Rồng rắn đi du lịch, ăn đâu ở đâu?

Bài NGUYÊN QUANG

Mặc dù qua ba năm dịch, kinh tế khủng hoảng trầm trọng, hàng loạt doanh nghiệp tuyên bố phá sản, người thất nghiệp đầy rẫy, mọi thứ ngưng trệ toàn phần… Thế nhưng mấy ngày đầu tháng 5, mức độ đi lại, chơi bời của người dân không những không giảm bớt mà còn phì đại một cách khủng khiếp, mặc dù cái nắng như thiêu như đốt, người ta vẫn cứ rồng rắn chờ đi xe buýt mui trần ở Hà Nội, chờ từ sáng đến trưa, người ta vẫn cứ ghé các điểm du lịch. Điều này do đâu?

Một miếng thịt làng bằng một sàng thịt chợ

Cái tâm lý ấy hình như đã ăn trong máu thịt dân tộc này, không phải chỉ mới đây, mà từ thời trung ương tập quyền, cái đói, sự thèm ăn của bần dân cố nông mỗi khi cúng kính, hội làng, rồi đến thời cộng sản xã hội chủ nghĩa, kinh tế tập trung bao cấp, cảnh xếp hàng giành giật từng lát thịt tem phiếu, ỉ ôi, năn nỉ để được phần thịt, bà cán bộ lương thực như bà hoàng chuyên quát nạt… đã khiến cho con người trở nên mụ mị vì miếng ăn, để rồi… Đến thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một thứ tư bản rừng rú ra đời với đầy đủ xa hoa và kệch cỡm của nó song hành với đời sống của người lao động nghèo khổ, cần lao, mệt mỏi và tuyệt vọng trước tương lai… Một lần nữa, miếng thịt làng trở nên thần thánh.

Nhưng miếng thịt làng ở đây là cái gì? Nó liên quan gì đến chuyện đi chơi? Có lẽ, phải nghe một nhà phê bình văn học kiêm nhà xã hội học không muốn nêu tên, nhận định, “Thời bây giờ, miếng thịt làng còn thần thánh hơn cả thời xưa?”

“Miếng thịt làng thần thánh, như vậy thầy có nói quá không? Vì thời bây giờ kinh tế đã khá hơn trước?”

“Văn hóa, nếp suy nghĩ và tập khí của một dân tộc không phụ thuộc vào giàu nghèo đâu bạn à, nó dị biệt và đứng riêng. Một người giàu cỡ nào chăng nữa nhưng có tính bần tiện, tham lam thì khi đụng phải vấn đề phù hợp, nó cũng sẽ biểu lộ tính này ra. Ví dụ như trước đây, người ta bần tiện vì một lát thịt heo, bây giờ nhiều tiền, giàu có rồi, người ta không bần tiện vậy nữa, nhưng gặp lát thịt bò dát vàng hoặc gặp một lát đá quí, lát vàng hay miếng đất, tính bần tiện và tham lam lại nổi lên. Vậy thôi!”

“Xin thầy mở rộng thêm về cái gọi là ‘lát thịt làng’ được không?”

“Cái lát thịt làng thời bây giờ không phải như ngày xưa, nhiều khi nó còn kém giá trị hơn lát thịt làng ngày xưa đó. Bởi nói đến ăn uống, kinh tế, phải nói đến chi phí cơ hội dành cho nó. Ví dụ như ngày xưa người ta đói khổ, không làm gì ra tiền, chấp nhận bỏ một ngày để đứng đợi cho được cái lát thịt làng và cái lát thịt ấy giá trị hơn ngày công lao động. Như vậy chi phí cơ hội bỏ ra xứng đáng, nó giúp cho người ta cải thiện dinh dưỡng, có cái để tồn tại. Còn bây giờ thì ngược lại, người ta chấp nhận bỏ một ngày công lao động vài trăm ngàn để được ăn một chiếc bánh kẹp miễn phí hoặc uống ly trà đào, đi chuyến xe buýt mui trần miễn phí. Trong khi đó, nếu dành thời gian hiếm hoi đó để đọc sách hay nạp kiến thức thì người ta không chọn. Như vậy, vì ham chơi, vì ham của rẻ, vì ham miễn phí, người ta tự rẻ rúng thời gian của bản thân. Mà đáng sợ nhất là tuổi trẻ với cách hành xử này!”

