Bài CHU
Làng Sình nằm ở phía Đông thành phố Huế, đường đến làng Sình có hai đường, một đường bộ và một đường sông. Xưa người ta chọn đường sông để đến làng Sình bởi con đường này đi ngắn nhất, nay thì tùy hứng, người ta có thể chọn đường sông hoặc đường bộ, bởi cả hai đường đều đẹp và thú vị. Hội vật làng Sình vào tháng Giêng, đến làng Sình để cảm nhận và trải nghiệm không khí của một đời sống khác, nghe có gì đó miên man sông, có gì đó của mấy thế kỉ trước và có chút gì đó buồn man mát, nhất là khi bước vào xem tranh dân gian làng Sình.
Làng Sình là tên gọi chữ Nôm của làng Lại Ân, là một ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, sau khi đoàn “lưu dân” của chúa Nguyễn Hoàng vào gây dựng cơ đồ xứ Thuận Hóa (Huế bây giờ). Làng Sình xứ Huế nằm ven bờ sông Hương hiền hòa, bên kia sông là bến Thanh Hà nổi tiếng một thuở, bến còn có tên khác là Phố Lở. Gần Phố Lở có phố Bao Vinh – một trong những trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất thời nhà Nguyễn và là phố cổ ngoại ô đẹp nhất xứ Huế bây giờ với những chiếc cầu đá cong cong, những mái nhà ba gian theo kiểu thị trấn, mái liền mái, nhà liền nhà, chập chùng nhịp thở phố thị xa xăm…
Từ thành phố Huế, xuôi xuống chợ Đông Ba, gặp một nhánh sông Hương, rẽ trái, theo đường Huỳnh Thúc Kháng, một con đường đẹp chạy dọc bờ sông, rất Huế, có pha trộn một chút gì đó của Ninh Bình, với những chiếc cầu cong cong, những bến họ, tức bậc cấp bằng đá dẫn xuống sông để tắm giặt thời xa xưa… Đi chừng 5km sẽ gặp phố cổ Bao Vinh, bạn có thể mua sắm những thức quà quê và ăn bún bò Huế ở chợ Bao Vinh, cảm nhận không khí của một vùng ngoại ô cổ. Xong, bạn bắt đò ngang, sang bên kia sông Hương là làng Sình, một ngôi làng không cổ nhưng có phong khí của thế kỉ trước với nhịp sống chậm, trầm và mang mang âm hưởng của Huế xưa.
Bạn hãy đến thăm khu trưng bày của câu lạc bộ (hay nói làng nghề cũng được) vẽ tranh dân gian làng Sình, ở đây, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước sẽ tiếp chuyện với bạn, giúp bạn trải nghiệm không khí làm khuôn, vẽ tranh, làm màu… Ông Kỳ Hữu Phước cũng là một trong những nạn nhân kinh hoàng của thời cộng sản đập phá đền đài miếu mạo. Ông Phước kể rằng thời đó, bộ khuôn tranh của gia đình ông bị xếp vào diện vật “mê tín dị đoan,” toàn bộ khuôn tranh của làng Sình bị mang ra đốt. Riêng ông Phước, thấy tình hình căng quá, ông để một ít khuôn hỏng và khuôn có thể làm lại được ra ngoài phòng in, số khuôn quí ông mang xuống hầm (một cái hầm bí mật cũ trước 1975 mà gia đình ông còn giữ phòng khi…).
Sau khi mọi thứ đã được đốt sạch sẽ, làng nghề im hơi lặng tiếng, chạy tứ tán để làm thuê cuốc mướn, lúc này ông Phước nghĩ đến chuyện tiếp tục in tranh để bán. Và ông giả điên, suốt ngày mặc chiếc áo ấm đạp xe đi lang thang khắp mọi ngõ ngách trong thành phố Huế, gặp gì ăn đó. Trong quá trình lang thang, ông cố gắng gặp những người bạn hàng thân tín, tìm hiểu xem họ có còn thật lòng với mình không, hay họ đã ngả sang làm ăng teng cho công an. Gặp được một số người đủ tin cậy, ông nói với họ về việc sẽ cung cấp tranh cho họ trong những ngày lễ cúng gia đình (tranh dân gian làng Sình ngoài tranh trang trí còn có thêm tranh tâm linh, dùng để thờ cúng, hóa vàng, đương nhiên việc hóa vàng giấy tiền, vàng mã của làng Sình có tính đại diện, tượng trưng, in mệnh giá vô cùng lớn và đẹp, trang trọng. Chỉ cần hóa vàng một tờ là đủ).
