Tổng Thống Joe Biden đang dọc diễn văn tường trình về tình hình đất nước tại Quốc Hội ngày 7 tháng 2, 2023. Bên trái là Phó Tổng Thống Kamala Harris, cũng là Chủ Tịch Thượng Viện; bên phải là Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy. (Photo: The White House)
Vào ngày thứ Ba, Chủ Tịch Hạ Viện Kevin McCarthy cho biết ông đang tiến hành một cuộc điều tra luận tội Tổng Thống Joe Biden, để tìm xem ông Biden có phạm luật hay không nếu gia đình ông có những quan hệ kinh doanh với các công ty ngoại quốc. Kết quả tối hậu của một cuộc luận tội, hay đàn hạch, tại Hạ Viện và Thượng Viện là đương kim tổng thống bị truất phế. Trước tình hình hiện nay, bất kể các chứng cớ được trưng bày, hầu như ông Biden rất khó bị truất phế mặc dù Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viện. Lý do là Thượng Viện cần hai-phần-ba số phiếu để truất phế một tổng thống, mà Đảng Dân Chủ nắm đa số tại Thượng Viện, Cộng Hòa rất khó kiếm đủ số phiếu để đẩy ông Biden ra khỏi Tòa Bạch Ốc.
Vậy thì tại sao ông McCarthy tuyên bố mở một cuộc điều tra luận tội ông Biden? Vì thực sự muốn Biden mất chức tổng thống hay vì một động lực chính trị nào khác?
Các phân tích gia chính trị tại Hoa Thịnh Đốn cho biết ông McCarthy đang bị áp lực ngày càng tăng từ phía cực hữu, đặc biệt từ Tổng Thống Donald Trump và các đồng minh của ông. Họ muốn gây tai tiếng cho ông Biden trong mùa bầu cử 2024, đưa đến một cuộc đụng độ trong năm bầu cử giữa Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc.
Vào tháng Giêng năm nay ông McCarthy phải trải qua 15 lần bỏ phiếu tại Hạ Viện mới được chức chủ tịch, một điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. Bình thường thì một dân biểu chỉ cần hai, ba lần bỏ phiếu là được chức này, nếu đảng của họ đã chiếm đa số một cách mạnh mẽ. Riêng trường hợp của McCarthy thì cuối cùng ông được chức chủ tịch nhờ thuyết phục được những dân biểu cực hữu. Thế nên muốn tiếp tục giữ chức lãnh đạo Cộng Hòa tại Hạ Viện thì ông phải lấy được cảm tình của nhóm cực hữu, cho dù những yêu sách của họ không hợp lý.
Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, ông McCarthy cho biết các cuộc điều tra của Hạ Viện về gia đình Biden năm nay đã phát hiện ra “thói quen tham nhũng” cần được xem xét sâu hơn.
Ông McCarthy nói, “Đây là những cáo buộc lạm dụng quyền lực, cản trở công lý và tham nhũng.”
McCarthy cho biết ông sẽ chỉ thị các chủ tịch của ba ủy ban Tư Pháp, Giám Sát, và Cách Thức và Phương Tiện của Hạ Viện dẫn đầu cuộc điều tra luận tội. Những ủy ban này hiện đang được cầm đầu bởi Dân Biểu Cộng Hòa.
Trong năm nay, các ban tại Hạ Viện đã làm việc cùng nhau trong nhiều tháng về những cuộc điều tra khác nhau liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình ông Biden, và những ban này vẫn chưa có những manh mối liên kết trực tiếp tổng thống với bất cứ một cuộc điều tra nào trong số đó.
Trước thông báo bất ngờ của ông McCarthy, Tòa Bạch Ốc nói nỗ lực này là “chính trị cực đoan ở mức tồi tệ nhất.”
Ông Ian Sams, phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc cho biết trong một tuyên bố, “Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã điều tra Tổng Thống trong suốt chín tháng và họ không đưa ra được bằng chứng nào về hành vi sai trái.”
Trước đây Chủ Tịch Hạ Viện McCarthy từng cam kết mở một cuộc bỏ phiếu tại Hạ Viện để quyết định có nên điều tra luận tội ông Biden hay không. Giờ đây thì ông không cho tổ chức một cuộc bỏ phiếu mà lại ra lệnh cho các ủy ban tiến hành cuộc điều tra.
Ông Kevin McCarthy là Dân Biểu Cộng Hòa đại diện vùng Bakersfield, California. Cùng với một số đảng viên Dân Chủ lên tiếng chỉ trích quyết định của ông McCarthy, Thống Đốc Gavin Newsom của California khuyên ông McCarthy hãy trở về tiểu bang để giải quyết một tình trạng mà ông Newsom gọi là “thủ phủ của tội giết người” thay vì phí thời giờ cho chuyện luận tội tổng thống. Thống đốc nói vậy vì Bakersfield là thành phố có tỷ lệ sát nhân cao nhất California.
Dưới đây là cái nhìn về những gì xảy ra tiếp theo khi các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện tiến gần hơn đến các cáo buộc luận tội có thể xảy ra đối với Biden,
Tại sao Cộng Hòa muốn dí ông Biden chuyện kinh doanh của gia đình?
