(Image: Phúc Quỳnh)
Bài PHÚC QUỲNH
Cộng đồng người Việt tại California đây, và ở khắp mọi nơi tại hải ngoại, đang có nhiều hội đoàn, tổ chức tôn giáo – chính trị, các nhóm ái hữu – đồng hương, vân vân, sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng, và hàng năm. Hầu hết các đoàn thể này đều muốn phổ biến, chia sẻ tin tức qua truyền thông báo chí, nhưng lại nghĩ rằng chỉ có “nhà báo” mới viết được bản tin, không hề biết rằng viết tin rất dễ, không khó như họ tưởng (kiếm được tiền là chuyện khác nha, chúng tôi không đề cập đến chuyện đó ở đây).
Vì thiếu phương tiện để viết tin cho các hội đoàn, Viễn Đông News xin cống hiến mấy điều căn bản sau đây để giúp quý vị tự viết một bản tin cho hội của mình và gởi đến các báo. Đây là những nguyên tắc chung cho việc viết tin tức, dù là một bản tin ngắn 500 chữ hay một bài phóng sự điều tra dài 10,000 chữ.
1. Năm “W”: Who, What, Where, When, và Why. (Ai, chuyện gì, ở đâu, lúc nào, và tại sao). Đôi khi còn có thêm “How” (cách nào). Tùy trường hợp, “W” nào quan trọng thì được nhắc tới đầu tiên, không cứ phải bản tin nào cũng theo thứ tự 5 W rập khuôn, y chang như nhau.
2. Hình thức của một bản tin thông thường được mô tả giống như một kim tự tháp ngược: bắt đầu với những thông tin quan trọng nhất, rồi đến những dữ kiện chính xác hỗ trợ cho những thông tin đó, thêm vào những câu phát biểu, kết thúc với những thông tin kém quan trọng nhưng vẫn có liên quan đến sự kiện giúp cho bản tin bớt khô khan (như đọc một tờ biên bản của cảnh sát chẳng hạn).
3. Đoạn văn đầu tiên, và thứ hai, được xem là rất quan trọng, vì nó thường tóm lược nội dung chính của bản tin. Độc giả chỉ cần lướt qua đoạn đầu là nắm được ý chính của bản tin, nếu họ không có thời giờ để đọc hết bản tin.
4. Không viết ý kiến chủ quan trong bản tin (thí dụ “cô ấy rất đẹp, ông ấy hát rất hay, các em bé mặc áo dài rất xinh, ông chính trị gia đó nói đúng lắm, bà kia làm từ thiện rất đáng quý, v.v.). Một bản tin khác với một bài bình luận, bài blog, cảm niệm, hay tản mạn, người viết không cho ý kiến riêng của mình vào bản tin, phải giữ lập trường khách quan, chỉ ghi chép những dữ kiện, tuy nhiên, một người được phỏng vấn cho bản tin thì lại có thể nói lên ý kiến chủ quan của mình, nói thoải mái.
5. Dùng chữ nghĩa phổ thông, dễ hiểu, tránh những từ ngữ chuyên môn ít người biết, nếu được. Tránh lập đi lập lại những dữ kiện đã nhắc tới (những bản tin từ Việt Nam thường viết như vậy, đọc mệt lắm).
6. Thời nay thì việc chụp hình rất dễ dàng, ai cũng có thể làm được với điện thoại cá nhân, không cần sắm máy tốt chuyên nghiệp, nên kèm bản tin với vài tấm hình để hỗ trợ cho nội dung bài viết. Đôi khi những tấm hình lại chính là phần tin mà độc giả xem nhiều nhất.
7. Vì độc giả thường có ít thời giờ để đọc báo (họ có thể xem truyền hình, lên facebook cả giờ đồng hồ nhưng lật xem mấy trang báo chừng 5 phút là xong), nên một bản tin không nên quá dài, từ 500 đến 1,500 chữ là đủ, tùy sự kiện. Khác với truyện tiểu thuyết, một bản tin nên được ngắt ra thành nhiều đoạn ngắn, chừng một, hai câu lại xuống hàng. Nhìn một khối chữ to đùng không xuống hàng thì độc giả rất ngán, không muốn đọc, uổng công người viết.
Trên đây là mấy điều căn bản, giúp quý vị nào muốn tự viết tin gởi cho các cơ sở truyền thông, cả báo giấy lẫn đài truyền hình, truyền thanh. Lẽ đương nhiên một ký giả cần nhiều năm kinh nghiệm, ở Mỹ phải có bằng cử nhân bốn năm về Journalism hay English mới dám xin việc ở các cơ sở truyền thông, nhưng họ cũng phải nắm vững những điều nói trên, cho tin cộng đồng, tin thời sự, tin kinh doanh hay bất cứ một loại tin nào ở địa phương hoặc trên thế giới.
Mong rằng những hướng dẫn kể trên sẽ giúp quý vị (những phóng viên tương lai) có thể tự viết tin và gởi đến các báo (hy vọng là ưu tiên cho Viễn Đông News) hoặc phổ biến trong nội bộ. Chúng tôi sẵn sàng nhận đăng những bản tin từ các hội đoàn, cộng đồng.
Xin liên lạc qua email: bodaverse@gmail.com
Những bản tin mẫu cho chỉ dẫn nói trên: