Bài NGUYÊN QUANG
Tình trạng các ngôi làng bị đô thị hóa và “làng văn hóa” hóa đang dần biến hầu hết các ngôi làng cổ xưa vốn thơ mộng một thuở trở nên kĩ nghệ và nhìn chẳng giống ai, thậm chí quá trình bê tông hóa đã nhanh chóng làm cho các ngôi làng biến dạng, làng chẳng giống làng mà phố chẳng ra phố. Khi nói về những ngôi làng, dường như có một nỗi tiếc nuối bao trùm những buổi nói chuyện.
Phường hóa, làng văn hóa
Có thể nói rằng đây là hai thứ khiến cho làng bị triệt tiêu nhanh nhất, như lời một cựu cán bộ xã, cũng là người có bằng thạc sĩ xã hội học (thật) đã về hưu, ông không muốn nêu tên, “Có hai quá trình làm cho hầu hết các ngôi làng Việt Nam trở thành bát nháo, tiếc là khi nhìn lại thì đã quá muộn màng, đó là làng văn hóa và làng lên phường.”
“Xin ông chia sẻ thêm về làng văn hóa và làng lên phường?”
“Tôi nói trước về làng văn hóa cho dễ, sau đó rồi nói đến làng lên phường nhé. Làng văn hóa là cách mà Bộ Văn Hóa Thông Tin và Thể Thao Việt Nam công nhận và xây dựng một chuỗi vệ tinh các ngôi làng bấy lâu nay. Người ta đặt ra nhiều tiêu chí để thành làng văn hóa, nào là nhà cửa phải khang trang, an ninh phải tốt, đại đoàn kết, các con đường bê tông hóa 100%… Và để có cái này, hầu hết các cơ quan xã, phường đều nỗ lực, thực ra là nỗ lực về hình thức thôi. Cũng rủ nhau xớt dọn cỏ, rồi trồng hoa, bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hằng tỉ đồng để trồng hoa, để dọn rác, được vài ngày sau khi công nhận thì đâu vào đấy rồi.”
“Như vậy thì có liên quan gì đến vấn đề mất dấu của các ngôi làng thưa ông?”
“Đó đó, vấn đề nằm ở chỗ này, anh nên nhớ, đã nói tới văn hóa làng, thì đừng đặt câu hỏi là nó bê tông cốt thép hay nó bằng đất, đó là câu hỏi ngớ ngẩn nhất mà các nhà làm văn hóa vướng phải. Vì làng không nhất thiết là nhà tranh, nhà ngói ba gian hay nhà lầu đều có thể là làng. Vấn đề làng quan nghĩa văn hóa nông nghiệp là nghề nông nhé. Vấn đề là sự thật thà, tính khiêm cung, chân chất cũng như lòng yêu thương, gắn kết giữa người với người. Nơi nào còn thứ văn hóa đó thì nơi đó có làng. Trong trình trạng chính quyền ăn xổi, dân làng cũng ăn xổi theo để có được tấm bảng ‘làng văn hóa’ thì tính thật thà, sự chất phác cũng như lòng lân mẫn đã mất rồi, nếu có cả khối nhà tranh và vườn tược thì cũng là cái xác vô hồn thôi!”
“Ông nghĩ gì khi những ngôi làng ngày càng vắng bóng tre xanh, vắng bóng cây và mọi thứ khô khốc?”
“Tôi đồng cảm với anh, đã nói tới làng thì phải nói tới cây xanh, tre, ít nhiều cũng giữ vài rặng tre, rồi những vườn tược trong làng. Khổ nỗi, bây giờ người ta thi nhau phân lô, nghiệt ngã nhất là người ta bán đất để có tiền xây một cái nhà hộp vài tầng, thậm chí năm, bảy tầng để rồi thả cho bụi với gián, chuột với thằn lằn vào ở chứ làm gì sử dụng hết công năng. Vườn tược không còn, người ta lại mua vài cái lồng về nuôi chim, treo trên tầng thượng cho đỡ nhớ. Rõ ràng ở đây nhận thức bị hụt hẫng quá nên đâm ra mọi thứ ngày càng tệ.”
