Bài NGUYÊN QUANG
Trong lúc suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam, một quốc gia mà các lãnh đạo đang nắm quyền từng tuyên bố xanh rờn rằng “Kinh tế thế giới u ám, riêng mặt trời chiếu sáng Việt Nam” cũng không ngoại lệ. Tình hình kinh tế ngày càng xám xịt, mặc dù người ta vẫn ăn chơi, nhảy múa, ca hát và thậm chí nhậu nhẹt triền miên như chẳng có chuyện gì. Thế nhưng, câu chuyện xã hội Việt Nam đang đi vào giai đoạn hết sức thê thảm, từ vấn đề kinh tế cho đến vấn đề dịch chuyển thế hệ cũng như ngành nghề và đặc biệt là dịch chuyển văn hóa.
Những dịch chuyển xã hội
Có một vấn đề trong suốt mười năm nay, có lúc ủy ban dân số Việt Nam công bố dân số đã đạt đúng một trăm triệu dân và đứa bé ra đời thứ một trăm triệu được “đánh dấu” như một cột mốc lịch sử, được hứa hẹn sẽ nhận hỗ trợ trong học tập sau này từ phía nhà nước. Thế nhưng không lâu sau, dân số lại thụt về còn gần một trăm triệu và con số ấy kéo dài cho đến bây giờ, chưa cán mốc trăm triệu được. Điều này khiến người quan tâm đặt câu hỏi, Liệu lần đó thống kê sai? Hay có những uẩn khúc khác, dân số chết đi nhiều hơn dân số được sinh ra?
Cả hai câu hỏi này được một nhà nghiên cứu xã hội học không muốn nêu danh tính chia sẻ, “Vấn đề dân số Việt Nam, cũng như các quốc gia khác, nó gắn liền với chính trị và kinh tế.”
“Thưa ông, xin ông nói rõ hơn về mối quan hệ này?”
“Dân số luôn gắn với chính trị, ở các nền chính trị có tự do, dân chủ, dân số phát triển ổn định, những quốc gia có nền dân chủ tốt, dân số rất ổn định, ngoại trừ những quốc gia đặc biệt như Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch hay Nhật thì câu chuyện lại khác. Ở đây tôi muốn nói mặt bằng chung, quốc gia có nền chính trị cởi mở thì dân số sẽ phát triển tốt.”
“Vì sao như vậy thưa ông?”
“Dân số muốn phát triển ổn định thì phải ổn định về cư trú, không có sự dịch chuyển lung tung. Dân số các nước có nền chính trị độc tài thường rất mất ổn định bởi sự dịch chuyển bất thường. Hiện nay, người ta vẫn tìm cách vượt biên đấy thôi. Vượt biên trong khu vực và vượt biên sang châu Âu, bằng nhiều đường. Và cái con số dịch chuyển lên đến hàng chục triệu, nên rất khó để nói rằng dân số Việt Nam ổn định. Trên thực tế thì đã hơn trăm triệu lâu rồi, nhưng người ta vượt biên và tị nạn nhiều quá. Thậm chí chấp nhận chui thùng xe mà vẫn vượt biên.”
“Nghĩa là người ta chạy trốn, tị nạn chính trị? Hay còn ý nghĩa nào khác thưa ông?”
“Họ vừa chạy trốn, nhưng không phải tị nạn chính trị đâu!”
“Nghĩa là sao, thưa ông?”
“Trong một triệu người chạy trốn, có vài người tị nạn chính trị thôi, còn lại, hầu hết là tị nạn kinh tế, đi kiếm chén cơm manh áo, chứ đã là người Việt Nam, sinh ra trong chiếc nôi xã hội chủ nghĩa, học hành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, hầu hết người ta tin rằng mô hình xã hội chủ nghĩa phải là tuyệt vời, là thiên đường, là ưu việt. Nhưng người ta không chịu nổi sự nghèo đói thì đi kiếm ăn thôi, có cơ hội thì ở lại luôn. Nhưng chắc chắn ý thức chính trị rất thấp. Bởi hầu hết là người nghèo ra đi, họ quanh quẩn trong chén cơm manh áo còn chưa xong, chân lý của họ là cơm áo gạo tiền. Hơn nữa, với thân phận chui nhủi thì sang bên nước tự do kia họ đâu có được tự do, họ còn khổ hơn cả ở nhà ấy chứ!”
