Phái đoàn truyền thông Việt ngữ thăm Thư Viện & Bảo Tàng Viện Tổng Thống Richard Nixon sáng thứ Hai, 21 tháng 8, 2023. (Hình Thanh Phong cung cấp)
Bài THANH PHONG
Trong các Tổng Thống Hoa Kỳ từ trước đến nay, có lẽ Tổng Thống Richard Nixon là vị Tổng Thống gắn liền với cuộc chiến tranh Việt Nam nhiều hơn cả. Ông giữ chức Tổng Thống nhiệm kỳ 1969 -1974, và phải từ chức vì vụ Watergate. Ông sinh năm 1913 tại Yorba Linda, mất năm 1994.
Di sản của Tổng Thống Nixon được lưu trữ tại Thư Viện và Bảo Tàng Viện mang tên ông ở thành phố Yorba Linda, Nam California. Ban Giám Đốc Bảo Tàng Viện Richard Nixon đã nhờ Luật Sư Derrich Nguyễn Hoàng Dũng dịch ra tiếng Việt tất cả những tài liệu, hình ảnh quan trọng đang trưng bày trong Viện Bảo Tàng và Thư Viện Nixon, hầu giúp Cộng đồng Việt Nam hiểu rõ hơn về thân thế và sự nghiệp của vị Tổng Thống thứ 37 của Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng đề nghị Ban Giám Đốc Thư Viện và Viện Bảo Tàng TT Nixon cho ông mời một số cơ quan truyền thông Việt ngữ đến thăm để các cơ quan đó phổ biến đến cộng đồng Việt Nam. Ý kiến của LS Nguyễn Hoàng Dũng được Ban Giám Đốc rất vui mừng đón nhận, và ông đã tổ chức cuộc gặp gỡ giới truyền thông tiếng Việt sáng thứ Hai, 21 tháng 8, 2023.
Ngoài LS Nguyễn Hoàng Dũng và Bác Sĩ Tâm Nguyễn, còn có các phóng viên, ký giả tham dự như Thanh Phong (Viễn Đông), Thanh Huy (Việt Báo), Thiện Lê (Người Việt); các phóng viên truyền hình: David Trần, Vy Tuấn, Kiều Mỹ Duyên, Như Hảo, Đoàn Trọng, Vũ Hoàng Lân, Huỳnh Kỳ Phát, Chris Phan, Lý Kiến Trúc, Vanessa Hồng Vân, Teresa Mai, Trần Quang, Michael Phạm, Duyên Nguyễn, Kenneth Nguyễn và Hồ Triệu Lâm.
Sau khi ghi danh vào lúc 8 giờ 30 sáng, mọi người được mời vào phòng East Room, Nixon Libarary, là căn phòng đẹp nhất có sức chứa 693 người để ăn điểm tâm. Trên bàn dài hình chữ U có trải khăn trắng muốt, bảng tên mỗi người được in với logo của Thư Viện Nixon và được các nhân viên tiếp tân chu đáo; trong lúc ăn điểm tâm có ban nhạc giúp vui.
Sau khi dùng điểm tâm, ông Jim Byron, Phó Giám Đốc & CEO của Bảo Tàng Viện ngỏ lời chào mừng các cơ quan truyền thông Việt ngữ đến thăm, ông nói qua về một số điểm đặc biệt trong Thư Viện và Bảo Tàng Viện, sau đó LS Nguyễn Hoàng Dũng giới thiệu với ông từng người đại diện cho mỗi cơ quan truyền thông hiện diện.
Kế đến một số vị , trong đó có BS Tâm Nguyễn, ký giả Đoàn Trọng và vài người nữa lên nói một số điểm liên quan đến chiến tranh Việt Nam dưới thời Tổng Thống Nixon. Tiếp theo, bà Jane Zhang, một người tỵ nạn Cộng Sản gốc Trung Hoa là người phụ trách giới thiệu chương trình thăm viếng hôm thứ Hai lên nói về cuộc thăm viếng hữu ích này.
Sau khi mọi người chụp chung tấm ảnh với ông Jim Byron, Bà Jane Zhang, ông Joe Lopez , LS Nguyễn Hoàng Dũng và BS Tâm Nguyễn. Ông Joe Lopez trực tiếp hướng dẫn đoàn đi từng địa điểm một trong Bảo Tàng Viện, mỗi nơi ông đều dừng lại giải thích rõ ràng. Hơn 600 ảnh treo tường và hơn 300 hiện vật, trong đó có căn nhà nơi Tổng Thống Nixon sinh ra, và căn phòng ngủ nhỏ bé với chiếc giường và hai cái gối, phòng khách chỉ có một bộ salon nhỏ, có cây đàn violin lúc nhỏ Tổng Thống thường chơi, vài cuốn sách, đặc biệt căn bếp với một ít soong, chảo cũ kỹ.
