Thiết bị to bằng cái dĩa được tìm thấy trong bụng phụ nữ sau khi sinh mổ

Alexis được dùng để bảo vệ vết mổ trong giải phẫu bụng. (Semantic Scholar)

Một dụng cụ banh vết thương gọi là Alexis, hay AWR, có đường kính lên tới 17 cm (6 inch), đã bị bỏ lại trong cơ thể một người mẹ sau khi mổ sinh con tại Bệnh Viện Thành Phố Auckland, Tân Tây Lan vào năm 2020. Theo tường trình của Ủy Viên Y tế và Khuyết Tật New Zealand, dụng cụ giải phẫu này đã được tìm thấy trong bụng một người phụ nữ 18 tháng sau khi  bà sinh mổ.

AWR là một thiết bị hình trụ với một lớp màng mờ dùng để kéo các mép vết thương ra trong khi giải phẫu.

Người này đã bị đau trong nhiều tháng và đã đi khám bệnh nhiều lần để tìm nguyên nhân. Các cuộc xét nghiệm, gồm cả chụp quang tuyến X không cho thấy dấu hiệu nào của thiết bị. Cơn đau trở nên nặng đến mức bà phải đến khoa cấp cứu của bệnh viện và thiết bị này được nhìn thấy trên phim chụp CT bụng và được lấy ra vào năm 2021.

Trong một tường trình công bố hôm thứ Hai, 4 tháng 9, bà Morag McDowell, Bộ Trưởng Y Tế và Khuyết Tật New Zealand, cho rằng Te Whatu Ora Auckland – Hội Đồng Y Tế Quận Auckland – vi phạm quy tắc về quyền của bệnh nhân,

Hội Đồng Y Tế ban đầu cho rằng một y tá ở độ tuổi 20, chăm sóc người phụ nữ trong ca sinh mổ đã không đủ kỹ năng và sự quan tâm hợp lý đối với bệnh nhân.

Bà McDowell nói, “Như đã nêu trong báo cáo của tôi, việc chăm sóc đã giảm thấp đáng kể so với tiêu chuẩn phù hợp trong trường hợp này và dẫn đến một thời gian đau khổ kéo dài cho người phụ nữ. Lẽ ra phải có các biện pháp hệ thống để ngăn chặn điều này xảy ra.”

Bản tường trình giải thích rằng người phụ nữ đã được sinh mổ vì lo ngại về chứng nhau thai tiền đạo, khi nhau thai che phủ hoàn toàn hoặc một phần lỗ mở tử cung.

Báo cáo của ủy ban cho thấy sau vụ mổ năm 2020, số lượng tất cả các dụng cụ giải phẫu đã dùng không bao gồm AWR. Điều này có thể là “do dụng cụ banh vết thương Alexis không vào bên trong bụng hoàn toàn mà  một nửa của nó cần phải ở bên ngoài và do đó nó sẽ không có nguy cơ bị sót lại,” một y tá nói với ủy ban.

Bà McDowell đề nghị Ban Y Tế Quận Auckland đưa ra lời xin lỗi bằng văn bản tới người phụ nữ và sửa đổi bằng cách đưa AWR vào danh sách dụng cụ giải phẫu.

Bác sĩ Mike Shepherd, giám đốc điều hành nhóm Te Whatu Ora Health New Zealand của Te Toka Tumai Auckland, đã xin lỗi về sai sót.

“Thay mặt cho dịch vụ Sức Khỏe Phụ Nữ của chúng tôi tại Te Toka Tumai Auckland và Te Whatu Ora, tôi muốn nói rằng chúng tôi rất tiếc vì những gì đã xảy ra với bệnh nhân và thừa nhận tác động mà điều này sẽ gây ra đối với bà và whānau [gia đình] của bà.”

“Chúng tôi muốn bảo đảm với công chúng rằng những sự việc như thế này cực kỳ hiếm gặp và chúng tôi vẫn tin tưởng vào phẩm chất chăm sóc giải phẫu và thai sản của mình.”

Leave a Reply