“Theo quan sát của ông thì những người tị nạn kinh tế này ở độ tuổi nào nhiều nhất?”
“Từ 18 đến 30 thôi, chứ không cao hơn, vì cao hơn sang bên đó khó tồn tại, sức khỏe kém dẫn đến tình trạng bệnh tật đủ thứ hết, chẳng mấy ai chọn đi khi tuổi đã cao. Mà một khi độ tuổi lao động sung sức nhất bỏ trốn ra bên ngoài làm thuê chui như như vậy thì đất nước sẽ bị những dịch chuyển khác.”
“Cụ thể là những dịch chuyển gì thưa ông?”
“Có hàng ngàn sự dịch chuyển, nói ra dài dòng lắm. Nhưng cơ bản thì những dịch chuyển về sức lao động, lý tưởng lao động và văn hóa ứng xử trong lao động sẽ đi đến chỗ xấu hơn. Bởi người ta sẽ có những đối chiếu ngấm ngầm trước thực tại của mình và thực tại của những người bỏ trốn. Cũng như việc mất lửa trong lao động của người lao động tại quê hương. Và khủng hoảng niềm tin nữa. Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến những dịch chuyển tiêu cực”
Những cú dịch chuyển nhìn từ quán cà phê
Ở Việt Nam, có hai thứ mà đi đâu bạn cũng có thể gặp, gặp rất nhiều, đó là quán cà phê và quán nhậu, bù cho nhà sách và thư viện, bạn phải tìm đỏ con mắt mới thấy. Điều đó cũng một phần nào giúp tường minh nhịp điệu sống của tuổi trẻ. Bởi nói cho cùng thì rất hiếm tuổi trẻ Việt quan tâm đến sách, hay nói khác đi là tri thức, kiến thức. Hầu như họ dành thời gian rảnh rỗi để tán chuyện, uống cà phê hoặc đi nhậu.
Và tập tính chung của người Việt là có thể bỏ ra một triệu đồng cho bữa nhậu hoặc ít ra thì đôi ba trăm ngàn để mua thùng bia về nhậu, việc nhậu có thể đôi lần trong tuần… Nhưng bỏ ra chừng hai trăm ngàn đồng để mua một cuốn sách sẽ khiến người ta suy nghĩ, chần chừ, tính toán có nên mua hay thôi. Bởi có mua cũng chưa chắc có thời gian để đọc, thời gian ngồi cà phê, quán nhậu quá nhiều, thành thói quen rồi, lấy đâu ra thời gian đọc sách. Đó là chưa muốn nói đến một vấn đề khác, với môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, sách không mang lại cơ hội cho con người bằng quán cà phê hay quán nhậu.
Anh Cân, một công nhân, và là người rất siêng đọc sách, nghiên cứu xã hội học, chia sẻ, “Quán nhậu và quán cà phê là những nơi cho cơ hội nhiều nhất và nó cũng là nơi phân tầng bậc, đẳng cấp xã hội.”
“Anh có thể nói rõ hơn về cái điều gọi là phân tầng, đẳng cấp xã hội gì đó không?”
“Thế giới bây giờ là tiền, xã hội nhìn giá trị nhau bằng tiền, ngay cả những ông chữ nghĩa đầy mình cũng đi phục vụ, bợ đỡ cho kẻ có tiền. Chính vì vậy, như anh nói, nhà sách và thư viện thì rất ít, nhưng quán nhậu và quán cà phê thì rất nhiều. Bởi quán cà phê cũng có đủ hạng, và đủ hạng khách nữa. Có quán cà phê ly đen đá mười ngàn đồng thì cũng có những quán ly đen đá vài chục, thậm chí vài trăm ngàn đồng, hút xì gà, shisha, thậm chí hút hít những thứ khác rất là đắt, một bữa hút đã ngang ngửa với đôi ba năm lương của người lao động. Thì đó, đẳng cấp hay tầng bậc là chỗ này”
“Mấy cái anh vừa nói có liên quan gì đến cơ hội?”
