Những đám đông gào thét

Bài NGUYÊN QUANG

Việt Nam, đất nước có hình dáng và hình trạng con người có gì đó uốn lượn, eo óc và bất thường. Đó là sự thật không biết nên buồn hay nên vui, nhưng có lẽ, khi nhắc về Việt Nam, nói về Việt Nam, nghĩ về Việt Nam, người ta sẽ khó lòng để mà quên được những đám đông kinh hoàng theo cách này hay cách khác, mỗi đám đông như một cuộc lên đồng tập thể và có sức căng muốn nổ tung bất kì giờ nào. Những đám đông này từ đâu ra? Nó là thành quả của những sức hút nào? Và nó cho thấy điều gì?

Từ câu chuyện đám đông khóc lóc Blackpink

Ban nhạc Blackpink của Nam Hàn sang Hà Nội biểu diễn với giá vé dao động từ 1.5 triệu đồng đến 10 triệu đồng ($63 – $420 mỹ kim). Và đêm biểu diễn đầu tiên của họ tại sân bóng Mỹ Đình đông ngoài dự tính, có đến hơn 37,000 vé được bán ra, khán giả hâm mộ họ đã đến vừa xem vừa khóc lóc, méo mó, quang cảnh cứ như một cuộc ốp đồng tập thể. Một nhà tâm lý học không muốn nêu tên, chia sẻ, “Đây là điều bình thường, nó không còn là hiện tượng nữa, nhưng bình thường một cách bất thường.”

Hình ảnh một nam thanh niên “khóc hết mình” trong đêm nhạc Blackpink tại Việt Nam. (TikTok)

“Xin ông chia sẻ thêm, thế nào là bình thường và bình thường một cách bất thường nghĩa là sao?”

“Bình thường bởi nó không chỉ mới xảy ra lần đầu, Việt Nam có rất nhiều đám đông, từ đám đông các đoàn thể, như đoàn thanh niên Cộng Sản HCM chẳng hạn, các hoạt động có một thứ gì đó vừa bệnh hoạn lại vừa vượt khỏi khả năng quản lý của lý trí. Từ chuyện chơi những trò chơi biểu cảm tính dục cho đến các phong trào kêu gọi này nọ, nó có tính chất hồng vệ binh, a lê hô xung phong. Rồi đến các đám đông ở các chùa chiền như chùa Ba Vàng, gọi vong gì đó, các điện cũng vậy, đông nghịt. Các đám đông đi bão sau trận bóng đá và gần đây là các đám đông người hâm mộ đến với thần tượng. Điều này gợi nhớ cái tinh thần mít tinh một thời, không biết có ai còn nhớ những đám đông mít tinh không, anh có biết không?”

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về việc “cháy hết mình” cùng thần tượng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Dạ, vì tôi thuộc thế hệ 7X nên có biết chút chút, hay nói đúng hơn là có vài kỉ niệm về những đám đông này, tôi từng theo mẹ đi dự mít tinh. Xin ông nói rõ hơn về tinh thần mít tinh này?”

“Mít tinh chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa, nước nào càng nặng tinh thần độc tài và hà khắc thì tinh thần mít tinh càng nặng nề. Đây là một từ bị lạm dụng nặng nề. Meeting, từ gặp nhau của tiếng Anh, đơn giản là gặp gỡ thôi. Nhưng khi bước sang chủ nghĩa Cộng Sản, từ này được vận dụng theo cách của một cuộc gặp đông đúc mang chủ đề và có tính hành động, vận động, kêu gọi, thậm chí đấu tố. Chính các yếu tố vừa nêu trong mít tinh đã dẫn đến hệ quả việc người ta đồng nhất mít tinh với biểu tình và xem mít tinh là cuộc biểu tình ôn hòa, nhẹ. Cái tinh thần của biểu tình ôn hòa, nhẹ ấy phải là bừng bừng khí thế và người ta tự hòa tan vào không khí đám đông, để đám đông dẫn dắt. Cái tinh thần ấy theo thời gian, nó phát triển thành những buổi gặp mặt không giống ai bằng những đám đông như ong vỡ tổ bây giờ.”

“Vấn đề bình thường có vẻ như đã được giải quyết, nhưng bình thường một cách bất thường vẫn còn đang thắc mắc, thưa ông?”

“Bình thường một cách bất thường bởi vì mình không giống ai, mình đã tạo ra một thứ hụt hẫng trường kỳ cho tuổi trẻ và đến lúc này là lúc người Việt trả giá cho nó.”

