Tiếng trống mùa tựu trường

Bài NGUYÊN QUANG

Hằng năm, sau ba tháng hè oi ả và nóng nực, cái mát dịu của mùa thu, một ít lá rụng ngoài sân, một vài chùm phượng đỏ sót lại trên cành cùng với những trái khô rôm rốp, một ít mây trời bàng bạc, một ít nỗi buồn len lén trong mắt các cô cậu học trò nghèo… Tiếng trống tựu trường như thúc giục, vẫy gọi bước chân, hâm nóng khí huyết học trò, tất cả cùng bước vào một niên khóa mới với bao điều thú vị chờ đợi. Tiếng trống tựu trường bao giờ cũng chứa chan niềm vui khó tả. Thế nhưng thời gian gần đây, tiếng trống tựu trường có gì đó bất thường, nó khiến người ta đặt câu hỏi, Có nên để các lãnh đạo đánh trống khai giảng?

Những tiếng trống đầu tiên

Thầy giáo Khoa, đã nghỉ hưu được gần mười năm, thầy từng là Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông gần ba mươi năm, chia sẻ, “Về việc đánh trống khai trường, đó là hồi trồng thiêng liêng, không chỉ mới có từ những năm 1945 như một số tài liệu viết đâu!”

“Vậy xin thầy vui lòng chia sẻ thêm về lịch sử tiếng trống khai trường của Việt Nam?”

“Theo các tài liệu hiện tại trên báo chí Việt Nam thì tiếng trống khai trường bắt đầu từ ngày 5 tháng 9 năm 1945, ba ngày sau khi đọc bản tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thế nhưng người ta không hề nhắc đến tiếng trống Quốc Tử Giám trước đó hàng trăm năm.”

“Vậy việc xếp tiếng trống tựu trường đầu tiên vào năm 1945 trong lịch sử là có chủ ý gì theo thầy?”

“Theo tôi đây không phải là một sai lầm hay nhầm lẫn gì, nó là chủ ý. Bởi có cái lý của nó. Từ năm 1945 mới có ngày tựu trường 5 tháng 9, còn trước đó không phải ngày này, trong một nền giáo dục phong kiến, bất bình đẳng nam nữ, bất bình đẳng giai tầng, đó là sự thật. Nhưng hồi trống khai trường bây giờ vẫn mang nặng âm hưởng Nho giáo đấy nhé!”

“Mang nặng âm hưởng Nho giáo nghĩa là sao thưa thầy?”

“Thường thì theo truyền thống, trống khai trường đầu năm sẽ có ba hồi, mỗi hồi ba tiếng, ba hồi chín tiếng. Mỗi hồi tượng trưng cho một quẻ trong Kinh Dịch, hồi đầu tiên tượng trưng cho quẻ Càn, âm thanh ráo riết, mạnh mẽ, sắc sảo, hồi thứ hai tượng trưng cho quẻ thuần Khôn, nữ tính, âm thanh trầm bổng, mềm mại hơn, hồi thứ ba tượng trưng cho quẻ biến từ hai quẻ này, sẽ biến ảo tùy cảm xúc người đánh. Và ba hồi trống cũng tượng trưng cho Cửu trùng, tức sự lặp lại của quẻ Càn… Nói chung là mình ảnh hưởng tinh thần Nho giáo từ hình nhi thượng đến hình nhi hạ”

“Hình nhi thượng được giải thích qua ba hồi trống, còn hình nhi hạ nằm chỗ nào thưa thầy?”

“Hình nhi hạ tức các quan hệ xã hội, hầu hết các trường đều mời các quan chức đến đánh trống khai giảng. Vừa để thể hiện cái oai của trường, vừa là hiệu trưởng muốn cho các giáo viên thấy được mối quan hệ quyền lực của mình”

“Theo thầy thì việc mời quan chức đến đánh trống khai giảng nghe có hợp lý không?”

