Nhớ thương kẹo đậu phụng

Bài TOM

Hằng năm, cứ đến mùa tựu trường, hình như ai cũng nhắc đến đoạn văn ngắn mà chứa chan nỗi lòng của chàng học trò, chàng thi sĩ Thanh Tịnh một thuở. Thế nhưng, hình như với tôi, đoạn văn ấy đương nhiên là hay, là làm tổ trong tâm hồn rồi, tuy nhiên, mùi kẹo đậu phụng thơm ngùi ngùi mới làm tổ trong tôi một cách “oanh liệt” đến vậy.

Tôi hồi đó tuy không may mắn mà lại thành may mắn. Tôi vào mẫu giáo, những ngày đầu học của tôi là một ấn tượng quá kinh hoàng và tởm lợm, có thể nói là vậy, bà cô Thắng (tôi nhớ như in gương mặt hơi nhọn, miệng hô và cằm lẹm của bà) đánh học trò như đánh trâu bò, cứ roi mà nện, hét ra lửa, thay vì cho học trò chơi, kể chuyện cho học trò nghe thì bà ta bắt học trò lên trên bảng đứng kể chuyện gia đình của mỗi đứa. Chuyện cha mẹ đánh nhau, chuyện ông bà chửi mất gà, tụi nhỏ (thôn quê thời đó) moi ra kể hết, bà này cho học sinh vỗ tay sau mỗi câu chuyện.

Riêng tôi, bà bắt tôi kể chuyện ba tôi đánh mẹ tôi ra sao. Thực tâm thì ba mẹ tôi bỏ nhau từ lúc tôi trong bụng nên tôi có biết gì đâu mà kể, không kể được thì bị đánh, vậy là tôi bịa ra chuyện ba mẹ tôi bay vào đấm đá nhau túi bụi, rồi ba mẹ tôi vác dao rượt nhau, cầm kiếm chiến đấu với nhau, nhảy qua tường rào… Có bao nhiêu cảnh đánh nhau trong phim kiếm hiệp mà tôi vô tình coi được là tôi mang ra áp vào cha mẹ mình mà kể.

Mẹ tôi biết chuyện, xuống quạt cho bà cô này một trận và cho tôi nghỉ học, đưa tôi vào một trường mầm non xã khác để học. Ở đây tôi được gặp cô giáo đầu đời mà sau này tôi vẫn thường gọi cô là Bồ Tát. Cô Thu Thủy (rất tiếc sau này tôi không bao giờ tìm gặp lại cô được, hình như cô đi vượt biên cùng gia đình thì phải! Và sau này tôi cũng tìm hiểu, mới biết bà cô Thắng kia chẳng có chuyên môn sư phạm gì sấc, sau 1975, bà có nhiều bà con họ hàng làm cán bộ, đưa vào dạy học để được vào biên chế. Chính vì vậy mà có kiểu dạy quái gở và bệnh hoạn như vừa kể. Sau này bà ta còn lên đến chức Hiệu Trưởng trường mầm non, có thẻ đảng…).

Lớp mẫu giáo tôi học với cô Thu Thủy là một nhà ăn của một ngôi chùa cổ, có từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, trước chùa có cổng tam quan bằng đá, có lầu cao, con nít tụi tôi hay leo lên lầu chơi, mỗi lần thấy tụi nhỏ leo, cô Thủy gọi toàn bộ lớp học vào và dặn đừng lên lên đó vì trên đó có ông Thọ, ông đang ngủ, đứa nào làm ổng giật mình thì ổng sẽ bắt nhốt cả ngày, không cho ăn cơm. Nghe vậy, tụi con nít hết dám trèo lên lầu. Rồi vài bữa lại quên, ham chơi trèo lên, cô lại nhắc.

Trước cổng chùa có quán cóc, gọi là quán bà Đồng. Bà này người gốc Huế, vào làm dâu xứ Quảng, trước 1975 chồng bà là sĩ quan, sau 1975, ông đi cải tạo, bà ở nhà nuôi con, vào sau lưng chùa cất tạm căn nhà để ở và ra trước cổng chùa mở quán bán các món ăn vặt.

Hồi đó, con nít thèm ăn khủng khiếp lắm, mà nếu cha mẹ có cho tiền ăn vặt thì cũng mua một cục bắp ngào bằng nắm tay, tròn vo cắn cho đỡ đói, có giá nửa hào. Chắc cũng tương đương với một ngàn đồng bây giờ. Bắp ngào là loại bắp rang nổ bung, nhúng với đường non vắt thành cục. Chắc con nít bây giờ chả thèm đụng món này đâu, còn con nít hồi đó, muốn ăn được món này phải phụ cha mẹ mót củi cả tuần mới được cho nửa hào.

