Tổng Thống Joe Biden và Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy tại Tòa Bạch Ốc. (White House)
Bài VI ANH
Nợ trần ở đây không phải là mức nợ đời, nợ trần ai khổ lụy mà Con Người vay trả trong kiếp nhân sinh trong cõi ta bà thế giới này. Mức nợ trần ở đây là định mức cao như trần nhà. Quốc Hội Mỹ cho Hành Pháp vay nợ xài trước, rồi thâu thuế dân trả sau.
Tin VOA 17/5, Tổng Thống Dân Chủ Joe Biden và Dân Biểu hàng đầu bên Cộng hòa, Kevin McCarthy, hôm 16/5 tiến gần hơn đến một thỏa thuận để tránh tình trạng vỡ nợ sắp xảy ra của Hoa Kỳ, Tổng Thống Joe Biden phải cắt ngắn chuyến công du Châu Á trong tuần này.
Sau một giờ đàm phán, ông McCarthy, Chủ Tịch Hạ Viện, nói với các phóng viên rằng hai bên vẫn còn khoảng cách về thỏa thuận dỡ bỏ trần nợ. Tuy nhiên, ông cho hay, “Có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tuần này. Không khó lắm để đạt được một thỏa thuận.”
Xin phân tích một vụ tiêu biểu để ôn cố tri tân. Chánh phủ Dân Chủ Obama xài quá lớn nếu Quốc Hội không gia hạn hay nâng định mức nợ trần lên kịp trước này 31-12-2012 thì vào ngày 1- 1-2013, tài chánh công của Mỹ, ngân sách liên bang Mỹ sẽ rơi xuống “vực thẳm tài chánh” nói theo danh từ chánh trị Mỹ, và “chân tường tài chánh” theo Pháp.
Dù không phải là nợ đời của Tổng Thống Mỹ như Obama, mức nợ trần của chánh quyền Mỹ cũng làm cho ông Obama lo đổ mồ hôi lạnh vì tổng thống là người đứng đầu Hành Pháp. Và Quốc Hội cũng đứng ngồi không yên vì gia hạn hay nâng mức trần của nợ như tổng thống yêu cầu thì phải đánh thuế đối với người dân, cắt giảm phúc lợi của người nghèo và bịnh. Tuy thế nếu không làm thì tài chánh công Mỹ sẽ đổ vỡ, ngân sách liên bang sẽ khủng hoảng, chánh quyền mất khả năng vay mượn và chi phó, trang trải công chi. Một chuyện quốc gia đại sự như vậy, rắc rối, tế nhị như vậy mà chỉ còn có hai 20 ngày phù du nữa để giải quyết, là thậm chí nguy!
Chỉ còn có 20 ngày nữa, nếu hành pháp và lập pháp, tổng thống và quốc hội không thoả hiệp được một vấn đề lớn lao liên quan đến tính đảng phái và quốc gia đại sự như vậy, thì Mỹ sẽ rơi xuống vực thẳm tài chánh.
Mùa Giáng Sinh và Tết Dương Lịch năm ấy, Hành Pháp trong Tòa Bạch Ốc và Lập Pháp trên đồi Capitol chắc đứng ngồi không yên. Không khéo Lập Pháp phải đóng cửa cấm trại, giải quyết vấn đề, không được về quê ăn Giáng Sinh và ăn Tết lắm.
Vào thời điểm còn 20 ngày phù du của quốc gia đại sự này, mà ánh sáng cuối đường hầm thỏa hiệp khi tắt khi cháy, lời qua tiếng lại thì nhiều, hai bên đại diện họp hành, bắt tay,vỗ vai nhưng bằng mặt mà chưa bằng lòng.
Cuộc thỏa hiệp giữa Phủ Tổng Thống và Hạ Viện do Cộng Hoà nắm quyền đa số có vẻ như không thể đạt được. Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner, không phải là một người dễ tánh, mềm lòng trong thương thảo chánh trị. Đã 63 tuổi mà đắc cử sáu nhiệm kỳ, Ông rất già dặn kinh nghiệm nghị trường và thương nghị, mới vươn lên làm Chủ Tịch Hạ Viện là con tim, khối óc của nhân dân Mỹ.
Ông cùng những dân biểu Cộng Hòa đến giờ phút này không đồng ý đề nghị của Tổng Thống Obama tăng thuế những người mà Obama gọi là giàu và nằng nặc đòi phải tăng thuế họ để giảm khiếm hụt ngân sách và nợ nần của đất nước.
Ông Chủ Tịch Hạ Viện thì muốn chứng minh và ngăn chận Obama xài phí quá nhiều tiền thuế của dân, cứ làm cho chánh quyền phình lên như bong bóng, trái với triết lý của Cộng Hòa càng ít chánh quyền càng tốt.
Còn Phủ Tổng Thống dùng công luận phân chứng với dân chúng, lấy dân bao vây lãnh tụ Cộng Hoà, cáo buộc Khối Dân biểu Cộng Hoà ở Hạ Viên và Chủ Tịch John Boehner bắt người dân Mỹ làm con tin hành động chống đề nghị ngân sách của tổng thống.
