Tròn một năm kháng chiến: ‘Ukraine trụ vững, đế chế Nga phải chết’

VI ANH sưu khảo

Hôm thứ Bảy ngày 25 tháng 2, 2023, RFI có bài phân tích của các báo Pháp, cho rằng “Tròn một năm kháng chiến: Ukraine trụ vững, đế chế Nga phải chết.”

Tuần san Pháp Courrier International, số ra cuối tháng 2, 2023, dành trọn 60 trang báo cho cuộc kháng chiến của người Ukraine và tình hình nước Nga. “Ukraine trụ vững” là tựa đề trang bìa Courrier International, trên nền đen, với bên phải là một nửa khuôn mặt của Tổng Thống Nga Putin, nổi bật với con mắt xanh quắc, trong đáy mắt là một phần bản đồ thế giới. “Ukraine trụ vững” trước tham vọng đế quốc của Putin là chủ đề xuyên suốt của tuần san Pháp. Phần đầu tiên của số báo – “Ukraine một năm sau” – giới thiệu các bài báo nước ngoài, mô tả “sức kháng cự không thể tưởng tượng nổi” của người Ukraine, từ thành phố cảng miền nam Mariupol, đến thị trấn Horodnia miền bắc, từ thủ đô Kiev đến thành phố Bakhmut miền đông, hay Mikolaiv miền đông nam.

Một là vạch một loạt tội Ác của Nga qua những bức ảnh khiến công chúng xúc động, gọi là tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại.

Courrier International giới thiệu trước hết tác phẩm của nhóm phóng viên New York Times, đứng đầu là nhà nhiếp ảnh kỳ cựu David Hume Kernnerly, người từng nhận giải thưởng Pulitzer. Loạt hình chụp này này Ông gọi “Chụp Ảnh Địa Ngục”.

 Hai là thảm kịch Marioupol và cuốn tiểu thuyết “Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn” (Lord of the Rings). Bài phóng sự của Oukrainska Pravda, một tờ báo Ukraine, “Một Ngày Vô Tận Tại Marioupol,” thành phố cảng bên bờ biển Azvov, sầm uất trước chiến tranh, cho thấy sự thật chiến tranh tàn khốc qua trải nghiệm của chàng thanh niên 28 tuổi Vitaly Nikitine. Ngôi trường học phổ thông của anh bị bom đạn phá hủy hoàn toàn. Vitaly chứng kiến cảnh nhà hát thành phố trúng bom, người chết ngay trên đường phố, nhiều khi với đầu và tay chân đứt lìa. Trở lại ngôi trường bị tàn phá, Vitaly đã tìm được bộ ba tiểu thuyết “Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn” của văn hào Tolkien còn nguyên vẹn. Chàng thanh niên sực tỉnh, và nhận ra chính “loài Orc,” tức lũ quái vật tay chân của các thế lực trong bóng tối, đã đến tàn phá quê hương anh. Vitaly hiểu “vì sao các nhà văn sáng tác.”

Ba là cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga cũng là cuộc kháng chiến của văn hóa. Người Ukraine kháng cự kiên cường chống lại quân xâm lược Nga không chỉ nhờ ở vũ khí phương Tây. Cuộc kháng cự của người Ukraine cũng bắt rễ sâu trong văn hóa. Báo Hòa Lan De Volkskrant có bài phóng sự “Quên đi cuộc xâm lăng trong giây phút ngắn ngủi của một dịp hội hè.” Tại thị trấn Horodnia, cách biên giới với Belarus – quốc gia đồng minh của Nga – chỉ một tầm đại bác, người dân địa phương tổ chức khá thường xuyên các hoạt động văn hóa.

Bảo vệ văn hóa Ukraine và tiếng Ukraine trở thành một mặt trận không kém phần quyết liệt. Mới đây, ngày 9/11, Ngày Ngôn Ngữ và Văn Học Ukraine đã được tổ chức long trọng.

 Bốn là Quân Nga gieo rắc bóng tối – “Loài Orc” – tay chân của các thế lực hắc ám, “những thây ma sống” đã tàn phá đất nước Ukraine từ một năm qua. Quân Nga đã thực sự reo rắc bóng tối lên nhiều khu vực tại Ukraine. Các cơ sở hạ tầng năng lượng bị tấn công, nạn cắt điện kéo dài trở thành chuyện cơm bữa.

Năm là “Phương Pháp Putin.” Phần hai trong số báo đặc biệt về xung đột Ukraine của Courrier International mang tựa đề “Phương Pháp Putin” đem chết chóc, lửa khói đến cho quốc gia láng giềng Ukraine, nhưng hành động của ông ta đồng thời cũng có nguy cơ hủy diệt chính nước Nga. “Que diêm” châm ngòi chiến tranh tàn phá đất nước Ukraine chắc chắn không thể để nước Nga yên lành.

Chủ trương của Putin là tái lập một quyền lực tập trung cao độ tại Nga giống như thời đế chế các Sa Hoàng, và thời cộng sản toàn trị Stalin. Trong một chế độ độc đoán mà ông Putin nỗ lực tạo lập, “mọi sáng kiến chính trị từ dân chúng đều bị chính quyền bóp nghẹt”.

“Putin đã nỗ lực có bài bản, được tính toán kỹ lưỡng” nhằm áp đặt một chế độ độc tài tại Nga, chưa hẳn đã dễ thành công. Chính trị gia Nga, nhà báo Leonid Gozman, một trong các gương mặt đối lập nổi bật đang sống ở nước ngoài, trên báo Nga Novaia Gazeta, nhận định: “Putin không phải là Lenin, tình trạng này không thể kéo dài”.

“Đế chế Nga phải chết.” Thất bại của đế quốc Nga ở Ukraine cho phép nước Nga mới ra đời. Đối với chuyên gia về lịch sử Nga này, điều đáng sợ không phải là chế độc độc tài của Putin, mà là việc đông đảo “thành phần cấp tiến” Nga trước đây không hiểu rằng nguồn gốc của chế độ độc tài chính là tham vọng xây dựng một nước Nga mang tính đế chế.

Theo nhà báo Anne Applenbaum, nhiều chính trị gia đối lập Nga bắt đầu hướng đến xây dựng một xã hội dân sự Nga bên ngoài nước Nga. Như vậy một nước Nga mở cửa hơn, thịnh vượng hơn, với điều kiện là có đông đảo người Nga tham gia xây dựng một xã hội như vậy.

Đối thủ của Ukraine không phải là một nước Nga láng giềng bình thường, mà là đế chế Nga đang được phục hồi với chiến lược âm thầm, bền bỉ của lãnh đạo tối cao Vladimir Putin. Chính ở điểm này mà cuộc tranh đấu vì một nước Nga dân chủ và cuộc kháng chiến của người dân Ukraine liên hệ mật thiết. Theo nhà báo Anne Applenbaum, một số người Nga cho biết “thất bại quân sự” của Nga tại Ukraine là điều tốt cho chính nước Nga. Nhà báo Mỹ cũng đồng ý với quan điểm này, việc đế chế Nga lụi tàn với thất bại quân sự tại Ukraine là cơ hội cho một nước Nga mới ra đời trên nấm mồ của chế độ Putin xây dựng theo đế chế Nga.

(Image: Courier International)

Leave a Reply