Võ Văn Thưởng chính thức là tân chủ tịch nước CSVN

Võ Văn Thưởng tuyên thệ Chủ Tịch Nước sáng thứ Năm, 2 tháng 3, 2023. (TTXVN)

Vào sáng thứ Năm, 2 tháng 3, Võ Văn Thưởng đã tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam thay thế Nguyễn Xuân Phúc, người bất ngờ từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ hồi tháng Giêng trong những biến động chính trường chưa từng có tiền lệ giữa chiến dịch truy quét tham nhũng ngày càng sâu rộng.

Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, là đảng viên trẻ tuổi nhất trong hàng ngũ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản hiện nay, và cũng là Chủ Tịch Nước trẻ nhất từ khi Cộng Sản giành quyền lực tại miền Bắc năm 1945. Cha mẹ ông là người miền Nam (quê quán xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), tập kết ra Bắc trong thời nội chiến Việt Nam, và sanh ông ở tại Hải Dương ngoài Bắc.

Trong một phiên họp bất thường, Quốc Hội Việt Nam đã bầu chọn với hầu hết số phiếu khi 487/488 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành để chọn vị thường trực Ban Bí Thư Đảng làm tân chủ tịch nước, một vai trò chủ yếu mang tính lễ nghi nhưng nằm trong nhóm bốn lãnh đạo có quyền lực chính trị hàng đầu ở Việt Nam.

Ghế chức chủ tịch nước đã bị trống và được bà Võ Thị Ánh Xuân tạm giữ sau khi ông Phúc bị buộc phải từ chức hồi giữa tháng Giêng vì “chịu trách nhiệm” liên quan đến vụ tham nhũng Việt Á, một đại án trong chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc Hội với tư cách là tân chủ tịch nước, Võ Văn Thưởng cho biết ông sẽ “kiên quyết” tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng.

“Tôi, chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà Nước và nhân dân giao phó,” ông Thưởng nói tại lễ tuyên thệ hôm thứ Năm do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì được truyền thông nhà nước đăng tải.

Võ Văn Thưởng được coi là thân cận với Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất của Việt Nam và là người dẫn dắt cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng kể từ khi giành được nhiệm kỳ thứ hai làm tổng bí thư vào năm 2016.

Ông Trọng, người từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang qua đời năm 2018, được xem là đang muốn tìm người kế nhiệm mình trên cương vị tổng bí thư Đảng mà hiện ông đang đảm nhiệm trong nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp chưa từng có tiền lệ. Ông tổng bí thư 78 tuổi này được cho là có thể từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026.

Tổng bí thư thường được chọn từ một trong những nhà lãnh đạo trong nhóm “tứ trụ” của Việt Nam, trong đó còn gồm chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ.

Việc Võ Văn Thưởng được chọn làm chủ tịch nước sẽ giúp việc chuyển giao quyền lực của ông Trọng trở nên êm thấm sau khi việc này đã không diễn ra theo ý muốn của ông Trọng tại Đại Hội Đảng 13. Thưởng là người “gần gũi” với cả ông Trọng và ông Huệ nên việc chọn ông Thưởng làm chủ tịch nước sẽ tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực của ông Trọng được “thuận buồm xuôi gió” bởi ông Trọng đã nhắm ông Huệ là người kế nhiệm ghế tổng bí thư. Nếu một vị chủ tịch nước được chọn từ một phe nhóm đối lập hoặc có sự cạnh tranh quyền lực với ông Huệ sẽ có thể làm phức tạp hóa quá trình chuyển giao đó.

(Nguồn VOA Việt ngữ)

Leave a Reply