Sữa chua đá chanh dây

(Nguyễn Quang Vinh/ Pexels)

Bài TOM

Có một món uống mà bây giờ có thể bắt gặp trên cả nước, thế nhưng trước đây hai mươi năm, nó là đặc sản của xứ Huế. Hiện tại, nó vẫn là món có gắn cái tên Huế. Rất may là món này lành tính, lại thanh mát mà không bị đòi tiền bản quyền như bún bò Huế. Sữa chua đá chanh Huế, không biết quí vị có thấy quen không? Món này vào đến Đà Nẵng, sau hơn hai mươi năm, lại một lần nữa biến tấu thành sữa chua chanh dây Huế, vẫn gắn cái tên Huế, cho dù ra Huế tìm không có món này ở bất cứ nơi đâu! Còn người Huế lại gọi đá là sữa chua Đà Nẵng.

Ấn tượng đầu đời, có lẽ là khó quên nhất, thường là tình yêu, như mối tình đầu chẳng hạn, nhưng với tôi, một cậu học trò nghèo từ đất Quảng ra Huế thi đại học, lại là một món uống. Tôi vẫn còn nhớ hương vị của nó, cho đến lúc này.

Hôm đó tôi mua vé tàu chợ Đà Nẵng – Huế ra Huế để thi đại học. Ra đến nơi, bước xuống ga Huế, ôi sao mà vắng, mọi thứ cứ buồn tênh. Hỏi ra mới biết trước hôm tôi ra Huế một bữa, ga rất đông người, nhộn nhịp bởi tất cả các sinh viên Huế tổ chức “chắp cánh mùa thi” cho các thí sinh đàn em. Họ tổ chức đón thí sinh, đưa về nhà trọ, ký túc xá, hướng dẫn ăn ở, hướng dẫn đường đi nước bước để đi thi.

Còn tôi, lang thang một mình chưa biết đi đâu, cùng đi với tôi có vài bạn nữa, lúc đầu cũng lang thang, một chút thì họ có người quen đến đón. Tôi bắt đầu thấy lo lắng, vì thời đó Huế chỉ có khách sạn Sông Hương cùng với vài khách sạng hạng sang, nhà trọ thì chật cứng rồi. Mà tiền đâu để vào khách sạn. Tôi đang nghĩ đến những ngôi chùa, hi vọng sẽ có chỗ ngủ để đi thi thì nghe một giọng Quảng đang giễu mình từ phía sau “Học trò trong Quảng ra thi/Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”

Tôi quay lại nhìn, hóa ra một cụ già chạy xe thồ, nói giọng Quảng, không chừng giả giọng Quảng cũng nên, tôi đáp, “Giờ không thấy cô gái nào chân cũng đi không đành cụ ơi!”

Ông già chưng hửng, “Ủa, sao rứa con?”

Tôi, tự dưng lúc đó nói như trút tâm sự, kể lại sự tình tìm nhà trọ khó khăn, mọi thứ mông lung. Nghe một hồi, cụ cười, “Lên xe đi!”

Tôi hỏi lại, “Mà con chưa biết đi đâu, với lại ông (tức cụ) tính tiền xe thồ của con như thế nào đây?”

Ông cười, “Lên xe đi, đừng hỏi nhiều, ta không lấy nhiều tiền của mi đâu!”

Tôi đang chần chừ, ông cụ kéo tay tôi lên xe. Thôi thì ngồi lên ông chở chứ biết sao. Vì nghĩ cho cùng, mình là thằng học trò nghèo, nhỡ gặp cướp thì có cái gì để họ cướp chứ. Hơn nữa cụ đã già, cướp chi được nữa. Nghĩ vậy và ngồi im cho ông chở.

Đến đường Điện Biên Phủ, qua khỏi dốc Bảo Quốc, qua khỏi chùa Từ Đàm, cụ ông ghé vào một căn nhà cấp bốn, gọi to, “Bà ơi, pha cho thằng nhỏ ly sữa!”

Một giọng Huế “dạ” nghe ngọt lịm, chừng là cụ bà.

