Xã hội bất ổn tự bao giờ?

Bài NGUYÊN QUANG

Hình như đây là câu hỏi của không riêng gì Việt Nam, mà khi đặt riêng câu hỏi này ở Việt Nam, thì nó cũng không riêng gì thời đại nào, dường như ở thời đại nào, triều đại nào cũng có những quãng bất ổn, vấn đề là sự bất ổn đó kéo dài ra sao và mức độ bất ổn có trầm trọng hay không. Điều này, có lẽ câu trả lời chính xác nhất lại thuộc về lịch sử.

Bất ổn như thế nào?

Một cựu giảng viên đại học, với học hàm Phó Giáo Sư Tiến sĩ, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Xã hội nào cũng có sự bất ổn của nó, nhưng sự bất ổn chạm đỉnh cũng có nghĩa là lịch sử sắp khép lại.”

“Lịch sử sắp khép lại là sao, thưa thầy, xin thầy nói cho rõ hơn một chút được không ạ?”

“Thời Việt Nam Cộng Hòa, những năm đệ nhị Cộng Hòa dường như xã hội bắt đầu manh mún, nhen nhóm bất ổn và dần dà, nạn tham nhũng, nạn vô trách nhiệm trở nên trầm trọng, cái đích cuối cùng của chế độ này lại là sự mất mát đồng minh, mà nói chính xác hơn là mất nguồn viện trợ lớn từ Mỹ bởi Mỹ đã không tìm thấy giá trị lợi dụng cũng như họ đã tạt sang một hướng mới. Và 30 tháng Tư chỉ là hồi chuông cuối cùng. Nói như vậy để thấy với một chế độ văn minh, tiến bộ và dân chủ như Việt Nam Cộng Hòa vậy mà một khi để xã hội bất ổn thì sự sụp đổ cũng kéo đến ngay thôi!”

“Xin hỏi thầy một câu hỏi hết sức nhạy cảm và tế nhị, với Việt Nam hiện tại thì sao?”

“Đây là câu hỏi quá nhạy cảm và cũng vô cùng khó trả lời trong lúc này, nên thôi, để lịch sử trả lời vậy. Vấn đề tôi muốn nói ở đây là thời gian chưa đầy ba năm nhưng sự bất ổn xã hội lại quá cao, nó có đặc trưng riêng nhưng nó cũng hàm chứa mối đe dọa.”

“Thưa thầy, đặc trưng riêng là gì và mối đe dọa là gì?”

“Đặc trưng riêng nằm ở chỗ dù sao nó cũng cho thấy một quyết tâm vừa bảo vệ chế độ vừa tiêu diệt tham nhũng, tiêu cực xã hội. Bảo vệ chế độ bởi vì nếu tiếp tục để sâu bọ trong hệ thống hoành hành thì chắn chắn chế độ sụp đổ, đương nhiên bảo vệ tới đâu thì câu chuyện này thuộc về lịch sử. Nhưng một chế độ chính trị tự thay đổi, tự tốt hơn cũng dễ chịu cho đất nước, xã hội hơn là sự sụp đổ và sau đó là nội loạn không thể tránh do sự đòi hỏi về thời gian trong sắp xếp quyền lực giữa các đảng phái, phe nhóm mà có thể là đi đến bế tắc như Lybia, Ai Cập… Và trên chừng mực nào đó, nó có cái lý của nó. Nhưng, mối đe dọa lại nằm ở chỗ đôi khi chính sự tiêu diệt, làm sạch này lại gây ra chuỗi phản ứng phát sinh phe trục mới giữa kẻ ra đi với người ở lại, nó khiến cho nội bộ chẳng còn là nội bộ và mối nguy từ những cuộc tranh giành, đấu đá quyền lực ngay trong những kẻ từng ngồi chung một mâm với nhau. Một khi nó xảy ra, thì câu chuyện sẽ rất khó mà nói được trầm trọng cỡ nào.”

“Thưa thầy, như vậy thầy bi quan về vấn đề hiện tại?”