“Có và không, có bởi vì điều đó thể hiện sự quan tâm chung của mọi ngành, mọi lĩnh vực về giáo dục, và có với điều kiện đó là sự kiện trong lành, lành mạnh. Ngược lại, điều đó trở nên vô duyên và xúc phạm các em học sinh nếu như bản thân người đánh trống không có đủ sự thanh sạch, không phải là một vị quan thanh liêm. Và điều đó càng khủng khiếp hơn nếu như quan chức đến đánh trống lại là một người có bằng đại học tại chức hoặc có bằng giả. Mà chuyện bằng giả, đại học tại chức, có bằng mà chẳng cần học, chẳng biết chữ nào trong hệ thống cán bộ Việt Nam là nhiều vô số kể. Nên chi, việc này nên coi lại”

“Trở lại vấn đề hồi trống khai giảng, thưa thầy, nếu nói đúng lịch sử thì hồi trống khai giảng có tự bao giờ?”

“Hồi trống khai giảng đầu tiên phải có ở các Quốc Tử Giám, từ Quốc Tử Giám Hà Nội cho đến Quốc Tử Giám Huế đều đặt những chiếc trống. Và đầu năm học đều có những hồi trống khai giảng. Vấn đề là thời đó không có nghỉ hè như sau này, thời Pháp thuộc vẫn có trống khai giảng đầu năm học và có nghỉ hè, nhưng không được xếp vào lịch sử mặc dù các trí thức Việt học dưới nền giáo dục ấy vẫn cống hiến cho nền tri thức Việt, tôi nghĩ đó là một thiếu sót khi nói về lịch sử ngành giáo dục.”

Học trò nghĩ gì về tiếng trống khai giảng?

Tuấn, một tân sinh viên đại học luật Hà Nội, chia sẻ cảm nhận về tiếng trống khai giảng, “Vào đại học thì không còn tiếng trống khai giảng nữa, thấy trống vắng chút đỉnh. Nhưng cũng bớt phiền hà!”

“Phiền hà, nghĩa là sao? Tôi vẫn chưa rõ ý của em lắm?”

“Dạ, rất phiền hà, nếu như hồi trống thiêng liêng, lá thư của Chủ tịch nước ý nghĩa, tôn nghiêm bao nhiêu thì phần lễ rườm rà kèm theo gây phiền bấy nhiêu. Và chưa bao giờ em hết kinh hãi mỗi khi nghĩ đến phần phiền hà từ lễ khai giảng này cả!”

“Em có thể kể tỉ mỉ hơn một chút được không?”

“Chú cứ tưởng tượng cái nắng đầu thu đi, ban đầu, buổi sáng mát mẻ, nhưng đến nửa buổi thì nắng gắt lắm. Mà bắt con người ta đứng đầu trần dưới sân trường, rồi thầy giáo, cô giáo đoàn đội cứ như hét ra lửa, bắt mấy đứa ra đứng cầm cờ, nhìn chung từ đội trống cho đến đội duyệt binh đều rất mệt, còn tụi em thì cứ ì ra dưới nắng để nghe hết phát biểu ông này đến phát biểu bà nọ, rồi đánh trống, rồi đến mục đọc thư Chủ tịch nước thì thú thực là lúc đó buồn ngủ và quá mệt rồi, chẳng còn nghe được gì đâu. Giá như…!”

“Giá như gì em?”

“Giá như người ta làm tinh gọn bớt, đừng có mang ba cái nghi thức đội ra lần quần chẳng đâu vào đâu, nó mất sức hút, không còn hấp dẫn và gây phiền hà từ lâu rồi. Mà nghi thức đội thì tốn thời gian lắm, tập đánh trống, tập nhạc đội, mà ba cái nhịp đánh trống đó bây giờ mấy ai nghe cho vào, vì nó lỗi thời, nó cũng chả có hay, bây giờ trình độ thưởng thức âm nhạc của tụi con nít nó đã tiến xa, cứ cà rịch cà tang ba cái trống đó chẳng giống ai cả. Nếu được thì nên làm gọn, Hiệu trưởng đọc lời tuyên bố khai giảng, lên đánh hồi trống, Hiệu phó đọc thư Chủ tịch nước, một học sinh giỏi đại diện lên đọc tuyên thệ năm học được nỗ lực, tốt… Rồi, nghỉ, về nhà ngủ dưỡng sức mà đi học. Chứ rườm rà phiền hà quá!”