“Thưa thầy, cái lát thịt heo này có mối liên quan nào đến việc đi du lịch mấy ngày nay không?”

“Có, tất nhiên là có rồi, trong tình hình dịch đang quay trở lại, kinh tế kiệt quệ, mỗi gia đình đều có nỗi lo về kinh tế, thế nhưng người ta vẫn cứ đổ xô ra đường, vì đâu? Vì kinh tế đó, nói nghe buồn cười nhưng đất nước này, hết 90% dân số chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện đi du lịch, vì nó xa xỉ và tốn kém quá. Thế rồi dịch kéo qua, người ta ít nhiều nuôi lời nguyền rằng khi vãn dịch, ta sẽ đi, đi cho biết, mà chưa biết đi bằng cách nào, vì túi tiền hạn chế. Thế rồi đùng một cái, mọi thứ dịch vụ đều hạ giá, khuyến mãi. Cái tiếng gọi của khuyến mãi nó có lực hút vô cùng ghê gớm đối với người Việt, từ già tới trẻ. Chỉ cần bất kì thành phố du lịch nào đó biết quảng cáo khuyến mãi đúng thời điểm thì chắc chắn người ta có vay nợ cũng nhào tới. Hiện tượng xếp hàng cả ngày để được đi xe buýt mui trần ở Hà Nội miễn phí là một ví dụ điển hình, giả sử thèm ngắm phố, cái thời gian đứng cả ngày ngoài nắng ấy dành để đi bộ còn tốt hơn. Thế nhưng người ta chọn đi xe buýt, vì nó miễn phí. Người Việt ưa và đam mê những cuộc chơi miễn phí ghê gớm lắm!”

Rồng rắn về đâu?

Cùng với hàng đoàn rồng rắn đi du lịch ở miền Bắc, miền Trung trong những ngày này, thì tại miền Nam, có những đoàn rồng rắn về quê, rồi lại rồng rắn lên phố, cái cảm giác mỗi khi có dịp nghỉ ngơi, những người lao động túa ra đường về quê như một đàn mối vở tổ, hay như ong vỡ tổ, có gì đó thật buồn thảm và khó nói.

Tôi từng chứng kiến một buổi chiều, ở trung tâm Bình Dương, nơi có nhiều cụm công nghiệp nhất nước, các công nhân túa ra đường vào giờ tan tầm cứ như đàn mối, họ đi miệt mài nhưng chẳng đụng nhau, họ đi suýt sát với nhau, mọi thứ cho cảm giác chật chội, ngột ngạt, họ túa vào chợ, mua qua quýt rồi lại chạy về nhà. Tôi lang thang một buổi chiều như vậy mà chẳng biết mình nên đi đâu hay nên dừng ở chỗ nào để ngồi uống nước, nghỉ ngơi, tôi lạc giữa rừng người, như thể tôi lạc vào một thế giới khác, không còn ở trái đất này nữa. Thật khó tả nỗi buồn khi chứng kiến cảnh đồng loại mình như mối vỡ tổ.

Cùng tâm trạng này, anh Nguyên, một công nhân ở thành phố Sài Gòn, đã đi gần hai giờ đồng hồ để thoát ra khỏi thành phố và tiếp tục mắc kẹt trên đường về miền Tây quê anh bởi đường quá chật chội, đông đúc, anh chia sẻ, “Đời công nhân mà, cứ có mấy ngày nghỉ thì lo về quê, vừa được gặp gia đình lại vừa được ăn ngủ ngon giấc, nghỉ xong thì quay lại thành phố, làm việc tiếp!”