Khi việc điên đã ổn định, ông chui xuống hầm để in tranh, rồi lại mặc áo ấm, giấu tranh bên trong áo, đạp xe lang thang lên Huế… Nhờ vậy mà ông có tiền mua gạo, mua thịt cho gia đình. Những người trả tiền tranh cho ông luôn trả giữa chợ, họ làm như đang cho tiền một ông điên quen biết (thế mới biết mức độ khốc liệt và gay gắt của xứ này. Thế mới hiểu thêm về Tết Mậu Thân 1968 khốc liệt và tàn nhẫn ra sao!). Và, cứ như vậy, ông Phước điên mà sống, mãi cho đến khi du lịch mở cửa, người ta hô hào phục hồi làng nghề, công nhận di sản, làng văn hóa này khác, thì ông mới dám lôi những cái khuôn in dưới hầm bí mật ra mà in ban ngày. Câu chuyện còn dài lắm, nếu bạn hữu duyên, ông Phước sẽ kể cho bạn nghe.
Cũng theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (bây giờ là nghệ nhân, hết điên rồi) thì tranh làng Sình đã tồn tại hơn 400 năm nay.
Làng Sình cũng là một làng võ, thời nhà Nguyễn, đây là cái nôi cung cấp các võ sĩ vào đội thị vệ của nhà vua. Và hội vật làng Sình dường như tồn tại song song với tranh dân gian làng Sình. Hội vật được tổ chức vào ngày mồng Mười tháng Giêng âm lịch hằng năm. Nghĩa là sau những ngày Tết, nhổ neo, khởi động hội vật.
Từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng, tiếng trống hội và cờ hoa hoa bày biện khắp các nẻo đường, người xem vây kín các sới vật, ngoài đường dòng người nô nức tìm về lễ hội ngày một đông…
Sau màn nghi lễ tưởng niệm công đức các vị tiên lão ở đình làng bởi các vị trưởng bối, hội vật chính thức được bắt đầu bằng một hồi trống chầu và những màn biểu diễn đẹp mắt của các đô vật chuyên nghiệp. Phần chính của lễ hội là các cuộc đấu hấp dẫn giữa các đấu vật thiếu niên và thanh niên.
Trên sới, các đô vật thi đấu hăng say, cống hiến cho người xem nhiều cuộc đấu gay cấn với nhiều miếng đánh đẹp mắt và dũng mãnh, bên ngoài tiếng trống hội và tiếng hò reo của khán giả càng thúc giục các đấu sĩ thi đấu quyết liệt hơn.
Hội vật làng Sình áp dụng nguyên tắc thi đấu loại vòng trực tiếp. Đô thủ muốn vào vòng bán kết, chung kết phải giành chiến thắng liên tiếp trước hai đối thủ, với đòn đánh làm cho đối phương “lấm lưng, trắng bụng” hoặc bị nhấc bổng cả hai chân lên khỏi mặt đất.
Người thắng cuộc ngoài các giải thưởng, tiền thưởng do ban tổ chức trao tặng, còn được nhận thêm mâm cau trầu và rượu do các bô lão làng Sình trao tặng.
Nét độc đáo trong hội vật không phải là kết quả thắng thua mà là tinh thần thượng võ. Các đô vật không được ra các đòn đánh nguy hiểm đến tính mạng như bẻ, vặn, khoá trái khớp, bấm huyệt, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt…
Không gian hội vật làng Sình cũng rất phong phú, du khách đến đây còn được xem các sản phẩm truyền thống của địa phương, như đồ chơi thủ công, tranh thờ, tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên.
Có thể nói rằng đến làng Sình, bạn sẽ được trải nghiệm một không gian khác của đất Huế, cho dù bạn không gặp lễ hội đô vật, thì cái không gian bàng bạc nông nghiệp và làng nghề cổ, cái sinh quyển cố níu giữ tinh thần thượng võ cũng như nhịp sống chầm chậm nơi này sẽ trò chuyện với bạn về một điều gì đó sâu xa, khó nói thành lời.