“Có chứ, rất liên quan đấy. Nếu thất nghiệp, anh cứ tới quán cà phê ngồi, trước sau gì cũng gặp cơ hội. Chứ anh tới thư viện ngồi thì cơ hội nào tới với anh. Mà xã hội mình, nếu không có tiền thì bị dìm xuống đáy đen. Nên có chết người ta cũng lếch tới quán cà phê mà ngồi. Đó là chưa muốn nói đến thói quen nhiều người sáng ra là phải ngồi cà phê, chiều về là phải ngồi quán nhậu. Sao anh không đặt câu hỏi họ lấy đâu ra tiền mà cà phê với nhậu cả ngày?!”
“Dạ, tôi cũng đang thắc mắc chuyện này, anh cho biết được không?”
“Thì cơ hội đó, gặp đất thì cò đất, gặp khách đi đường cũng cò cho xe khách, cò bất cứ thứ gì, cao cấp hơn, giàu có hơn thì ngồi quán cà phê sang, gặp phi vụ nào đó thì chạy theo kiếm ăn, rồi vận chuyển vài ba tép ma túy từ chỗ này tới chỗ kia cũng kiếm được mớ tiền. Có một ngàn lẻ một cơ hội trong các quán cà phê và quán nhậu. Với giới cán bộ cũng vậy, tương tác giữa họ với người lao động chủ yếu ở cà phê và quán nhậu.”
“Với cán bộ, như vậy nghĩa là sao anh?”
“Với cán bộ, nghĩa là hầu hết các hợp đồng, áp phe hay những cái bắt tay làm ăn mờ ám đều hình thành từ các quán nhậu, hoặc quán cà phê cao cấp, kín đáo. Và đương nhiên mọi cơ hội đều gắn với các quán. Sự chuyển dịch lao động thường nằm ở các trung tâm này. Tạm gọi các quán là trung tâm dịch chuyển lao động. Người ta tập trung đến đó để tìm cơ hội và dịch chuyển chỗ đứng.”
“Xin anh nói thêm về khái niệm dịch chuyển? Nó đáng vui hay đáng lo?”
“Đương nhiên là chả có gì đáng vui rồi. Bởi thực tại trí thức thất nghiệp chất đàn chất đống, dân cơ hội thì nhảy tõm vào ngồi ghế nhà quan, và cơ hội thì nằm ở các cái quán, chừng đó cũng đủ thấy đáng lo. Đó là chưa muốn nhắc tới vấn đề thanh niên ngày càng ít quan tâm đến tri thức, mặc dù tuổi trẻ rất thông minh, học rất giỏi nhưng cũng chỉ bơi đua trên bằng cấp chứ tìm ra một trí thức thực thụ thì hiếm lắm! Còn vấn đề dịch chuyển, người ta dịch chuyển từ chỗ lao động sang dịch vụ và cò cuốc, từ chỗ trí tuệ sang chỗ vật dục, từ chỗ lấy thước đo nhân cách và tri thức làm nền tảng sang chỗ lấy tiền làm thước đo giá trị chung. Như vậy thì rất khó để mà vui được, quá xám xịt!”
Tình hình kinh tế Việt Nam đang ảm đạm, có thể nói là rất ảm đạm, vô số các công ty đóng cửa, người lao động thất nghiệp ngày càng cao. Thế nhưng các quán cà phê và nhậu vẫn cứ đông đúc và lượng rượu bia tiêu thụ vẫn tăng. Như vậy, việc dịch chuyển từ cơ xưởng sang quán cà phê khi thất nghiệp cũng như việc dịch chuyển trách vụ xã hội từ những thế hệ từng thụ đắc nền giáo dục tốt đẹp sang thế hệ hiện tại là cả một vấn đề nhức nhối.