Tại sao nghe giọng nói mà không thấy người?

(Cottonbro Studio/ Pexels)

Cách đây vài năm, các khoa học gia ở Thụy Sĩ đã tìm ra cách khiến con người bị ảo giác. Họ không dùng ma túy LSD hoặc phòng ức chế cảm giác. Thay vào đó, các nghiên cứu gia đặt mọi người vào ghế và yêu cầu họ nhấn một nút khiến ngay sau đó có một chiếc que ấn nhẹ vào lưng. Sau một vài lần, họ có cảm giác như có ai đó đang rình rập phía sau họ. Khi bị mất sự liên hệ giữa hành động và cảm giác, tâm trí của người đã gợi lên một sự giải thích để lắp vào chỗ trống: có một sự hiện diện khác (ma?) trong phòng.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Y Học Tâm Lý, các nghiên cứu gia từ cùng phòng thí nghiệm đã dùng phương pháp “ngón tay ma quái” nêu trên để thăm dò một loại ảo giác khác: nghe thấy giọng nói. Họ thấy rằng các tình nguyện viên dễ nghe thấy một giọng nói khi chiếc que chạm vào họ một lúc lâu sau khi nhấn nút, hơn là khi que chạm ngay khi nhấn.

Các phát hiện này cho thấy nguồn gốc thần kinh của ảo giác nằm ở cách não “đọc” các tín hiệu trái ngược nhau từ môi trường.

Ông Pavo Orepic, chuyên gia tại Đại Học Geneva và là tác giả của bài tường trình mới nhất, cho biết việc nghe thấy giọng nói thường xảy ra hơn bạn nghĩ. Trong các cuộc khảo sát, các nhà khoa học đã thấy rằng nhiều người không bị bệnh tâm thần – có lẽ từ 5% đến 10% dân số nói chung – cho biết họ đã nghe thấy một giọng nói quái gỡ vào một thời điểm nào đó trong đời họ.

Ông Orepic giải thích, “Thực sự có một sự liên tục trong những trải nghiệm này. Vì vậy, tất cả chúng ta đều bị ảo giác – vào một lúc nào đó chẳng hạn như nếu mệt mỏi, bạn sẽ bị ảo giác nhiều hơn – và một số người có xu hướng bị như vậy nhiều hơn.”

Trong nghiên cứu mới, cũng như trong các nghiên cứu trước đó, ông Orepic và các cộng sự viên đã yêu cầu các tình nguyện viên ngồi trên ghế và nhấn nút khiến một cái que chạm vào lưng họ. Trong một số lần, nhấn nút là que chạm ngay, trong những lần khác que chạm nửa giây sau khi nhấn nút – đủ thời gian để các tình nguyện viên cảm thấy có ai đó đang ở gần.

Trong tất cả các thử nghiệm, các tình nguyện viên được nghe bản ghi âm “tiếng động hồng,” một phiên bản nhẹ nhàng hơn của “tiếng động trắng” (âm thanh dễ chịu). Một số bản ghi âm chứa các đoạn ghi âm giọng nói của chính họ, trong khi những bản ghi khác có những đoạn giọng nói của người khác hoặc không có giọng nói nào cả. Trong mỗi thử nghiệm, các tình nguyện viên được hỏi họ có nghe ai nói không.

Nghiên cứu cho thấy rằng khi mọi người đã trải qua cảm giác lạ lùng về một hiện diện ma quái, họ dễ nói rằng họ đã nghe thấy một giọng nói trong khi thực ra không hề có. Hơn nữa, việc nghe thấy một giọng nói không tồn tại có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu trước đó trong thí nghiệm, họ đã nghe thấy những loạt tiếng ồn có giọng nói của người khác trong đó.

Điều đó cho thấy bộ não đã liên kết sự hiện diện của ảo giác và giọng nói, ông Orepic giải thích.

Điều thú vị là, những tình nguyện viên bị que chạm ngay sau khi nhấn nút đôi khi cho biết họ cũng nghe thấy một giọng nói không có thực và họ có nhiều khả năng nghe như vậy hơn nếu gần đây họ đã nghe thấy những đoạn thu thanh có giọng nói của chính họ. Các nhà nghiên cứu cho biết, nếu các tình nguyện viên quyết định một cách vô thức rằng họ phải chịu trách nhiệm về cảm giác của ngón tay trên lưng, thì họ có thể đã được chuẩn bị để nghe giọng nói của chính mình.

Cùng với nhau, những phát hiện này gợi lên ý tưởng rằng ảo giác có thể xuất phát từ khó khăn trong việc nhận ra hành động của chính mình, cũng như mong đợi một kết quả cụ thể. Sau đó, những người đã cảm thấy sự hiện diện tưởng tượng trong lần thử nghiệm ngày càng dễ nghe thấy giọng nói, có lẽ do bộ não bằng cách nào đó đang dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ để tạo dựng cảm tuỏng rằng ai đó đang nói.

Ông Orepic cho biết, việc tìm hiểu sâu hơn về cách não tạo cảm tưởng về một giọng nói khi không có giọng nói nào ở đó có thể dựa vào sự trợ giúp từ những người khỏe mạnh thường xuyên nghe thấy giọng nói – ví dụ: những người đồng cốt cảm thấy họ có thể giao tiếp với người chết.

Ông nêu ra những nghiên cứu đang diễn ra tại Yale với những người nghe thấy giọng nói như một con đường để hiểu cách thức những niềm tin này nảy sinh và cách chúng có thể được kiểm soát. Đối với các đồng cốt, việc nghe thấy giọng nói không hẳn là không được hoan nghênh. Nhưng có lẽ, với sự trợ giúp của người đồng cốt, những người bị ảo giác làm đau khổ và quậy phá có thể tìm thấy chút bình yên.

Leave a Reply