Tiếng kêu gọi khẩn thiết của ‘Sách’

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE – Sách quý là một báu vật của nhiều người, nhất là những cuốn sách được coi là “sử liệu” về đủ các khía cạnh lịch sử, tôn giáo, văn hóa, xã hội được viết bởi những người có kiến thức sâu rộng, sách càng quý khi nó được viết và in ra cách nay hàng trăm năm, nghìn năm. Một số sách như vậy tiếc thay nay không còn tìm được nữa!

Trong thời đại chúng ta đang sống, nhất là dưới hai nền Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, rất nhiều cuốn sách giá trị đã giúp cho hàng trăm ngàn người mở mang kiến thức. Trước ngày 30 tháng 4, 1975 chế độ Cộng Sản miền Bắc luôn tuyên truyền cho bộ đội và người dân rằng “Sách báo miền Nam tuyên truyền lối sống đồi trụy theo Mỹ-Ngụy.” Khi quân Bắc Việt tràn vào xâm chiếm miền Nam, một trong những cái ngu xuẩn nhất của chúng là ra lệnh tịch thu và đốt hết sách của miền Nam. Nhiều người dân quá sợ đã đem sách nộp cho chúng để rồi sách bị hỏa thiêu mà sách thì không biết khóc than.

Sau cái lệnh quái gở đó, một ý đồ thâm độc, tinh vi khác để tìm những sách báo còn giấu giếm trong dân, chúng chỉ thị cho các thầy, cô giáo bày ra trò “kế hoạch nhỏ” em nào gom góp được nhiều giấy sẽ được khen thưởng, được coi là học sinh tiên tiến. Trẻ em thơ ngây đâu biết ý đồ của chúng, về nhà coi bố mẹ cất dấu sách ở đâu đó, lén lấy sách hoặc xé ra đem nộp cho cô giáo để được giấy khen. Một lần nữa sách lại đau đớn mà không nói nên lời!

Tuy nhiên, dù ý đồ thâm độc và cao siêu đến đâu, một số người dân quý sách, yêu sách vẫn dấu diếm được một số sách quý và mang được ra nước ngoài. Tại miền Tây Nam Hoa Kỳ, ngay từ năm 1999 may mắn có nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhà văn Nguyễn Đức Lập, Đốc Sự Bùi Đắc Danh, ông Võ Trọng Di, nhà văn Trần Lam Giang và nhà báo Du Miên đã cùng nhau thành lập “Thư Viện Việt Nam” để bảo tồn, lưu giữ những cuốn sách. Đến nay, Thư Viện đã có trên 50 ngàn cuốn sách, đa số xuất bản thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa tại Nam Việt Nam, bản chính vẫn còn nguyên vẹn do nhiều đồng hương từ khắp nơi mang đến hiến tặng. Ngoài sách, báo Thư Viện còn lưu giữ những cổ vật xưa quý mà hiện nay dù ở Việt Nam cũng khó tìm được.

Hai mươi ba năm qua, một số vị trên đã vĩnh viễn xa rời Thư Viện Việt Nam, nay người đứng mũi chịu sào là ông Du Miên và Đốc Sự Bùi Đắc Danh. Gần nửa thế kỷ trôi qua, các ông đã gồng mình chịu trận, dùng ba tấc lưỡi năn nỉ, ỉ ôi để làm sao mỗi tháng có đủ tiền trả tiền thuê hai căn phòng rộng hơn 2000 sq.ft. cho việc giữ gìn những báu vật không bị thất thoát hay không còn hiện hữu như hiện nay.

Ngày Chủ Nhật, 26 tháng 3.2023, sắp đến Thư Viện VN bước vào năm thứ 24 bằng cuộc Tiếp Tân lúc 11 giờ tại Phòng Sinh Hoạt của Thư Viện (trong khu chợ Song Hỷ, gần ngã tư Euclid và Westminster).

Nhà báo Du Miên thay mặt cho trên 50 ngàn cuốn sách và vô số cổ vật quý giá, kính mời quý đồng hương đến tham dự, để nhìn tận mắt những cuốn sách, những kỷ vật của tất cả chúng ta đã được trân quý như thế nào, và mong được tiếp tay với những người đang “gồng mình” gìn giữ kho báu vật của những người yêu sách, quý sách. Mong lắm thay!

Một cuộc họp báo được tổ chức trong phòng sinh hoạt Thư Viện VN, nơi trưng bày một số tranh và đồ cổ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Leave a Reply