“Các nhà xã hội học nói riêng và các trí thức nói chung đều phàn nàn về quá trình bê tông hóa các làng, ông thấy vấn đề này như thế nào?”
“Tôi không đồng cảm với họ, thời hiện đại, chẳng lẽ làng không được phép dùng xe hơi, không được phép đúc đường bê tông, phải đi xe đạp, phải cọc cạch lội bùn mới là làng sao? Vấn đề là hồn vía, tâm tình của con người mới quan trọng. Muốn có cái hồn thì làng phải giữ được nét văn hóa trọng tình trọng nghĩa, tựa lưng vào nhau mà sống, chứ còn mạnh ai nấy sống, thằng nào giàu thì thỏa sức khoe mẽ và phô trương, dợt le thì thua! Tôi nhớ cách đây chưa đầy ba mươi năm, mỗi khi hàng xóm cháy nhà thì cả làng xách gàu múc nước, thau, thùng, xẻng, cuốc để đến cứu chữa, người thì múc nước tạt, người thì dùng cuốc, câu liêm giật bỏ những tấm tranh bị cháy, cắt lửa, người thì di dời đồ trong nhà. Cả làng xúm vào làm, cứu hỏa, nhìn thấy cảm động lắm. Còn giờ thì sao, mạnh ai nấy sống, nhà này cháy, nhà kia cầm điện thoại quay rồi bỏ lên mạng xã hội. Chỉ chừng đó thôi đã thấy con người xuống cấp chừng nào rồi. Lòng lân mẫn, lòng trắc ẩn đã đi vắng, thì có tô son đắp phấn cũng không thể có làng văn hóa được. Có mà văn hóa lừa dối nhau thì đúng hơn!”
“Về vấn đề lên phường, xin ông chia sẻ, tôi thấy người ta vẫn ăn mừng để đón tin xã lên phường cơ mà?”
“Đây là vấn đề thật buồn cười, hãy định nghĩa về phường trước đã, đã nói tới phường, là nói tới một phường nghề, phường buôn, phường công chức, dân xứ mình toàn xôi đậu, đủ các thành phần, vậy thì cái đơn vị phường ấy nên coi lại. Học đòi thành phố như vậy không đúng. Tuy nhiên, phường cũng có cái hay lắm chứ. Nhưng do không biết vận dụng.”
Chuyện lên phường
Rất tiếc cuộc nói chuyện giữa tôi và ông cựu công chức này bị gián đoạn bởi ông có khách, và tôi lại tìm đến một người dân rất quan tâm về xã hội học, đặc biệt, xã của ông vừa được công nhận lên phường, đang ăn mừng. Ông có cái nhìn khá trung dung, “Việc lên phường cũng có cái lợi, nhưng cũng có cái hại!”
“Xin ông mở rộng ý về cái lợi và cái hại trong vấn đề xã lên phường?”
“Xã là đơn vị hành chính có tính chất địa lý, phường là đơn vị hành chính có tính chất hội nhóm ngành nghề, một khi xã lên phường thì việc đầu tiên phải triệt tiêu làng, bởi đơn vị địa lý biến mất, thay thế vào đó là các tiêu chí về ngành nghề hoặc về công nghiệp hóa để tương đương ngành nghề. Như vậy, trong một số trường hợp, xã chuyển thành phường gây bất lợi cho người dân rất nhiều, ví dụ như các khoản chi phí, thuế, điều kiện sinh hoạt vốn tự do, tự cung tự cấp của thôn quê sẽ bị mất dần, thậm chí biến mất. Như vậy, những ngôi làng đương nhiên sẽ biến mất khi xã thành phường. Nhưng, có một cái lợi là giá đất tăng nhanh, bởi quan niệm lên phường thì cách gì cũng lên phố”
“Cái hại, tôi nghĩ đâu chỉ dừng ở vấn đề chi phí tăng, ông nghĩ sao?”
