(Min An/ Pexels)
Bài UYỂN NHI
Thường thì các bé lớn rất háo hức, rộn ràng khi trung thu về, những bé ở độ tuổi học lớp ba, lớp bốn có vẻ như rộn ràng với trung thu nhiều nhất, các bé cứ hỏi thăm cha mẹ ngày nào được nhận bánh trung thu, ngày nào được phá cỗ trăng rằm, ngày nào được xem múa lân, ngày nào cũng hỏi thăm khiến bạn mất cả kiên nhẫn để trả lời. Nhưng bạn đừng mất kiên nhẫn nhé, vì đây là dấu hiệu chỉ số IQ của bé rất cao đấy. Còn với những bé nhỏ hơn, bé từ tám tháng tuổi đến một tuổi thì sao?
Các bé từ tám tháng tuổi đến một tuổi có vẻ như chưa biết đến trung thu, kỳ thực các bé rất thích đấy, nhưng các bé chỉ sợ tiếng ồn thôi, nếu như trống đánh vừa phải, lân múa dễ thương, ông địa hiện từ sẽ là niềm thích thú vô cùng lớn cho bé, bé sẽ phấn khích và ăn ngon, ngủ ngon khi được xem lân. Trong trường hợp này, các đội lần thiếu nhi với chiếc trống cơm con con, với con lân nho nhỏ và ông đại hiền hiền, cách múa cũng rất chi là trẻ con, hồn nhiên và không chuyên nghiệp lại trở thành kỉ niệm khó quên cho bé thơ. Bé có thể sau này sẽ không nhớ gì về buổi xem lân nhưng hình ảnh và cảm xúc thì đọng mãi trong tiềm thức của bé, giúp tâm hồn bé đẹp hơn về sau.
Và, thực sự thời bây giờ những con lân hội, đoàn, lò đã chiếm hết không gian tuổi thơ, không gian trung thu của các bé. Sự hoành tráng, độ chuyên nghiệp cũng như tính thương mại rất rõ ràng trong các con lân hội đoàn chỉ phù hợp với các hội quán kinh tài, các hội quán đồng hương… Hay nói khác đi, những con lân của hội, đoàn, lò vốn dĩ là những đơn vị làm kinh tế theo hướng giải trí, họ được đào tạo và tập luyện chuyên nghiệp, trình diễn đẹp mắt, đầu tư công phu và tiền bạc rất nhiều, đương nhiên sẽ rất hấp dẫn đối với người lớn luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe về kĩ thuật và thao tác cũng như hình thức. Và đương nhiên những con lân này cũng hấp dẫn đối với độ tuổi thiếu niên, bởi các động tác của nó có gì đó vượt ngoài khả năng của độ tuổi này nhưng lại nằm trong giới hạn hiếu kì và mơ ước của độ tuổi này.
Tuy nhiên, những con lân như vậy hoàn toàn đánh mất chất đồng dao cũng như tính hồn nhiên của nó. Những con lân quá chuyên nghiệp và hoành tráng, từ đường đi, độ thu hút người xem, những con đường trở nên chật chội và kẹt cứng xe cộ, những đám đông chộn rộn và có thể bùng nổ những chuyện khác ngoài ý muốn hoặc tiếng trống và tiếng xập xõa quá to khiến cho mọi thứ trở nên ồn ào, đinh tai nhức óc, điều này hoàn toàn không phù hợp với các bé thơ. Nếu các mẹ có con ở độ tuổi thiếu nhi và chung quanh xóm giềng có thêm những em bé cùng độ thuổi, thì nên nhờ các bố giúp bé mua một con lân nhỏ, rủ nhau múa quanh xóm, quà thưởng có thể là bánh kẹo và một chút tiền để mua quà hoặc nấu chè, tất cả những chi tiết lẻ tẻ và nhỏ nhoi trong việc chơi múa lân cứ tưởng là đơn giản, không có gì đáng bàn nhưng kì thực tạo ký ức vô cùng lớn đối với các bé. Và đặc biệt, bé thơ nếu được xem các anh chị của mình múa lân thì ấn tượng đó, niềm vui đó sẽ gắn với bé một cách sâu bền, khó nói.
Tôi còn nhớ tuổi thơ của tôi ở quê, bọn con trai rủ nhau kiếm tre, làm sườn lân, bọn con gái rủ nhau phụ khuấy hồ bột sắn, kiếm giấy báo, giấy vở bỏ để dán lân, rồi phân công đứa mang lồng đèn, đứa mang đuốc, đứa múa, đứa làm ông địa, đứa phụ nắm đuôi lân, đứa đánh trống, đứa giữ tiền… Mọi thứ đã tính toán hết rồi, mỗi đứa chung một chút tiền để mua sơn, màu về vẽ lân, làm ông địa, năm nào cũng như năm nào, gần năm năm tuổi thơ, từ lớp hai cho đến lớp sáu chúng tôi đều chơi với nhau thật vui vẻ, ấm áp và thú vị không kể xiết. Mãi cho đến năm cuối cùng cuộc chơi trẻ thơ, tức năm lớp sáu, những tưởng chúng tôi còn chơi lân với nhau đến lớp chín kia, nhưng rồi xãy ra sự cố, một bạn, tạm gọi là đội trưởng trong đội lân thay vì dùng tiền để mua sơn, mua các vật liệu làm lân đã lấy hết tiền mang đi chơi game, và đương nhiên một đứa trẻ quê ra dịch vụ game đểchơi thì chả mấy chốc hết sạch tiền, bạn này trốn biệt luôn, vậy là gia đình phải đi tìm. Và, khi tìm ra, thay vì bạn xin lỗi chúng tôi, bạn tỏ ra ngổ ngáo, bướng bỉnh và gàn rỡ, đòi đánh những bạn đã hỏi tiền mua sơn, mua vật liệu. Nghiệt hơn nữa là có đứa hỏi nhờ gia đình bạn can thiệp cho tiền lại vì đó là tiền để mua sách vở, tiền “đầu tư” cho lân mong có lãi… thì bị gia đình mắng cho một trận. Vậy là buồn, cuộc chơi tan rã từ đó. Trung thu năm đó thậtbuồn, vì bạn bè mỗi đứa thu lu mỗi nhà…
Hình như đó cũng là ấn tượng, dấu hiệu nhân cách từ tuổi thơ của mỗi đứa, tính cách lộ ra rất rõ, và nó chi phối cả cuộc đời. Những bạn của tôi, bạn nào phản ứng như thế nào thì sau này có cách hành xử na ná như vậy. Đứa nào buồn, im lặng thì sau này có vẻ thiên về viết lách, cầm bút, đứa nào kiên quyết đấu tranh, đòi công bằng thì thiên về ngành luật, đứa nào ngồi tính toán chi li lại thiên về kinh tế… Chỉ có người bạn đã lấy tiền chơi game kia sau này trở nên bài bạc và kết cục cuộc đời của bạn ấy thật thê thảm, khó nói.
Và có lẽ, giai điệu vi vu của gió trời, của tiết mùa thu se lạnh, của lòng người có chút buồn len lén, chưa định dạng và của những ngày hội trung thu sẽ gắn với tâm hồn của bé thơ mãi, rất khó phai. Các mẹ dù bận rộn hay khó khăn hay như thế nào chăng nữa thì cũng nhớ dành cho bé một mùa trung thu thật vui vẻ, ấm áp nhé!
Chúc các mẹ và các bé có một mùa trung thu thật vui vẻ, ấn tượng và êm đềm!