Ở một nơi không có xe hơi

(Culdesac.com)

Culdesac là tên của một phố gia cư đang được xây trên một khu đất rộng 17 mẫu Anh ở tiểu bang Arizona, từng có một tiệm sửa xe hơi và vài tòa nhà hoang phế. Hiện nay khu đất này là nơi thử nghiệm một cách sống mới: một khu phố cho những người đi bộ hoàn toàn không có xe hơi. Cách sống này thường chỉ thấy ở các trường đại học, công viên giải trí  Disneyland hay ở Âu Châu mà thôi.

Culdesac đã có 36 cư dân đầu tiên vào đầu năm nay và khi được hoàn tất sẽ có khoảng 1,000 người khi toàn bộ 760 căn hộ trong các tòa nhà hai và ba tầng được hoàn thành vào năm 2025.

Khác với gần như toàn thể Hoa Kỳ, người dân ở nơi đây không có chỗ đậu xe và được khuyến khích không dùng xe. Bù lại, Culdesac có các tiệm tạp hóa, nhà hàng, phòng tập yoga và tiệm bán xe đạp, xen kẽ trong các tòa nhà, điều không hề thấy ở những khu áp dụng luật lệ thành phố chặt chẽ như hiện nay.

Ông Ryan Johnson, 40 tuổi, người đồng sáng lập công ty với ông Jeff Berens, cựu cố vấn của McKinsey, nói rằng dự án Culdesac trị giá $170 triệu mỹ kim cho thấy “chúng ta có thể xây dựng khu dân cư đi bộ ở Mỹ.”

Ông Johnson là thành viên của nhóm sáng lập OpenDoor, hoạt động trong ngày địa ốc qua mạng. Ông rất thích cách sống không dùng xe hơi khi sống và du lịch ở các quốc gia như Hungary, Nhật Bản và Nam Phi. Xuất thân từ Phoenix, ông Johnson từng có một chiếc SUV nhưng không dùng xe hơi trong 13 năm qua. Ông đang có hơn 60 chiếc xe đạp điện (ebike) và phải ngưng mua thêm vì hết chỗ chứa.

Ông Johnson nhận xét, “Hiện nay ở Mỹ, chỉ có hai loại nhà: những ngôi nhà đơn độc cho một gia đình mà khi cần đi đâu sẽ rất khó khăn, hoặc những tòa nhà chung cư với những hành lang hẹp và mọi người hầu như chỉ đi bộ đến xe hơi của họ khiến họ chỉ biết một vài người hàng xóm mà thôi. Chúng ta tiếc nuối nhìn lại thời đại học vì đây là lúc duy nhất hầu hết mọi người sống trong một khu phố có thể đi bộ được. Mọi người vui và khỏe mạnh hơn, thậm chí còn giàu hơn khi họ sống trong một khu phố có thể đi bộ được.”

Culdesac còn khác biệt về kiểu dáng. Các tòa nhà của dự án có hình khối màu trắng kiểu Địa Trung Hải có điểm nhấn bằng đất đỏ và được quy lại một cách mật thiết để tạo ra những khoảng sân hấp dẫn cho các cuộc sinh hoạt cộng đồng và “paseo,” một danh từ Tây Ban Nha phổ biến ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ để chỉ quảng trường hoặc lối đi dạo.

Quan trọng hơn là sự sắp xếp như vậy giúp tạo ra bóng mát tránh ánh nắng gay gắt – nhiệt độ trên các lối đi này được đo ở mức 90F (32C) vào những ngày mà mặt đường bên ngoài Culdesac là 120F (48C). Các kiến trúc sư gọi các tòa nhà này là “tòa nhà vải” làm nên không gian công cộng chung, chứ không phải là những chiếc hộp vô duyên, tiện dụng nằm cạnh một bãi đậu xe khổng lồ cháy nắng.

Ông Jeff Speck, một nhà quy hoạch thành phố và thiết kế đô thị, đã đến quan Culdesac vào đầu năm nay. Ông cho biết, “Nó chắc chắn mang tính chất Âu Châu, giữa Mykonos và Ibiza. Thật ngạc nhiên là đô thị đã được biến đổi tốt đẹp đến mức, cả về kinh nghiệm và hiệu quả, khi bạn không cần phải giữ xe hơi.”

Để trấn an những ai lo lắng về việc hoàn toàn sống không dùng xe hơi, Culdesac đã thỏa thuận trả tiền đi Lyft, dịch vụ đi chung xe, và đi miễn phí trên tuyến đường sắt chạy ngang qua các tòa nhà, cũng như xe scooter điện. Số 200 cư dân đầu tiên đến sống cũng sẽ được nhận xe đạp điện.

Ông Speck nói rằng một nơi như Culdesac là độc đáo ở xứ Mỹ, nơi văn hóa dùng xe hơi đã thấm sâu vào đời sống của hầu hết mọi người và cách quy hoạch thành phố ở Hoa Kỳ. Trong thế kỷ qua, văn hóa xe hơi đã đưa đến những xa lộ khổng lồ cày xới xuyên qua trung tâm các thành phố của Hoa Kỳ, xóa sổ và phân tán các cộng đồng – đặc biệt là những người da màu – để lại một khối ô nhiễm không khí.

Những xa lộ này chính yếu là để phục vụ một vùng ngoại ô rộng lớn, bao gồm hầu hết các ngôi nhà dành cho một gia đình với sân sau rộng rãi, nơi việc lái xe hơi thường là lựa chọn duy nhất để đi đến bất cứ đâu. Sự phụ thuộc vào xe này đã được củng cố bởi luật phân vùng không chỉ tách khu dân cư khỏi khu thương mại mà còn cần thêm nhiều chỗ đậu xe cho mỗi công trình xây dựng mới.

Ông Speck nói, “Kết quả là một quốc gia mà tất cả chúng ta đều bị tách biệt một cách tàn nhẫn khỏi hầu hết các nhu cầu hàng ngày của mình cũng như với nhau.”

Do đó, có thể coi Culdesac không chỉ là mô hình cho nhà ở thân thiện với khí hậu hơn (vì giao thông là nguồn phát ra các chất thải làm nóng hành tinh lớn nhất của Hoa Kỳ và, các nghiên cứu đã cho thấy, gây ra nhiều ô nhiễm hơn gây ra khủng hoảng khí hậu) mà còn là một cách nối kết các cộng đồng đã bị chia rẽ về mặt thể chất, xã hội và chính trị, thiếu “địa điểm thứ ba” để tụ tập ngoài những ngôi nhà và nơi làm việc bị xáo trộn.

Ở Mỹ thì trong 10 người đã có tới 9 người làm chủ xe, và chỉ có một người Mỹ dùng phương tiện giao thông công cộng. Xe công cộng thường thiếu vốn hoạt động và đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ đại dịch Covid. Ngay cả chính quyền Joe Biden cũng đang nhiệt tình chi hàng trăm tỷ mỹ kim để xây dựng các xa lộ mới, mặc dù thường nói đến việc kết nối lại các cộng đồng và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Leave a Reply