn trời đất thật sầu não… Tôi ngồi bên trong cánh cửa nhà sau, đốt thuốc hút trong lúc nghĩ về anh Ngọc Hoài Phương với bao kỷ niệm, mà gần nhất là mới hơn hai tuần trước,tôi vừa gặp anh đây mà! Để tôi nhớ coi…

Lê Giang Trần (Photo by Trần Triết Uyên Nguyên, Dec. 2022)

Ngày 10 tháng 2, 2023, buổi sáng, anh Phương có người lái xe đưa ảnh đến nhà tôi để làm cáo phó đề tựa là “Tin Tăng Viên Tịch” vì Sư Cô Thích Nữ Thượng Chân Hạ Phước, mà chị Phương Dung là Dưỡng Nữ, vừa mới qua đời. Hai anh em người đọc người đánh chữ, làm xong, anh Phương nói lâu quá anh em mình không đi ăn tiệm, hôm nay đi ăn mì. Đó là tiệm Mì Mỹ Vị cạnh bên nhà hàng Tịnh Tâm Chay, ở gần nhà tôi, mì nấu theo cách của người Tiều Châu, khá giống như từng ăn ở xứ Bạc Liêu của tôi nên thấy hương vị gần gũi, trở thành tiệm mì tôi và anh Phương thường hay đến ăn đã quen. Hơn nữa, anh Phương ăn mì luôn xin thêm tóp mỡ, quán này vui vẻ cho thêm một chén nhỏ. Thế là ba người đi ăn mì. Suốt lúc ngồi ăn, anh kể vài chuyện hồi xưa cho anh lái xe nghe. Giờ nghĩ lại, có lẽ tôi là người em bạn duy nhất đi ăn cùng anh tại hàng quán, và đó cũng là buổi ăn cuối cùng chia tay với ảnh.

Khi xe trở về nhà tôi, ảnh vô nhà móc bóp lấy ra lì xì cho tôi 100 đô với vẻ trìu mến, làm cho tôi cảm động vui mừng, nói được anh bao ăn mì rồi còn được anh lì xì, sướng thật, cảm ơn anh; em có để sẵn cho anh hai thùng sữa dành cho người già, em bê ra xe cho anh.

Hôm đó thần sắc anh vững vàng, gương mặt tươi vui, chỉ có nói cho tôi biết là lúc này anh đi chừng đôi mươi bước thì đã mệt, phải ngồi thở một lúc. Tôi nghe vậy dặn chừng anh đi phải vịn cầu thang lên xuống, hôm nay thấy anh khỏe ra hẳn, anh ráng khỏe rồi lái xe ngao du cà phê với anh em lại cho vui, phố Bolsa vắng anh lâu rồi. Nhìn ảnh lên xe đi về, tôi bùi ngùi nhưng mừng thấy ảnh bình thản, tươi tắn, nói chuyện rôm rả ngày hôm ấy.

Trước đó khoảng một tuần, cũng có người lái xe đưa anh đến nhà tôi bất ngờ, vì đã khá lâu, từ trước Tết tới bữa đó mới gặp anh Phương, có lẽ ảnh đi bác sĩ hay công việc gì đó rồi tạt đến thằng em để lấy về bộ sách của anh Du Tử Lê viết về 20 năm văn học hải ngoại mà tôi mượn để dùng một số chi tiết trong sách cho bài phỏng vấn của Võ Đắc Danh muốn thực hiện với tôi, hỏi về dòng sinh hoạt văn học nghệ thuật về trước của Quận Cam mà tôi có biết ở khoảng thập niên 80. Hôm đó thì trông ảnh khá mệt khi vô nhà ngồi xuống salon, rồi ảnh hỏi xin một cuốn “Những Tấm Lòng Chữ Nghĩa” vì trong đó có bài tôi viết về anh chị Ngọc hoài Phương và Phương Dung.