Khó khăn chánh trị đảng phái, bất đồng quan điểm còn nhiều, nợ của nước Mỹ quá lớn, hiện tình kinh tế chưa phục hồi, thêm vào đó nội các của TT Obama đang thời kỳ phải thay đổi ít nhiều. Chính nội bộ nội các của TT Obama cũng là một trở ngại trong cuộc thương thảo. Theo truyền thống mã thượng của chánh trị Mỹ, đa số bộ trưởng trong nội các sẽ từ chức để tân tổng thống rộng đường và dễ thành lập tân nội các. Hai Bộ Trưởng then chốt về tài chánh công, Tim Geithner, Bộ Trưởng Tài Chánh và có thể Ben Bernanke, Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương hay Quỹ Dự Trữ Liên Bang của Mỹ cũng từ dịch. Với tinh thần ra đi như thế, dù cố gắng thế mấy tinh thần làm việc cũng không được như xưa.
Nên người ta thấy TT Obama phần lớn xoay trở một mình với Lập Pháp. Mà trong thương thảo những cuộc gặp gỡ của những người chuyên môn trong im lặng, kín đáo thường hiệu quả hơn những lời qua tiếng lại trên công luận.
TT Obama đòi hỏi nhà giàu phải trả thêm thuế để giảm nợ và giảm khiếm hụt ngân sách, chớ không cắt giảm kinh phí của y tế của người già, người nghèo, người bịnh. Lý luận nghe rất công bình xã hội. Nhưng thực tế tăng thuế người giàu thì họ không còn có phương tiện đầu tư, hay chào nước Mỹ bằng chân, đem công việc Mỹ ra ngoại quốc, dân Mỹ thất nghiệp tăng, không thu thuế được càng kẹt lớn nữa. Còn chương trình y tế phải bảo chi thêm cho 32 triệu người do luật Cải Tổ Y Tế của TT Obama, quỹ Medicare, Medicaid hết tiền, không tiết kiệm, không giảm dịch vụ lại thì làm sao cứu vãn.
TT Obama kêu gọi đoàn kết, kêu gọi thỏa hiệp, tuyên bố cởi mở với những ý kiến mới để tránh cho Mỹ rơi xuống vực thẳm tài chánh. Nhưng ông cứng rắn từ chối cắt giảm y tế là công chi lớn nhứt nhì của ngân sách và quyết liệt đánh thuế người giàu lợi tức triệu phú. .
Định mức mà Quốc Hội cho phép Hành Pháp nợ bấy giờ là $16,394 tỷ. Phép này ngày 31- 12-2012 hết hạn, không được vay nữa. Thủ tục này phát sinh từ năm 1917, Quốc Hội cho phép Hành Pháp vay muợn một cách tổng quát, chớ không đi vào chi tiết như trước đó.
Trong những năm 1980, công chi tăng nhanh và khiếm hụt ngân sách trầm trọng, Quốc Hội phải nâng mức nợ trần lên nhiều lần. Theo sưu khảo của CNN, Quốc Hội phải can thiệp 11 lần nếu tính từ năm 2011 và 76 lần từ năm 1962 cho đến bây giờ.
Nhưng không có gì phải lo sợ. Chưa bao giờ Quốc Hội để chánh quyền liên bang vỡ nợ. Đặc tính của chánh trị nội bộ Mỹ là thỏa hiệp. Và công luận, thế nước lòng dân ảnh hưởng rất lớn đối với chánh quyền dân cử Mỹ. Dân bầu dân biểu, nghị sĩ và tổng thống lên để phục vụ đất nước và nhân dân, chớ không phải để đấu đá vì đảng phái. Nếu Tổng Thống và Khối Lập Pháp Cộng Hoà ở Quốc Hội cứ chống đối nhau vì đảng phái như thế này, sẽ tạo ảnh hưởng bất lợi cho tương lai người dân cử, uy tín của Quốc Hội và tổng thống; dân sẽ nói phải quấy qua lá phiếu trong kỳ bầu cử tới.
Có nhiều dấu chỉ lạc quan khi ấy cho thấy Cộng Hòa tạm đình chiến để bảo toàn lực lượng. Càng ngày càng có thêm chính khách Cộng Hòa đồng ý tăng thuế người giàu. Hôm Chủ Nhật 9-12, Nghị Sĩ Bob Corker xuất hiện trong chương trình Fox News Sunday, kêu gọi phía Cộng Hòa nhượng bộ trước đòi hỏi của ông Obama về việc tăng thuế đối với giới giàu, và công nhận rằng “tổng thống nay ở thế thượng phong về vấn đề thuế.” Cũng hôm Chủ Nhật 9-12 Dân Biểu Tom Cole từ Oklahoma phát biểu trong chương trình State of the Union trên đài CNN, cũng đưa ra ý kiến tương tự. Ông Cole cho hay, cử tri của ông sẵn sàng chấp nhận việc duy trì giảm thuế cho giới trung lưu, để đổi lấy việc tăng thuế cho giới được coi là giàu có. Dân Biểu Cole nói rằng, “Chấp nhận thực tế chính trị không phải là vẫy cờ trắng đầu hàng.”
Và nhiều thăm dò cho biết dân chúng ủng hộ TT Obama lên đến 53%. Điều đó cho thấy chủ trương dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa chống lại việc đánh thuế những người giàu triệu phú và cắt giảm phúc lợi Medicare, Medicaid của người nghèo và bịnh, người dân Mỹ nghe không lọt tai.