“Thực sự thì tôi không bi quan, bởi tôi sống qua hai chế độ, tôi nhận ra rằng chế độ trước có văn minh, tự do hơn chế độ sau này nhưng bù vào đó, mức độ tự lực tự cường của chế độ trước hoàn toàn không có, cho dù lúc đó về mặt kĩ nghệ, chế độ trước đã tự chế được chiếc xe hơi Le Dalat. Nhưng đây là chuyện cũng khá tế nhị về mặt sáng tạo hay sáng chế, riêng chế độ hiện tại, mức độ tự do, dân chủ có phần yếu hơn, nhưng bù vào đó, mức độ tự lực tự cường của nó lại cao hơn. Suy cho cùng, chẳng thể nói cái nào hơn cái nào trong lúc này. Sự sụp đổ là điều đáng sợ nhất, nhưng hiện tại, nếu chịu khó phân tích thì chế độ này ít có khả năng sụp đổ, đó là chưa muốn nói nó tồn tại như một cực khác của thế giới nhị phân đầy bất toàn này!”

“Thầy thấy tình hình hiện tại, về mặt xã hội như thế nào?”

“Thực sự là quá phức tạp, xã hội hiện tại đầy bất an, sự bất an đến từ cái gốc là những nhà quản lý địa phương vừa yếu kém về năng lực vừa léo hánh về văn bằng nên họ vừa đánh mất sự tin tưởng, nể vì của người dân lại vừa thỏa hiệp với cái xấu bởi bản chất của họ cũng chẳng tốt đẹp gì. Ngay từ đầu đã có sự giả mạo về bằng cấp để ôm ghế thì không thể nói là không xấu được. Một khi bộ máy này thanh lọc thì câu chuyện đất nước lại sáng sủa hơn.”

“Liệu có thanh lọc nổi không một khi chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng đang lo lắng rằng ‘bắt hết thì lấy ai phục vụ’?”

“Đó chỉ là quan điểm nhất thời, tôi thường nhìn vào thực tế, người ta vẫn đang ráo riết bắt đấy thôi, và lực lượng trẻ cũng không phải là ít. Mà điều đáng nói là họ cũng là những đảng viên hoặc đối tượng đảng. Bởi hầu hết trí thức trẻ đều được nhắm đến, được kết nạp hoặc được tạo cảm tình đảng. Đây là một sự thật, nó cũng lý giải vì sao lực lượng đấu tranh dân chủ chưa bao giờ xô ngả được họ, bởi vì trong lực lượng đảng có rất nhiều người ưu tú, vấn đề là họ đã chọn đảng và họ hành xử theo cách của một đảng viên.”

“Như vậy…?”

“Tôi không nghĩ bất an đến từ những người trẻ có năng lực kia, mà nó đến từ những cán bộ quá tham lam, quá thỏa hiệp và quá bất chấp!”

Người dân vẫn cứ phải sống và làm việc

Xã hội càng bất an thì người lao động càng đối mặt với những phiền toái, mệt nhọc và ngặt nghèo, bởi kinh tế của những gia đình nghèo bao giờ cũng chạy lẹt đẹt theo sau bánh xe lịch sử, đó là sự thật. Như lời nhận xét của một người đang là phóng viên của một hãng truyền thông nhà nước, không muốn nêu tên, “Người dân bây giờ cứ giống như một cổ hai tròng vậy! Và đã quen với việc mặc áo chật!”

“Như vậy nghĩa là sao anh?”

“Khi anh đã quen với chiếc áo chật chội thì anh không thấy nó chật chội nữa, khi anh đã quen với đời sống thiếu tự do, thiếu dân chủ, anh nói gì cũng phải nhìn trước ngó sau, cái gì anh thấy bất lợi hoặc nguy hiểm mà lẽ ra nó vẫn bình thường trong xã hội tiến bộ thì anh chọn im lặng cho chắc ăn. Như vậy, dần dà sẽ thành thói quen, thành tập khí chung của một đất nước và cuối cùng nó chuyển hóa thành căn tính dân tộc”

“Chiếc áo chật anh muốn nói ở đây có phải là sự chịu đựng một cách không biết gì của người dân, họ im lặng trước cả bất công và trái pháp luật?”