“Chính xác là chi phí tăng chỉ là một cái hại nho nhỏ, vấn đề quan trọng nhất là xây dựng vô tội vạ để kiếm chác trong quá trình từ xã lên phường, điều này khiến cho xã hội thu nhỏ chỗ xã sắp lên phường sẽ có nhiều mâu thuẫn về lợi lộc của giới quan chức cũng như giữa quan chức với dân. Thứ văn hóa chi phối toàn bộ đất nước này hiện nay là tham nhũng và hối lộ, nó rất là khó nói, trong khi đó lòng người nát như tương, chẳng còn là quê mà cũng chẳng ra phố, nó cứ lai căn, pha tạp mà chẳng giống một thứ gì!”
“Ông nghĩ gì khi những ngôi làng đang dần mất dấu?”
“Làng mất dấu từ lâu rồi, chứ đâu mới đây, chiến tranh đã làm mất đi rất nhiều làng, hãy nhớ đến miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa với mô hình Dinh Điền, rồi Khu Trù Mật và cuối cùng là Ấp Chiến Lược, chính sự xáo trộn này đã phá vỡ cấu trúc xã hội vốn bền chặt của miền Nam một thuở và nhanh chóng biến các khu mới lập thành vùng xôi đậu giữa nhà quê với thành phố, giữa quốc gia với cộng sản, giữa cái mới với cái cũ, giữa trung thành với phản bội, giữa cái ác với sự lương thiện, chính trực… Và cuối cùng thì không cần bàn thêm. Sau này, cả nước lại một lần nữa bị mất làng bởi mô hình kinh tế hợp tác xã, mọi thứ cào bằng và phổ biến trên diện rộng, sau nữa là mô hình phường, làng văn hóa, các làng chết đi một cách im lặng bằng cái tên mới mỹ miều nhưng rỗng.”
“Dạ, ý này thật sâu sắc, nhưng ông vẫn chưa nói thẳng vào vấn đề những ngôi làng đang mất dấu hiện nay?”
“Thì điều đó chỉ cho thấy rằng tư duy quản lý của các nhà quản lý quá kém, họ không những không thiết lập được một cái gì tiến bộ, văn minh mà còn phá hoại rất nhiều, trong đó thứ tư duy manh mún, tủn mủn xuất hiện đầy rẫy trong hệ thống quản lý. Mệt hơn nữa là cái tình con người bị mất, cái lõi của làng chính là tình người, bây giờ làm gì có tình người, ngay cả những kẻ gọi nhau là đồng chí mà chúng nó có thể quay súng bắn vào đầu nhau bất kì giờ nào thì đối với dân chúng nó ngán gì, chính các thứ mâu thuẫn giữa đồng chí với nhau, rồi giữa các đồng chí với dân đã phá vỡ mọi thứ giá trị tình người. Mà giá trị tình người bị mất thì làng nước mất.”
“Như vậy, có thể rằng chúng ta đang đi một qui trình ngược hoặc giả đặt một câu hỏi ngược và giải quyết ngược về vấn đề làng?”
“Chính xác, câu hỏi lâu nay người ta vẫn đặt ra là tại sao cấu trúc làng bị phá vỡ và nhầm tưởng rằng do bê tông hóa, do qui hoạch lỗi và do người dân không có văn hóa làng. Nhưng người ta quên rằng cái văn hóa làng đã bị phá vỡ bởi một kiểu quản lý thiếu tình người và khi các cấu trúc mới thay thế chỉ là hệ quả của một tiến trình đã diễn ra tự đáy sâu tâm can con người.”
Câu chuyện còn dài lắm, nhưng thôi, giờ có nói tới mai đi nữa thì điều mà cả tôi và bạn nhận được cũng là đã mất làng rồi, người ta vốn kêu cứu rằng “bớ làng nước ơi!” Giờ làng đã mất, nước thì rối reng, giả sử có chuyện trái khoáy mà kêu cứu, thì lẽ nào… Thật khó nói!