Ông quay sang bảo tôi vào nhà, đi cất đồ, tắm rửa. Tôi chưa hết lúng túng vì chưa biết cụ ông lấy tiền trọ ra sao, rồi chỗ này có gần điểm thi hay không… Thôi thì liều, tôi xuống rửa mặt, tắm táp, xong lên nhà, vừa ngồi xuống, cụ bà đã bưng lại cho tôi một ly sữa rất lạ, bên trên toàn đá bào, dưới có một lớp sữa dày. Cụ ông bảo tôi uống đi, tôi còn đang loay hoay thì cụ bà dùng muỗng dằm vào ly đá một hồi rồi đưa tôi, “Con uống đi, ngon lắm, nó mát lắm, đỡ mệt.” Tôi cảm ơn bà.

Thú thực là lần đầu trong đời đưa vị sữa hơi chua nhưng thơm thơm và lành lạnh pha ngọt lịm vào miệng, ngon đáo để. Tôi ở lại nhà hai cụ để đi thi, chuyện dài lắm, xin kể ở một dịp khác. Xong, tôi lại loay hoay chuyện thi cử, thi xong ở Huế thì vào Sài Gòn để thi tiếp đợt hai. Cuối cùng, tôi chọn học Sài Gòn. Mãi đến năm tư đại học, trong một buổi sinh nhật đứa bạn cùng lớp, nó rủi đến cà phê Tuấn Ngọc ở Tân Bình ngồi uống, nó giới thiệu tôi món sữa chua đặc sản của quê nó (nó người Huế, muốn giới thiệu món ngon quê hương) lúc đó tôi mới biết ly sữa chua của bà cụ làm cho tôi là sữa chua Huế, tức sữa đá đập vắt chanh.

Bẵng đi thời gian rất lâu, dường như món này chẳng mấy ai đụng tới nữa và nó cũng đi vào lãng quên. Có lẽ sau vụ du lịch Huế bị khai trừ, thêm vụ Huế đòi truy tiền bản quyền bún bò Huế nữa thì phải. Cho đến mấy ngày nắng nóng, bà xã tôi bảo trời này mà dùng sữa chua Đà Nẵng thì ngon biết mấy (hình như nàng nói tránh, cứ món ăn là nàng chuyển hệ từ Huế sang Đà Nẵng tất). Các con tôi nghe vậy thì vui lắm, xin nàng làm ngay món sữa chua Đà Nẵng, nói tới chế biến, nấu món thì nàng rất có uy tín với các con. Nàng mua chanh dây, mua một hộp sữa đặc có đường, đập nhỏ một ít đá rồi lại cho vào ngăn đá.

Đầu tiên là cho ruột chanh dây vào ly, sau đó cho sữa đặc vào, đánh nhuyễn và cho đá đập lên trên. Thao tác cuối cùng là dằm cho đá và sữa chanh quyện vào nhau, uống.

Món đơn giản vậy nhưng ngon và mát lạ thường, cái cảm giác nóng nực được xua tan, bên cạnh đó, chứng biếng ăn do nắng nóng cũng tiêu mất, uống xong sữa thì các con tôi ăn cơm ngon lành, không thấy khó nuốt như mọi khi. Hóa ra đây là món kích thích ăn ngon miệng. Nhưng sao nàng không gọi sữa chua Huế mà là sữa chua Đà Nẵng?

Tôi thắc mắc, nàng giải thích rằng ở Huế chỉ có món sữa chua vắt chanh giấy, khi vào tới Đà Nẵng nàng mới gặp “cú biến tấu” sữa chua với chanh dây, món này ngon, thơm hơn và sáng tạo hơn so với món Huế, vậy thì phải gọi là sữa chua Đà Nẵng mới đúng. Thôi thì Đà Nẵng hay Huế chi cũng được, miễn ngon, bổ, rẻ và có lợi cho sức khỏe là vui rồi!

Quý vị thử làm món sữa chua chanh dây và uống trước bữa ăn để cảm nhận. Cầu chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng, thoải mái mặc dù thời tiết nắng nóng!

(Tom/ Viễn Đông)

Leave a Reply