Trung Cộng vẫn cần Kissinger

Chủ Tịch Tập Cận Bình (bên phải) đang nói chuyện với cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger tại Bắc Kinh hôm thứ Năm, 20 tháng 7, 2023. (Xinhua)

Bài VI ANH

Tập Cận Bình, một người cộng sản đứng trên 1.4 tỷ người Trung Quốc, vừa thua ván cờ chơi với ông Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ nay đã 100 tuổi mà ngon lành hơn ông Tập. Chính ông Tập cho ông Henry Kissinger là “nhà ngoại giao huyền thoại.” Ván cờ mà Chủ Tịch Trung Cộng kiêm Chủ Tịch Đảng Cộng Sản Tập Cận Bình có “ý đồ” mời đón, tiếp rước long trọng hy vọng Kissinger giúp đưa Trung Quốc và Hoa Kỳ trở lại gần nhau như trong những năm 1970.

Còn ông Kissinger không phải tay vừa vốn là một chánh trị gia thích hái trái cây trái mùa, từ cưới vợ là phụ tá trẻ hơn cả chục tuổi, là vua đi đêm, đã “móc ngoặc” với Trung Cộng. Ngày 21/02/1972, Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon đến Trung Quốc, bắt đầu hội nghị một tuần nhằm chấm dứt 20 năm băng giá trong quan hệ hai nước.Chuyến đi của ông bắt đầu bằng cuộc thăm viếng Chủ Tịch Mao Trạch Đông tại tư dinh. Các quan chức nói cuộc gặp một tiếng đồng hồ thể hiện “lần trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc.” Còn Kissinger thì nâng ly với Chu Ân Lai và Richard Nixon nâng ly cho quan hệ “không còn là kẻ thù,” chấm dứt Chiến Tranh Lạnh, Chiến Tranh Việt Nam.

Việt Nam Cộng hòa có đầy đủ lý lẻ để uất hận Kissinger. Nhưng đứng trên phương diện quyền lợi quốc gia Mỹ, Kissinger và Nixon đã ly gián Trung Cộng và Liên Xô, dẫn đến sự suy tàn Đế Quốc Cộng Sản, sụp đổ Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu.

Bây giờ truyền thông đại chúng và báo chí quốc tế đều có đăng tin Kissinger tái xuất ở Trung Quốc, rằng Chủ Tịch Tập Cận Bình tiếp Kissinger tại Nhà Khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh ngày 20/07/2023, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất, cho dù gần đây nhiều quan chức cao cấp của Hoa Kỳ tới thăm Trung Quốc.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Cộng là CCTV, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nói với ông Kissinger, “Người dân Trung Quốc coi trọng tình hữu nghị và chúng tôi sẽ không bao giờ quên người bạn cũ của chúng tôi, cũng như những đóng góp lịch sử của ông trong việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ song phương và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai nước, mà còn thay đổi thế giới.

Tập Cận Bình cũng khẳng định rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Kissinger và người dân Trung Quốc sẽ luôn nhớ đến cựu ngoại trưởng Mỹ. Henry Kissinger từng bí mật tới Bắc Kinh vào tháng 07/1971 để nối quan hệ với Trung Quốc, mở đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng Thống Richard Nixon tới Bắc Kinh một năm sau đó. Việc Hoa Kỳ chìa bàn tay cho Trung Quốc nắm đã chấm dứt sự cô lập của cường quốc Á Châu này và góp phần vào sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trên thế giới, đặc biệt về mặt kinh tế.

Nhưng thời sự cho thấy một số sự kiện Chủ Tịch Bình không lợi dụng được ông Kissinger nay đã 100 tuổi, tuổi già sức yếu nhưng tinh thần Mỹ vẫn vững vàng, truyền thống Mỹ vẫn cứng rắn, trong mặt trận ngoại giao và chiến trường quân sự Mỹ vẫn là một.

Kissinger không để cho Tập cận Binh dùng mình làm trái độn hòa giải trong tình hình căng thẳng đủ mọi mặt từ kinh tế, chánh trị quân sư, an ninh khoa hoc kỹ thuật giữa Trung Cộng và Mỹ.

Thay vì làm cho tình hình căng thẳng giảm theo ý đồ của Tập Cận Bình, Kissinger đi kèo trên thế mạnh, sẵn sàng của Mỹ. Kissinger bày tỏ Trung Quốc và Mỹ có thể xung đột, kèm theo thiện ý xây dựng, hai bên cần liên lạc với nhau, như một số giới chức Mỹ đã gặp gỡ phía Trung Cộng.

Báo Pháp Le Figaro hôm 01/08/2023 có đi một bài về cuôc phỏng vấn ông Jérémie Gallon, tác giả cuốn sách “Henry Kissinger, Một Người Âu Châu,” đề cập đến quan điểm của Kissinger về quan hệ Trung – Mỹ.

