(Image: Element5 Digital/ Pexels)
Mới đây, một nghiên cứu thực hiện tại UC Davis đã cho thấy thành phần các trái cây cho vào máy xay tạo nên một ly “sinh tố” smoothie quan trọng hơn là bạn nghĩ trong việc đem đến những chất dinh dưỡng cho ly sinh tố ấy.
Ít ai trong chúng ta có đủ kiên nhẫn và thì giờ để ăn đủ lượng trái cây và rau quả cần thiết trong ngày. Do đó, ly sinh tố dần trở thành một món cần thiết giúp chúng ta thực hiện mục tiêu dinh dưỡng. Câu hỏi là hỗn hợp các thứ trái cây cho vào máy xay có thực sự đem đến dinh dưỡng “tốt” cho chúng ta hay không?
Nghiên cứu của UC Davis tìm hiểu về flavanol, một loại hợp chất có hoạt tính được tìm thấy trong một số loại trái cây và rau như táo, việt quất, mâm xôi, nho, lê và hạt ca cao. Flavanol được coi là có lợi cho sức khỏe tim mạch và nhận thức, và là thành phần quan trọng trong việc ăn uống tốt.
Nghiên cứu của UC Davis lần này có mục đích tìm xem các hợp chất quan trọng này hoạt động như thế nào khi được đưa vào sinh tố, một món uống thường thấy và được ưa chuộng hiện nay.
Khi cắt một trái táo hoặc bóc một trái chuối, bạn thường thấy phần quả lộ ra ngoài chuyển sang màu nâu. Màu nâu này là do một loại enzyme có tên là polyphenol oxidase (PPO), được tìm thấy trong nhiều loại rau trái. Khi những loại rau trái này được cắt, đập dập hoặc tiếp xúc với không khí, enzyme PPO sẽ kích hoạt phản ứng chuyển màu nâu. Nghiên cứu của UC Davis đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu xem enzyme này có ảnh hưởng đến sự hấp thụ flavanol trong sinh tố hay không.
Hai loại sinh tố được cung cấp cho người tham gia: một loại chứa chuối, có hoạt tính PPO cao, và một loại sinh tố khác làm từ các loại quả mọng hỗn hợp có hoạt tính PPO thấp.
Các mẫu máu và nước tiểu được lấy và phân tích để đo sự hấp thụ flavanol sau khi uống sinh tố. Những người tham gia với vai trò kiểm soát được cho uống một viên nang flavanol.
Kết quả nghiên cứu
Các chuyên gia tìm thấy những người uống sinh tố chuối có mức hấp thụ flavanol khó tin là 84% thấp hơn so với nhóm kiểm soát.
Năm ngoái, Học Viện Dinh Dưỡng và Ăn Kiêng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêu thụ từ 400 đến 600 miligam flavanol mỗi ngày để có sức khỏe tim mạch.
Dựa trên kết quả trên, những người muốn nhận đủ lượng flavanol nên kết hợp các loại trái cây giàu flavanol như quả mọng với các thành phần có PPO thấp khác như cam, dứa, xoài hoặc sữa chua.
Chuối vẫn là một loại trái cây tốt để ăn hoặc để làm sinh tố. Tuy nhiên, nếu mục tiêu là muốn hấp thụ flavanol thì tốt nhất không nên kết hợp chuối với các loại trái cây giàu flavanol như quả mọng.