“Sao không ở lại thành phố nghỉ ngơi mà phải về quê vậy anh?”

“Có hai lý do để về quê. Thứ nhất là về được gặp người thân, gia đình, có cảm giác ấm áp bên gia đình, cái này cho mình sức mạnh nhiều lắm. Thứ hai, ở lại thành phố cũng chỉ có mỗi mình mình, vì bạn bè về quê hết rồi, mà ra đường, cái cảm giác đi lạc giữa rừng người, ban đầu khó chịu, nhưng dần thành quen, thành một thứ đô hội của người nghèo chúng tôi anh à. Giữa chật chội như vậy thấy mình tồn tại và sống thoải mái, không còn lủi thủi với công việc nữa!”

“Về quê anh có đi chơi, ăn nhậu không?”

“Có chứ, chắc chắn có rồi, về quê là cá gặp nước, mình thỏa sức hát, thỏa sức chơi, uống rượu, ngủ nghỉ, vì cả mấy tháng trời làm thuê, ngột ngạt, loay hoay với tiền nhà, tiền điện, tiền nước, giờ vù cái về quê, sống xả ga bớt để còn lên lại phố. Hơn nữa bây giờ dịch nó không có hoành hành như trước đây, nên mình về quê cũng thoải mái, không bị nhốt đàn, chạy đống như hồi trước. Nghĩ lại thấy buồn lắm…”

“Anh có đi du lịch sau khi về quê không?”

“Ồ không có đâu, đi tốn xăng lắm, còn đi tua (tour) thì làm gì có tiền mà đi, bây giờ đụng cái gì cũng bị tốn tiền hết á. Chỉ có rượu gạo, cá mắm trong nhà là nhậu êm bụng, yên tâm mà thôi. Đi du lịch thì phải những người giàu có, như dân Hà Nội, thành phố lớn, dân kinh doanh kia mới có tiền chứ mình mà đi chơi thì đói à!”

“Có nhiều chương trình khuyến mãi du lịch rất hấp dẫn, nó rẻ mà, sao anh không đi?”

“Người có tiền thì ham mấy cái khuyến mãi đó, chứ dân nghèo thì không ham nổi đâu!”

Đó là tình hình người lao động, còn với chủ khách sạn, phòng trọ, lại có nỗi lo khác khi du lịch đông khách. Anh Vĩnh, một chủ khách sạn ở thành phố Huế, chia sẻ, “Năm nay tôi có cảm giác bất an.”

“Bất an vì chuyện gì vậy anh?”

“Tình hình kinh tế ảm đạm như vậy nhưng người ta đi chơi nhiều, có nhiều, rất nhiều người nhìn có vẻ không giàu có gì đi du lịch, chỉ sợ là họ tiêu hết tiền, về nhà lại khổ, đã có vài người để thẻ căn cước lại, bỏ của chạy lấy người. Mấy người này sau này tôi sẽ liên hệ để lấy tiền phòng. Nhưng mà cũng khó lắm đó, vì họ đã bỏ thẻ căn cước lại thì chứng tỏ họ hết tiền nên đổ liều rồi. Mọi năm cũng vậy, năm nay số căn cước bỏ lại nhiều hơn mọi năm.”

“Theo anh cảm nhận thì năm nay, người đi du lịch thuộc giới nào nhiều nhất?”

“Hầu hết là giới bình dân, nhưng họ nghe có khuyến mãi nhiều thứ nên vác ba lô đi làm anh khách ba lô. Nhìn chung cũng liều lĩnh đấy, đi như vậy khó lường về độ tốn kém. Thấy lo nhiều hơn là vui! Tình hình ảm đạm chứ không khởi sắc mấy đâu. Chỉ biết hi vọng!”

Mấy chữ cuối của anh Vĩnh càng khiến cho không khí trở nên ảm đạm hơn, bởi ngoài kia, mọi con đường đều chật như nêm, thế nhưng vẫn có gì đó trầm lặng, khó nói!

Leave a Reply