Jérémie Gallon cho rằng Henry Kissinger hoàn toàn tự tin rằng ông vẫn có thể đóng một vai trò tích cực trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington vào thời điểm quan hệ song phương cực kỳ căng thẳng và mong manh. Và mọi người không nên nghĩ rằng Kissinger thực hiện chuyến đi này vì háo danh: ông đã 100 tuổi, và việc đến Bắc Kinh là một hành trình đòi hỏi rất nhiều sức lực. Sở dĩ ông cố gắng như vậy, vì ông ấy tin rằng nó có thể mang tính xây dựng. Hơn nữa, ông sẽ không bao giờ làm một hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Chuyến thăm của Kissinger có thể đã làm dấy lên sự ganh tị ở Washington, nhưng ông đã không sang Bắc Kinh nếu Tòa Bạch Ốc phản đối.

Đúng là Trung Quốc đã tạo ra một sự tương phản rất rõ ràng giữa cách họ đón tiếp Kissinger và thái độ lạnh nhạt khi họ đón tiếp một số nhà lãnh đạo khác của Mỹ khi đến Bắc Kinh trong thời gian gần đây, như Bộ Trưởng Tài Chính Janet Yellen, Ngoại Trưởng Antony Blinken, ông John Kerry, đặc phái viên của Hoa Kỳ về khí hậu – tới Bắc Kinh cùng thời điểm với Kissinger – hay Bill Burns, lãnh đạo CIA. Kissinger đã có cuộc hội đàm với Tập Cận Bình, đã gặp Ngoại Trưởng Vương Nghị, cũng như Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc, mặc dù ông Lý đang là mục tiêu bị nhắm đến của các biện pháp trừng phạt từ phía Hoa Kỳ, gần đây đã từ chối gặp đồng nhiệm Mỹ, Lloyd Austin.

Đây là cách để Trung Quốc cho Tây Phương thấy rằng họ có khả năng đối xử một cách trân trọng với một chính khách Mỹ, tìm cách hiểu lập trường của Trung Quốc. Có một biểu tượng rất lớn trong vấn đề này: Tập Cận Bình đã tiếp Kissinger tại Điếu Ngư Đài, nơi ông Kissinger đã gặp Thủ Tướng Chu Ân Lai trong chuyến công du đầu tiên của ông tới Bắc Kinh hồi năm 1971. Do đó, đây là chuyến thăm rất mang tính biểu tượng, nhưng không phải tất cả đều trống rỗng về thực chất. Liệu có thể hy vọng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington cải thiện hay không?

Chắc chắn có một tâm lý thù địch mạnh mẽ đối với Trung Quốc, trong Quốc Hội lưỡng viện, trong cả đảng Cộng Hòa lẫn đảng Dân Chủ, với những luận điệu rất hiếu chiến. Thế nhưng mặt khác, chính quyền Biden tỏ ra hòa hoãn hơn nhiều: họ hiểu rằng Hoa Kỳ đã đi quá xa khiến căng thẳng leo thang và Tòa Bạch Ốc biết về những nguy hiểm tiềm tàng trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ ngưng đối thoại.

Giờ đây, các cộng sự thân cận nhất của Biden đang tìm mọi cách để căng thẳng giảm xuống mà không tỏ ra ngây thơ; họ vẫn muốn thiết lập một chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, đặc biệt trong việc kiểm soát xuất cảng một số công nghệ tiên tiến. Khó khăn lớn mà chính quyền Biden gặp phải là nước Mỹ đang bước vào một chiến dịch bầu cử, và đảng Cộng Hòa, đặc biệt là Donald Trump, sẽ nắm lấy cơ hội nhỏ nhất để đả kích điều mà họ cáo buộc là thái độ mềm yếu của chính quyền Biden đối với Trung Quốc. Tìm được một sự cân bằng quả là khó.

Kissinger không ngây thơ về Bắc Kinh; ông biết rất rõ rằng Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc mà ông từng biết. Trung Quốc giờ đây đã hung hăng hơn nhiều; Trung Quốc đã thực sự trở thành một đối thủ cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt kinh tế, và Bắc Kinh đang trong quá trình tăng cường khả năng quân sự. Đối với Kissinger, hai nước thực sự có khả năng xung đột. Mặc dù cả Mỹ lẫn Trung Quốc hiểu rất rõ rằng một cuộc xung đột sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp, song Kissinger lo ngại rằng hàng loạt sự cố vượt ra ngoài tầm kiểm soát có thể dẫn đến việc xung đột bùng nổ. Để tránh xảy ra điều này, việc tái tạo các kênh liên lạc là vô cùng cần thiết.

Leave a Reply