“Tâm trạng của em mỗi khi bước vào năm học mới? Và em có nỗi lo nào không?”

“Học xứ mình thì tâm trạng bước vào năm học mới vui lắm, vui vì được gặp lại thầy cô, bạn bè sau gần ba tháng. Thế nhưng buồn, vì càng về sau, tình thầy trò, tình bạn càng nhạt dần, do kinh tế phát triển không đồng đều nên gió tầng nào thì mây tầng đó, giàu chơi với giàu, nghèo chơi với nghèo, học giỏi hay dốt không còn là chuyện để chơi với nhau, người ta coi trọng bề mặt hơn tài năng, vì vậy mà mọi thứ trở nên lạt lẽo. Nhưng lạt lẽo nhất vẫn là thái độ của thầy cô, nhà trường đối với các bạn chậm nộp các khoản phí”

“Em từng gặp cảnh chậm đóng các khoản phí và bị khó chịu chưa?”

“Dạ, em thuộc diện nghèo, con nhà nghèo thì gặp cảnh này hoài, từ việc đóng học phí trước đây, cho đến việc đóng các khoản phí đoàn, phí quĩ lớp, kính thưa các loại phí, mệt lắm, đó là chưa nói đến chuyện học thêm học bớt đủ điều. Nói chung làchuyện học hành mệt mỏi lắm. Ước gì…”

“Em ước điều gì?”

“Ước gì đừng có đoàn đội, bởi những thứ phí ấy tuy không nhiều nhưng nó lại sinh ra rất nhiều hệ lụy, việc học bịảnh hưởng không nhỏ, nhân cách học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ, tính kiêu căng, háo thắng, khinh người, rồi đùa giỡn theo kiểu bản năng, những trò chơi vô bổ, giết thời gian, tụm năm tụm bảy đàn đúm… Còn ngay trong trường, các hoạt động đoàn đội của thầy cô, tức thầy cô chỉ huy đoàn đội cũng có gì đó rất là hồng vệ binh, chả coi ai ra gì!”

“Chả coi ai ra gì nghĩa là sao? Hiệu trưởng không can thiệp à?”

“Các trường Việt Nam, trừ trường tư thì em không biết, chứ trường công, tức trường của nhà nước á, thì Hiệu trưởng, Hiệu phó phải là đảng viên, Hiệu trưởng là Bí thư Chi bộ đảng của trường. Và những thầy cô giáo đoàn đội chắn chắn là đảng viên rồi, họ là con cưng của Hiệu trưởng, họ cũng là tay sai đắc lực của Hiệu trưởng. Thường là chủ tịch công đoàn và thầy cô chỉ huy đoàn đội của trường là những cánh tay của Hiệu trưởng”

“Làm sao em biết điều này?”

“Học và quan sát, chỉ cần chịu khó quan sát các hoạt động nhà trường cũng như cách hành xử giữa thầy cô với nhau và giữa thầy cô với học trò thì thấy ngay thôi chú ơi! Khởi sự một năm học, điều mà em ước ao nhất vẫn là một năm học thật vui vẻ, sáng tạo, may mắn, trí tuệ và sòng phẵng. Thời bây giờ giáo dục thiếu sòng phẵng, nên khởi sự một năm học ít có vui!”

Khởi sự một năm học, một học sinh cầu mong nền giáo dục có sự sòng phẵng, chỉ chừng ấy đủ biết nền giáo dục này ra sao rồi. Đó là chưa nói đến lẽ ra các em không bao giờ phải chịu cảnh như thế, phải chứng nghiệm những kinh nghiệm hết sức đau lòng như vậy. Lại một năm học mới bắt đầu, mong sao nền giáo dục có những điều tốt đẹp hơn, bớt đi chuyện mệt mỏi và phiền hà!

Leave a Reply