Ngoài quán bà Đồng còn có thêm cửa hàng bách hóa tổng hợp, ở đây có bán món bánh mì thịt, hình như cả huyện chỉ có chỗ này bán bánh mì thịt, nên khi mua bánh mì, người ta phải xếp hàng chờ đợi, giá rất mắc và người bán bánh mì cứ như bà chủ, tha hồ quát nạt người mua (có lẽ những bà phở mắng, cháo chửi ở Hà Nội cũng từ những chỗ cửa hàng bách hóa tổng hợp của nhà nước hoặc các kho lương thực thời bao cấp mà ra, hồi đó các bà này quyền lực dữ lắm. Đứa nào có cha làm thuế vụ, mẹ làm lương thực thì coi như vua một cõi là vậy!). Hồi đó, tôi được mẹ cho ăn nửa ổ bánh mì thịt, nghĩa là trong suốt quá trình học tiểu học, có một lần mẹ tôi lãnh lương, vào xếp hàng chờ mua ổ bánh mì thịt, về cắt làm ba, phần của tôi gần nửa ổ, phần ngoại và mẹ già nửa ổ.

Nói để biết cái thời miếng ăn cứ như phép màu hoặc thuốc cứu sinh vậy đó. Tôi nhớ lần đó, hình như cũng là ngày cuối cùng cô giáo mẫu giáo của tôi dạy tôi. Bữa đó cô có vẻ rất bí mật, lạ lắm, ít nói, cứ nhìn tụi tôi rồi thở dài, cuối buổi, cô cho tụi tôi ngồi xếp một vòng quanh cô, mỗi đứa lên hát một bài và cô thưởng cho một cây kẹo. Đứa nào thích kẹo gì thì chạy ra quán bà Đồng nhận lấy, cô thanh toán sau. Phần tôi, tôi xin cô cho tôi hát hai bài để được miếng kẹo đậu phụng vì miếng kẹo này đắt gấp đôi mấy cây kẹo ú và kẹo mè. Cô gật đầu đồng ý, vậy là tôi hát hai bài, tôi chưa chịu dừng, hát thêm bài nữa. Cô lắc đầu, nói “con đừng ham như vậy chứ, còn phần của các bạn nữa cơ mà!”

Cuối cùng tôi cũng được một miếng kẹo đậu phụng, lần đầu tiên được ăn kẹo đậu phụng, có lẽ khó mà tả cho trọn cảm giác ngon của nó, mùi thơm thơm, ngọt ngọt, ấm ấm… cảm giác khó tả lắm. Lúc ra về, tôi được cô cho thêm, cho riêng một miếng kẹo đậu phụng nữa. Cô dặn tôi, “Con nhớ học thật tốt, sau này giúp người khác nghe con!” Tôi dạ như cái máy, hồi đó còn nhỏ xíu, đâu hiểu gì. Sau buổi học có mùi vị kẹođậu phụng ấy, cô Thủy của tôi không dạy nữa, tôi đến lớp rồi lại ra về.

Một thời gian sau, một cô giáo khác dạy thế cô Thủy, được gần tháng thì nghỉ hè. Thú thực, tôi không thể nhớ cô giáo dạy thế tên gì, tôi chỉ nhớ cô Thủy thôi!

Sau này, tôi có kể với bà xã về cô Thủy, tôi cũng nhắc đến món kẹo đậu phụng tuổi thơ, vậy là nàng làm món kẹo này cho cha con tôi ăn. Đương nhiên, món này phải ăn vào mùa thu hoặc mùa đông, khi tiết trời se lạnh, ăn một miếng, uống ngụm trà mới thấy ý vị được.

Cách làm kẹo đậu phụng khá là dễ, chuẩn bị một bát đường đen, hoặc một ký đường cát, nửa trái chanh, nửa ký đậu phụng hạt chưa rang, hai cái bánh tráng nướng loại lớn hoặc ba cái bánh tráng nướng loại vừa.

Làm kẹo đậu phụng (Tom/ Viễn Đông)

Cho đường vào nồi, nếu đường bát thì chặt nhỏ, cho thêm một phần ba chén nước sôi vào và bật bếp chờ đường tan hết, sủi bọt thì cho đậu phụng (chưa rang) vào và để lửa riu riu, thi thoảng cho đũa vào khuấy để đường khỏi trào, đến khi nào nghe tiếng đậu phụng nổ lép bép trong nồi đường non và có mùi đậu phụng chín tỏa ra thì vắt nửa trái chanh vào nồi đường và đảo đều. Đảo nhẹ tay cho đến khi đường thành đường caramen thì tắt bếp, múc từng vá đậu phụng với đường trải lên bánh tráng. Đương nhiên đây là cách làm kẹo đậu phụng thủ công truyền thống.

Việc còn lại là chờ đợi kẹo nguội thì dùng, nhâm nhiu với nước trà. Xin cầu chúc quí vị có một buổi “ăn vặt” thật vui và ấm áp!

Leave a Reply