“Tôi bắt đầu thấy rối mù về vấn đề hụt hẫng trường kỳ ông vừa nêu rồi ạ, xin ông nói rộng hơn?”

“Chúng ta đã tạo ra hai cơn ảo giác rất lớn trong lịch sử, đó là ảo giác về miếng ăn và ảo giác về thần tượng. Cơn ảo giác về miếng ăn đã đẩy con người đến những đám đông chầu chực, những đoàn rồng rắn não nề và thần kinh con người trở nên tê liệt vì động cơ miếng ăn. Cái thời kinh tế tập thể, tập trung bao cấp ấy tuy kéo qua đất nước trong một thời đoạn ngắn nhưng vệt nối và di chứng nó để lại vô cùng kinh hoàng, cho đến bây giờ, nó vẫn tồn tại và phát triển theo chiều hướng khác chứ không mất đi, bằng chứng của nó là có hàng triệu đảng viên, quan chức tham nhũng trong cơ chế mới và con người với nhau trở nên lạnh lùng, thực dụng. Cơn ảo giác thứ hai là cơn ảo giác về thần tượng. Chúng ta đã tạo ra một thần tượng quá lớn và khi thần tượng trở nên già cỗi trước thời đại, tuổi trẻ, cả người già với ký ức tuổi trẻ máu lửa của họ trở nên chơi vơi, hụt hẫng. Và những đám đông sùng bái thần tượng kỳ quặc hiện tại là hậu quả của cơn ảo giác kia.”

Hình ảnh người trẻ Việt khỏa thân không hiếm trên các mặt báo sau các trận đá banh. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đám đông, họ là ai?

Một bạn trẻ tên Hiệp, hiện là sinh viên năm thứ tư khoa tâm lý, đại học Huế, chia sẻ, “Những đám đông toàn là “tinh hoa” tương lai của đất nước không đấy ạ!”

“Tinh hoa? Em đang nói đùa hay đang nghiêm túc đấy, và nếu nghiêm túc thì xin lý giải thêm?”

“Em nói nghiêm túc, không đùa đâu, đây là chuyện nghiêm túc, làm sao dám đùa anh! Họ, đám đông ấy, ví dụ như đám đông ở chùa Ba Vàng, họ là thành phần giàu có, thậm chí có máu mặt và chỗ đứng trong xã hội, tiền bạc rủng rẻng, họ mới đủ cửa mà tới đấy. Và khi tới đấy, họ hòa nhập vào đám đông mê tín, trục vong và cầu cạnh thần linh, kính thưa các loại. Nếu bứt riêng từng con người trong đám đông đó ra, họ là những người đang được tung hô trên mặt báo, đang được xem như tinh hoa xã hội. Và thực tế là trong thế hệ của họ, họ là tinh hoa thực thụ. Rồi đám đông khóc lóc như mưa trong đợt ban nhạc BlackPink ở Hàn Quốc sang biểu diễn tại Mỹ Đình, Hà Nội là ai, họ là con cái gia đình khá giả họ có kênh sinh hoạt theo tầng bậc xã hội của họ, thậm chí họ có thể biết vài ngoại ngữ. Nhưng họ có hành vi rất kỳ quặc.”

“Theo em, nguyên nhân của hành vi này bắt đầu từ chỗ nào xét theo góc độ tâm lý học?”

“Nếu xét theo tâm lý học Mác Lê thì nó buồn cười lắm, đây có thể là một sự thăng hoa cảm xúc sau một quá trình tích tụ xúc cảm có tính liên đới xã hội của các xúc tác kinh tế theo nguyên lý vết dầu loang. Nói như vậy thì nghe rối mù, bởi bản thân hai ông này chả phải nhà tâm lý học. Em thì không ôm thứ kinh viện xã hội chủ nghĩa ấy, mà em nghiên cứu, tìm tòi theo các học thuyết phương Tây, em thiên về phân tâm học, để đi đến tâm lý, em thấy rằng các đám đông ấy là một cuộc bùng vỡ xung năng.”

Một trang báo trong nước “cập nhật” liên tục phản ứng của giới trẻ sau một trận đá bóng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Xin em giải thích thêm về cuộc bùng vỡ xung năng vừa nói?”