“Đúng vậy, nếu người dân hiểu rõ về pháp luật thì cán bộ địa phương sẽ rất khó để làm điều càn quấy. Hầu hết các vấn đề, các câu chuyện bất công xảy ra đều có nguyên nhân là cả hai phía đều lơ mơ về pháp luật, phía người dân không tỏ tường pháp luật nên bị cán bộ lừa, ngược lại, bản thân cán bộ cũng chả thấu đạt về pháp luật nên không biết sợ, dễ dàng lừa đảo người dân. Người dân thì cứ tâm lý hễ cán bộ nhà nước thì chắc chắn hiểu luật, làm theo luật… đâm ra mọi chuyện rối rắm!”

“Như vậy, theo anh, cần phải phổ biến luật cho người dân?”

“Đúng rồi, phải phổ biến luật, điều này hoàn toàn hợp lẽ, Việt Nam có nhiều kênh truyền thông nhà nước, nhưng các kênh này chỉ toàn phóng viên học báo chí, văn chương ra mà không có các chuyên gia luật, phải có họ để làm chuyên mục về pháp luật mà phổ biến.”

“Ngoài việc phổ biến pháp luật, anh nghĩ còn cần làm việc gì khác?”

“Có rất nhiều việc cần làm, phổ biến luật cho người dân là nền tảng, nhưng trên nền tảng đó xây dựng cái gì lại là chuyện khác. Nếu trên nền tảng nhân dân hiểu biết pháp luật, sống tôn trọng pháp luật và sống có văn hóa, mà cán bộ phường, xã cứ lẹt đẹt như dùi đục chấm mắm cáy như vậy thì chẳng thể yên được đâu. Hệ thống cán bộ phường, huyện, thị phải được thay đổi theo hướng chính qui, mà phải chính qui về cung cách làm việc, tác phong và thái độ làm việc chứ không chỉ chính qui trên cái bằng đại học, bởi chỉ vì cái bằng đại học mà cho rằng đã chính qui thì vô nghĩa!”

“Anh thấy tình trạng xã hội hiện tại ra sao?”

“Từ sau ba năm dịch, kinh tế khủng hoảng, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản trong vòng chưa đầy nửa năm cũng có nghĩa là hàng triệu con người rơi vào thất nghiệp và mức độ loạn của xã hội sẽ tăng cao, nạn cướp bóc, làm càn sẽ tăng tỉ lệ nếu như nhà nước không kịp thời vãn hồi.”

“Anh có tin rằng tình hình sẽ được vãn hồi sớm?”

“Tôi hi vọng rằng tình hình sẽ vãn hồi sớm, bởi nếu không vãn hồi, thì người đầu tiên đau khổ sẽ là dân nghèo và người cuối cùng chịu trận cũng là dân nghèo. Chứ người giàu, họ đương nhiên sẽ có lợi thế của họ, bởi họ cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm lịch sử bằng truyền miệng hoặc bằng các bài học qua sách vở. Thực sự là tôi thấy lo, nhưng tôi cũng tin và hi vọng rằng tình hình kinh tế đất nước sẽ sớm tốt đẹp”

Tôi, một người dân đang sống tại Việt Nam, cũng chỉ biết trông mong như anh ấy, bởi đã quen với cái áo chật của đời mình mà tôi thừa biết rằng nếu cởi cái áo chật ấy ra, sẽ còn rất lâu để có cái áo mới rộng hơn và cũng chẳng có gì để đảm bảo rằng sẽ có cái áo mới rộng hơn. Bởi căn tính Việt đã mách bảo với tôi rằng ngay lúc này, chưa có ai chịu và đủ vải để may những chiếc áo rộng. Tuy buồn nhưng cũng chẳng thể nghĩ được gì khá hơn!

Leave a Reply