Không ai ngờ một người trẻ sinh ra trong gia đình nghèo nàn như vậy sau này là một Tổng Thống của cường quốc số 1 thế giới. Phía sau căn nhà hai ngôi mộ Tổng Thống Nixon và Đệ Nhất Phu Nhân Patricia Ryan Nixon nằm im lìm giữa bãi cỏ xanh với hai tấm bia khiêm nhường. Một chiếc máy bay trực thăng Tổng Thống vẫn dùng đi lại trong nước, riêng chiếc Air Force One chở Tổng Thống được làm thu nhỏ trưng bày ngay phòng khách đầu tiên, và còn nhiều, rất nhiều nơi đoàn vào thăm như phòng làm việc có chiếc ghế Tổng Thống vẫn ngồi, mọi người đều thích thú được ngồi vào chiếc ghế một lần; một nữ nhân viên Mỹ vui vẻ đứng chụp ảnh giùm mọi người.
Cuộc đời ông Nixon gắn liền với cuộc chiến Việt Nam nên trong Bảo Tàng Viện trưng bày rất nhiều hình ảnh về cuộc chiến Nam – Bắc Việt Nam, bản đồ Việt Nam khi TT Nixon còn tại chức, bản đồ Hà Nội với vị trí nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ tù binh Hoa Kỳ, trong nhà biệt giam có để bức tượng một phi công Hoa Kỳ đang bị giam trong phòng biệt giam này, chỗ khác có hình các tù nhân trong trại tù Hỏa Lò, một căn phòng trưng bày lá cờ đỏ sao vàng khá lớn, hình các tay đầu sỏ Việt Cộng ngồi bàn hội nghị Paris có cả hình lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh, một phòng trưng bày các vật kỷ niệm, trong đó có những đồ trang sức, quần áo Tổng Thống và Đệ Nhất Phu Nhân Patricia Ryan Nixon dùng hàng ngày.
Theo sử liệu đã bạch hóa, Tổng Thống Nixon có gửi riêng cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu một lá thư cam kết rằng, nếu nhà cầm quyền Cộng Sản Bắc Việt vi phạm hòa đàm Paris, ông sẽ tái oanh tạc Bắc Việt cho đến khi họ phải đầu hàng.
*
(Lời tòa soạn: Một bài viết của bình luận gia Ngô Nhân Dụng đăng báo Viễn Đông trong tháng Bảy có cho biết thêm về vai trò của ông Nixon trong số phận của Việt Nam Cộng Hòa và Đài Loan như sau:
“Người Việt Nam trên 70 tuổi chắc còn nhớ tên Henry A. Kissinger, coi ông là người “bán đứng Việt Nam Cộng Hòa” khi bắt tay Lê Đức Thọ ký Hiệp Định Paris, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cố ngăn cản không nổi. Nhưng thực ra Kissinger chỉ thi hành một chính sách Tổng Thống Richard Nixon đã quyết định. Trước cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 năm 1968, Nixon đã cho Kissinger tới báo cho đại sứ Nga tại Washington biết rằng Mỹ sẽ rút quân về nước, sau đó Cộng Sản có chiếm miền Nam Việt Nam cũng không hề gì.
“Nhiều người còn coi Henry Kissinger là nhân vật khai phá cuộc bang giao giữa Tư Bản Mỹ và Cộng Sản Trung Quốc vào năm 1972, với chuyến bay bí mật từ thủ đô Pakistan qua Bắc Kinh gặp Chu Ân Lai (Zhou Enlai), thủ tướng Trung Cộng. Bảy năm sau đó Mỹ đã bỏ rơi Tưởng Giới Thạch cùng Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan, chính thức công nhận Trung Cộng; tiến đến những cuộc mua bán hàng, nhờ thế Trung Quốc phát triển khi Đặng Tiểu Bình mở cửa. Nhưng cả chuyến đi bí mật, ly kỳ này, Kissinger cũng chỉ làm theo lệnh của Tổng Thống Nixon.”)
Thư Viện & Bảo Tàng Viện Tổng Thống Richard Nixon (The Richard Nixon Library & Museum), địa chỉ, 18001 Yorba Linda Blvd, Yorba Linda, CA 92886, điện thoại (714) 993-5075, mở cửa bảy ngày trong tuần, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.