“Tuổi trẻ Việt Nam, có chừng 30% luôn ở trạng thái thừa năng lượng, bởi họ là con các gia đình khá giả, và họ cũng là những đám đông khi cần thiết. Số còn lại 70% là thành phần lao động nghèo, bình dân, suốt ngày cặm cụi làm ăn, sinh sống, họ ít quan tâm đến chính trị, xã hội, động cơ cơm áo gạo tiền chiếm toàn bộ cuộc đời của họ. Sinh ra trong nghèo khó, lớn lên, lo làm ăn, lo nhiều thứ, chật vật, để rồi cưới vợ, sinh con đẻ cái, làm nhà, đến cuối đời thì có thể cầm cố nhà cửa để chữa bệnh, cái vòng lẩn quẩn ấy kéo dài rất là lâu. Bù cho số 30% là con số sinh ra trong sung sướng, hưởng thụ là chính, nhờ có điều kiện nên họ được ăn học tới nơi tới chốn, biết ngoại ngữ, có người biết được nhiều ngoại ngữ, và họ hưởng thụ theo một kênh riêng, dành cho giới ngang hàng của họ. Vì họ có thừa tiền bạc, có thừa năng lượng và thừa cả thời gian nên việc vung ít tiền bạc để mua một tấm vé bằng cả mấy tháng lương của lao động nghèo, bỏ ra hàng giờ, thậm chí hàng ngày để theo thần tượng, khóc cười với thần tượng là chuyện rất đỗi bình thường của họ.”

“Họ khóc cười với thần tượng, như trường hợp đêm nhạc ở sân Mỹ Đình vừa qua, em thấy có gì quá đà không?”

“Em nghĩ là không quá đà, họ chưa ngất xỉu là tốt lắm rồi. Bởi thời gian, tiền bạc và mọi thứ năng lượng có được, ngoài việc học hành, hưởng thụ, họ chỉ biết dành cho thần tượng của họ, họ bị khủng hoảng thần tượng bởi vấn đề thần tượng trong nước là cả một câu chuyện lớn.”

Ắt hẳn những mảnh đời này khó để mua vé rồi khóc theo Blackpink. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Tại sao bây giờ tuổi trẻ vẫn còn bị chi phối bởi chủ nghĩa thần tượng, em có thể giải thích được không?”

“Em nghĩ câu này dễ trả lời mà, người Việt, phải nói rằng 100% được giáo dục và được nuôi dưỡng bằng thần tượng từ nhỏ, từ lúc “đêm qua em mơ gặp bác Hồ, râu bác dài tóc bác bạc phơ, em âu yếm hôn đôi má bác, bác gật đầu bác khen em ngoan…” hoặc là “Trung thu trăng sáng như gương, bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”… Thần tượng ấy quá lớn lao, cho đến khi người ta tiếp xúc với nhiều kênh thông tin khác, và đương nhiên, yếu tố sụp đổ thần tượng ngấm ngầm diễn ra, một bên sụp đổ, một bên hình thành thần tượng mới để lấp vào chỗ trống, các yếu tố thần tượng theo kiểu showbiz vừa không đụng chạm ai vừa trẻ trung, tươi tắn sẽ là điểm đến cho tuổi trẻ. Và mọi chuyện diễn ra hiện nay chỉ là hệ quả của một quá trình dài…”

Những em bé này chắc chắn không nằm trong danh sách những người khóc vì thần tượng đêm nhạc Blackpink rồi. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Nên vui hay nên buồn đây em?”

“Hình như không thể vui hay buồn trong chuyện này được, mà phải có một thứ gì đó được cởi bỏ, để chúng ta đến với văn minh đích thực, bởi chủ nghĩa thần tượng cũng như xung năng tiềm ẩn là những thứ ma túy, nếu dùng nó cho khoa học sẽ rất tốt nhưng dùng nó để hưởng thụ thì sẽ thành một thứ con nghiện què quặt, em nghĩ vậy!”

Chàng sinh viên này cũng đang độ tuổi của những người đang cuồng thần tượng ngoài kia, nhưng dù sao, sự chín chắn, sâu sắc và phân tích rốt ráo của chàng cũng khiến tôi ấm lòng, thấy rằng tuổi trẻ luôn là ngôi đền thiêng của dân tộc, nếu con người dùng để chiêm bái, thờ phụng thì tốt nhưng dùng đó để cầu cạnh và ốp đồng, nhảy cẫng thì nguy cơ luôn rình rập và tương lai hoàn toàn trông chờ vào thái độ cũng như lương tri tuổi trẻ.

Leave a Reply