*

Số là, có mấy anh em đạo hữu thân tình khuyến khích tôi soạn ra in những tản văn đã viết dài theo thời gian từ giữa thập niên 80 đến nay, các bạn ấy sẽ lo liệu tiền in ấn, tôi không phải lo chi. Nay đã già, nghe cũng hữu lý, tôi soạn ra toàn bộ tản văn đã viết thì mới biết làm thành sách khoảng hơn ngàn trang; vì vậy phân loại thành hai cuốn, cuốn một thiên về cá nhân cùng nhóm bạn thân hữu thân tình, nói chung là khoảng thời gian sống ở Little Saigon từ năm 1985-2000, đặt tựa là “Con Đường Tay Trái Đi Về Mặt Trời,” nghĩa là ở Việt Nam đi ra hướng Đông xuyên qua biển Thái Bình, vì có kể về chuyện vượt biển, ở đảo rồi Chicago ở Mỹ, và cuối cùng định cư ở miền Nam California, TP Santa Ana, từ tháng 5 năm 1982. Cuốn thứ hai gồm những bài viết tản mạn về thi-văn của bằng hữu, cộng thêm những bài Lời Tựa hay Lời Bạt cho những bạn hay quý vị có tác phẩm, đề tựa là “Những Tấm Lòng Chữ Nghĩa.”

Anh Ngọc Hoài Phương biết thằng em đang tiến hành công việc như vậy, nhưng tôi chưa có bài viết nào về thi sĩ Ngọc Hoài Phương, từ buổi sơ giao ở những năm 1985 hồi đó cho đến càng thân tình như anh em ruột hiện tại. Một hôm ngồi với nhau sau sân nhà tôi như thường lệ khi anh ghé chơi, ngồi ngoài nhà hút thuốc thoải mái, anh nói, em viết một bài về anh đăng vào sách em đang làm, anh bây giờ sống đếm ngày đếm tháng, đã già yếu, nên anh thích em viết cho anh một bài để anh đọc cho vui.

Thật ra thì chính tôi mở lời với anh Phương trước,đã khá lâu, tôi nói chưa viết được bài nào cho anh, mỗi lần gặp anh cũng ngượng mà anh tỉnh bơ, giờ anh nói vậy,em không thể gia hạn nữa, vậy anh cung cấp những tài liệu đã viết về anh để em sắp xếp xem viết sao cho khỏi “đụng hàng,” bởi quý vị trưởng thượng thành danh từ lâu thì đã rất nhiều người viết về thi văn của quý vị đó. Người viết sau rất khó viết, như nhà văn Cung Tích Biền chẳng hạn, em mê văn chương của ảnh, muốn viết lắm mà cứ rụt rè, bởi cả núi bài đã viết về văn tài chữ nghĩa của nhà văn lừng danh này.

Ngọc Hoài Phương và Lê Giang Trần (Facebook)

Rồi đại dịch Covid ập đến, mất thêm hai năm. Khi bắt tay viết bài, tôi kinh ngạc trước khối tài liệu viết, họa, về nhà báo, ký giả, nhà thơ Ngọc Hoài Phương mà anh Phương lưu giữ đưa ra cho xem. Cuối cùng tôi quyết định làm một bài “tổng hợp,” trong đó có phần viết của mình về thơ Ngọc Hoài Phương. Kết quả là dài gần 50 trang giấy khổ letter. Chưa kể cộng thêm phần viết về chị Phương Dung, người hiền thê mà tôi không thể tách ra khỏi anh Ngọc Hoài Phương. Anh Phương rất vui sau khi đọc bài, nói em đã viết kỹ và đủ về anh chị. Đó là lời khen đầy tình cảm anh dành tôi. Tôi thở phào trong vui vẻ. Chị Phương Dung sau đó cũng tỏ lời ngạc nhiên không kém khi đọc bài viết chi tiết về chị.

Nhớ lại lúc sơ giao, anh Phương biết tôi mê đọc sách, một hôm thật bất ngờ, tôi được anh tặng cho hai thùng sách quý, trong đó có bộ tiểu thuyết “Chiến Tranh và Hòa Bình” nổi tiếng mà tôi chưa đọc qua, dù trước kia sống ở Sài Gòn tôi có mua trưng trên dãy kệ sách mà chưa đọc tới. Việc tặng sách đã làm tôi xúc động và quý thương anh Phương từ dạo ấy. Từ cái ân tình này, khi anh gọi tôi phụ trách việc layout cho nguyệt san Hồn Việt, vì Việt Dzũng quá bận bịu việc ở đài radio nên không thể layout tiếp tục cho báo Hồn Việt. Từ đó, tình anh em càng thêm gần gũi gắn bó nhiều hơn, mãi đến khi anh vĩnh biệt.