Kể từ khi chiếm được đa số tại Hạ Viện vào tháng Giêng, các đảng viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã ráo riết điều tra ông Biden và Hunter Biden – con trai của ông, thường tuyên bố mà không có bằng chứng rằng hai cha con đã tham gia vào một kế hoạch nhằm tạo ảnh hưởng, nói dễ hiểu là con ông Biden nhận hối lộ từ một công ty với hứa hẹn Tổng Thống Biden sẽ giúp công ty đó. Những cáo buộc này lặp lại những cáo buộc mà ông Donald Trump đã đưa ra từ lúc còn giữ chức tổng thống.
Đảng Cộng Hòa đã chú ý vào một thông tin chưa được xác minh gửi tới FBI cáo buộc có âm mưu hối lộ liên quan đến Biden khi ông còn là phó tổng thống. Cáo buộc hối lộ, xuất hiện vào năm 2019 và là một phần trong cuộc luận tội đầu tiên của ông Trump (ông bị hai lần), rằng Biden đã gây áp lực buộc Ukraine phải sa thải công tố viên hàng đầu để ngăn chặn một cuộc điều tra về Burisma, công ty dầu khí nơi Hunter Biden là thành viên trong hội đồng quản trị.
Đảng Dân Chủ đã nhắc lại rằng Bộ Tư Pháp đã điều tra tuyên bố của Burisma khi ông Trump còn là tổng thống và kết thúc vấn đề sau tám tháng, nhận thấy “không đủ bằng chứng” để theo đuổi thêm. Không riêng gì Hoa Kỳ, các quốc gia khác cũng từng khuyên Ukraine hãy sa thải viên chức Ukraine tham nhũng đó. Một cựu hợp tác kinh doanh với Hunter Biden đã làm chứng trước Quốc Hội rằng cáo buộc hối lộ là sai sự thật.
Tuy nhiên, ba ủy ban Hạ Viện đang theo đuổi các hướng điều tra liên quan đến tổng thống và con trai ông, gồm cả cách ông Hunter dùng “thương hiệu Biden” để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ông với khách hàng nước ngoài. Họ cũng đã đi sâu vào cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp đối với Hunter, trích dẫn lời khai của người tố giác rằng Hunter đã được đối xử đặc biệt vì là con của tổng thống.
“Mọi người nên hiểu, luận tội không phải là mục tiêu,” Dân Biểu Darrell Issa (Cộng Hòa-California), người giữ cao cấp trong Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện, một trong những ủy ban được giao nhiệm vụ điều tra ông Biden, nói với các phóng viên thời gian gần đây. “Luận tội là một cách nói rằng đây không phải là sự giám sát về mặt lập pháp, mà trên thực tế là sự giám sát những hành vi sai trái có thể xảy ra.”
Cuộc điều tra ông Biden có thể kéo dài sang năm sau, khi Tổng Thống Biden phải đối đầu với Cộng Hòa trong cuộc tái tranh cử, mà đối thủ có thể là ông Trump.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện – dẫn đầu bởi Dân Biểu James Comer, Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Hạ Viện – đã thu thập được hàng ngàn trang hồ sơ tài chính từ nhiều thành viên khác nhau trong gia đình Biden và các cộng sự của họ thông qua trát đòi hầu tòa tới Bộ Tài Chính và các tổ chức tài chính khác nhau.
Ông Comer đã nhiều lần tuyên bố – mà không có bằng chứng – rằng có đủ tài liệu trong những tài liệu đó để vạch ra ranh giới rõ ràng giữa việc Hunter Biden giao dịch dưới tên của cha mình và các quyết định chính sách mà Biden đưa ra khi còn là phó tổng thống.
Cơ quan điều tra FBI và sở thuế IRS đã điều tra Hunter Biden trong nhiều năm và sự việc đã hướng tới một thỏa thuận nhận tội nhẹ vào mùa hè này, cho đến khi một thẩm phán bác bỏ các điều khoản của thỏa thuận đó.
Quyết định của thẩm phán xảy ra sau khi hai đặc viên IRS tuyên bố hữu thệ trước quốc hội rằng Bộ Tư Pháp đã can thiệp không đúng cách vào vụ án được mở lần đầu tiên vào năm 2018.
Tháng trước Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland đã bổ nhiệm một công tố viên điều tra Hunter Biden làm cố vấn đặc biệt, với khả năng sẽ mở rộng cuộc điều tra thêm.
Nếu đảng Cộng Hòa quyết định có đủ bằng chứng về hành vi sai trái và lạm dụng quyền lực của Biden để tiến hành, Ủy Ban Tư Pháp sẽ soạn thảo các điều khoản luận tội. Sau đó Hạ Viện sẽ bỏ phiếu và cần có đa số phiếu để luận tội ông Biden. Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ Viên nên việc thông qua là dễ hiểu, nếu không có sự chống đối trong nội bộ Cộng Hòa.
Trong lịch sử chỉ có ba tổng thống khác bị luận tội là Andrew Johnson, Bill Clinton và Donald Trump, riêng ông Trump bị luận tội hai lần.
Các cáo buộc luận tội sau đó sẽ được chuyển đến Thượng Viện. Nếu Thượng Viện thông qua một điều khoản luận tội với hai-phần-ba số phiếu cho là ông Biden “có tội” thì tổng thống sẽ bị cách chức. Kết quả đó xem có vẻ khó thành, vì Đảng Dân Chủ chiếm đa số 52-48 tại Thượng Viện.