Trụ sở ngân hàng SVB tại Santa Clara bị phá sản hồi tháng 3, 2023. (Photo by Minh Nguyen / Wikimedia Commons)
Tiền gửi vào các ngân hàng Hoa Kỳ đã giảm $472 tỷ Mỹ kim trong quý (tam cá nguyệt) đầu tiên, theo một tường trình mới từ cơ quan bảo hiểm ngân hàng liên bang FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation). Tường trình cho thấy một cái nhìn toàn diện về cách kỹ nghệ ngân hàng xoay sở trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mức giảm tiền gửi này là lớn nhất kể từ khi FDIC bắt đầu thu thập dữ liệu hàng quý vào năm 1984 và đánh dấu quý thứ tư liên tiếp dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng. FDIC theo dõi hoạt động của 4,672 ngân hàng thương mại và tiết kiệm.
Sự sụt giảm tiền gửi chính yếu là do người gửi tiền quá mức được bảo hiểm ($250,000 cho mỗi tài khoản do FDIC) lấy số thặng dư ra. Họ đã rút bớt $663 tỷ, trong khi số tiền gửi được bảo hiểm thực sự tăng $255 tỷ.
Báo cáo của FDIC cho thấy một giai đoạn đầy biến động được đánh dấu bằng việc lãi suất tăng mạnh và sự phá sản của ba ngân hàng chỉ trong vài ngày, gồm có Silicon Valley Bank và Signature Bank vào ngày 10 và 12 tháng 3.
Ngân hàng First Republic phá sản trong quý thứ hai, vào ngày 1 tháng 5, là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ.
Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên tuần này, “Những tác động lâu dài hơn từ phản ứng của ngành đối với căng thẳng đó có thể chưa hoàn toàn rõ ràng cho đến khi chúng tôi nhận được kết quả quý hai”.
Báo cáo mới cho thấy những cơ quan cho vay khác ngoài Silicon Valley Bank đã trải qua căng thẳng tột độ trong quý đầu tiên. Số ngân hàng trong “danh sách có vấn đề” của FDIC đã tăng thêm 4 lên 43 và tài sản do các ngân hàng trong danh sách đó nắm giữ đã tăng lên $58 tỷ.
Các ngân hàng trong danh sách có vấn đề của FDIC thường có nhiều điểm yếu được các cơ quan quản lý xác định trong xếp hạng giám sát bí mật và có thể bị tịch thu và đóng cửa trừ khi vấn đề được giải quyết nhanh chóng.
Điều thấy được rõ ràng từ báo cáo mới của FDIC là lợi nhuận cốt lõi đã giảm trong quý đầu tiên do lãi suất tăng và người gửi tiền bắt đầu chuyển tiền của họ đi nơi khác.
Dòng tiền chảy ra buộc nhiều ngân hàng bắt đầu trả nhiều tiền hơn để giữ chân người gửi tiền và những chi phí cao đó đã cắt giảm lãi ròng của ngành, là khác biệt giữa những gì ngân hàng kiếm được từ các khoản cho vay và chi trả cho các khoản tiền gửi.
FDIC cho biết tỷ suất lợi nhuận đó đã giảm 7 điểm căn bản so với quý trước xuống còn 3.31%, do chi phí tiền gửi của các ngân hàng tăng nhanh hơn tiền lời thu được từ các khoản cho vay của họ.
Lợi nhuận từ khoản cho vay tăng 32 điểm căn bản trong quý lên 6.08% trong khi tiền gửi tăng 43 điểm căn bản lên 1.42%.
Lợi nhuận tổng thể tăng 17% đối với tất cả các tổ chức được FDIC bảo hiểm trong quý đầu tiên nhưng thu nhập ròng đó sẽ là số không sau khi trừ lợi nhuận từ việc mua lại hai ngân hàng đổ vỡ.
Gruenberg cho biết ngân hàng vẫn chịu áp lực trên một số mặt. Ông nói, “Ngành ngân hàng tiếp tục đối diện với những rủi ro suy giảm đáng kể do ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất thị trường tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất ổn địa chính trị.”