Nguyên nhân làm cho anh Ngọc Hoài Phương đang bình thường bỗng suy yếu là do hơn năm trước, bất ngờ anh bị mổ ruột thừa cấp tính, ở vào tuổi đã trên 80, nên sau khi giải phẫu, anh bị sa sút yếu dần, ít ra phố, không còn cà phê cuối tuần với anh em bạn như thông lệ. Từ đó, lâu lắm, nhân đi ra ngoài gì đó, anh tạt tới thăm thằng em Lê Giang Trần mươi phút rồi về nhà. Tình trạng kém sức khỏe của anh, tất cả bằng hữu cũng như mấy em cháu nhỏ thân quen anh đều quan tâm, mong anh chóng bình phục.

*

Nhà văn Hoàng Mai Đạt là một thân hữu từ xưa của tôi, chủ bút báo Viễn Đông, nghe tôi kể chuyện đi ăn mì với anh Phương mới hai tuần trước đây, Đạt nói anh thân tình với anh Phương nên mới có được sự ưu ái đặc biệt như vậy, xin anh viết ra một vài kỷ niệm gần đây với ảnh, như là một chút tưởng niệm anh Ngọc Hoài Phương.

Vậy chút kỷ niệm kể ngắn gọn như trên, và như lời Hoàng Mai Đạt, thay cho một nén hương lòng tưởng niệm thi sĩ Ngọc Hoài Phương thương quý của anh em chúng tôi. Và xin đăng kèm dưới đây bài thơ sau khi nghe tin anh Ngọc Hoài Phương từ giã cõi vô thường bay về phương vĩnh cửu.

Thương Anh Ngọc Hoài Phương

Một mai hết chuyện hợp tan
Câu kinh Bát Nhã âm vang cõi trời

(Ngọc Hoài Phương)
*

Lại một người anh bay về trời
Thêm nhiều giọt lệ yêu thương rơi
Buồn lắm chữ mồ côi mồ cút
Của trái tim tiễn biệt một người

Ngọc Hoài Phương như người anh ruột
Báo lưu vong Hồn Việt duy trì
Xứng danh một bậc tu mi
Ngẩng đầu tỏa sáng như vì sao Mai

Nghiệp báo chí từ thời chinh chiến
Đời tạm dung tiếp diễn đấu tranh
Hồn thiêng sông núi nước Nam
Vẫn lồng lộng quốc kỳ Vàng màu da
Ba dòng máu đỏ là dân tộc
Người vượt biên dựng một cột cờ
Biểu trưng Nước Việt Tự Do
Hiên ngang sừng sững giữa Bolsa thành

Sài Gòn Nhỏ nơi thành phố ấy
Ngọc Hoài Phương ai nấy biết tên
Nhà Thơ nhà Báo rất hiền
Thêm danh công tử nhứt miền thi nhân
Lục Tiểu Phụng lẫy lừng còn kém
Chàng “Phương Kều” nổi tiếng Bolsa
Mặc dù chàng rất hào hoa
Trái tim đã có chủ là Phương Dung

Nơi thủ đô tạm dung tị nạn
Những anh hùng hảo hán dần thưa
Giang hồ nhộn nhịp ngày xưa
Mười người cũ họa hoằn ba bốn còn

Hôm nay không còn anh Phương
Bao nhiêu kỷ niệm – mưa buồn đang rơi
Từ từ thấm thành giọt đời
Lại đi ra biển thả trôi kiếp buồn
Ngọc Hoài Phương! Ngọc Hoài Phương!
Bữa mì anh đãi- cuối cùng chia tay…

(5:50pm ngày 28 tháng 2, 2023, nghe tin anh Ngọc Hoài Phương vừa rời chốn vô thường)

Từ trái: Du Tử Lê, Nguyễn Lương Vỵ, Lê Giang Trần, Ngọc Hoài Phương. Ba người xa biệt một người / một người vẫn thấy ba người còn nguyên. (Hình tư liệu của LGT)

(Chú thích hình chính đầu bài: Ngọc Hoài Phương đến thăm bạn vào dịp Tết. (Lê Giang Trần Facebook)

Leave a Reply